Quy trình nuôi cá đối mục (Mugil cephalus linnaeus 1758) trong ao đầm nước lợ

16:27:27 15/11/2022 Lượt xem 1401 Cỡ chữ

Model.C_Title
Mục lục

       I. Lựa chọn địa điểm

      - Vị trí cơ sở nuôi thương phẩm gần biển, vùng nước lợ mặn thuận lợi cho việc lấy nước và thay nước phục vụ cho nuôi thương phẩm các đối tượng thủy sản nói chung và cá đối mục nói riêng.

     - Khu vực nuôi thương phẩm cần tránh xa các nguồn gây ô nhiễm như nước thải của các hoạt động sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ và sinh hoạt. Cơ sở sản xuất cần có hệ thống điện lưới và giao thông thuận lợi.

     - Về nguồn nước: nguồn nước đảm bảo yêu cầu cho cơ sở nuôi cá đối mục cần có độ mặn 5 - 25‰, pH 7,0 - 8,5, hàm lượng ôxy hòa tan 3,0-7,0 mg/l, kim loại nặng (như: NH3, H2S, PO4, COD, BOD...) dưới mức cho phép theo theo TCVN 10-MT, 2015/BTNMT.

     - Máy bơm các loại tương đương công suất và nhu cầu sản xuất và các thiết bị đo môi trường nước: máy đo độ mặn, pH, ôxy, nhiệt độ...

     1. Chuẩn bị ao và cải tạo ao nuôi thương phẩm

     - Lựa chọn ao nuôi thuận lợi cho việc cấp và thoát nước

     - Diện tích ao nuôi: 2.000m- 5.000m2

     - Hình dạng ao nuôi có dạng hình vuông hoặc hình chữ nhật, đáy ao bằng phẳng, đầm nén chặt, độ dốc nghiêng về cống thoát nước.

     - Ao nuôi cá thương phẩm được cải tạo và gây màu trước khi thả giống: Bón vôi bột (CaO) với lượng 300 - 500 kg/ha kết hợp với phơi khô ao từ 7-10 ngày. Việc phơi khô đáy ao không những diệt mầm bệnh mà còn giúp quá trình phân huỷ các hợp chất hữu cơ trong ao nuôi diễn ra nhanh tránh ô nhiễm môi trường trong khi nuôi.

    - Lấy nước vào ao có độ muối 5‰-20‰, qua lưới lọc đạt đến mức nước 1,0-1,2m, sau đó diệt khuẩn, diệt tạp bằng hoá chất: saponin, chlorin (nhật).

    - Sau thời gian xử lý nước từ 5-7 ngày thỉ tiến hành gây màu nước bằng các cách sau:

    Cách 1: Gây màu nước bằng cám gạo, bột cá, bột đậu nành ( ủ hỗn hợp trên theo tỷ lệ 2:1:2). Gồm 2 kg cám gạo hoặc cám ngô + 1 kg bột cá + 2 kg bột đậu nành và trộn đều hỗn hợp trên sau đó nấu chín, ủ kín từ 2 – 3 ngày là dùng được.

     - Liều lượng 3 – 4 kg/1.000 m3 nước, bón liên tục trong 3 ngày, cho đến khi ao lên màu đẹp, đạt độ trong 30 – 40 cm thì tiến hành thả giống.

      - 7 ngày sau bón bổ sung, liều lượng giảm 1/2 so với ban đầu, căn cứ màu nước để bổ sung.

     Cách 2: Gây màu nước bằng mật rỉ đường, cám gạo, đậu nành (ủ hỗn hợp trên theo tỷ lệ 3:1:3). Gồm 3 kg mật đường + 1 kg cám gạo hoặc cám ngô + 3 kg bột đậu nành và trộn đều hỗn hợp sau đó ủ kín trong 12 giờ là dùng được.

    - Liều lượng 2 – 3 kg/1.000 mnước, bón liên tục trong 3 ngày, cho đến khi ao lên màu đẹp, đạt độ trong 30 – 40 cm thì tiến hành thả giống.

     - 7 ngày sau bón bổ sung, liều lượng giảm 1/2 so với ban đầu, căn cứ màu nước để bổ sung.

     Cách 3: Gây màu nước bằng chế phẩm vi sinh để gây màu nước, tạo nguồn thức ăn tự nhiên với công thức sau:

     1 lit EM gốc + 1 lít mật rỉ đường + 2 kg cám gạo + 10g muối + 46 lít nước sạch  (ủ kín 5-7 ngày) —> 50 lit EM thứ cấp.

