Quy trình nuôi rạm thương phẩm

15:55:43 07/10/2022 Lượt xem 3037 Cỡ chữ

Model.C_Title
Mục lục

   1. Lựa chọn địa điểm

    - Địa điểm nuôi thuộc vùng triều, vùng ngập mặn. Nơi có nguồn nước tốt, không bị ô nhiểm và ít ảnh hưởng bởi sóng gió. Độ mặn của nước dao động từ 1 - 15‰.

    - Chất đáy bùn cát tỷ lệ khoảng 60/40, không nên chọn nới đất quá nhiều cát hay có độ pH thất thường, ảnh hưởng không tốt cho nuôi rạm. pH của chất đáy tốt nhất trong khoảng 7,5-8,5.

     - Ao có bờ bao chắc, không dò rỉ. Yêu cầu đầm nuôi phải có hai cống cấp và thoát nước đầu nguồn đảm bảo việc cấp và thoát nước được dễ dàng.

      2. Chuẩn bị ao, đầm

       - Trước khi nuôi, ao đầm cần được tháo cạn (vét bùn nếu có thể), tu sửa lại các bờ xung quan, bịt các lỗ dò làm thất thoát nước trong khi nuôi. Với các đầm cũ, tích tụ nhiều bùn cần vét sạch để hạn chế sự tác động của chất thải tích tụ gây bệnh.

       - Sau khi tu sửa và nạo vét nền đấy tiến hành bón vôi để khử chua/phèn, diệt tạp trong ao đầm nuôi. Lượng vôi bón trong đầm tuỳ theo độ pH của nền đáy và loại vôi, lượng vôi bón 5-7kg/100m2

         - Vơi bón nên rải đều khắp ao, đầm, bao gồm cả bờ và đê bao. Tiến hành phơi ao từ 5-7 ngày. Lấy nước rửa ao 4-5 ngày. Tháo cạn với mức nước từ 10-15 cm và diệt các sinh vật gây hại cho Rạm. Rửa đầm thêm 3-5 ngày nữa, rồi mới cấp nước gây màu.

     - Cấp nước gây màu: Có ý nghĩa quan trọng trong giai đoạn đầu khi nuôi. Ngâm nước trong đầm 5-10 ngày cho tảo phát triển. Cấp thêm nước trong ao mỗi lần từ 20 – 30 cm nước cho đến khi đạt mức nước cần thiết.

    - Bón phân gây màu cho nước bằng phân Urê và phân khoáng tổng hợp NPK liên tiếp 3-5 ngày với khối lượng mỗi loại phân trên từ 0,5-1 kg/ngày. Sau 4-7 ngày, mọi công tác gây màu đã xong thì tiến hành thả Rạm giống vào nuôi.

     - Có thể sử dụng bạt trơn thay lưới quây xung quanh ao. Phần chân bạt được ghìm sâu vào thành ao 20 cm. Điểm ghìm chân bạt tại điểm giữa chân và đỉnh thành ao. Bạt được bao trùm toàn bộ từ điểm giữa thành ao lên đỉnh thành ao.

      * Tạo giá thể: Có 2 loại giá thể cho rạm bám:

      - Giá thể nhân tạo: dùng lưới để làm giá thể bám cho rạm. Cắm cọc tre theo chiều thẳng đứng, cắm thành hàng ngang. Căng lưới cách đáy ao 20 - 30 cm và cao hơn mặt nước 20 cm. Có thể sử dụng các bó củi khô xếp xung quanh ao (5- 10 m2/bó).

       - Giá thể tự nhiên: Các bụi cây sậy, cây ngập mặn phát triển sẵn trong ao nuôi.

       * Quây lưới, bạt xung quanh:

      - Quây lưới xung quanh bờ ao. Đóng cọc kiên cố để giữ lưới, kích thước mắt lưới: 2a = 1 - 2 mm. Phần chân lưới được ghìm sâu vào thành ao 20 cm. Phía trên của phần lưới bao quanh (40 cm dài, tính từ điểm trên cùng lưới trở xuống) sẽ được bao bọc bằng nilong để chống rạm bò ra ngoài.

       3. Thả giống

      + Chọn  giống

      Chọn Rạm giống cung cấp cho quá trình nuôi để có hiệu quả kinh tế cần dựa vào các tiêu chuẩn sau để chọn giống:

      - Chọn cá thể trong đàn phải đồng đều về kích cỡ. 

      - Phản xạ nhanh với tác động bên ngoài, định hướng nhanh, vận động linh hoạt;

      - Rạm có màu sắc tươi tự nhiên, không có dấu hiệu lạ trên cơ thể, nguyên vẹn, cứng vỏ, không có dị tật, không có dấu hiệu của bệnh và không bị các sinh vật bám ở vỏ ngoài.

