Kỹ thuật nuôi ngao thương phẩm trên bãi triều

08:37:56 06/12/2021 Lượt xem 7045 Cỡ chữ

Model.C_Title
Mục lục

1. Điều kiện và phạm vi áp dụng:

1.1. Thiết kế khu vực nuôi:

- Chọn bãi triều, eo vịnh có sóng gió nhỏ, nước triều lên xuống êm, có chế độ thủy triều lên xuống đều đặn, khi nước rút thì bãi hoàn toàn cạn (thời gian phơi bãi không quá 4 - 5 giờ/ngày, Nếu thời gian phơi bãi quá dài thì ngao sẽ chết.), thông thoáng, có lượng nước ngọt nhất định chảy vào nhưng không quá gần cửa sông.

- Chất đáy là cát bùn, cát chiếm 60-80%. Bãi ở trung, hạ triều là thích hợp; pH từ 6 – 7, Độ mặn từ 15-25‰ (tốt nhất là 20‰). Ngao có thể sống được trong vùng trung, hạ triều đến nơi có độ sâu 2 -3m nước; đây là khu vực có sóng gió nhỏ; nước triều lên xuống và có nguồn nước ngọt ổn định chảy vào. Ở đây có nhiều tảo phát triển là thức ăn chính của ngao.

- Khu vực nuôi có diện tích mặt nước không bị ô nhiễm bởi các ngành sản xuất, và nước thải khu dân cư.

- Nhiệt độ thích hợp cho ngao sinh trưởng và phát triển từ 13 – 350C. Trong đó ngao dầu thích hợp nhất với nhiệt độ từ 26- 280C, nghêu Bến Tre sống tốt trong điều kiện nhiệt độ 28 - 300C.

- Độ sâu trung bình từ 0,8- 1m nước, tốc độ dòng chảy là 0,1 - 0,25m/s, hàm lượng ôxy hòa tan trong khoảng 4 - 6mg/l,

1.2. Mùa vụ và thời gian nuôi:

1.2.1. Mùa vụ nuôi:

- Nuôi Ngao thương phẩm gần như quanh năm, thường thả 02 vụ / năm. Vụ 1: từ tháng 2 - tháng 3; vụ 2: từ tháng 5 - tháng 6. Nên tránh thả giống (ngao cúc) vào những ngày trời mưa, thời tiết quá nóng hoặc quá lạnh.

1.2.2. Thời gian nuôi:

- Thời gian nuôi phụ thuộc nhiều vào cỡ giống, mật độ thả và điều kiện bãi nuôi. Thông thương sau 10 – 15 tháng nuôi có thể thu hoạch ngao thương phẩm.

2. Hướng dẫn kỹ thuật nuôi:

2.1. Chuẩn bị bãi nuôi:

- Chỉnh bãi trước khi thả giống: Chỗ bãi có đáy rắn phải làm cho xốp lên rồi san bằng; để giữ cho mặt bãi không tích nước phải khai mương nhỏ. Dọn bỏ các vỏ nhuyễn thể lớn, gạch đá và lấp các chỗ trũng, sau đó bừa cho xốp đáy và san lại cho bằng phẳng để giống bám nhiều. Vùng có nước triều chảy mạnh có thể cải tạo bằng cách đóng cọc để giảm lưu tốc nước, nâng cao lượng giống bám.

* Cắm cọc quây lưới vòng trong

- Cọc được sử dụng để quây lưới là cọc tre có chiều dài 2 m, đường kính từ 5-7c, cọc được cắm sâu xuống bãi 1m, cắm 2 hàng cọc: hàng cọc trong lưới và ngoài lưới.

- Lưới được quây vòng trong bãi là lưới nylon hoặc lưới cước có mắt lưới 2a <1cm sao cho không bị lọt ngao giống ra ngoài, lưới cao 80cm

- Lưới được vùi sau xuống đáy 30cm, hai đầu có 2 bao cát để đè lưới

- Phía trên của lưới được liên kết với cọc tre bằng dây nylon

- Lưới được treo căng và kín bãi.

*. Cắm cọc quây lưới vòng ngoài

- Cọc dùng để quây lưới vòng ngoài là cọc tre có chiều dài từ 1,5-2m, đường kính từ 5-7cm.

- Cọc được cắm sâu xuống bãi 0,5 - 1m. Cọc được cắm cách lưới quây vòng trong là 2 m. Mỗi cọc cách nhau 1-1,5m.