     Sử dụng 10 lít EM thứ cấp đánh cho 1.000 m2, 2 ngày đánh 1 lần, chạy quạt liên tục đến khi đạt được màu nước đẹp: màu trà hoặc màu xanh nhạt (màu chuối non), tạo được nguồn thức ăn tự nhiên ban đầu giúp giảm chi phí, hiệu quả kinh tế tăng cao.

     Lưu ý:

    Không nên sử dụng phân chuồng, phân gà để gây màu nước, vì các loại phân này rất dễ mang theo những mầm bệnh nguy hiểm.

    Trong quá trình nuôi thường xuyên theo dõi màu nước trong ao để kịp thời xử lý và gây màu nước ổn định. Điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp tránh dư thừa tạo điều kiện cho vi khuẩn có hại và tảo độc phát triển mạnh khó gây màu nước.

    - Khi các yếu tố môi trường ổn định như: pH (7,5-8,5), độ muối (15-20‰), nhiệt độ (23,0-30,0oC), độ trong (40-50 cm), thì tiến hành thả cá giống.

      2. Con giống

     - Cá giống cá khỏe mạnh, có kích cỡ đồng đều, không dị hình, không có dấu hiệu bệnh lý, bơi lội linh hoạt, đàn cá giống có màu sắc tươi sáng.

      - Kích cỡ cá thả: 6-8cm/con

       - Mật độ nuôi: 2con/m2, cá giống thường được thả vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát.

       - Mùa vụ thả: tháng 3-4

      3. Quản lý môi trường ao nuôi

      * Nhiệt độ: Nhiệt độ là yếu tố phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên, lựa chọn nhiệt độ nuôi tối ưu bằng cách nâng cao độ sâu mực nước trong ao nuôi, độ sâu mực nước trong ao nuôi nằm trong khoảng 1,0-1,5m.

      * Độ trong, màu nước:

      - Giữ độ trong hợp lý giao động trong khoảng 30-50cm.

      - Màu nước: mầu nâu nhạt, màu xanh nõn chuối.

       - Duy trì độ trong và màu nước bằng cách bón phân vô cơ ao nuôi định kỳ từ 7-10 ngày/lần.

      * pH: Độ pH thích hợp cho cá đối mục sinh trưởng và phát triển giao động trong khoảng 7,0-9,0, tốt nhất là từ 7,5-8,5. Khi pH < 7,0 nên sử dụng vôi bột CaO hay vôi tôi Ca(OH)2 với lượng 5-7kg/1.000m3, vôi được hòa nước tạt đều khắp ao để nâng nhanh pH. Khi pH > 9,0 thường kèm theo tảo phát triển mạnh, nếu có điều kiện thì thay ngay một phần nước trong ao nuôi hoặc là dùng hóa chất đánh xuống ao nuôi để giảm tảo trong ao nuôi giúp giảm pH nhanh.

      * Ôxy hòa tan: Hàm lượng ôxy thích hợp cho cá đối mục sinh trưởng và phát triển là trên 3 mgO2/l. Vào những ngày oi bức không có gió hoặc khi kiểm tra thấy ôxy hòa tan trong nước thấp (dưới 3,5mgO­­­2/l) thì dùng máy sục khí (công suất từ: 360-500W/máy) hoặc có thể thay một phần nước ao nuôi.

     * Độ mặn: duy trì từ 5-20‰.

    * Chế độ thay nước: Định kỳ thay nước từ 10-15 ngày/lần, khi cần thiết có thể thay nước từ 7-10 ngày/lần, lượng nước thay 20-50% so với lượng nước ao nuôi.

     4. Thức ăn và cách cho ăn

     - Nên chọn loại viên nổi không tan trong nước để hạn chế sự thất thoát thức ăn và ô nhiễm ao nuôi. Tùy thuộc kích cỡ cá, giai đoạn sinh trưởng thì số lần, lượng thức ăn, cỡ viên thức ăn theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Thời gian, số lần cho ăn, loại thức ăn (cho ăn 2 lần/ngày vào buổi sáng lúc 7 - 8h và buổi chiều lúc 16 - 17h):

      - Cách cho ăn: thời điểm và vị trí cho ăn trong ao nên cố định, tập cho cá có thói quen tập trung thành đàn tại một địa điểm nhất định khi cho cá ăn. Trước khi cho ăn kèm theo tiếng động, tạo cho cá phản xạ có điều kiện.

