Tại xã Việt Khê, Thành phố Hải Phòng, Sở Nông nghiệp và Môi trường Hải Phòng vừa phối hợp với Công ty Cổ phần Đại Thành tổ chức hội thảo đầu bờ giới thiệu mô hình "Cánh đồng công nghệ trong sản xuất lúa giảm phát thải khí nhà kính gắn với tăng trưởng xanh".
Mô hình trồng lúa công nghệ cao được triển khai tại Hải Phòng là phép thử cho tư duy sản xuất mới, hướng tới nền nông nghiệp giảm phát thải, hiệu quả và bền vững. Tại đây, các thiết bị máy móc trong nông nghiệp như: Máy cày, máy san phẳng mặt ruộng, máy cấy, máy bay được điều khiển bằng hệ thống thông minh đưa ra giải pháp xác định vị trí chính xác thời gian thực (DTALS). Hệ thống này giúp các máy móc nông nghiệp hoạt động chính xác, hiệu quả trên từng thửa ruộng, giảm công lao động, tiết kiệm chi phí cho nông dân.
Hệ sinh thái công nghệ trên một cánh đồng
Tại Hải Phòng, sau khi sáp nhập với tỉnh Hải Dương, thành phố mới có dân số trên 4,66 triệu người và diện tích đất nông nghiệp rộng lớn. Đây là tiền đề quan trọng để ngành nông nghiệp thành phố tái cơ lại hoạt động sản xuất. Mặc dù tỷ lệ cơ giới hóa ở các khâu làm đất, thu hoạch đã đạt mức rất cao (90 - 100%) nhưng những khâu quyết định đến hiệu quả và chi phí như gieo cấy, chăm sóc, bón phân, bảo quản sau thu hoạch vẫn còn nhiều điểm nghẽn. Sự ra đời của mô hình "Cánh đồng công nghệ" tại xã Việt Khê do Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng chủ trì thực hiện trên quy mô 46,3 ha được xem là hành động cụ thể, là giải pháp cho những yêu cầu cấp thiết từ thực tiễn.
Các đại biểu xem trình diễn sử dụng thiết bị thông minh dẫn đường chính xác được lắp trên vô lăng máy cấy
Với quy mô 46,3 ha vụ mùa 2025, mô hình do ông Nguyễn Văn Vĩ – hộ nông dân tại xã Việt Khê thực hiện trên diện tích 80 đất trồng lúa, có sự hỗ trợ 40% kinh phí đầu tư từ ngân sách thành phố Hải Phòng. Ông Nguyễn Văn Vĩ - người trực tiếp thực hiện mô hình chia sẻ: “Năm 2025, các máy móc này thực sự là những thứ mà các đại điền như chúng tôi đang rất cần. Nó giúp giảm sức lao động, quan trọng hơn là đưa hiệu quả sản xuất lên một tầm cao mới, việc canh tác chính xác và tiết kiệm hơn rất nhiều”.
Ông Nguyễn Văn Vĩ, hộ dân canh tác lúa ở xã Việt Khê, Thành phố Hải Phòng tham gia mô hình
Người dân tìm hiểu về thiết bị dẫn đường chính xác cho máy cấy theo giải pháp DTALS
Mục tiêu của mô hình là giới thiệu, đánh giá hiệu quả bước đầu của các thiết bị công nghệ cao ứng dụng trong sản xuất lúa, đồng thời tạo điều kiện để cán bộ kỹ thuật, doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân tiếp cận trực tiếp với các giải pháp cơ giới hóa, tự động hóa tiên tiến, góp phần nâng cao năng suất, giảm chi phí, bảo vệ môi trường, hướng tới nền nông nghiệp thông minh, phát triển bền vững.