- Mục đích cắm lưới vây vòng ngoài để hạn chế các sinh vật gây hại và rác xâm nhập vào bãi nuôi

- Lưới được làm bằng nylon hoặc bằng cước có mắt lưới không làm ngao giống thoát ra ngoài 2a = 4-6cm

- Lưới được vùi sâu xuống đáy >30cm ở hai đầu được đặt các bao cát

- Cần có 2 hàng cọc (Cọc trong và cọc ngoài lưới vây). Cọc tre dài 2m/cọc, có đường kính từ 5-7cm. Cọc được cắm sâu xuống đáy ao 1m. Mỗi cọc cách nhau 1,2m.

- Lưới được treo trên cọc bằng các dây nylon

*. Làm chòi canh

- Trong quá trình nuôi ngao chúng ta phải làm chòi canh ngao để giúp cho việc quản lý được thuận tiện.

- Chòi canh ngao thường có diện tích từ 4-5m2. Chiều cao 1,5m, chiều rộng 2 m chiều dài 2,5m và có thang để lên xuống cho thuận tiện

- Chòi canh phải chắc chắn, không bị dột và đổ khi có gió bão

- Đáy chòi phải cao hơn mức nước chiều cường từ 2-3m.

2.2. Chọn và thả giống:

2.2.1. Chọn giống:

- Ngao giống có thể thu từ tự nhiên hoặc mua từ các cơ sở sản xuất giống nhân tạo.

- Chọn con giống đồng đều về kích cỡ, màu sắc tươi sáng, không bị mở vở và có mùi ươn, con giống phải được kiểm dịch trước khi chuyển từ trại giống về bãi nuôi.

- Ngao tốt đảm bảo không lẫn quá nhiều tạp về mùn bã hữa cơ và cát. Yêu cầu ngao không được lẫn các đối tượng khác có trong ngao, các đối tượng được coi là địch hại của ngao. Ngao đảm bảo chất lượng tốt phải không lẫn don, vẹm xanh và các loại ốc, mùn bã hữa cơ và cát bùn cũng là tạp. Ngao phải tương đối đồng đều về kích cỡ, ngao thò chân bò ra ngoài bám vào nền của hộp lồng hoặc đĩa sứ hay nhựa để di chuyển.

* Vận chuyển ngao giống:

- Vận chuyển khô (ngao > 30 ngày tuổi): Giữ cho ngao trong nhiệt độ và độ ẩm thấp, nhiệt độ tương đối ổn chênh lệch 10oC so với nhiệt độ môi rường.

- Lưu ý khi vận chuyển ngao: Sau khi vận chuyển Ngao về nên để cho Ngao từ từ thích nghi với nhiệt độ hiện tại rồi mới thả xuống nếu không sẽ gặp hiện tượng ngao chết do sốc nhiệt.

- Vận chuyển ướt (ngao < 30 ngày): Phải đảm bảo ôxy cho ngao trong quá trình vận chuyển. Nên để ngao vào trong chậu nước và phải có sục khí hoặc cung cấp ôxy thường xuyên.

- Nếu thời gian vận chuyển > 40h phải dùng xe chuyên dùng có thùng bảo ôn để luôn đảm bảo nhiệt độ trong quá trình vận chuyển là thấp hơn 2 – 100C so với nhiệt độ bề ngoài. Trước khi cho ngao vào thùng bảo ôn phải để ngao thích nghi dần dần với nhiệt độ trong thùng.

2.2.2. Thả giống:

- Ngao giống thả nuôi phải đảm bảo chất lượng với kích cỡ giống tối thiểu từ 7.000 con/kg, mật độ thả nuôi 150 - 200 con/m2 (khuyến cáo nên thả với cỡ ngao giống 400-500 con/kg, mật độ 80-90 con/m2).

- Mật độ thường thả:

- 180 kg/1000m2 với cỡ giống 2 vạn con 1 kg.

- 1.000 kg/ha với cỡ giống 3.000 - 4.000 con/kg

- 3.500 kg/ha với cỡ giống 800 - 1.000 con/kg

- 2.000 kg/ha với cỡ giống 400-500 con/kg,

- Thời tiết thả giống: mùa có giống và không có mưa bão.

