Một số kết quả nổi bật từ mô hình thuộc dự án: “Xây dựng mô hình chăn nuôi gà thịt lông màu VietGAHP, liên kết HTX theo chuỗi giá trị tại một số tỉnh phía Bắc” triển khai tại Hải Phòng năm 2023

09:20:18 30/09/2023 Lượt xem 1492 Cỡ chữ

Model.C_Title
Mục lục

        Thực hiện Hợp đồng số 21.2.22/HĐKN ngày 10/8/2022 giữa Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng về triển khai dự án “Xây dựng mô hình chăn nuôi gà thịt lông màu VietGAHP, liên kết HTX theo chuỗi giá trị tại một số tỉnh phía Bắc” giai đoạn 2022-2024, năm 2023 Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng triển khai dự án tại 5 tỉnh/thành phố: Hải Dương, Thái Nguyên, Bắc Giang, Phú Thọ, Hải Phòng, với quy mô 43.000 con gà thịt lông màu/43 hộ tham gia mô hình. Trong đó, dự án triển khai tại Hải Phòng với quy mô 9.000 con/ 09 hộ trên địa bàn xã Việt Tiến, huyện Vĩnh Bảo. Mô hình triển khai tại Hải Phòng góp phần thực hiện mục tiêu chung của toàn dự án.

Mô hình chăn nuôi gà lông màu theo tiêu chuẩn VietGHAP tại Hải Phòng

            Kỹ thuật áp dụng vào dự án

          - Chuyển giao 9.000 con gà Ri lai 01 ngày tuổi, gà đạt chất lượng loại I, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, an toàn dịch bệnh, có năng suất, chất lượng cao phù hợp với điều kiện chăn nuôi tại các địa phương triển khai mô hình.

        - Áp dụng quy trình VietGAHP theo Quyết định số 4653/QĐBNN-CN ngày 10/11/2015 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về Quy trình thực hành chăn nuôi tốt cho chăn nuôi gà. Chứng nhận VietGAHP cho nhóm hộ ngân sách nhà nước hỗ trợ 100%.

           Trung tâm Khuyến nông là cầu nối giữa các hộ chăn nuôi với đơn vị liên kết tiêu thụ sản phẩm là gà thương phẩm được chứng nhận VietGAHP. Qua đó gia tăng chất lượng và giá trị của thịt gia cầm giúp cho người chăn nuôi ổn định và có thu nhập cao hơn so với chăn nuôi thông thường.

           Nội dung triển khai mô hình

         Để xây dựng mô hình đạt hiệu quả, Trung tâm Khuyến nông đã tiến hành khảo sát chọn địa điểm phù hợp thực hiện mô hình, chọn 09 hộ tham gia đủ điều kiện áp dụng chăn nuôi gà theo VietGAHP và thành lập 01 nhóm hộ. Các hộ tự nguyện tham gia, nhiệt tình, ham học hỏi, sẵn sàng tiếp thu khoa học kỹ thuật mới được chuyển giao từ mô hình, có đủ điều kiện về vốn, có khả năng và mong muốn trao đổi kinh nghiệm với người xung quanh để tham gia xây dựng mô hình.

          Nhóm hộ có vai trò quy tụ các thành viên để cùng hợp tác sản xuất, nhập giá thức ăn chăn nuôi, vật tư chăn nuôi với số lượng lớn được giá rẻ. Hợp tác sản xuất để đủ năng lực ký hợp đồng với các doanh nghiệp (thương lái) thu mua sản phẩm chăn nuôi. Tăng khả năng tiếp cận thông tin thị trường, rút ngắn khâu trung gian trong quá trình tiêu thụ sản phẩm, hạn chế việc bị thương lái ép giá….Tạo vùng nguyên liệu sản phẩm chăn nuôi an toàn cung cấp thường xuyên; tăng khả năng tiêu thụ, tăng khả năng tìm kiếm thị trường xuất khẩu; có điều kiện xây dựng nhãn hiệu cho sản phẩm để cho người tiêu dùng nhận biết. Có điều kiện phát triển thương hiệu sản phẩm chăn nuôi an toàn, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm.

          Tổ chức tập huấn trong mô hình cho các hộ nông dân tham gia thực hiện mô hình và các hộ không tham gia mô hình nhưng mong muốn học hỏi kỹ thuật chăn nuôi có điều kiện kinh tế chuồng trại và nhân lực để phát triển chăn nuôi gà lông màu thương phẩm.

          Tăng cường công tác hướng dẫn kỹ thuật trực tiếp tại mô hình trình diễn, phân công cán bộ Khuyến nông chỉ đạo kỹ thuật, đôn đốc các hộ thực hiện đảm bảo quy trình VietGAHP và đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật của mô hình.

