Hiện tượng khó ở gia súc sinh sản, cách can thiệp khi gia súc đẻ khó

09:25:41 26/05/2023 Lượt xem 5349 Cỡ chữ

Model.C_Title
Mục lục

         Trong chăn nuôi gia súc sinh sản hiện nay, đặc biệt là chăn nuôi nhốt, chăn nuôi công nghiệp do gia súc ít được vận động, thức ăn không cân đối đảm bảo đủ dinh dưỡng là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến, hiện tượng khó đẻ ở gia súc sinh sản. Hiện tượng khó đẻ ở gia súc sinh sản cực kỳ nguy hiểm, nếu không xử lý đúng cách có thể làm vật nuôi vô sinh, thậm chí gây chết cả mẹ lẫn con. Do đó, người chăn nuôi cần phải hiểu biết về triệu chứng, phương thức chẩn đoán cũng như cách xử lý tình huống để đảm bảo an toàn cho cả gia súc mẹ và gia súc con trong thời kỳ sinh nở.

        Hiện tượng đẻ khó ở gia súc là trong quá trình sinh đẻ của các loại gia súc trâu, bò, dê, ngựa,… thời gian sổ thai bị kéo dài, bào thai không được đẩy ra khỏi cơ thể mẹ gọi là hiện tượng khó đẻ. Hiện tượng khó đẻ do nhiều nguyên nhân gây ra, tùy vào từng nguyên nhân mà có những biểu hiện khác nhau, do đó cần chẩn đoán kỹ lưỡng trước khi dùng các biện pháp can thiệp.

           1. Nguyên nhân gây nên đẻ khó

           1.1. Đẻ khó do bản thân con mẹ

           - Do khung chậu của con mẹ quá hẹp, cho con vật chửa quá sớm khi thành thục về thể vóc chưa hoàn thiện.

           - Do lợn nái quá già: lợn nái quá già sẽ không có đủ sức khỏe để tiếp tục sinh đẻ, sức rặn đẻ yếu, nội tiết tố mất cân bằng hoặc hormon kích đẻ quá thấp trong thời gian đẻ.

           - Do khớp bán động háng phát triển không bình thường hay bị cốt hóa.

           - Do cổ tử cung không mở hoặc mở không hoàn toàn, thai không thể lọt qua cổ tử cung được.

           - Do vỡ nước ối quá sớm, đường đẻ quá khô.

            - Tử cung bị xoắn vặn (vặn vỏ đỗ) ở thời gian có chửa kỳ cuối.

            - Do hẹp âm môn, thai đã lọt vào âm đạo song không thể ra ngoài được.

          - Lợn mẹ không được chăm sóc tốt: trong quá trình nuôi, lợn ít vận động khiến các loại cơ liên sườn, cơ hoành, cơ bụng yếu ảnh hưởng đến hiện tượng đẻ khó.

           - Lợn nái mẹ bị bệnh truyền nhiễm trong quá trình mang thai

           1.2. Đẻ khó do nguyên nhân bào thai

           Hiện tượng này chiếm một tỷ lệ cao trong các trường hợp đẻ khó như:

          - Thai quá to (những con lai F1 trọng lượng sơ sinh lớn) không phù hợp với xoang chậu và đường sinh dục.

          - Tư thế, chiều hướng của thai trong tử cung không bình thường.

           - Thai dị hình, quái thai.

          Các loại hình đẻ khó có thể xảy ra một cách đơn độc cũng có thể kết hợp lại với nhau. Ví dụ: trường hợp thai quá to kết hợp với đầu, cổ thai lại quay sang một bên hay úp xuống ngực hoặc trường hợp đầu thai quay sang một bên đồng thời 2 chân trước một chân thẳng, một chân bị gấp khúc.

          Do các yếu tố khác như đỡ đẻ không đúng kỹ thuật.

 

Ảnh 1: Tư thế gia súc chửa thai thuận

 

Ảnh 2: Các tư thế chửa tư thế thai không thuận

            2. Triệu chứng

            Sau thời gian kể từ khi có triệu chứng sắp đẻ từ 6 đến 12 giờ, lợn nái không đẻ được.

           - Bắt đầu xuất hiện những cơn rặn dữ dội, âm ỉ từng cơn một, mỗi cơn rặn con vật lại ngoái nhìn về phía bụng

          - Chân cào bới đất, bồn chồn, đi đái dắt, mỗi lần rặn cong lưng, dạng hai chân sau, áp xuất thành bụng tăng cao đứng nằm không yên

           - Cơn rặn thưa dần, con vật mệt mỏi hô hấp và mạch đập hơi nhanh, thân nhiệt hạ.

           Con vật vỡ ối, sau 5 – 6 giờ mà bào thai không ra.