      - Kích cỡ mai của Rạm từ 0,6 cm trở lên. kích cỡ từ 250 - 450 con/kg

       + Vận chuyển giống:

       Có nhiều cách vận chuyển:

      - Dùng khay nhựa cỡ: 20 x 25cm, khay một lớp cát mịn, sạch 0,5cm, mỗi khay cho 500 con, không để Rạm bị lật ngửa vận chuyển trong 8-12giờ., các khay xếp chồng lên nhau cho vào thùng xốp, bao xác rắn vận chuyển.

       - Cho rạm giống vào túi lưới, đặt trong các thùng xốp, xô chậu; phủ vải ướt lên trên để cho rạm tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời và giữ ẩm cho rạm.

      +  Kỹ thuật thả giống

     - Trước khi thả nuôi phải kiểm tra độ mặn của đầm nuôi. Nếu độ mặn của đầm nuôi xấp xỉ độ mặn vùng thu mua thì không phải thuần dưỡng Rạm nuôi, nếu độ mặn ở hai vùng này có sự chênh lệch trên 5‰ nhất thiết phải thuần dưỡng Rạm giống.

      - Mật độ thả: 20 con/m2.

      4. Chăm sóc và quản lý Rạm nuôi thương phẩm

       - Thường xuyên vệ sinh sạch ao nuôi.

       - Thay nước đầm nuôi theo thủy triều: mỗi lần thay 20 - 30% lượng nước. Thường xuyên kiểm tra độ mặn.

        - Thức ăn nuôi Rạm thịt: Sử dụng bằng cá tạp, tép, moi hoặc thức ăn tự chế từ các loại: bột ngô, cám, cá tạp, tép moi, .. xay nhỏ nấu chính sau đó tạo viên.

       - Hệ số thức ăn FCR = 2,5 (2,5kg thức ăn/1 kg rạm thương phẩm). Lượng thức ăn mỗi ngày 10% trọng lượng Rạm, cho ăn 2 lần trong ngày tập trung vào sáng sớm, buổi chiều tối, trước khi cho ăn cần kiểm tra tình trạng Rạm trong ao và khả năng sử dụng thức ăn lần trước, nếu thức ăn còn thừa thì cho ít hoặc không cho ăn.

      - Định kỳ xử lý môi trường bằng vôi bột CaCO3. Dùng vôi mịn từ 50 - 100 kg/ha/lần, hòa tan rải đều trên mặt nước vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát giúp tăng pH của nước và ổn định môi trường nước sau mưa.

    - Sử dụng vôi Dolomite CaMg(CO3) khi thời tiết bất thường. Dùng từ 50-100 kg/ha/lần tùy vào thời điểm, giúp tăng hệ đệm nước, tăng độ kiềm, ổn định môi trường nước.

     5. Thu hoạch

    + Hình thức đánh lờ: Cho thức ăn bằng cám rang thơm cho vào trong lờ. Đặt lờ ở đáy ao, giáp bờ ao. Thời gian đặt khoảng chiều tối từ 18 giờ đến 5 giờ sáng.

    + Hình thức đánh lú (bát quái): Đặt lú xung quanh ao đầm, rắc cám viên vào trong lú. Lú cần đặt căng, không để lú trùng. Thời gian đặt từ 20 giờ tối đến 4 giờ sáng.

     - Phương pháp thu vét: Sau khi thu tỉa, tiến hành thu vét. Tát cạn nước trong ao để bắt hết những con còn lại và tiến hành cải tạo ao cho vụ nuôi sau.

     - Khi khối lượng Rạm đạt cỡ 18g/con (40-60con/kg) trở lên có thể thu hoạch.

    - Tỷ lệ sống 65-70%, năng suất 2,5-30 tấn/ha/vụ.

     6. Phòng và trị một số bệnh thường gặp

    * Phòng bệnh:

    -  Giữ môi trường sống luôn ổn định: Ao đầm nuôi luôn phải được dọn, tẩy. Ao đầm mới hoặc sau một vụ nuôi phải tháo cạn nước, phơi đáy 3 - 5 ngày; nếu nhiều bùn thì vét bớt bùn và rác thối bẩn; rải vôi (CaCO3) lên khắp đáy ao và mép trong bờ ao (10 kg vôi/100 m2).

     - Tăng cường quản lý, chăm sóc: Thường xuyên theo dõi, kiểm tra rạm nuôi, ao đầm nuôi để có biện pháp xử lý.

