Quy trình nuôi kết hợp Cá Hói (Scatophagus argus), Tôm Sú (Pennaeus monodon) và Cua Biển (Scylla serrata) tại Hải Phòng

16:19:15 07/10/2022 Lượt xem 742 Cỡ chữ

Model.C_Title
Mục lục

      1. Chuẩn bị ao và cải tạo ao nuôi thương phẩm

     - Lựa chọn vị trí ao nuôi thuận lợi cho việc cấp nước và thoát nước.

     - Diện tích ao nuôi: 1.000-2.000 m2.

     - Hình dạng ao nuôi: Hình vuông hoặc hình chữ nhật, đáy ao bằng phẳng, đầm nén chặt, độ dốc nghiêng về cống thoát nước.

     - Ao nuôi thương phẩm được cải tạo và gây màu trước khi thả giống: Bón vôi bột (CaO) với lượng 20-50 kg/0,1 ha kết hợp với phơi khô ao từ 5-7 ngày.

      - Lấy nước vào ao có độ mặn: 10-20‰, qua lưới lọc 2a = 1 mm đạt mức nước 0,8 - 1,0 m; sau đó diệt khuẩn, diệt tạp bằng hoá chất Saponin (10 kg/1.000 m3

       - Sau thời gian xử lý nước từ 3-5 ngày, tiến hành gây màu nước bằng cách: Cho 10 kg mật rỉ đường, 10 kg cám gạo, 100 g men bánh mỳ vào thùng nhựa chứa 100 lít nước, ủ 24 giờ, tạt xuống ao vào buổi sáng (dùng cho 1.000 m3), ngày hôm sau đánh men vi sinh, sau 5 ngày làm lặp lại như trên.

       - Sau thời gian gây màu cho ao nuôi và kiểm tra các chỉ tiêu môi trường ổn định (như: pH:7,5-8,5; độ trong: 40-50cm;...) từ 3-5 ngày thì tiến hành cấy rong câu vào ao nuôi với mật độ từ 0,6-0,8 kg/m2 (rong câu đang ở pha sinh trưởng), mục đích nhằm hấp thụ muối dinh dưỡng trong ao và cung cấp thức ăn cho cá hói.

       - Khi các yếu tố môi trường ổn định như: độ pH (7,5-8,5), độ mặn (5-25‰), nhiệt độ (20-30oC), độ trong (30-50 cm), thì tiến hành thả giống.

       2. Chọn giống và thả giống

        - Mùa vụ thả nuôi: từ tháng 1 đến tháng 4 hàng năm.

        - Con giống đưa vào ao nuôi cần khoẻ mạnh, không dị tật, không mang mầm bệnh, kích cỡ đạt tiêu chuẩn.

          * Chọn giống và thả giống cá hói:

          - Kích cỡ cá thả: 6,0 -8,0 cm/con; mật độ nuôi: 1,0 con/m2.

          - Cá giống khỏe mạnh, kích cỡ đồng đều, không dị hình, không có dấu hiệu bệnh lý, bơi lội linh hoạt, đàn cá giống có màu sắc tươi sáng.

          - Được thả đầu tiên trong 3 đối tượng nuôi kết hợp, thời gian thả tôm sú vào buổi sáng lúc thời tiết mát.

          * Chọn giống và thả giống tôm sú:

           - Kích cỡ giống thả: 1,7- 2,2 cm/con, mật độ nuôi: 8 con/m2

          - Tôm sú khỏe mạnh, khi bơi cơ thể thẳng, phản ứng nhanh với các tác động bên ngoài, khi tạo dòng chảy thì bơi ngược dòng, nếu tôm yếu thì khi tạo dòng chảy bị quấn vào giữa. Tôm giống đồng đều, không dị hình, màu sắc sáng bóng.

            - Sau 3 đến 5 ngày từ khi thả tôm sú, thời gian thả cua biển vào buổi sáng lúc thời tiết mát mẻ

         * Chọn giống và thả giống cua biển: 

         - Kích cỡ cua thả: 0,8 - 1,2 cm/con; mật độ nuôi: 0,5 con/m2.

        - Giống cua biển khỏe mạnh, cua giống phản xạ nhanh, đầy đủ các phần phụ, màu sắc tươi sáng, không dị hình.

         - Sau khi thả cua biển từ 2 đến 3 ngày thì tiến hành thả cá hói, thời gian thả cá vào buổi sáng hoặc buổi chiều mát.

