Cá bống bớp là một trong những loài cá kinh tế có giá trị cao ở vùng nước lợ, nhờ thịt thơm ngon, bổ dưỡng, giá cả hấp dẫn, đang được tiêu thụ rộng rãi trên thị trường trong và ngoài nước. Do phát triển việc chặt phá rừng ngập mặn để đắp đầm nuôi tôm, dùng thuốc và hoá chất độc hại trong các khu vực nuôi trồng thuỷ sản cùng với việc khai thác triệt để làm cho nguồn lợi tự nhiên của cá bống bớp ngày càng giảm sút nghiêm trọng đã được ghi vào sách đỏ Việt Nam (mức VU). Cá bống bớp là đối tượng dễ nuôi, có sức chịu đựng sự thay đổi môi trường cao, cá sống được ở biên độ dao động độ mặn từ 2 - 32‰ và có thể nuôi được ở tất cả khu vực nước lợ của các vùng ven biển. Nuôi cá bống bớp ít rủi ro, dễ tiêu thụ cả ở thị trường trong và ngoài nước, giá cả ổn định ở mức cao (±300.000đ/kg) mang lại hiệu quả kinh tế lớn cho người nuôi.
Tuy nhiên, với những nhược điểm như, tuổi thành thục sớm (10 tháng tuổi), là loài cá đẻ nhiều lần trong năm và có thể sinh sản tự nhiên trong ao nên cá nuôi sẽ chậm lớn. Hơn nữa, trong quần đàn, cá cái thường tăng trưởng chậm và có kích cỡ nhỏ hơn so với cá đực, kích cỡ không đều khi thu hoạch, hiệu quả không cao. Do vậy, khi nuôi cá bống bớp thương phẩm, người nuôi thường thích cá đực hơn cá cái.
1. Yêu cầu kỹ thuật
- Vị trí cơ sở nuôi thương phẩm gần biển, vùng nước lợ mặn thuận lợi cho việc lấy nước và thay nước phục vụ cho nuôi thương phẩm các đối tượng thủy sản nói chung và cá bống bớp nói riêng.
- Khu vục nuôi thương phẩm cần tránh xa các nguồn gây ô nhiễm như nước thải của các hoạt động sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ và sinh hoạt. Cơ sở sản xuất cần có hệ thống điện lưới và giao thông thuận lợi.
- Về nguồn nước: nguồn nước đảm bảo yêu cầu cho cơ sở nuôi cá bống bớp cần có độ mặn 5 - 25‰, pH 7,0 - 8,5, hàm lượng ôxy hòa tan 3,0-7,0 mg/l, kim loại nặng (như: NH3, H2S, PO4, COD, BOD...) dưới mức cho phép theo theo TCVN 10-MT, 2015/BTNMT.
- Máy bơm các loại tương đương công suất và nhu cầu sản xuất và các thiết bị đo môi trường nước: máy đo độ mặn, pH, ôxy, nhiệt độ...
* Một số chỉ tiêu quy trình kỹ thuật nuôi thương phẩm cá bống bớp:
+ Diện tích nuôi: 500-1.000m2 -2.000m2 -5.000m2
+ Chiều dài cá thương phẩm: 19 - 22cm/con
+ Khối lượng cá thương phẩm: 110 - 130g/con
+ Tỷ lệ sống: > 65%
+ Hệ số thức ăn; 5,6
+ Năng suất: 8,3 tấn/ha/vụ
+ Thời gian nuôi: 9 tháng
2. Nội dung quy trình (các bước thực hiện)
2.1. Chuẩn bị ao và cải tạo ao nuôi thương phẩm
- Lựa chọn ao nuôi thuận lợi cho việc cấp và thoát nước
- Diện tích ao nuôi: 500-2.000m2
- Hình dạng ao nuôi có dạng hình vuông hoặc hình chữ nhật, đáy ao bằng phẳng, đầm nén chặt, độ dốc nghiêng về cống thoát nước.
- Ao nuôi cá thương phẩm được cải tạo và gây màu trước khi thả giống: Bón vôi bột (CaO) với lượng 200 - 500 kg/ha kết hợp với phơi khô ao từ 7-10 ngày. Việc phơi khô đáy ao không những diệt mầm bệnh mà còn giúp quá trình phân huỷ các hợp chất hữu cơ trong ao nuôi diễn ra nhanh tránh ô nhiễm môi trường trong khi nuôi.
