Chuỗi bài: Mô hình chăn nuôi Gà sinh sản ứng dụng công nghệ tự động hóa (ứng dụng công nghệ số), giải pháp đột phá trong sản xuất và quản lý chăn nuôi tại Hải Phòng

10:44:23 15/08/2023 Lượt xem 1847 Cỡ chữ

Model.C_Title
Mục lục

        Theo số liệu báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng đàn Gia Cầm của Hải Phòng đến tháng 6/2023, ước đạt 8.125,7 nghìn con, 914 trang trại chăn nuôi Gia Cầm (206 trang trại quy mô vừa, 708 trang trại quy mô nhỏ). Chủ yếu các trang trại chăn nuôi ở Hải Phòng vẫn là chăn nuôi thủ công, sử dụng sức lao động của con người là chính, phần lớn các trại chưa áp dụng máy móc hiện đại và công nghệ chuyển đổi số vào chăn nuôi nên chi phí thuê nhân công/đầu gà sẽ tăng cao khiến giá thành của sản phẩm không cạnh tranh được với nhâp khẩu. Mặt khác, càng hạn chế việc sử dụng sức lao động của con người thì càng hạn chế được mầm bệnh xâm nhập vào chuồng nuôi, người chăn nuôi ít phải tiếp xúc trực tiếp với vật nuôi thì sức khỏe cũng tốt hơn. Một yếu tố rất quan trọng nữa đó là nhiệt độ, độ ẩm chuồng nuôi cũng phải được quản lý, theo dõi sát trong suốt quá trình nuôi, ứng dụng thiết bị tự động nhằm kết nối hiện trường chuồng trại với người quản lý để được xử lý kịp thời. Trước tình hình đó, năm 2023, Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng đã triển khai mô hình chăn nuôi gà sinh sản ứng dụng công nghệ tự động hóa (ứng dụng công nghệ số), giải pháp đột phá trong sản xuất và quản lý chăn nuôi xã Toàn Thắng, huyện Tiên Lãng, quy mô 5.000 con gà sinh sản

 

      Khi tham gia mô hình, hộ chăn nuôi được tham gia đào tạo tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi gà sinh sản theo VietGAHP, được tập huấn hướng dẫn kỹ thuật vận hành hệ thống IOT cả về lý thuyết và thực hành đến khi thành thạo. Ngoài ra, về vật tư hộ được nhà nước hỗ trợ 50% thức ăn giai đoạn hậu bị, giai đoạn đẻ; vắc xin, thuốc khử trùng, acid hữu cơ, thảo dược, chế phẩm sinh học bổ sung vào thức ăn, nước uống và bơm chuồng trại và 40% giá trị thiết bị IOT.

         Mô hình chuyển đổi số đang áp dụng tại trang trại chăn nuôi của anh Nguyễn Quang Vình đã được trang bị các cảm biến và thiết bị tự động hóa tiên tiến như:

          +/ Hệ thống cho ăn, uống tự động

        - Tự động điều khiển dây chuyển cho ăn, cho uống tự động thông qua thiết bị cảm biến báo hết cám tại mỗi Silo chứa thức ăn. Thức ăn được chứa vào silo để bảo quản và lưu trữ. Silo có thể được kết nối với hệ thống cân điện tử để giám sát lượng thức ăn cấp vào - lấy ra hàng ngày cũng như lượng tồn thức ăn trong Silo.

         - Tự động giám sát và điều khiển các thiết bị điều tiết khí hậu như hệ thống quạt điều hòa, thông gió.

         +/ Hệ thống giám sát và điều khiển vi khí hậu tự động

         Hệ thống quan trắc môi trường nuôi thu thập dữ liệu môi trường như nhiệt độ, độ ẩm , khí C02, ánh sáng, từ đó điều khiển các thiết bị tự động như điều hòa, quạt, hệ thống coolding pad làm mát, hệ thống đèn sưởi, đèn chiếu sáng để đưa thông số môi trường về ngưỡng tốt nhất cho môi trường sống của từng loại vật nuôi.

         +/ Hệ thống cảnh báo sớm

        Hệ thống phần mềm IOT tích hợp các thiết bị cảm biến môi trường trong nhà nuôi, cho phép thu thập dữ liệu môi trường như nhiệt độ, độ ẩm, khí CO2, ánh sáng… từ đó đưa ra cảnh báo cho người dùng biết được các thông số môi trường vượt ngưỡng cho phép có thể gây hại cho vật nuôi.

        Song song với cảnh báo, hệ thống cũng sẽ tự động xử lý theo cài đặt người dùng để đưa các thông số môi trường về ngưỡng thuận lợi cho sự phát triển của vật nuôi như tự động điều khiển vi khí hậu trong nhà nuôi.