           3. Kiểm tra gia súc trước khi can thiệp

          Để quyết định phương pháp can thiệp hiện tượng đẻ khó ở gia súc thích hợp, trước hết cần phải chẩn đoán kịp thời và chính xác. Phải tiến hành chẩn đoán đẻ khó trên bò, trâu, dê, ngựa,... toàn diện trên cơ thể gia súc mẹ nói chung, cơ quan sinh dục và trạng thái của thai nói riêng.

          - Kiểm tra tình trạng chung của toàn cơ thể như thân nhiệt, hô hấp, tuần hoàn, tiêu hóa, bài tiết, vận động,… kiểm tra bầu vú và các bộ phân sinh dục bên ngoài.

          - Kiểm tra các biểu hiện điển hình của cơ thể gia súc mẹ để biết gia súc đã hay chưa đến ngày sinh.

          - Kiểm tra mức độ mở của cổ tử cung, kiểm tra màng thai còn nguyên vẹn hay đã vỡ nước ối.

          - Chú ý tới tình trạng dịch tiết đường sinh dục như số lượng, tính cất, màu sắc, mùi dịch tiết.

         - Xác định chiều hướng, tư thế của thai, xác định xem bào thai còn sống hay đã chết. Trường hợp màng ối chưa vỡ có thể kiểm tra thai qua màng nhau, không nên làm vỡ ối quá sớm.

         - Trường hợp màng thai đã rách cho tay vào trong hậu môn của thai nếu thai còn sống sẽ có phản xạ co thắt cơ vòng hậu môn hoặc kéo lưỡi kiểm tra phản xạ, áp tay vào tim xem còn hoạt động không, xác định động mạch rốn còn hoạt động không,… kiểm tra phản xạ của thai phụ thuộc bộ phận của thai sờ thấy.

Ảnh 3: Cố định gia súc

Ảnh 4: Kiểm tra thai trước khi có biện pháp can thiệp

 

           4. Chuẩn bị trước khi can thiệp

         Trước khi can thiệp xử lý bệnh đẻ khó ở gia súc, người thực hiện cần phải chuẩn bị đầy đủ các dụng cụ và các biện pháp xử lý rủi ro như sau:

          - Chuẩn bị đầy đủ, chu đáo mọi dụng cụ, thuốc men thiết yếu: bộ đồ can thiệp đẻ khó, dụng cụ phẫu thuật ngoại khoa, thuốc sát trùng, trợ sức, trợ tim, trợ lực.

          - Cố định gia súc ở vị trí đầu thấp đuôi cao, thai lùi vào xoang bụng thuận lợi cho việc xoay sửa thai.

          - Trường hợp gia súc nằm nghiêng phải hay trái tùy thuộc vào vị trí và chiều thuận của tay người làm thủ thuật.

          - Không để gia súc nằm sấp, áp lực xoang bụng và xoang chậu cao, trở ngại đến thao tác thủ thuật.

         Chẩn đoán chính xác, can thiệp kịp thời ở gia súc lớn, nếu can thiệp chậm khi thai đã lọt vào xoang chậu thành tử cung bọc chặt lấy thai, dịch thai thải hết ra ngoài, đường sinh dục bị khô hay thủy thũng sẽ làm trở ngại thao tác đẩy thai, xoay thai, sửa thai, và kéo thai ra ngoài.

Ảnh 5: Dùng dụng cụ sản khoa lôi gia súc sau khia thai đã thuận

            5. Các hiện tượng đẻ khó và phương pháp can thiệp

            * Thai quá to

           Hiện tượng thai quá to hay gặp ở trâu, bò, dê, cừu, chó ít gặp ở ngựa vì thai ngựa nhỏ và xoang chậu tương đối lớn. Thai quá to dẫn đến hiện tượng bò đẻ khó, có thể do kích tố sinh trưởng được sản sinh ra và hoạt động mạnh thời gian có thai kéo dài, quá ít thai ở gia súc đa thai, giống của gia súc đực to hơn giống của gia súc cái.

           Phương pháp can thiệp:

          - Khám qua trực tràng có thể phát hiện được tư thế, chiều hướng của thai.

        - Dùng dầu bôi trơn thụt trực tiếp vào tử cung. Dây sản khoa cố định vào 2 chân trước của thai, người đỡ cho 1 ngón tay vào miệng 4 ngón tay còn lại giữ chặt lấy hàm dưới, 4 ngón tay còn giữ chặt hàm dưới, kết hợp nhịp nhàng giữa dây sản khoa và tay, giữa người chính và người phụ, kéo thai ra ngoài.

       - Nếu bào thai đã chết dùng móc nhọn móc vào hố mắt, mũi, miệng để kéo thai ra ngoài. Kéo thai phải phù hợp theo từng nhịp rặn đẻ của gia súc mẹ. Kéo thai phải đúng theo hướng của trục xoang chậu. Khi đầu thai ra ngoài, người phụ phải dùng hai tay đỡ lấy đầu thai để đường sinh dục ngoài không bị rách.