          3. Thức ăn và liều lượng cho ăn

         - Thức ăn:

          + Đối với tôm sú: Thức ăn công nghiệp (hàm lượng protein: 40-45%, lipid: 6-10%, chất xơ: 1-3%...).

         + Đối với cua biển: Don, dắt (tươi, còn sống, không bị hôi thối, dập nát). Trước khi cho ăn, don và dắt cần được rửa sạch.

           + Đối với cá hói: Thức ăn là rong câu, mùn bã hữu cơ trong ao đầm.

          - Liều lượng cho ăn:

         + Đối với tôm sú, thời gian 2 tháng đầu cho ăn 2 lần/ngày, lúc 6-7h và 16-17h. Từ tháng thứ 3 đến khi thu hoạch cho ăn 3 lần/ngày vào lúc lúc 6-7h và 16-17h và 21h, lượng cho ăn từ 5-7% khối lượng thân.

        + Đối với cua biển, thời gian 2 tháng đầu ngày cho ăn 2 lần/ngày, lúc 6-7h và 16-17h. Từ tháng thứ 3 đến khi thu hoạch cho ăn 1 lần/ngày vào lúc 17-18h trong ngày. Lượng cho ăn từ 7-10% khối lượng thân.

         + Đối với cá hói: Luôn duy trì lượng rong câu trong ao đầm từ 0,8-1,0 kg/m2 để làm thức ăn cho cá hói.

      - Tăng cường sức đề kháng cho tôm, cua và cá bằng cách bổ sung enzyme (10-15 g/kg thức ăn), viatmin tổng hợp (5-10 g/kg thức ăn). Trộn vào thức ăn cho tôm sú, cua biển ăn hàng ngày hoặc định kỳ từ 10-15/lần để tăng cường tiêu hóa và bảo vệ đường ruột.

       - Hàng ngày theo dõi hoạt động, khả năng bắt mồi, hiện trạng của tôm, cua để điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp (không cho ăn khi thời tiết bất lợi, mưa to gió lớn).

       - Theo dõi thời gian lột xác của tôm sú, cua biển để giảm lượng thức ăn trong quá trình lột xác và tăng lượng thức ăn trở lại sau khi lột xác.

         - Thường xuyên theo dõi biến động thời tiết và môi trường nuôi vì chúng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của tôm, cua, cá, từ đó có giải pháp xử lý và điều chỉnh tăng giảm thức ăn cho phù hợp.

       4. Quản lý, chăm sóc

      4.1. Quản lý môi trường ao nuôi

      Thường xuyên kiểm tra các thông số môi trường, đảm bảo: độ mặn dao dộng từ 5-25‰ (thích hợp 10-20‰); nhiệt độ nước 20-30oC; hàm lượng ôxy hoà tan trong nước > 4,5 mg/l; độ pH 7,5-8,5; độ trong 30-50 cm, độ kiềm 80-120 mg/l.

    - Nhiệt độ: Nhiệt độ là yếu tố phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên, ổn định nhiệt độ nuôi tối ưu bằng cách nâng cao độ sâu mực nước trong ao nuôi, độ sâu mực nước trong ao nuôi duy trì trong khoảng 0,8-1,2 m.

     - Độ trong, màu nước: Thường xuyên duy trì màu nước có màu nâu nhạt, màu xanh nõn chuối, giữ độ trong hợp lý dao động trong khoảng 30-50 cm.

     - pH: Độ pH thích hợp cho sinh trưởng và phát triển dao động trong khoảng 7,0-9,0; tốt nhất là từ 7,5-8,5.

   + Khi pH < 7,0 nên sử dụng vôi tôi Ca(OH)2 với lượng 5-7 kg/1.000 m3, vôi được hòa nước tạt đều khắp ao để nâng nhanh pH.

    + Khi pH > 9,0 thường kèm theo tảo phát triển mạnh, thay nước trong ao nuôi để giảm tảo trong ao nuôi giúp giảm nhanh pH.

     - Ôxy hòa tan: Hàm lượng ôxy hoà tan trong nước thích hợp để sinh trưởng và phát triển là trên 4,5 mg/l. Những ngày oi bức không có gió hoặc kiểm tra thấy ôxy hòa tan trong nước thấp (dưới 4,5 mg/l) thì dùng máy sục khí hoặc có thể thay một phần nước ao nuôi.