      - Lượng cho ăn từ: 5-7% trọng lượng thân. Hàng ngày theo dõi hoạt động và khả năng bắt mồi của cá để điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp.

      - Định kỳ 1/2 tháng/1 lần bổ sung các loại CPSH, VitaminC… theo hướng dẫn của nhà sản xuất trộn vào thức ăn để tăng sức đề kháng cho cá.

      * Khi cho cá ăn cần chú ý:

      - Nên cho cá ăn từ từ để đảm bảo toàn bộ đàn cá được ăn mồi, diện tích mặt nước cho ăn từ 6-10m2.

      - Không cho cá ăn khi: thời tiết bất lợi, mưa to gió lớn, cá đang trong tình trạng nổi đầu (thiếu ôxy).

       - Cho cá ăn nhiều khi: trời nắng ấm, gió nhẹ, cá khỏe, chất lượng nước tốt.

        5. Theo dõi sự sinh trưởng và tỉ lệ sống của cá

      - Để xác định sinh trưởng của cá cần ước lượng chính xác số lượng cá trong ao tại một thời điểm bằng chài. Các chỉ tiêu xác định là chiều dài và khối lượng của mỗi con cá, mỗi lần kiểm tra cần khoảng 30 cá thể.

      - Kiểm tra tốc độ tăng trưởng (đo chiều dài, cân trọng lượng) và tỷ lệ sống của cá 30 ngày/1lần, phương pháp như sau:

         - Chài cá và tính theo mật độ.

         6. Theo dõi sức khỏe cá nuôi 

        Một số những dấu hiệu nhận biết để theo dõi cá nuôi trong ao thương phẩm:

       - Cá bơi lội không bình thường, cá bỏ ăn, tăng trưởng chậm.

       - Hình dạng cá bị thay đổi, màu sắc cá không bình thường, thân và mang có mầu đen nhạt, có mùi hôi.

     - Nếu cá chết rải rác kéo dài nhiều ngày, có thể do các bệnh vi sinh vật hoặc do dinh dưỡng, thức ăn kém chất lượng.

     - Nếu cá chết hàng loạt và đột ngột có thể do các yếu tốt môi trường.

    II. Phòng bệnh và biện pháp trị bệnh cho cá đối mục

    Phòng bệnh là áp dụng các biện pháp cần thiết để nâng cao sức đề kháng của cá nuôi, tránh đưa mầm bệnh từ bên ngoài vào hệ thống ao nuôi hoặc ngăn ngừa mầm bệnh phát triển và lây lan như: định kỳ thay nước, khống chế pH, độ muối… của ao nuôi, việc phòng trị bệnh tổng hợp cho cá trong ao gồm các biện pháp sau:

    - Cải tạo ao đầm nuôi tốt.

    - Cá giống có chất lượng, mật độ nuôi vừa phải và thả giống đúng kỹ thuật.

   - Cho cá ăn đầy đủ số lượng và đảm bảo chất lượng, tăng sức đề kháng của cá nuôi bằng cách bổ sung qua con đường thức ăn hoặc đánh trực tiếp xuống ao nuôi như: khoáng chất, vitamin, men vi sinh có lợi.

    - Theo dõi thường xuyên và quản lý môi trường ao nuôi tốt.

   * Bệnh đỏ thân, đốm đỏ, nhiễm trùng đỏ, nhọt biển

    - Tác nhân gây bệnh: do vikhuẩn Vibrio anguillarum gây ra

   - Triệu chứng: nhiễm trùng hệ thống: bỏ ăn, màu tối xẫm, bụng căng, da xuất huyết, loét ra, lồi mắt, xuất huyết cấp tính và nhiễm trùng máu.

 - Cách phòng trị: cải thiện môi trường ao nuôi bằng cách thay nước từ 20-30% lượng nước trong ao, kết hợp bổ sung thêm vitamin và khoáng chất.

* Bệnh vi khuẩn thối vây

- Tác nhân gây bệnh: do vi khuẩn Aeromonas hydrophila; Flexibacter columnaris.

- Triệu chứng: mô giữa các tia vây bị phá huỷ (bị thối vây).