     - Dùng thuốc phòng bệnh cho rạm:

    + Sử dụng dung dịch Formaline 20 - 30 ppm để tắm cho rạm. Rạm giống được đem thả vào dung dịch trên trong vòng 20 - 30 phút, đưa ra thả vào ao nuôi.

     + Thức ăn tươi sống là don, dắt được rửa sạch, ngâm qua dung dịch thuốc tím nồng độ 0,5 mg/lít nước trong 20 - 30 phút, rửa lại bằng nước sạch. Thức ăn là cá tạp cần được xay nhỏ, nấu chín…

     * Bệnh thường gặp ở rạm và cách trị:

     a. Bệnh đen mang:

    - Nguyên nhân: Mang Rạm bị đen do sắc tố Melanin phát triển tại các mô của mang bị phá huỷ do các ký sinh trùng sán lá đơn chủ (xuất hiện nhiều sau khi thay nước có độ mặn thấp, nhất là sau các trận mưa lớn, Nấm Fusarium spp, Vi khuẩn dạng sợi Vibrio spp, hay khi nồng độ các khí độc amoniac và sulfur hydro cao trong môi trường ao nuôi.

    - Phòng trị:

     + Tắm cho Rạm bằng formol với nồng độ 16-30ml/m3 nước trong 15 – 20 phút có sục khi, thời gian điều trị 6-8 ngày hoặc tắm cho Rạm bằng dung dịch sulfat đồng với nồng độ 0,6g/m3 nước, mỗi lần tắm ngâm trong 6-8 phút, có sục khi. Thời gian điều trị 6-8 ngày.

      + Dùng vôi rải đều trên ao nuôi để diệt ký sinh trùng, vì khuẩn, nấm... Khi có dấu hiệu bệnh hay thời tiết mưa kéo dài, dùng thuốc kháng sinh như Nofloxacin, Nalidixic axit, Ciprofloxacin thường xuyên để phòng trị bệnh bằng cách trộn vào thức ăn hàng ngày với liều lượng từ 40-60g/kg thức ăn. Thời gian phòng bệnh thường 6-8 ngày.

       b. Bệnh đốm trắng - vàng trên vỏ

     - Nguyên nhân: Phân biệt rõ nguyên nhân do bệnh gây ra hay chỉ là các dấu hiệu của việc no nước trước khi lột. Nếu Rạm có đốm trắng vàng nhưng vẫn biểu hiện khoẻ mạnh, vận động và cảm giác bắt mồi nhanh thì không đáng lo ngạy do đó là các biểu hiện sinh lý trước khi lột xác. Màu sắc này, có thể do trong nước giàu canxi và magie hay vôi bột bám là bình thường. Các đốm trắng này sẽ hết sau khi lột xác.

      Trong trường hợp Rạm nhiễm bệnh đốm trắng - vàng thực sự do các vi khuẩn, vi sinh vật... hay do nước lâu ngày không thay và bị ô nhiễm nặng

       Phòng trị bệnh:

      + Sử dụng thức ăn tươi và cho ăn đầy đủ, thức ăn thừa phải dọn sạch.

     + Trộn thêm một số chất kháng sinh Norfloxacin, Nalidixic axit, Ciprofloxacin... và các vitamin A, C, E, B6, B12... bổ sung vào thức ăn hàng ngày để tăng tính chống chịu cho Rạm.

      c. Bệnh khó hay không lột xác trong thời gian dài

    - Nguyên nhân: Khi soi trên kinh hiển vị có độ phóng đại 40 lần, phát hiện trong dịch tiết ra có vi khuẩn Vibrio spp, Aeromonas spp.

     - Phòng trị bệnh.

    + Trộn kháng sinh Oxytetracylin và dầu ăn vào thức ăn hàng ngày với liều lượng 50mg/kg thức ăn, cho ăn liên tục trong 6-10 ngày.

    + Thay nước, kiểm tra độ mặn trong ao nuôi, nếu độ mặn trên 15‰ thay nước hạ độ mặn xuống dưới 15‰ kích thích Rạm lột xác./.

Ths. Nguyễn Trung - Phó Trưởng phòng Chuyển giao KTTS

Đối tác/Liên kết
Trang chủ
Thống kê truy cập
  • Hôm nay: 6723
  • Hôm qua: 9996
  • Tuần này: 16719
  • Tuần trước: 55422
  • Tháng này: 284008
  • Tháng trước: 488381
  • Lượt truy cập: 3722254
QR Code

Dùng điện thoại scan mã QR này để truy cập vào website

QR Code
0225.3541.398 
messenger icon