      - Độ mặn: Duy trì từ 10-20‰; độ kiềm duy trì 80-120 mg/l.

      - Chế độ thay nước: Định kỳ thay nước từ 7-10 ngày/lần, khi cần thiết có thể thay nước từ 3-5 ngày/lần, lượng nước thay 20-50% so với lượng nước ao nuôi và tùy thuộc vào tình hình ao nuôi để có chế độ thay nước thích hợp.

       4.2. Chăm sóc ao nuôi

      - Thường xuyên kiểm tra màu sắc, biểu hiện của tôm sú, cua biển và cá hói từ đó tìm ra nguyên nhân nhằm thay đổi và khắc phục kịp thời những yếu tố bất lợi cho ao nuôi.

      - Trước khi cấp nước mới vào ao nuôi cần kiểm tra nguồn nước sử dụng trong quá trình thay, cấp mới để phòng tránh dịch bệnh cho ao nuôi.

      - Tránh làm cá bị sốc (sốc nhiệt, sốc pH), kể cả khi thả giống và trong suốt quá trình nuôi. Tránh kéo lưới nhiều lần trong thời gian ngắn, thay nước đột ngột.

      - Sử dụng chế phẩm sinh học như vi sinh xử lý đáy ao, vi sinh xử lý nước (chú thích: Liều lượng dùng và phương pháp dùng theo hướng dẫn sử dụng từng loại chế phẩm) nhằm phân hủy, chuyển hóa phân, thức ăn dư thừa, vỏ lột của tôm sú, cua biển sang muối dinh dưỡng cũng như không gây ảnh hưởng đến đáy ao và môi trường nước ao nuôi.

       - Thường xuyên vệ sinh ao, vớt bọt, váng nước, thức ăn thừa (nếu có). Kiểm tra ao thường xuyên nhất là các đợt mưa lớn hoặc thay đổi thời tiết. Phát hiện và xử lý bệnh kịp thời, không để phát triển và lây lan.

      - Duy trì rong câu trong ao nuôi bằng cách bón phân vô cơ vào tháng thứ 3 kể từ khi thả rong và bón lót vào những lần tiếp theo sau khi bổ sung rong câu vào ao nuôi với liều lượng: 0,01 – 0,02 kg/m2.

    - Trong quá trình nuôi cần bón vôi định kỳ từ 2-3 tuần 1 lần với liều lượng 2-3 kg vôi bột/100 m3 ao bằng cách hoà vôi bột vào nước rồi té đều khắp mặt ao vào buổi chiều tối hay sáng sớm.

    - Kiểm tra tốc độ tăng trưởng (đo chiều dài, cân khối lượng) 30 ngày/lần.

     - Chủ động phòng bệnh, tăng sức đề kháng bằng cách bổ sung: khoáng, vitamin, vi sinh có lợi (theo hướng dẫn từng loại) vào ao nuôi, thay nước định kỳ.

      5. Một số biện pháp phòng bệnh tổng hợp

     - Phòng bệnh là các biện pháp cần thiết để nâng cao sức đề kháng của tôm, cua và cá nuôi, tránh đưa mầm bệnh từ bên ngoài vào hệ thống ao nuôi hoặc ngăn ngừa mầm bệnh phát triển và lây lan như: định kỳ thay nước, khống chế pH, độ mặn… của ao nuôi, việc phòng trị bệnh tổng hợp trong ao gồm các biện pháp sau:

      - Động vật thuỷ sản bị bệnh khi 3 yếu tố sau đồng thời xảy ra:

      + Điều kiện môi trường xấu, không có lợi cho sự tồn tại và phát triển vật nuôi.

     + Bản thân sức khoẻ của động vật thuỷ sản không tốt, không có khả năng chống đỡ với các điều kiện khắc nghiệt của môi trường.

       + Môi trường tồn tại tác nhân gây bệnh.

     - Biện pháp phòng bệnh tốt nhất cho cá đối mục là dựa vào 3 yếu tố đã nêu trên: Chuẩn bị ao để nuôi, chọn con giống có chất lượng, thả giống, cho ăn đầy đủ số lượng và đảm bảo chất lượng, tăng sức đề kháng bằng cách bổ sung qua con đường thức ăn hoặc đánh trực tiếp xuống ao nuôi như: khoáng chất, vitamin, men vi sinh có lợi... và tuân thủ các quy trình kỹ thuật. Các bước cần phải thực hiện để giảm các khả năng phát triển, lây lan bệnh tới mức tối thiểu:

     + Thường xuyên quan sát tình trạng cá, tôm bơi lội trong ao, khi có hiện tượng cá, tôm nổi đầu, cần xác định nguyên nhân. Nếu do thiếu ôxy, cần giảm lượng thức ăn, thay một phần nước ao hoặc cấp thêm nước mới vào ao.