- Yếu tố môi trường:

+ Nhiệt độ: 28- 320C;

+ Độ mặn: 15- 25‰, tốt nhất 20‰;

+ Hàm lượng Ôxy hòa tan: 4- 6mg/l;

+ pH: 7- 8.

- Thời gian thả giống vào sáng sớm hoặc chiều tối, trời mát, nhiệt độ từ 24- 320C.

- Sau khi vận chuyển ngao từ các nguồn khác đến, thường ngao được giữ ở nhiệt độ tương đối thấp vì vậy thường gặp hiện tượng ngao chết sau khi thả nếu không có kỹ thuật. Để tránh các hiện tượng này khi thả giống cần để con giống từ từ thích nghi với môi trường mới bằng cách thả giống vào thời điểm thủy triều lên, đưa từ từ con giống để làm quen môi trường, triều xuống nên thả ở chỗ nước sâu 10 cm, không thả giống ở chỗ nước cạn.

2.3. Chăm sóc và quản lý:

2.3.1. Thức ăn và cách cho ăn:

- Ngao là loài không cần chăm sóc nhiều, đặc biệt là không cần cho ăn. Việc quản lý và chăm sóc bãi chủ yếu là chống nước lũ tràn, chống nóng, không cho người đi vào bãi, thường xuyên kiểm tra giống bám, tu sửa chỉnh bờ và diệt trừ địch hại.

2.3.2. Quản lý bãi nuôi:

Thường xuyên làm vệ sinh lưới quây nhằm tạo sự thông thoáng cho thức ăn và tránh hiện tượng nước cuốn trôi lưới quây. Khuyến cáo nên làm vệ sinh vây 1 tháng 1 lần.

- Ở các bãi, mỗi hộ dựng một chòi canh gác trên mặt biển, diện tích từ 8 – 10 m2, lúc triều lên có 3-4 lao động thu gom ngao giống bị sóng gió và thủy triều đưa váo bờ đem thả xuống chỗ nước sâu. Việc này thường tiến hành trong 3-4 tháng đầu khi ngao chưa đạt kích thước 2 cm.

- Thường xuyên kiểm tra rào chắn để ngao không bị đẩy ra ngoài vuông nuôi. Nếu ngao tập trung lại một góc hay một phí nào đó thì phải bắt chúng trở lại góc đối diện.

- Ngao là loài nhạy cảm với môi trường đặc biệt là các tác động từ việc thay đổi nồng độ muối và các chất độc. Khi độ mặn thay đổi đột ngột (10o/oo ngày/đêm) thì làm ngao bị sốc, gây ra hiện tượng tỉ lệ ngao chết hoặc ngao trồi lên mặt bãi di chuyển chỗ ở (hiện tượng ngao di chuyển). Khi phát hiện ra sự thay đổi bất thường của môi trường gây ra hiện tượng ngao di chuyển, người nuôi cần kịp thời xử lý bằng cách dùng dây cắt nhớt, hoặc dùng lưới che phủ giữ không cho ngao trôi dạt.

- Thường xuyên quan sát tình trạng sinh sống của ngao, nếu thấy chúng phân bố đều trên bãi, khi triều rút có nhiều “lỗ mày” thì điều ấy chứng tỏ chúng sinh trưởng tốt; nếu thấy các dấu hiệu bất lợi như ngao tập trung ở từng khu vực, rong rêu phủ trên mặt bãi hoặc nghêu có hiện tượng tiết nhớt, cần xử lý kịp thời.

- Cần theo dõi kỹ biến động mặt bãi (hiện tượng phá bãi) cũng như lượng phù sa bồi lắng để có hướng khắc phục kịp thời. Nếu phù sa vào bãi dày hơn 5 cm hoặc có hiện tượng phá bãi xảy ra thì tiến hành di chuyển ngao đến bãi bằng phẳng hơn.

Ngao chủ yếu bị chết do gặp các hiện tượng khắc nghiệt trong đó bao gồm một số nguyên nhân sau:

* Bị nóng:

- Với các bãi nuôi có thời gian phơi bãi dài từ 8 -10 tiếng trở lên, do mặt cát bị phơi nắng trong thời gian dài nên khi nước biển dâng, độ nóng của nước tăng đột ngột (ước tính nóng gấp 1,5 - 2 lần nhiệt độ nước bình thường). Ngao phải chịu 1 độ nóng cao và đột ngột như vậy nên bị chết.