Ông Nguyễn Đức Trường - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đại Thành, đơn vị sản tham gia mô hình cho biết: Các thiết bị và công nghệ chủ lực được triển khai trong mô hình này gồm máy san phẳng mặt ruộng điều khiển định vị vệ tinh (CNC) (giúp mực nước đồng đều, tiết kiệm phân bón và nước tưới, tăng hiệu quả gieo cấy); thiết bị dẫn đường GPS NX510 (hỗ trợ điều khiển máy móc chính xác theo đường định trước, giảm chồng lặp và tiết kiệm nhiên liệu); máy bay không người lái (drone) (phun thuốc – bón phân chính xác, hạn chế sử dụng hóa chất, đảm bảo an toàn cho người sản xuất và môi trường), thiết bị cuộn rơm tự động (thu gom toàn bộ rơm rạ sau thu hoạch, ngăn chặn tình trạng đốt rơm gây ô nhiễm không khí); hệ thống tưới ngắt quãng AWD (Áp dụng kỹ thuật tưới khô – ướt xen kẽ, giúp giảm 30% khí metan (CH¬4) phát thải, tiết kiệm 20–30% nước tưới)....
Ông Nguyễn Đức Trường - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đại Thành chia sẻ, “bộ não”
của cánh đồng công nghệ chính là giải pháp vị trí chính xác thời gian thực DTALS.
Ông Nguyễn Đức Trường cho biết thêm: Biến đổi khí hậu, dịch bệnh và đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu càng khiến bài toán an ninh lương thực trở nên cấp bách. Trong bối cảnh đó, nông nghiệp chính xác (Precision Agriculture) và nông nghiệp thông minh không còn là xu hướng mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc. Đó là phương pháp canh tác dựa trên việc quan sát, đo lường và phản ứng lại với sự biến động trong từng thửa ruộng nhỏ nhất nhằm tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên và tăng năng suất. Giải pháp vị trí chính xác thời gian thực (DTALS) kết hợp với các loại máy nông nghiệp do Công ty phát triển là hệ thống hạ tầng nền tảng, sử dụng tín hiệu từ các hệ thống vệ tinh định vị toàn cầu (GNSS) và các trạm thu mặt đất, qua xử lý hiệu chỉnh để cung cấp thông tin vị trí chính xác đến từng cm cho các thiết bị nông nghiệp.
Bà Lương Thị Kiểm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hải Phòng cho biết, mô hình được triển khai bắt nguồn từ những áp lực và thách thức lớn mà ngành nông nghiệp đang phải đối mặt.. Từ sự hỗ trợ của Nhà nước, trực tiếp là Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng, mô hình đã đạt kết quả hơn kỳ vọng, giúp giảm 30 - 40% nhân công, tăng năng suất 5 - 10%, tiết kiệm 30 - 40% phân bón, thuốc trừ sâu và giảm 20 - 30% phát thải khí nhà kính. Đây chính là những con số cụ thể, trả lời cho câu hỏi làm thế nào để nông nghiệp tăng trưởng xanh.
Bà Lương Thị Kiểm - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hải Phòng chia sẻ
về định hướng nhân rộng mô hình trong thời gian tới
Thời gian qua, dù cơ giới hóa nông nghiệp tại Hải Phòng đã có bước phát triển mạnh mẽ ở khâu làm đất và thu hoạch nhưng công đoạn gieo cấy, chăm sóc, sau thu hoạch vẫn còn phụ thuộc nhiều vào lao động thủ công. Những rào cản như chi phí đầu tư cao, diện tích canh tác nhỏ, địa hình không đồng đều, cùng với trình độ kỹ thuật của người dân còn hạn chế đang làm chậm quá trình hiện đại hóa ngành nông nghiệp.
Thiết bị bay không người lái giúp nông dân phun thuốc, bón phân từ trên cao
Bà Cao Thanh Huyền - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng cho biết: Mô hình “Cánh đồng công nghệ” không chỉ là một giải pháp khuyến nông tiên tiến mà còn là nền tảng hình thành chuỗi giá trị sản xuất thông minh, kết nối chặt chẽ giữa nông dân – doanh nghiệp – nhà khoa học – chính quyền địa phương, góp phần thúc đẩy nông nghiệp Hải Phòng phát triển toàn diện, bền vững và có giá trị gia tăng cao trong tương lai.
( Báo VOV1)