Căn cứ Hợp đồng về việc thực hiện dự án Khuyến nông Trung ương giai đoạn năm 2022 - 2024 giữa Trung tâm Khuyến nông Quốc gia với Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng; Thực hiện kế hoạch triển khai dự án Khuyến nông Trung ương năm 2022. Ngày 01/12, được sự nhất trí của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Phòng, Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng tổ chức Hội nghị tổng kết dự án Khuyến nông trung ương năm 2022 “Xây dựng mô hình chăn nuôi gà thịt lông màu VietGAHP, liên kết HTX theo chuỗi giá trị tại một số tỉnh phía Bắc” giai đoạn 2022-2024.
Tham dự Hội nghị có đại diện Lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông các tỉnh Hải Dương, Thái Nguyên, Bắc Giang, Phú Thọ; Lãnh đạo, cán bộ, chuyên viên các phòng chuyên môn nghiệp vụ trực thuộc Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng; Chi cục Quản lý chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản Hải Phòng; Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hải Phòng; Lãnh đạo Phòng Kinh tế quận Kiến An; Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện An Dương; Lãnh đạo các xã: Đặng Cương, An Đồng huyện An Dương; Lãnh đạo phường Phù Liễn quận Kiến An và các hộ nông dân tiêu biểu đến từ các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Hải Dương, Thái Nguyên.
Tại Hội nghị các đại biểu được nghe báo cáo cáo tổng kết kết quả thực hiện dự án năm 2022; hiện trạng chăn nuôi gà theo VietGAHP và liên kết tiêu thụ tại các tỉnh Hải Dương, Thái Nguyên; hiện trạng và định hướng phát triển chăn nuôi gà lông màu tại Hải Phòng; mô hình chuỗi liên kết sản phẩm chăn nuôi gà lông màu tại công ty cổ phần giống gia cầm Lượng Huệ; kết quả thực hiện mô hình của các hộ tại Hải Phòng, Thái Nguyên, Hải Dương.
Trong Hội nghị, các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm xây dựng mô hình theo chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp đem lại hiệu quả kinh tế cao, đồng thời một số thắc mắc về cơ chế, chính sách để thực hiện cá chuỗi liên kết sản xuất, hồ sơ thủ tục chứng nhận GAHP, hỗ trợ vay vốn, … được các nhà chuyên môn, nhà khoa học hướng dẫn, giải thích rõ ràng.
Kết thúc Hội nghị, ông Nguyễn Ngọc Đam - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng đánh giá những kết đạt được của mô hình, những khó khăn, tồn tại hạn chế. Qua đó, mong muốn người nông dân thay đổi thói quen từ chăn nuôi theo kinh nghiệm, phương pháp truyền thống sang chăn nuôi đảm bảo an toàn sinh học theo hướng VietGAHP. Đồng thời từng bước nhân rộng, tạo chuỗi liên kết để giảm chi phí đầu vào, tăng giá trị đầu ra để nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân.
Trước đó, các đại biểu đi tham quan mô hình chăn nuôi gà thịt lông màu VietGAHP, liên kết HTX theo chuỗi giá trị tại hộ ông Cao Văn Dũng ở thôn Vân Tra, xã An Đồng, huyện An Dương, thành phố Hải Phòng.
Một số hình ảnh tại Hội nghị:
Ks. Vũ Tiến Vương - Phòng Đào tạo và Thông tin tuyên truyền