         * Tư thế của thai không bình thường

         Tư thế của thai không bình thường dẫn đến hiện tượng bò đẻ khó.

        - Đầu và cổ quay sang một bên: phần đầu của hai chân trước đã bộc lộ ra khỏi mép âm môn nhưng không thấy đầu thai và quá trình sinh để bị đình trệ, chân nào của thai bộc lộ ra ngoài ngắn hơn chứng tỏ đầu thai quay sang phía đó.

           Phương pháp can thiệp:

         Căn cứ vào trạng thái co bóp của tử cung, sức rặn của con mẹ, vị trí của thai và mức độ đầu, cổ quay sang một bên nhiều hay ít để có những biện pháp can thiệp khác nhau. Nguyên tắc chung dùng tay hoặc nạng sản khoa đẩy lùi thai vào phía trong khi gia súc mẹ ngừng rặn. Dùng tay hoặc dây sản khoa buộc vào hàm dưới kéo đầu và cổ vào xoang chậu.

         - Đầu gối của thai ra ngoài trước: một chân hoặc cả hai chân thai không được duỗi thẳng, chân bị gập lại làm cho đầu gối lọt trước vào xoang chậu.

            Phương pháp can thiệp:

         Dùng nạng sản khoa cố định vào vai phía trước của chân thai bị gập đẩy thai lùi vào phía trong. Người đỡ đẻ chính nắm chặt móng chân thai nâng cao chân thai kéo mạnh chân thai ra ngoài đồng thời khi người phụ đẩy thai có thể dùng dây sản khoa buộc chặt vào khớp bàn, sau đó người đỡ chính dùng tay đẩy mạnh khớp gối lên trên và về phía trước đồng thời người phụ kéo dây sản khoa để chân thai được thẳng ra.

         - Vai của thai ra trước: một hay cả hai chân trước của thai bị gập lại và nằm ở dưới bụng. Khám qua âm đạo chỉ sờ thấy đầu thai hoặc một chân thai dưới.

          Phương pháp can thiệp:

        Sử dụng nạng sản khoa cố định vào vị trí giữa ngực và mỏm khớp vai đẩy mạnh thai lên trên và về phía trước. Người đỡ đẻ chính nắm chặt đầu gối của thai kéo mạnh về phía xoang chậu để tạo thành tư thế đầu gối ra trước rồi tiếp tục can thiệp.

         - Chân trước của thai đè lên đỉnh đầu: tư thế này là một hoặc cả hai chân trước của thai đè lên đỉnh đầu của thai.

          Phương pháp can thiệp:

         Xử lý bằng việc dùng nạng sản khoa đẩy thai lùi về phía trong. Sau đó, dùng dây sản khoa buộc vào ống chân của thai. Người phụ dùng nạng sản khoa cố định vào trước ngực của thai, đẩy thai về phía trước và lên trên. Người chính kết hợp tay và dây sản khoa để lần lượt kéo từng chân sang bên cạnh và đẩy hàm dưới của thai lên trên rồi kết hợp dùng tay và dụng cụ kéo đầu và chân thai ra ngoài.

        - Khoeo của thai ra ngoài trước: trong quá trình sinh đẻ ở gia súc, nếu đuôi và chân sau ra ngoài trước và một hay cả hai chân sau không duỗi thẳng mà bị gập lại phía trước làm cho thể tích phần đùi và mông của thai tăng lên quá trình sổ thai bị trở ngại, đó là tư thế khoeo ra ngoài trước. Đây là một trong những bệnh khó đẻ ở gia súc khá phức tạp.

           Phương pháp can thiệp:

         Người phụ dùng nạng sản khoa cố định vào chỗ lõm của xương ngồi và gốc đuôi, người chính nắm chặt ống hoặc móng chân sau của thai. Kết hợp nhịp nhàng khi người phụ đẩy lùi thai về phía trước, người chính nâng mạnh đầu móng chân thai làm cho chân thai làm cho chân sau uốn gập lại và móng chân vượt qua phía trước xương ngồi, sau đó kéo thẳng chân sau ra ngoài. Sau khi chân sau thai đã trở lại tư thế bình thường, kết hợp dùng dụng cụ và tay để kéo thai ra ngoài.

          - Mông của thai ra trước: tư thế này có thể xuất hiện hai trạng thái: một chân sau duỗi thẳng ra ngoài, chân sau còn lại bị gập cọng lại và nằm dưới bụng; cả hai chân sau của thai bị gập lại và nằm dưới bụng.