- Cách khắc phục: Cải tạo mặt bãi, làm các rãnh nước xung quanh để khi thuỷ triều lên sẽ tràn đều, tránh được độ nóng.

* Bị chết do địch hại:

Các loài địch hại chủ yếu của ngao là: Ốc, ốc Hoa, ốc Chân trâu, ốc Xoắn, hà Xanh. Người nuôi chỉ có thể bắt trực tiếp các loài này để trừ hại.

* Bị chết do sương muối, sương mù:

Nguyên nhân do sự thay đổi môi trường: có 2 đỉnh về nhiệt độ và độ mặn. Ở 2 điểm giao nhau của đồ thị là thời điểm ngao chết nhiều nhất vào tháng 11 - 2 (âm lịch) hàng năm. Giải pháp: thu hoạch sớm, tránh thời điểm này.

* Chết do các nguyên nhân khác:

- Ngao chết khi khả năng chống chịu với điều kiện khó khăn yếu và không cạch tranh được với cá thể khác về dinh dưỡng, thức ăn... một hiện tượng gây chết ngao nữa là do sự ảnh hưởng của bão. Khi bão, sóng đánh bãi thành các cồn dẫn đến vùi lấp ngao, bên cạnh đó lượng mưa lớn làm thay đổi môi trường, độ mặn dễ dẫn đến việc ngao chết hoặc hình thành dù và di chuyển. Để khắc phục các trường hợp này, sau khi bão cần ngay lập tức san bằng mặt bãi và tạo ra các lưới nylon để cắt dù tránh việc ngao di chuyển.

- Vùng bãi đã nuôi 3 mùa ngao, chất hữu cơ lắng đọng tăng lên tới 5-6 lần so với bình thường, có thể thấy lớp cát đen dày tới vài cm và có mùi khí thối H2S, do vậy phải bừa lật mặt đáy lên phơi bãi.

* Hiện tượng ngao di chuyển:

- Môi trường thay đổi, như là độ mặn: bình thường là 20-250/­­00 nhưng mưa làm giảm xuống 5-100/­­00. Khi đó ngao trồi lên mặt bãi, vỏ ngậm chăt giữ CO2 trong vỏ và nổi lên mặt nước (chiều cao nổi lên phụ thuộc vào mực nước triều). Và bị thủy chiều cuốn đi hoặc ngao sẽ tự tạo túi chất nhầy và giữ các bọt khí làm ngao nổi lên.

- Khắc phục bằng phương pháp dùng dây cắt nhớt, cắt dù để giữ ngao lại hoặc nâng vây bả lên cao.

- Nguyên nhân khác là do sự có mặt với nồng độ tương đối lớn của thuốc bảo vệ thực vật (từ các hoạt động sản xuất nông nghiệp phía trong đê), giải pháp là thu đi chỗ khác, xem lại bãi, báo cho các hộ nuôi xung quanh và nhờ các chuyên gia để khắc phục.

* Kiểm tra chân lưới và xử lý lấp lỗ hổng

- Kiểm tra lưới, chân lưới: Trong quá trình chăm sóc và quản lý bãi ương ngao ngoài bãi triều, phải tiến hành quay lưới xung quanh vùng ương ngao giống để bảo vệ đàn ngao giống và hạn chế các địch hại, rong rêu vào khu vực bãi ương.

Trước khi tiến hành ương ngao phải tiến hành kiểm tra lưới, chân lưới quay xung quanh bãi ương để tiến hành ra cố kịp thời, lưới chắn có chiều cao so với nền bãi ương từ 60 - 80cm.

+ Ngao có tập tính đào hang và di chuyển ra khu vực sâu gần chân lưới chắn. Do vậy lưới chắn cần phải được chôn sâu vào trong đất từ 20 - 30cm, để tránh ngao chui ra bên ngoài gây thất thoát.

- Xử lý lấp lỗ hổng: Kiểm tra lưới, nếu có chỗ bị rách, thủng hay bị tụt dây buộc phải tiến hành dùng lưới may lại hoặc dùng dây nylon cố định lưới vào cọc. Dùng cuốc, xẻng lấp lại chân lưới đúng theo yêu cầu kỹ thuật.