        Qua theo dõi mô hình chăn nuôi gà sinh sản ứng dụng cộng nghệ tự động hóa được triển khai tại trang trại của anh Nguyễn Quang Vình đến nay được 3 tháng, đã khắc phục được những tồn tại, hạn chế mà các trang trại đang gặp phải. Sử dụng điện thoại thông minh, người quản lý có thể biết được môi trường không khí cũng như các hoạt động đang diễn ra trong chuồng nuôi để có thể xử lý kịp thời mà không phải trực tiếp vào chuồng nhưng vẫn đảm bảo đủ dinh dưỡng cho từng con gà và tạo ra điều kiện sống lý tưởng cho đàn gà, đảm bảo tăng trưởng và sinh sản tốt nhất, từ đó cải thiện hiệu suất chăn nuôi và giảm rủi ro bệnh tật.

        Qua hạch toán sơ bộ đến thời điểm này mặc dù đàn gà chưa đẻ, tuy nhiên có thể đánh giá dự kiến kết quả mô hình so với đàn gà ngoài mô hình cụ thể: Chi phí để cho ra 1 quả trứng của đàn gà trong mô hình 2.000 - 2.100 đồng, giá bán dự kiến 2.800đồng/quả; trong khi đó chi phí để cho ra 1 quả trứng của đàn gà ngoài mô hình là 2.300 - 2.400 đồng, giá bán 2.700 đồng/quả. Với quy mô 5.000 con cho kết quả hạch toán 1 tháng như sau:

STT

Chỉ tiêu

MH

Ngoài MH

I

Tổng chi

266,913

276,321

1

Tiền giống = Tiền bán gà loại

2

Thức ăn

208,500

208,500

3

Thuốc thú y

13,203

16,521

4

Chế phẩm sinh học, acid hữu cơ

2,535

2,500

5

Khấu hao chuồng trại, thiết bị

27,500

25,000

6

Điện nước

8,300

8,800

7

Công lao động

6,000

15,000

8

VietGAHP chia 2 năm (24 tháng)

875

0

II

Tổng thu

358,050,000

315,281,250

9

Số trứng bán

127,875

116,771

10

Giá bán

2,800

2,700

III

Lợi nhuận 1 tháng

357,783,087

315,004,929

 

       Như vậy 1 tháng thu nhập bán trứng của đàn gà mô hình 5.000 con cao hơn so với đàn gà ngoài mô hình là 42.779.000 đồng. Và 1 năm chênh lệch sẽ là 513.348.000 đồng.
        Mô hình chăn nuôi ứng dụng công nghệ tự động hóa trong quá trình sản xuất, giám sát môi trường không khí, chăm sóc, nuôi dưỡng và quản lý sức khỏe vật nuôi. Với sự kết hợp giữa kiến thức chuyên môn chăn nuôi và công nghệ số, hiện anh Nguyễn Quang Vình đã được học tập nâng cao kiến thức, có kinh nghiệm và chủ động kỹ năng vận hành, quản lý hệ thống cảm biến và thiết bị tự động hóa  cho trang trại của gia đình mình. Từ đó tạo ra một hệ thống chăn nuôi tiên tiến, giảm nhân công chăm sóc, giúp đàn gà phát triển, hạn chế dịch bệnh, tăng trưởng đồng đều và nâng cao hiệu quả kinh tế, hiệu quả xã hội và môi trường. 
          Mô hình chăn nuôi gà sinh sản ứng dụng công nghệ tự động hóa tại xã Toàn Thắng không chỉ mang lại lợi ích cho hộ gia đình anh Nguyễn Quang Vình mà còn có tiềm năng lan tỏa cho các chủ trang trại khác trên toàn thành phố hiện đang quan tâm và nghiên cứu áp dụng. Đây là một bước tiến mới trong ứng dụng công nghệ số vào chăn nuôi thực phẩm an toàn và chất lượng, góp phần nâng cao thu nhập, bảo vệ môi trường, phát triển chăn nuôi hiệu quả, bền vững. Thành công của mô hình sẽ lan tỏa nhân rộng cho các hộ gia đình chăn nuôi khác và tạo nên một cú hích trong sự phát triển chăn nuôi tại Hải Phòng.

Ks. Trần Thị Bình - Phòng CGKT NN

 

Đối tác/Liên kết
Trang chủ
Thống kê truy cập
  • Hôm nay: 3070
  • Hôm qua: 4522
  • Tuần này: 29866
  • Tuần trước: 29296
  • Tháng này: 271646
  • Tháng trước: 306531
  • Lượt truy cập: 2839707
0225.3541.398 
messenger icon