     + Thay nước ao nuôi: Nguồn nước thay vào ao nuôi phải hoàn toàn sạch, không bị nhiễm bẩn, không có các mầm bệnh, hoá chất làm ảnh hưởng tới quá trình sinh trưởng, phát triển và các loại thuỷ sinh vật trong nước.

    + Thường xuyên theo dõi mức nước, màu nước trong ao để kịp thời điều chỉnh, theo dõi thời tiết nhất là những tháng chuyển mùa và những ngày chuyển trời để kịp thời điều chỉnh lượng thức ăn.

      5.1. Chủ động phòng bệnh

     - Trong quá trình nuôi cần bón vôi tôi Ca(OH)2 định kỳ 2 tuần 1 lần với liều lượng 2-3kg vôi bột/100m3 ao bằng cách hoà vôi bột vào nước rồi té đều khắp mặt ao vào buổi chiều tối hay sáng sớm.

    - Thường xuyên vệ sinh ao, vớt hết rong cỏ, thức ăn thừa... Kiểm tra ao thường xuyên nhất là các đợt mưa lớn hoặc thay đổi thời tiết. Phát hiện và xử lý bệnh kịp thời, không để phát triển lây lan thành dịch.

    5.2. Tăng sức đề kháng

    - Con giống đưa vào ao nuôi cần đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật, khoẻ mạnh, không dị tật, không mắc bệnh hoặc không mang mầm bệnh, quy cỡ đạt tiêu chuẩn. Cho cá ăn đủ chất và lượng, thức ăn không bị hôi thối. Tránh tôm, cua, cá bị sốc (sốc nhiệt, sốc pH...), kể cả khi thả giống và trong suốt quá trình nuôi. Tránh kéo lưới nhiều lần trong thời gian ngắn, thay nước đột ngột.

    - Tăng cường sức đề kháng cho tôm, cua và cá bằng cách bổ sung vitamin C, khoáng, trộn vào thức ăn cho cá ăn hàng ngày hoặc sử dụng chế phẩm sinh học probiotic và enzyme tổng hợp để tăng cường tiêu hóa và bảo vệ đường ruột.

       5.3. Phòng bệnh bằng vitamin

     Mầm bệnh xâm nhập vào cơ thể và phát sinh ra bệnh hay không còn tuỳ thuộc vào sức đề kháng của vật nuôi. Nếu tôm sú, cua biển và cá hói có sức đề kháng tốt có khả năng chống chịu với các yếu tố gây bệnh thì không mắc bệnh hoặc bệnh nhẹ. Ngược lại khả năng chống chịu yếu, dễ dàng nhiễm bệnh. Do đó, một trong những biện pháp quan trọng để phòng bệnh cho vật nuôi là tăng cường sức đề kháng bằng cách bổ sung vitamin vào thức ăn giúp vật nuôi khỏe mạnh, ăn tốt hơn, tăng trưởng nhanh, tỷ lệ sống cao, phòng ngừa bệnh hiệu quả. Có nhiều loại sản phẩm vitamin sử dụng trong nuôi trồng thủy sản. Thông thường trộn vitamin C hay vitamin tổng hợp vào thức ăn và cho ăn hàng ngày có tác dụng phòng bệnh rất hiệu quả và đạt được các mục đích sau:

    + Giúp tôm sú, cua biển, cá hói tiêu hóa tốt, kích thích thèm ăn, mau lớn.

    + Giúp tôm sú, cua biển, cá hói khỏe mạnh, tăng sức đề kháng với mầm bệnh.

    + Giảm stress cho tôm sú, cua biển, cá hói khi môi trường không ổn định.

