Ngày 15/7/2025, tại xã Việt Khê (huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng), Sở Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với Công ty Cổ phần Đại Thành và các doanh nghiệp, hợp tác xã, nông hộ tiêu biểu tổ chức Hội thảo đầu bờ giới thiệu mô hình “Cánh đồng công nghệ trong sản xuất lúa giảm phát thải khí nhà kính, gắn với tăng trưởng xanh”.
Tham dự hội thảo có sự góp mặt của đại biểu Trung ương và địa phương
Hội thảo có sự tham dự của đại diện lãnh đạo Bộ Nông nghiệp & Môi trường, Ông Nguyễn Trung Tín- Cục Trồng Trọt-BVTV, Ông Hồ Phi Tuấn -phó Trưởng phòng Cơ điện nông thôn, Cục Hợp tác kinh tế PTNT; GS.TSKH Vương Khả Cúc, PGS, TS Mai Quang Vinh-Ban vận động Hiệp Hội Chuyển đổi Xanh Việt Nam; TS Vũ Duy Hoàng - Học viện Nông nghiệp Việt Nam,…
Về phía thành phố Hải Phòng, đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp & Môi trường Hải Phòng – bà Lương Thị Kiểm, Phó Giám đốc Sở; đại diện lãnh đạo các Chi cục PTNT, Trồng trọt và BVTV, Trung tâm Khuyến nông, Lãnh đạo UBND xã Việt Khê, cùng đông đảo doanh nghiệp, hợp tác xã, câu lạc bộ đại điền và nông dân tiêu biểu.
Ngoài ra, hội thảo còn có sự tham gia của các cơ quan báo chí: Đài VOV, Báo Nông nghiệp và Môi trường, Trung tâm Báo chí và Truyền thông TP Hải Phòng, cùng các nhà báo chuyên trách trong lĩnh vực nông nghiệp.
Mô hình đầu tiên tại Hải Phòng tích hợp công nghệ toàn diện trong sản xuất lúa
Đây là mô hình đầu tiên trên địa bàn thành phố Hải Phòng ứng dụng đồng bộ các thiết bị công nghệ hiện đại trong toàn chuỗi sản xuất lúa – từ khâu làm đất, gieo cấy, chăm sóc, thu hoạch đến sau thu hoạch. Với quy mô 46,3 ha vụ Mùa 2025, mô hình do một hộ đại điền tại xã Việt Khê thực hiện trên diện tích đã tích tụ ruộng đất, có sự hỗ trợ 40% kinh phí đầu tư từ ngân sách thành phố theo Quyết định 384/QĐ-UBND ngày 10/2/2025.
Trình diễn Thiết bị dẫn đường GPS NX510
Các thiết bị và công nghệ chủ lực được triển khai gồm:
- Máy san phẳng mặt ruộng điều khiển định vị vệ tinh (CNC): Giúp mực nước đồng đều, tiết kiệm phân bón và nước tưới, tăng hiệu quả gieo cấy.
- Thiết bị dẫn đường GPS NX510: Hỗ trợ điều khiển máy móc chính xác theo đường định trước, giảm chồng lặp và tiết kiệm nhiên liệu.
- Máy bay không người lái (drone): Phun thuốc – bón phân chính xác, hạn chế sử dụng hóa chất, đảm bảo an toàn cho người sản xuất và môi trường.
- Thiết bị cuộn rơm tự động: Thu gom toàn bộ rơm rạ sau thu hoạch, ngăn chặn tình trạng đốt rơm gây ô nhiễm không khí.
- Hệ thống tưới ngắt quãng AWD: Áp dụng kỹ thuật tưới khô – ướt xen kẽ, giúp giảm 30% khí metan (CH4) phát thải, tiết kiệm 20–30% nước tưới.
- Giống lúa chất lượng cao JO2: Được Công ty TNHH Xanh Kỳ Duyên bao tiêu sản phẩm, đảm bảo đầu ra ổn định, hướng tới xuất khẩu.
Trình diễn Máy bay không người lái (drone)
Mô hình đặt mục tiêu rõ ràng và có tính khả thi cao, cụ thể:
- Giảm 30–40% chi phí lao động nhờ cơ giới hóa toàn diện.
- Tăng 5–10% năng suất so với phương thức truyền thống.
- Tiết kiệm 30–40% lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, góp phần giảm ô nhiễm môi trường.
- 100% rơm rạ được thu gom, không còn tình trạng đốt đồng gây khói bụi.
- Giảm phát thải khí nhà kính 20–30%, góp phần thực hiện cam kết tăng trưởng xanh của thành phố.
- 100% sản lượng thóc được liên kết tiêu thụ, phục vụ chế biến và hướng tới xuất khẩu.
Quang cảnh Hội nghị
Chia sẻ từ hội thảo: Đồng thuận trong tầm nhìn chuyển đổi xanh
Tại hội thảo, bà Lương Thị Kiểm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường TP Hải Phòng, nhấn mạnh:
“Mô hình ‘Cánh đồng công nghệ’ là bước đột phá trong quá trình hiện đại hóa nông nghiệp. Đây không chỉ là mô hình trình diễn, mà còn là minh chứng rõ ràng cho quá trình chuyển đổi số, hướng tới nền nông nghiệp thông minh, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.”
Ông Nguyễn Đức Trường – Giám đốc Công ty CP Đại Thành chia sẻ: “Các thiết bị và giải pháp công nghệ ứng dụng trong mô hình đều nhằm tối ưu hóa chi phí, tăng năng suất, bảo vệ môi trường và sức khỏe người sản xuất”.
Tiến sĩ Vũ Duy Hoàng, đại diện Học viện Nông nghiệp Việt Nam, trình bày hiệu quả kỹ thuật tưới ngắt quãng AWD một giải pháp kỹ thuật then chốt để giảm phát thải khí CH4 trong sản xuất lúa nước.
Bà Lương Thị Kiểm – PGĐ Sở Nông nghiệp và Môi trường phát biểu khai mạc
Đại diện nông hộ triển khai mô hình – ông Nguyễn Văn Hùng, xã Việt Khê, nhấn mạnh: “Muốn sản xuất quy mô lớn và áp dụng công nghệ hiện đại hiệu quả thì điều kiện tiên quyết là phải tích tụ ruộng đất, tạo thành cánh đồng liền vùng, liền thửa.”
Trung tâm Khuyến nông Hải sẽ tiếp tục phối hợp với UBND xã Việt Khê, các doanh nghiệp, hộ dân tiếp tục tổ chức triển khai mô hình và đánh giá kết quả và tuyên truyền nhân rộng mô hình có hiệu quả ra sản xuất đại trà.
Ông Đỗ Đức Hưng – GĐ Trung tâm Khuyến nông phát biểu tổng kết Hội nghị
Mô hình “Cánh đồng công nghệ” tại Hải Phòng không chỉ thể hiện bước tiến về ứng dụng thiết bị hiện đại trong sản xuất lúa mà còn là hạt nhân đổi mới tư duy nông nghiệp, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển nông nghiệp xanh, thông minh và bền vững – vì một Hải Phòng nông nghiệp hiện đại, thân thiện môi trường và giàu tiềm năng cạnh tranh trong tương lai.
K.s Cao Minh Tuấn - Phòng Đào tạo và Thông tin