* . Vệ sinh lưới chắn, cọc:

- Vệ sinh lưới chắn, cọc được thực hiện định kỳ 2 - 3 tuần/lần. Quây lưới chắn xung quanh bãi ương giúp chống địch hại, tránh thất thoát ngao. Vệ sinh lưới chắn, cọc để làm sạch lưới giúp cho quá trình lưu thông của nước được tốt hơn, cung cấp thức ăn cho ngao sinh trưởng và phát triển.

*. Vệ sinh bãi nuôi:

- Trong quá trình chăm sóc và quản lý ngao nuôi thương phẩm, nên thương

xuyên kiểm tra bãi nuôi để tiến hành về sinh. Loại bỏ các chất bẩn, rác thải, rong rêu, địch hại trên bãi ương, nhằm nâng cao năng suất và hiệu quả.

*. Xử lý sự cố:

- Xử lý tảo đáy:

+ Trong quá trình nuôi thường xuyên phải dùng te sục đáy làm cho đáy bãi nuôi làm cho đay thoáng khí tạo điều kiện cho ngao phát triển. Đồng thời việc dùng te sục đáy còn làm hạn chế sự phát triển của tảo đáy trên bãi nuôi.

+ Dùng te sục đáy bãi nuôi tạo độ đục và loại bỏ tảo đáy.

- Xử lý ngao dù:

+ Môi trường thay đổi, như độ mặn: bình thường là 25-30‰ nhưng khi mưa làm giảm xuống 5-10‰. Khi đó ngao trồi lên mặt bãi vỏ ngậm chặt giữ CO2 trong vỏ và nổi lên mặt nước (chiều cao nổi lên phụ thuộc vào mực nước triều). Và bị thủy triều cuốn đi hoặc sẽ tự tạo túi chất nhày và giữ các bọt khí làm ngao nổi lên.

+ Khắc phục bằng phương pháp dùng dây cắt nhớt, cắt dù để giữ ngao lại hặng nâng lưới chắn (bả) lên cao.

+ Nguyên nhân khác là do sự có mặt với nồng độ tương đối lớn của thuốc bảo vệ thực vật. Từ các hoạt động sản xuất nông nghiệp. Giải pháp là thu đi chỗ khác, xem lại bãi, báo cho các hộ nuôi xung quanh và nhờ chuyên gia để khắc phục.

*. Kiểm tra tỷ lệ sống:

Việc xác định tỷ lệ sống của ngao thương phẩm đóng vai trò qua trọng trong việc xác định số lượng ngao còn lại trong bãi nuôi. Để xác định được mật độ nuôi, có biện pháp san ngao khi mật độ nuôi quá cao.

*. Kiểm tra sinh trưởng:

- Định kỳ khoảng 10 - 15 ngày/lần lấy mẫu ngao nuôi kiểm tra tốc độ sinh trưởng của ngao. Để đánh giá chất lượng ngao và tốc độ tăng trưởng ngao ương. Từ đó, đánh giá lượng thức ăn có đủ cung cấp cho ngao sinh trưởng phát triển hay không, có biện pháp tăng giảm mật độ nuôi.

*. Kiểm tra nền đáy bãi nuôi:

- Ngao là loài sống vùi mình trong nền đáy, nên dễ bị ảnh hưởng bởi nền đáy tới sinh trưởng và phát triển của ngao.

- Nền đáy ô nhiễm sẽ ảnh hưởng lớn tới sự phát triển của ngao, có thể gây chết hàng loạt cho ngao nuôi.

- Màu sắc của bãi nuôi và sự sinh trưởng của ngao có liên quan theo một qui luật.

+ Mặt bãi màu đen hoặc hơi nâu sẽ có nhiểu sinh vật làm thức ăn cho ngao, chúng sẽ sinh trưởng nhanh.

+ Mặt bãi màu xanh hoặc vàng chúng tỏ các loại tảo đáy mọc dày, không có lợi cho ngao.

+ Mặt bãi màu trắng chứng tỏ có sóng lớn cuối trôi bùn ra khỏi bãi.

- Do đó, ta phải thường xuyên quan sát kiểm tra bùn đáy của bãi nuôi ngao để có biện pháp xử lý kịp thời.

*. Kiểm tra độ mặn:

- Ngao là loài rất nhạy cảm với môi trường, đặc biệt là các tác động từ việc thay đổi độ mặn và các chất độc trong môi trường nước. Khi độ mặn thay đổi đột ngột (10‰ ngày/đêm) thì làm ngao bị sốc gây ra hiện tượng tỷ lệ ngao chết hay ngao trồi lên mặt bãi di chuyễn chỗ ở (hiện tượng ngao di chuyển).