            Phương pháp can thiệp:

          Trước tiên phải sửa chân sau của thai trở về tư thế khoeo ra trước bằng cách người phụ dùng nạng sản khoa đẩy thai về phía trước, người chính điều chỉnh chân sau thai thành tư thế khoeo ra ngoài trước rồi tiếp tục can thiệp. Trường hợp thai nhỏ mà xoang chậu bình thường nhất là trường hợp chỉ một chân sau không bình thường thì có thể dùng dây sản khoa buộc vào chân thai rồi kết hợp dùng tay và dây sản khoa kéo thai ra ngoài khắc phục tình trạng trâu bò đẻ khó.

             6. Phương pháp mổ lấy thai ở gia súc

            * Chuẩn bị dụng cụ và phương pháp tiến hành

         + Chuẩn bị: dao, kéo, kim chỉ panh, bông, băng. gạc, cồn 70o, cồn iode, vitamin, cafein, vitaminK, thuốc mê, thuốc tê, thuốc kháng sinh...

         + Phương pháp tiến hành:

        - Khống chế:

        - Đối với lợn: để lợn nằm nghiêng bên trái hay phải đều được

        - Đối với bò: mổ bên phải, buộc khống chế 4 chân và đầu không cho dẫy dụa.

       - Vị trí mổ: ở bò phía bụng phải dưới hông đường ngang với khớp đầu gối, thẳng từ sau ra trước từ trên xuống dưới, chiều dài khoảng 25- 30cm, ở lợn mổ trên tuyến vú dưới hông từ đôi vú thứ 2 (ngược chiều) chiều dài khoảng 15- 20cm

         - Sau khi xác định vị trí tiến hành cắt lông, sát trùng bằng cồn trắng 70o, cồn iode

        - Gây tê thấm bằng Novocain 3% theo hình thoi mỗi điểm 5- 10ml dùng vải gạc hay khăn sạch đã hấp vô trùng đắp lại để 5- 10 phút cho thuốc tê có tác dụng mới tiến hành phẫu thuật.

        - Dùng dao cắt lớp da vết cắt dứt khoát không nham nhở gồ ghề, từ lớp tổ chức liên kết dưới da lớp mỡ, lớp cơ chéo bụng ngoài, lớp cơ chéo bụng trong, đến lớp phúc mạc dùng đốc dao hoặc tay để phân ly tổ chức cho cơ rách theo chiều tự nhiên qua lớp phúc mạc cho tay vào xoang chậu sờ thấy tử cung dùng tay chuyển thai, (ở bò phần đầu ra trước) khi đưa thai ra ngoài theo tuần tự nhẹ nhàng từ đầu 2 chân trước thân và 2 chân sau, không để tử cung rách thêm so với vết mổ khi lấy thai có thể lấy luôn nhau ra với lợn đa thai hạn chế vết mổ chọn những nơi có ít mạch máu đến nhất để mổ trường hợp 1 vết mổ mà không đưa được nhiều thai ra mà phải mổ thêm vết khác thì phải mổ cách xa vết mổ bên cạnh.

           + Phương pháp khâu:

          Khâu lớp niêm mạc tử cung bên trong và bên ngoài, khâu lớp cơ thành bụng, khâu phúc mạc, khâu lớp cơ, khâu lớp mô liên kết bằng phương pháp khâu vắt, khâu da khâu nút một 5- 10 mũi tuỳ vết mổ lớn hay nhỏ, buộc băng cố định bằng cách thắt nút chỉ khi khâu cho băng gạc đã vô trùng buộc lại để hạn chế sây sát nhiễm trùng:

        * Chú ý: Khi mổ và khâu cần lấy hết những cục máu và 1 số chất dịch ra ngoài, trước khi khâu bơm vào xoang bụng 1 lượng kháng sinh để chống nhiễm trùng.

        * Chăm sóc: Tiêm kháng sinh, thuốc trợ sức, trợ lực cho con vật, theo dõi vết mổ, chăm sóc quản lý nuôi dưỡng chu đáo, chuồng trại sạch sẽ, ấm mùa đông thoáng mát mùa hè:

         Trên đây là những chia sẻ về một số hiện tượng đẻ khó ở gia súc, trong trường hợp người nuôi không có kinh nghiệm đỡ đẻ thì nên liên hệ với bác sĩ thú y để nhận được sự giúp đỡ tốt nhất. Trong quá trình vật nuôi mang thai cần phải có chế độ chăm sóc và nuôi dưỡng hợp lý./.

Ts. Vũ Đức Hạnh -  Trưởng phòng Phòng CGKTNN

Đối tác/Liên kết
Trang chủ
Thống kê truy cập
  • Hôm nay: 1225
  • Hôm qua: 10909
  • Tuần này: 32129
  • Tuần trước: 64869
  • Tháng này: 312007
  • Tháng trước: 496745
  • Lượt truy cập: 4020548
QR Code

Dùng điện thoại scan mã QR này để truy cập vào website

QR Code
0225.3541.398 
messenger icon