- Lấy nước vào ao có độ mặn độ muối: 5-25‰ (thích hợp 10-15‰), qua lưới lọc 2a=1mm đạt mức nước 1,0-1,2m, sau đó diệt khuẩn, diệt tạp bằng hoá chất: saponin, chlorin.
- Sau thời gian xử lý nước từ 5-7 ngày thì tiến hành gây màu nước bằng phân vô cơ: liều lượng dùng là: Urê (45:0:0): 5-10 kg/1.000m3; N-P-K (20:20:0): 5-10 kg/1000m3; dùng kết hợp 50% Urê + 50% NPK: 5-10 kg/1.000 m3.
- Phân bón được hòa tan trong nước rồi tạt xuống ao vào lúc 9 - 10 giờ sáng để kích thích tảo phát triển. Cần bón phân trong vài ngày liên tục, lượng phân bón từ ngày thứ 2 về sau bằng 50% của ngày đầu, để duy trì sự phát triển của động thực vật phù du.
- Khi các yếu tố môi trường ổn định như: pH (7,0-8,5), độ muối: 5-25‰ (thích hợp 10-15‰), nhiệt độ (20-30oC), độ trong (30-50 cm), thì tiến hành thả cá giống.
2.2. Chọn giống
- Cá giống cá khỏe mạnh, có kích cỡ đồng đều, không dị hình, không có dấu hiệu bệnh lý, bơi lội linh hoạt, đàn cá giống có màu sắc tươi sáng.
- Kích cỡ cá thả: 8,0-12,0cm/con
- Mật độ nuôi: 10con/m2
- Cá giống thường được thả vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát.
2.3. Quản lý môi trường ao nuôi
- Nhiệt độ: Nhiệt độ là yếu tố phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên, ổn định nhiệt độ nuôi tối ưu bằng cách nâng cao độ sâu mực nước trong ao nuôi, độ sâu mực nước trong ao nuôi nằm trong khoảng 1,0-1,5m.
- Độ trong, màu nước: Thường xuyên duy trì màu nước có mầu nâu nhạt, màu xanh nõn chuối. Giữ độ trong hợp lý dao động trong khoảng 30-50cm, duy trì độ trong và màu nước bằng cách bón phân vô cơ cho ao nuôi định kỳ từ 7-10 ngày/ lần.
- pH: Độ pH thích hợp cho cá bống bớp sinh trưởng và phát triển dao động trong khoảng 7,0-9,0, tốt nhất là từ 7,5-8,5. Khi pH < 7,0 nên sử dụng vôi bột CaO hay vôi tôi Ca(OH)2 với lượng 5-7kg/1.000m3, vôi được hòa nước tạt đều khắp ao để nâng nhanh pH. Khi pH > 9,0 thường kèm theo tảo phát triển mạnh, nếu có điều kiện thì thay ngay một phần nước trong ao nuôi hoặc là dùng hóa chất đánh xuống ao nuôi để giảm tảo trong ao nuôi giúp giảm pH nhanh.
- Ôxy hòa tan: Hàm lượng ôxy thích hợp cho bống bớp sinh trưởng và phát triển là trên 4,0 mg O2/l. Vào những ngày oi bức không có gió hoặc kiểm tra thấy ôxy hòa tan trong nước thấp (dưới 3,0mgO2/l) thì dùng máy sục khí hoặc có thể thay một phần nước ao nuôi.
- Độ mặn: duy trì từ 10-25‰.
- Chế độ thay nước: Định kỳ thay nước từ 10-15 ngày/lần, khi cần thiết có thể thay nước từ 5-7 ngày/lần, lượng nước thay 20-70% so với lượng nước ao nuôi và tùy thuộc vào tình hình ao nuôi để có chế độ thay nước thích hợp..
2.4. Thức ăn và cách cho ăn
- Thức ăn: 50% Cá tạp+50% Thức ăn công nghiệp
+ Trước khi cho ăn cá tạp được rửa sạch, loại bỏ những con ươn, có mùi hôi sau đó đưa cá vào xay đùn qua máy nghiền tạo được thức ăn nhuyễn, ngoài việc giúp cá dễ bắt mồi còn giúp cá hấp thụ thức ăn nhanh thúc đẩy quá trình tăng trưởng tốt.
+ Cá tạp được bổ sung vitamin tổng hợp và khoáng chất để làm tăng sức đề kháng cho cá.
