Trong những năm gần đây do ảnh hưởng bệnh dịch tả lợn Châu Phi nhiều hộ trên địa bàn huyện Vĩnh Bảo đã mạnh dạn chuyển đổi từ chăn nuôi lợn sang chăn nuôi những con vật nuôi có giá trị kinh tế cao như: Chăn nuôi gà, nuôi thỏ, nuôi chim bồ câu, nuôi dê ... Một trong những mô hình mang lại hiệu quả cao là mô hình nuôi chim bồ câu pháp theo hướng sản xuất hàng hóa của hộ gia đình anh Vũ Văn Đương thôn 5, xã Việt Tiến - huyện Vĩnh Bảo - Hải Phòng.
Năm 2019, bệnh Dịch tả lợn Châu phi bùng phát đã gây thiệt hại không nhỏ về kinh tế của gia đình anh. Đến nay, dịch bệnh vẫn luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát, vì vậy, anh đã cùng gia đình bàn bạc chuyển đổi hướng sản xuất. Anh Đương cho biết: “Ban đầu, gia đình cũng còn lúng túng chưa biết chuyển đổi sang chăn nuôi đối tượng nào để tận dụng hệ thống chuồng trại sẵn có. Qua tìm hiểu các mô hình chăn nuôi trên mạng internet cùng sự tư vấn hỗ trợ của cán bộ Khuyến nông phụ trách xã, gia đình tôi đã quyết định tìm hiểu sâu hơn về mô hình nuôi chim bồ câu Pháp”. “Trăm nghe không bằng một thấy”, để học tập kinh nghiệm sản xuất, anh đã đến thăm các mô hình nuôi chim bồ câu Pháp ở Hải Dương, Hưng Yên và trại giống của Học viện Nông nghiệp. Tháng 8 năm 2019, gia đình anh bắt tay vào thực hiện mô hình với 100 cặp chim bố mẹ. Trong quá trình nuôi, anh gặp không ít khó khăn về kĩ thuật chăm sóc và phòng trị bệnh cho đàn chim bố mẹ. Nhưng nhờ chịu khó tìm tòi, học hỏi và được sự tư vấn hướng dẫn của cán bộ Khuyến nông, anh đã dần đúc rút được kinh nghiệm về cách quản lý sản xuất cũng như các biện pháp kỹ thuật chăm sóc cho đàn chim.
Hằng ngày anh thường dành khoảng 2 tiếng để chăm sóc, cung cấp thức ăn, nước uống và vệ sinh chuồng trại. Anh chủ động ghi chép cẩn thận, đánh số thứ tự, lập sổ theo dõi tại mỗi ô chuồng. Nhờ đó, anh nắm rõ đặc trưng từng cặp bồ câu giống, chọn lọc những cặp giống đủ tiêu chuẩn nên đàn chim sinh trưởng tốt, nâng cao năng suất sinh sản. Công tác phòng bệnh theo mùa được anh đặt lên hàng đầu, đàn chim giống được tiêm phòng Vaccine, chuồng nuôi thường xuyên được dọn vệ sinh sạch sẽ, phun thuốc khử trùng chuồng trại định kỳ, nhờ đó chim sinh trưởng và phát triển tốt. Bên cạnh đó, anh đã nghiên cứu đưa máy ấp trứng vào sử dụng đã tăng tỷ lệ ấp nở cao, chim non phát triển ổn định, tăng số lượng đàn và đưa trứng giả vào để chim bố mẹ ấp với mục đích hạn chế chim bố mẹ làm dập trứng, trứng bị hư hỏng trong quá trình ấp nở. Sau 18 ngày ấp nở anh đưa từ 2-3 con chim non từ giàn nở vào để chim bố mẹ nuôi.
Trứng chim bồ câu được ấp bằng máy
Hiện nay, quy mô mô hình chăn nuôi của gia đình đã lên đến 600 cặp chim bố mẹ.Trung bình mỗi tháng anh bán 100 - 150 cặp chim thương phẩm với giá là 110.000 - 120.000đ/cặp và 100 cặp chim giống với giá 130.000đ/cặp, bình quân mỗi tháng cho thu nhập 12-15 triệu đồng.
Cán bộ Khuyến nông và gia đình thăm và kiểm tra mô hình
Trên địa bàn xã Việt Tiến, gia đình anh Vũ Văn Đương là một trong những hộ gia đình tiên phong trong việc áp dụng chăn nuôi chim bồ câu Pháp theo hướng sản xuất hàng hóa. Anh Đương chia sẻ “Tôi nhận thấy việc nuôi chim bồ câu pháp có hiệu quả thu nhập cao hơn so với một số giống vật nuôi khác. Để tạo điều kiện cho chim sinh trưởng phát triển tốt, năng suất ổn định thì yêu cầu quan trọng là khâu chọn giống, hệ thống chuồng trại cao ráo, thoáng mát, cung cấp đủ lượng thức ăn, nước uống, áp dụng các biện pháp kỹ thuật can thiệp vào quá trình sinh sản của đàn, sẽ giúp nâng cao hiệu quả kinh tế”. Anh mong muốn trong thời gian tới các cấp ngành quan tâm tạo điều kiện để anh mở rộng quy mô sản xuất và kết nối tiêu thụ đầu ra ổn định.
Mô hình chăn nuôi chim bồ câu Pháp theo hướng sản xuất hàng hóa là một trong những hướng đi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao thu nhập giúp người dân ổn định cuộc sống.
Ks. Phạm Thị Phương - Trạm KN Vĩnh Bảo