- Cách phòng trị: dùng thuốc kháng khuẩn tắm cho cá như: Erythomycin: 5-10ppm, Ripamycin: 3-5ppm, Cepalecin: 5-10ppm và cải thiện môi trường nước ao nuôi

* Bệnh ký sinh trùng mang

- Tác nhân gây bệnh: ký sinh trùng đơn bào Myxobolus goensis gây ra.

- Triệu chứng: mang nhiễm bệnh.

- Cách phòng trị: dung focmol tắm cho cá với liều lượng: 100ppm trong thời gian 10-15 phút và cải thiện môi trường ao nuôi.

* Bệnh rận biển

- Tác nhân gây bệnh: ký sinh trùng copepod Caligus spp gây ra

- Triệu chứng: bệnh thường xẩy ra trên da, giai đoạn đầu cá có trạng thái bất an, thường bơi lội không định hướng, khả năng bắt mồi giảm. Cá có hiện tượng cọ xát vào bờ ao nuôi gây xây xát, chảy máu. Toàn thân cá xuất hiện các đốm xuất huyết nhỏ, cá bị mất máu nhiều nên gầy yếu, cá bắt đầu chết rải rác.

- Cách phòng trị: dùng thuốc tắm cho cá, cải thiện điều kiện môi trường ao nuôi như: dùng KMnO4: 10ppm hoặc formalin nồng độ:150 ppm tắm trong thời gian 15 phút.

* Hội chứng lở loét ở động vật (EUS), bệnh nấm (MG)

- Tác nhân gây bệnh: nấm Aphanomyces invadans gây ra.

- Triệu chứng: loét da, xuất huyết dưới da và nội tạng.

- Cách phòng trị: cải thiện điều kiện môi trường ao nuôi.

* Bệnh trùng loa kèn

- Tác nhân gây bệnh: chúng có hình dạng cơ thể phía trước lớn, phía sau nhỏ, có dạng hình loa kèn, hình chuông lộn ngược nên có tên gọi là trùng loa kèn. Phía trước cơ thể có 1-3 vòng lông rung và khe miệng. Phía sau ít nhiều đều có cuống để bám vào bất kỳ giá thể nào. Trùng loa kèn lấy dinh dưỡng bằng cách lọc trong môi trường nước.

- Dấu hiệu bệnh lý: trùng loa kèn bám trên da, vây, mang cá làm ảnh hưởng đến hô hấp, ở giai đoạn ấu trùng, trùng loa kèn cản trở sự hoạt động bắt mồi và bơi lội của cá và chết rải rác.

- Phân bố và lân truyền bệnh: trùng loa kèn phân bố ở cả nước lợ, nước mặn, thường xuất hiện vào mùa xuân, mùa thu ở miền Bắc.

- Phòng và trị bệnh: Trị bệnh: dùng hoá chất: Iodine: 1-2ppm. Đánh 1ngày/lần, đánh liên tục cho đến khi khỏi bệnh kết hợp thay nước mới.

III. Thu hoạch

- Sau thời gian từ 7-8 tháng nuôi thì tiến hành thu hoạch, lúc này cá đạt bình quân khoảng 450g-550g/con. Có hai hình thức thu hoạch:

- Thu tỉa: là thu những con cá có kích cỡ lớn hơn, cách này áp dụng đối với các ao đầm có cá phát triển không đều, giúp cá còn lại trong ao lớn nhanh hơn để đạt kích cỡ thu hoạch. Sử dụng chài hoặc cất vó có kích thước mắt lưới đủ để bắt những con có kích cỡ bằng hoặc lớn hơn cỡ cá cần thu hoạch. Nên đánh bắt vào lúc trời mát, tránh gây ảnh hưởng cho cá còn lại trong ao. Sau đó phải kiểm tra xác định lượng cá còn lại trong ao để giảm lượng thức ăn hàng ngày cho phù hợp.

- Thu toàn bộ: khi cá đạt cỡ thu hoạch đồng đều thì có thể thu hoạch toàn bộ.

Ths. Nguyễn Trung - Phòng CGKT Thủy sản

Đối tác/Liên kết
Trang chủ
Thống kê truy cập
  • Hôm nay: 7039
  • Hôm qua: 9996
  • Tuần này: 17035
  • Tuần trước: 55422
  • Tháng này: 284324
  • Tháng trước: 488381
  • Lượt truy cập: 3722570
QR Code

Dùng điện thoại scan mã QR này để truy cập vào website

QR Code
0225.3541.398 
messenger icon