- Cách cho ăn: thời điểm và vị trí cho ăn trong ao nên cố định, tập cho cá có thói quen tập trung thành đàn tại một địa điểm nhất định khi cho cá ăn. Trước khi cho ăn kèm theo tiếng động, tạo cho cá phản xạ có điều kiện.
- Cho ăn: 2 lần/ngày, thời gian cho ăn: 6-7h và 16-17h trong ngày
- Lượng cho ăn từ: 5-7% khối lượng thân. Hàng ngày theo dõi hoạt động và khả năng bắt mồi của cá để điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp.
* Khi cho cá ăn cần chú ý:
- Nên cho cá ăn từ từ để đảm bảo toàn bộ đàn cá được ăn mồi
- Không cho cá ăn khi: thời tiết bất lợi, mưa to gió lớn
2.5. Theo dõi sự sinh trưởng và tỉ lệ sống của cá
- Để xác định sinh trưởng của cá cần ước lượng chính xác số lượng cá trong ao tại một thời điểm bằng cách dùng vó cất cá để kiểm tra. Các chỉ tiêu xác định là chiều dài và khối lượng của mỗi con cá, mỗi lần kiểm tra cần khoảng 30 cá thể.
- Kiểm tra tốc độ tăng trưởng (đo chiều dài, cân trọng lượng) của cá 30 ngày/1lần.
2.6. Theo dõi sức khỏe cá nuôi
Một số những dấu hiệu nhận biết để theo dõi cá nuôi trong ao thương phẩm :
- Cá bơi lội không bình thường, cá bỏ ăn, tăng trưởng chậm.
- Hình dạng cá bị thay đổi, màu sắc cá không bình thường,
- Nếu cá chết rải rác kéo dài nhiều ngày, có thể do các bệnh vi sinh vật hoặc do dinh dưỡng, thức ăn kém chất lượng.
- Nếu cá chết hàng loạt và đột ngột, có thể do các yếu tố môi trường.
2.7. Phòng bệnh và biện pháp trị bệnh cho cá bống bớp
Phòng bệnh là áp dụng các biện pháp cần thiết để nâng cao sức đề kháng của cá nuôi, tránh đưa mầm bệnh từ bên ngoài vào hệ thống ao nuôi hoặc ngăn ngừa mầm bệnh phát triển và lây lan như: định kỳ thay nước, khống chế pH, độ mặn… của ao nuôi, việc phòng trị bệnh tổng hợp cho cá trong ao gồm các biện pháp sau:
- Cải tạo ao đầm nuôi tốt.
- Cá giống có chất lượng, mật độ nuôi vừa phải và thả giống đúng kỹ thuật.
- Cho cá ăn đầy đủ số lượng và đảm bảo chất lượng, tăng sức đề kháng của cá nuôi bằng cách bổ sung qua con đường thức ăn hoặc đánh trực tiếp xuống ao nuôi như: khoáng chất, vitamin, men vi sinh có lợi.
- Theo dõi thường xuyên và quản lý môi trường ao nuôi tốt.
a. Bệnh trùng mỏ neo
- Tác nhân gây bệnh: Trùng gây bệnh có tên Lernaea, có dạng giống mỏ neo, cơ thể có chiều dài 8-16mm, giống như cái que, đầu có mấu giống mỏ neo cắm sâu vào cơ thể cá.
- Dấu hiệu bệnh lý: Cá nhiễm bệnh kém ăn, gầy yếu, chung quanh các chỗ trùng bám viên và xuất huyết. Nơi trùng mỏ neo bám là điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập và phát triển. Chúng thường ký sinh ở da, mang, vây, mắt và thường xuất hiện vào mùa xuân, mùa thu ở miền Bắc.
- Phòng và trị bệnh: Kiểm tra cá trước khi thả nuôi, nếu phát hiện có trùng mỏ neo ký sinh dùng thuốc tím 10-25g/m3 tắm trong một giờ. Trị bệnh có thể dùng lá xoan liều lượng 0,3-0,5kg/m3 nước. Dùng hoá chất: Iodine: 1-2ppm. Đánh 1ngày/lần, đánh liên tục cho đến khi khỏi bệnh kết hợp thay nước mới.
b. Bệnh rận cá
- Tác nhân gây bệnh: Trùng thường gây thuộc giống Argulus và Alitropus màu trắng ngà, nhận thấy được bằng mắt thường.