           Tổ chức mua gà giống, vắc xin, chế phẩm sinh học, hóa chất sát trùng cấp phát đến hộ tham gia mô hình. Trong đó mua tập trung 100% số lượng gà giống và vắc xin của mô hình (Hộ dân đối ứng 50% giá trị mua giống và vắc xin), mua hỗ trợ 50% chế phẩm sinh học, hóa chất sát trùng theo đúng định mức được phê duyệt.

           Ký hợp đồng với đơn vị tư vấn, hướng dẫn đào tạo các hộ thực hiện quy trình VietGAHP và đơn vị đánh giá chứng nhận VietGAHP để thực hiện đánh giá cấp giấy chứng nhận VietGAHP cho nhóm hộ chăn nuôi (theo Quyết định số 4653/QĐBNN-CN ngày 10/11/2015 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).

         Trung tâm Khuyến nông là cầu nối giữa các đơn vị tiêu thụ sản phẩm với nhóm hộ chăn nuôi gà trong mô hình để ký hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm. Trong hợp đồng nêu rõ những nguyên tắc, quy định khi ký kết hợp đồng, đảm bảo 2 bên cùng có lợi, giúp cho việc tiêu thụ sản phẩm được tốt hơn, tạo đầu ra ổn định cho người chăn nuôi, giúp chăn nuôi phát triển bền vững.

             Kết quả đạt được từ mô hình

           * Kết quả các chỉ tiêu kỹ thuật đạt được

           Giống gà Ri lai được nhập tại các cơ sở uy tín, chất lượng, an toàn dịch bệnh, được chọn lọc kỹ lưỡng, có độ đồng đều cao, đạt tiêu chuẩn giống gà loại 1, kết hợp với chăn nuôi theo quy trình VietGAHP, kiểm soát tốt từ việc nhập giống đến quá trình chăm sóc, nuôi dưỡng, phòng trị bệnh đảm bảo kỹ thuật. Do vậy, tỷ lệ nuôi sống đến xuất chuồng cao, đạt 97,29%, cao hơn so với ngoài mô hình từ 2-3%; khối lượng bình quân gà Ri lai lúc xuất chuồng (14 tuần tuổi) đạt bình quân 1,90 kg/con, cao hơn so với ngoài mô hình khoảng 0,2 kg/con. Tiêu tốn thức ăn 2,9 kg thức ăn/kg tăng trọng gà đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của Dự án.

              Về thực hiện quy trình VietGAHP:

            Trước khi tham gia dự án, các hộ không áp dụng quy trình VietGAHP, nhất là không có sự kiểm soát từ khâu nhập giống, không tuân thủ quy trình vắc xin phòng bệnh, vệ sinh chuồng trại kém và không có sự cách ly tốt trong việc thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học. Do vậy, tỷ lệ nuôi sống chưa cao (đạt 91-94%), chi phí thuốc thú y cao (khoảng 11.000–13.000 đồng/con), ghi chép sổ sách theo dõi không đầy đủ, không hạch toán được chi tiết hiệu quả kinh tế. Chăn nuôi thiếu tính bền vững và không phù hợp với xu thế phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa.

          Khi tham gia dự án: Các hộ tham gia mô hình được tập huấn, hướng dẫn quy trình VietGAHP chăn nuôi gà theo Quyết định số 4653/QĐ-BNN-CN ngày 10/11/2015 của BNNPTNT. Cán bộ kỹ thuật mô hình phối hợp cùng đơn vị tư vấn thường xuyên hướng dẫn, nhắc nhở, đôn đốc các hộ thực hiện đảm bảo các tiêu chí VietGAHP, có hành động khắc phục các nội dung chưa đạt nêu trên.

          Nhóm hộ tham gia mô hình đã được đơn vị chứng nhận VietGAHP chứng nhận và cấp giấy chứng nhận VietGAHP ban hành kèm theo Quyết định số VietGAHP – CN -23-01-0001 ngày 16/8/2023, mã số chứng nhận VietGAHP – CN -23-01-0001, ngày cấp 16/8/2023 cho nhóm hộ liên kết chăn nuôi gà lông màu xã Việt Tiến, huyện Vĩnh Bảo.

         Chăn nuôi theo quy trình VietGAHP, việc tuân thủ quy trình phòng bệnh bằng vắc xin, phòng trị bệnh, sử dụng thuốc thú y hợp lý, cân đối việc sử dụng thức ăn chăn nuôi, nhập giống rõ nguồn gốc xuất xứ, có ghi chép nhật ký từ việc thực hiện kỹ thuật đến thu, chi, hạch toàn kinh tế. các hộ đã nhận thấy hiệu quả chăn nuôi tăng lên rõ rệt. Dịch bệnh giảm; tỷ lệ nuôi sống đã tăng lên từ 2 – 3% so với trước khi tham gia dự án; Chi phí thuốc thú y giảm từ 1000 đồng – 1.500 đồng/con, tăng chất lượng sản phẩm, tăng hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

 

       Giấy chứng nhận VietGAHP được cấp cho nhóm hộ liên kết chăn nuôi gà lông màu xã Việt Tiến, huyện Vĩnh Bảo.