     5.4. Phòng bệnh bằng vi sinh

    Sử dụng chế phẩm vi sinh trong quá trình nuôi là biện pháp mang lại hiệu quả cao nhất, giúp chúng ta thực hiện được mô hình nuôi bền vững, điều này đang là mục tiêu hướng tới của các nước có nghề NTTS phát triển. Tùy theo mục đích phòng bệnh mà người nuôi chọn vi sinh và cách dùng cho phù hợp. Dựa vào tác dụng chế phẩm vi sinh có thể chia làm 2 nhóm:

    - Nhóm xử lý môi trường nước: là các men phân hủy hữu cơ và có thể có các chất chiết suất sinh học chủ yếu để xử lý nước có dấu hiệu bất thường

     - Nhóm hỗ trợ tiêu hóa (trộn vào thức ăn): Gồm một số vi khuẩn và một số men tiêu hóa giúp cho tôm sú, cua biển và cá hói hấp thụ thức ăn tốt hơn, tăng trưởng nhanh hơn, đồng thời phòng ngừa một số bệnh vi khuẩn gây nên trên cơ thể tôm sú, cua biển, cá hói.

      Sử dụng chế phẩm vi sinh sẽ có ý nghĩa nhiều mặt trong việc nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất như:

      - Làm tăng hiệu quả sử dụng thức ăn (giảm hệ số thức ăn).

    - Tăng tỷ lệ sống và tăng năng suất do ít bị hao hụt trong quá trình ương.

     - Giảm chi phí thay nước.

     - Giảm chi phí sử dụng thuốc kháng sinh và hóa chất trong việc điều trị bệnh.

     - Phân hủy các chất thải, thức ăn dư thừa của tôm sú, cua biển và cá hói, làm giảm sự gia tăng ô nhiễm nước trong ao nuôi tôm sú, cua biển và cá hói.

    - Giảm hàm lượng các độc tố trong môi trường nước (NH3, H2S…), do đó sẽ làm giảm mùi hôi trong nước, giúp tôm sú, cua biển và cá hói phát triển tốt.

- Ức chế sự hoạt động và phát triển của vi khuẩn có hại, do đó sẽ hạn chế được mầm bệnh phát triển để gây bệnh cho tôm sú, cua biển và cá hói.

     6. Thu hoạch

    - Sau thời gian khoảng 5 tháng nuôi đối với tôm sú thì thu hoạch:

      + Tôm sú có khối lượng: 30-40 g/con, chiều dài: 16,0-18,0 cm/con 

       + Tôm sú có tỷ lệ sống đạt: 40-45%

       - Sau thời gian khoảng 5 tháng nuôi đối với cua biển thì thu hoạch:

       + Cua biển có khối lượng: 300-400 g/con, chiều dài: 11,0-13,0 cm/con 

        + Cua biển có tỷ lệ sống đạt: 30-35%

       - Sau thời gian khoảng 8 tháng nuôi đối với cá hói thì tiến hành thu hoạch:

       + Cá hói có khối lượng: 200-300 g/con, chiều dài: 17,0-19,0 cm/con

       + Cá hói co tỷ lệ sống đạt: 60-70%

        - Hình thức thu hoạch:

     + Tôm sú: Sử dụng lồng bát quái hoặc cất vó để thu tỉa những cá thể tôm sú đủ kích thước thu hoạch. Những con chưa đủ kích thước, khối lượng thì thả lại nuôi thêm từ 5-10 ngày thì tiếp tục tiến hành thu hoạch đến khi hết toàn bộ.

      + Cua biển: Sử dụng lồng bát quái hoặc cất vó để thu tỉa những cá thể cua biển đủ kích thước thu hoạch. Những con chưa đủ kích thước, khối lượng thì thả lại nuôi thêm từ 5-10 ngày thì tiếp tục tiến hành thu hoạch đến khi hết toàn bộ. 

     + Cá hói: Sử dụng lưới đánh tỉa có kích thước mắt lưới 2a = 5,0-6,0cm để thu những cá thể cá hói đạt kích thước, khối lượng. Những cá thể chưa đủ kích thước, khối lượng thì thả lại nuôi thêm từ 10-15 ngày thì tiếp tục tiến hành thu tỉa. Sau cùng có thể bơm đi 70-80% lượng nước ao nuôi để kéo lưới thu hoạch dần và cuối cùng là bơm cạn ao để thu hoạch toàn bộ./.

Ths. Nguyễn Trung - Phó trưởng phòng Chuyển giao KTTS

Đối tác/Liên kết
Trang chủ
Thống kê truy cập
  • Hôm nay: 2498
  • Hôm qua: 4463
  • Tuần này: 27842
  • Tuần trước: 29296
  • Tháng này: 266552
  • Tháng trước: 306531
  • Lượt truy cập: 2834613
0225.3541.398 
messenger icon