- Dấu hiệu bệnh lý:Trùng ký sinh bám trên da cá hút máu cá đồng thời phá huỷ da, làm viêm loét tạo điều kiện cho các sinh vật khác tấn công.
- Phòng và trị bệnh: Áp dụng cách phòng trị giống trùng mỏ neo hoặc dùng thuốc tím (KMnO4) với nồng độ 10g/m3 trong một giờ hoặc suphát đồng (CuSo4): 0,3ppm đánh trực tiếp xuống ao 3-5 ngày liên tiếp đến khi cá khỏi bệnh, kết hợp thay nước.
c. Bệnh trùng bánh xe
- Nguyên nhân: Do trùng bánh xe Trichodina ký sinh ở da và mang cá, bệnh thường phát triển vào những ngày trời không nắng, âm u hoặc mưa kéo dài.
- Dấu hiệu bệnh lý: Màu sắc cá nhợt nhạt, thân cá có nhiều nhớt màu trắng đục; đuôi, vây bị xơ mòn, bơi lội không định hướng, thân cọ vào cây cỏ như bị ngứa.
- Phòng và trị bệnh: Tắm cá: Dùng CuSO4 với nồng độ 3-5 ppm (3-5g/m3 nước) tắm cho cá 5-10 phút. Phun thuốc trực tiếp xuống ao: dùng CuSO4 với nồng độ 0,5-0,7ppm (0,5-0,7g/m3nước).
d. Bệnh lở loét:
- Nguyên nhân: do nhiều nguyên nhân kết hợp như siêu vi (virus), vi khuẩn, nấm thuỷ mi, nấm nội Aphanomyces, giáp xác ký sinh, môi trường nước quá xấu, nhiệt độ thay đổi …
- Dấu hiệu bệnh lý: Cá ít ăn hoặc bỏ ăn, hoạt động lờ đờ, bơi nhô đầu lên mặt nước, da cá nhợt nhạt và xuất hiện các vết loét dần dần lan rộng có thể ăn sâu đến xương. Cơ quan nội tạng hầu như không bị thương tổn.
- Phòng và trị bệnh: Luôn giữ môi trường sạch, định kỳ dùng vôi bột, các hoá chất xử lý đáy ao. Dùng thuốc tím 3g/m3 kết hợp với muối ăn 0,3kg/m3 tạt xuống ao. Trộn vào thức ăn cho cá ăn thức ăn có bổ sung vitamin tổng hợp, đặc biệt là vitamin C với liều 50 mg/kg cá/ngày và men tiêu hóa (Lactobacillus sp., Bacillus subtilis) với liều 100-200 mg/kg cá/ngày cho cá ăn liên tục 7 ngày.
e. Bệnh ký sinh trùng mang
- Nguyên nhân: do ký sinh trùng đơn bào Myxobolus goensis gây ra, do lấy phải nguồn nước có ký sinh trùng đơn bào Myxobolus goensis, kết hợp môi trường ao nuôi thuận lợi tạo điều kiện cho chúng phát triển.
- Dấu hiệu bệnh lý: mang cá nhiễm bệnh, trùng loa kèn bám vào các tia mang, cá khó thở, ho hấp không đều.
- Phòng và trị bệnh:dùng KMnO4 (nồng độ: 5-7ppm) đánh trực tiếp xuống ao hoặc formalin (nồng độ: 15-25ppm), sau đó thay nước từ 20-50% lượng nước trong ao.
2.8. Thu hoạch
- Sau thời gian 9 tháng nuôi thì tiến hành thu hoạch, lúc này cá đạt bình quân khoảng 100-130g/con. Có hai hình thức thu hoạch:
- Thu tỉa: là thu những con cá có kích cỡ lớn hơn, cách này áp dụng đối với các ao đầm có cá phát triển không đều, giúp cá còn lại trong ao lớn nhanh hơn để đạt kích cỡ thu hoạch. Sử dụng chài hoặc cất vó có kích thước mắt lưới đủ để bắt những con có kích cỡ bằng hoặc lớn hơn cỡ cá cần thu hoạch. Nên đánh bắt vào lúc trời mát, tránh gây ảnh hưởng cho cá còn lại trong ao. Sau đó phải kiểm tra xác định lượng cá còn lại trong ao để giảm lượng thức ăn hàng ngày cho phù hợp.
- Thu toàn bộ: khi cá đạt cỡ thu hoạch đồng đều thì có thể thu hoạch toàn bộ.
KS. Trần Thị Phương - Trạm Khuyến nông Liên quận