         * Về kết quả thực hiện liên kết tiêu thụ sản phẩm

          - Trước khi tham gia dự án, việc kết nối với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm cho các hộ còn khó khăn, không có kế hoạch ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp tiêu thụ từ thời điểm bắt đầu nhập giống, việc xuất bán sản phẩm phụ thuộc nhiều vào thương lái, thường xuyên bị thương lái ép giá. Giá bán hoàn toàn do thương lái quyết định nên lợi nhuận thu về nông dân chỉ khoảng 20%, còn lại doanh nghiệp và thương lái. Hiệu quả kinh tế chưa cao, chăn nuôi thiếu tính bền vững.

       - Khi dự án triển khai, Trung tâm Khuyến nông đã tập trung chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về giống, quy trình VietGAHP để tạo sản phẩm có chất lượng cao, an toàn kết hợp với xúc tiến liên kết tiêu thụ sản phẩm là một giải pháp quan trọng để gia tăng lợi nhuận và nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm, góp phần phát triển chăn nuôi gia cầm bền vững.

            Trung tâm Khuyến nông đã xúc tiến ký 01 hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm giữa nhóm hộ và doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm. Việc ký kết hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm đã đảm bảo đôi bên cùng có lợi. Thông qua việc liên kết, người chăn nuôi đã thu được lợi nhuận, giải quyết nỗi lo bị thương lái ép giá, yên tâm sản xuất. Sản phẩm có kiểm soát về chất lượng có chỗ đứng trên thị trường. Doanh nghiệp thu mua được sản phẩm đảm bảo chất lượng, tăng uy tín cho doanh nghiệp.

            * Hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường

          Hạch toán kinh tế khi nuôi 1.000 con gà Ri lai trong mô hình so với ngoài mô hình, cùng phương thức nuôi, cùng chất lượng giống và thức ăn, vật tư, nuôi 14 tuần của hộ trong mô hình áp dụng quy trình VietGAHP nên tăng được tỷ lệ nuôi sống, tăng giá bán, cho lãi đạt 24.399.000 đồng. Hộ ngoài mô hình không chăn nuôi theo VietGAHP có giá bán thấp, tỷ lệ nuôi sống thấp chỉ lãi được 20.731.200 đồng. Hiệu quả kinh tế của hộ trong mô hình cao hơn hộ hộ ngoài mô hình là 17,69 %

          Dự án đã chuyển giao giống gà tiến bộ bổ sung vào bộ giống gà chủ lực của địa phương triển khai mô hình, cùng với việc áp dụng quy trình chăn nuôi theo VietGAHP, liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm đã nâng cao hiệu quả kinh tế xã hội, nâng cao thu nhập và tạo việc làm ổn định cho người chăn nuôi, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân ở khu vực nông thôn trong chương trình xây dựng nông thôn mới.

          Hành vi, kỹ năng sản xuất của người chăn nuôi, nhất là chăn nuôi nông hộ thay đổi từ chăn nuôi truyền thống, theo nếp cũ, phân tán, mạnh ai lấy làm sang phát triển chăn nuôi hàng hóa áp dụng quy trình VietGAHP, có giá trị gia tăng cao, an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, an toàn sinh học và bền vững.

          Dự án tập huấn và truyên truyền cho người chăn nuôi kỹ thuật chăn nuôi gà lông màu theo VietGAHP nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế chăn nuôi; quy trình VietGAHP nhằm truy xuất nguồn gốc từ điều kiện chăn nuôi, con gống, vật tư chăn nuôi…ngăn ngừa và hạn chế các mối nguy cơ gây gây ô nhiễm ảnh hưởng đến an toàn thực phẩm đối với sản phẩm, bảo vệ môi trường, sức khỏe cộng đồng; Giới thiệu một số kiến thức về liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nhằm gắn kết người sản xuất với thị trường tiêu thụ sản phẩm.

          Mô hình cho kết quả cao về hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường, đem lại thu nhập cho người chăn nuôi, góp phần phát triển chăn nuôi gà bền vững và hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường; là cơ sở để hình thành vùng chăn nuôi tập trung theo hướng hàng hóa. Mô hình có khả năng phát triển và nhân rộng ra sản xuất đại trà.

Ths. Bùi Thị Nguyên - Phòng Chuyển Giao KTNN

Đối tác/Liên kết
Trang chủ
Thống kê truy cập
  • Hôm nay: 2065
  • Hôm qua: 4522
  • Tuần này: 29866
  • Tuần trước: 29296
  • Tháng này: 270641
  • Tháng trước: 306531
  • Lượt truy cập: 2838702
0225.3541.398 
messenger icon