- Đặc biệt vào mùa mưa khi độ mặn giảm thấp thì ta cần kiểm tra độ mặn để có biện pháp xử lý kịp thời tránh để ngao bị chết hàng loạt hay di chuyển đi nơi khác.

2.4. Phòng trị bệnh:

- Trị bệnh cho ngao tại các bãi triều có nguồn nước biển lưu thông là hết sức khó khăn, do đó chủ yếu áp dụng các biện pháp phòng là chính. Để chủ động phòng, chống dịch bệnh, giảm thiểu rủi ro cho nghề nuôi ngao cần thực hiện tốt các biện pháp sau:

+ Trước khi thả nuôi nên tắm cho ngao giống bằng nước ngọt để hạn chế ảnh hưởng của tác nhân gây bệnh Perkinsus sp; trong quá trình nuôi định kỳ chủ động san thưa ngao để giảm dần mật độ, tập trung thu hoạch khi ngao đạt kích cỡ thương phẩm.

+ Ở những bãi ngao có thời gian phơi nắng từ 5-8 giờ/ngày thì sau giờ thứ 4 phải phun nước làm mát liên tục và có biện pháp chống nắng để tránh ngao chết do nhiệt độ quá cao; hoặc di chuyển ngao xuống vùng hạ triều không nuôi vùng cao triều để tránh bãi ngao/nghêu bị phơi nắng trong thời gian dài, nếu trên bãi ngao có các vùng trũng phải cải tạo san phẳng mặt bãi.

+ Khi ngao nuôi có dấu hiệu bất thường hoặc chết phải báo ngay cho các ngành chức năng để có thể phát hiện các nguyên nhân hay tác nhân gây bệnh ở giai đoạn sớm nhất nhằm đưa ra các biện pháp kịp thời, giảm thiểu tổn thất.

+ Mỗi khu vực nuôi ngao khi thu hoạch xong hoặc có ngao chết phải cải tạo và vệ sinh vùng nuôi thật tốt, rắc vôi bừa kỹ hoặc phủ cát mới để cải tạo đáy nhằm khử ô nhiễm, diệt trùng và làm sạch môi trường ở bãi ngao. Không vận chuyển ngao bệnh ở vùng nuôi này sang vùng nuôi khác để hạn chế sự lây lan bệnh và những rủi ro trong những vụ nuôi tiếp theo.

2.5. Thu hoạch:

- Sau 10 – 15 tháng nuôi có thể thu hoạch ngao thương phẩm.

- Thu hoạch cần chú ý đến chất lượng sản phẩm và thời gian bảo quản. Vào mùa xuân, thu dễ bảo quản, thu hoạch vào mùa hè nhiệt độ cao khó bảo quản. Hàm lượng dinh dưỡng trong thịt ngao cao vào mùa sinh sản, khi tuyến sinh dục phát triển giai đoạn thanh thục.

- Cỡ ngao thương phẩm thu hoạch thường từ 35-37 mm (45-50 con/kg), không nên để ngao quá lớn mới thu hoạch vì tỷ lệ thịt so với khối lượng ngao sẽ bị giảm.

Có các phương pháp thu hoạch sau:

- Lợi dụng tính hướng cọc gỗ của ngao để thu. Trên bãi cứ cách 1,5m đóng một cọc gỗ có đường kính 4-5cm, dài 65-70cm. Sau một thời gian ngao sẽ tập trung ở xung quanh cọc gỗ với bán kính 30cm, lúc này bắt rất thuận tiện.

- Dùng con lăn đá, khi con lăn lăn qua rồi ngao ở dưới bị ép sẽ phun nước lên, từ chỗ có nước phun có thể bắt ngao.

- Dùng chân đạp trên nước nông để bắt.

Ths. Nguyễn Thị Hằng - Phòng Chuyển giao kỹ thuật Thủy sản

Đối tác/Liên kết
Trang chủ
Thống kê truy cập
  • Hôm nay: 4276
  • Hôm qua: 4463
  • Tuần này: 29620
  • Tuần trước: 29296
  • Tháng này: 268330
  • Tháng trước: 306531
  • Lượt truy cập: 2836391
0225.3541.398 
messenger icon