Giải pháp giảm Hệ số thức ăn (FCR) trong nuôi trồng thủy sản

08:45:55 26/09/2022 Lượt xem 1330 Cỡ chữ

Model.C_Title
Mục lục

       1. Lựa chọn con giống chất lượng

     Con giống trong nuôi trồng thủy sản là một trong những yếu tố quan trọng quyết định sự thành bại của vụ nuôi. Vì vậy, tìm được nguồn giống chất lượng, khỏe mạnh, sạch bệnh luôn được quan tâm hàng đầu.

     Con giống có chất lượng tốt là con giống sạch bệnh, có tốc độ tăng trưởng nhanh, chất lượng thịt phù hợp thị hiếu người tiêu dùng. Con giống khỏe mạnh, tốc độ tăng trưởng nhanh sẽ làm cho hiệu quả sử dụng thức ăn tốt, từ đó giảm được FCR. Ngược lại, những con giống chất lượng kém (cận huyết, dị tật, mang mầm bệnh, còi cọc, không đồng đều…) sẽ dẫn đến hiệu quả sử dụng thức ăn kém và làm cho FCR tăng cao.

     Nên chọn mua con giống ở các cơ sở uy tín, có nguồn gốc rõ ràng. Chọn mua con giống từ các Viện nghiên cứu, trung tâm giống hoặc các công ty lớn trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản.

      2. Cải tạo ao nuôi

     Trước khi bắt đầu vụ nuôi, cần triệt để loại bỏ cá tạp, cua còng,... có trong ao để giảm sự gia tăng FCR gây ra bởi việc tiêu thụ thức ăn từ những loài không mong muốn này. Việc xuất hiện các loài cá dữ trong ao thả cá con cũng sẽ dẫn đến tỷ lệ hao hụt lớn, đẩy FCR tăng cao.

Nạo vét bùn cải tạo ao nuôi

Phơi ao nứt chân chim

      Ngoài ra với những ao nuôi thâm canh, lượng chất thải nền đáy nhiều cũng là nguyên nhân chính gây ô nhiễm ao nuôi, là nơi phát sinh mầm bệnh. Từ đó động vật thủy sản chậm lớn, gia tăng FCR. Vì vậy sau mỗi vụ nuôi, ao đầm cũng cần được nạo vét, hút bớt bùn non, tạo điều kiện cho việc oxy hóa và giải phóng khí độc tích tụ dưới đáy ao. Với những ao nhiễm phèn, sau khi dọn sạch bùn đáy cần ngâm nước rửa phèn, sau đó tháo cạn.

      3. Quản lý chất lượng nước

      Nước nuôi trồng thủy sản là môi trường sống của thủy sinh vật. Chất lượng nước kém có ảnh hưởng trực tiếp đến chức năng sinh lý của chúng. Nó sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến sự thèm ăn của tôm, cá dẫn đến giảm chức năng tiêu hóa của ruột và giảm tiêu hóa chất dinh dưỡng trong ruột từ đó làm FCR sẽ tăng lên. Nếu quản lý ao nuôi tốt sẽ giảm lượng thức ăn thừa, FCR thấp, có thể tiết kiệm được 10-30% lượng thức ăn và cải thiện được chất lượng nước.

      Yếu tố quan trọng nhất trong quản lý môi trường nước nuôi đó là giữ cho hàm lượng oxy hòa tan (DO) trong nước đáp ứng nhu cầu của cá, tôm. DO cần duy trì từ 4mg/l trở lên. DO thấp có tác động xấu đến khả năng bắt mồi và tiêu hóa thức ăn của cá. Để giảm hệ số chuyển đổi thức ăn FCR, cần quản lý tốt môi trường nuôi, kiểm tra thường xuyên DO, màu nước. Để quản lý tốt DO, người nuôi cần lưu ý tăng cường khử trùng dọn bùn đáy ao, tính toán mật độ thả nuôi hợp lí, lựa chọn thức ăn hỗn hợp chất lượng cao, áp dụng kỹ thuật cho ăn khoa học, khống chế sự sinh sôi và phát triển của tảo, nâng cao hiệu quả tăng oxy tự nhiên và bổ sung kịp thời oxy nhân tạo khi cần thiết.

      Kiểm soát pH, nhiệt độ, nồng độ khí độc NH3, NO2, NO3-…thường xuyên cũng chính là cách kiểm tra gián tiếp nồng độ oxy hòa tan trong nước. Việc lạm dụng hóa chất trong xử lý môi trường nước và lạm dụng kháng sinh trong điều trị bệnh có thể cứu được đàn cá, tôm trong thời vụ hiện tại, nhưng về lâu dài sẽ phá hủy môi trường nuôi và dịch bệnh sẽ đến ngày càng nhiều, ở mức độ càng nghiêm trọng hơn. Do đó, cần lưu ý sử dụng các biện pháp sinh học an toàn như dùng các chế phẩm probiotic để làm sạch môi trường. Lưu ý việc tạo môi trường sống sạch, giàu oxy hòa tan là biện pháp phòng bệnh rất hữu hiệu cho động vật thủy sản. Hầu hết động vật sống trong môi trường có đủ oxy hòa tan thường khỏe mạnh, ít bệnh tật.

      4. Lựa chọn thức ăn chất lượng tốt và sử dụng thức ăn đúng cách

     FCR bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố trong đó có chất lượng thức ăn và cách cho ăn. Nên chọn các loại thức ăn có tính dẫn dụ cao, có độ tiêu hóa, chuyển hóa cao, có khả năng tăng cường sức khỏe và tỷ lệ sống của cá. Một trong những nguyên nhân làm FCR tăng cao là việc đổ dư thừa thức ăn xuống ao, đặc biệt là trong trường hợp thức ăn chìm, khó quan sát như thức ăn tôm. Trong những ngày môi trường biến động, DO giảm thấp, cá tôm bắt mồi kém, nếu không để ý sẽ bị dư thừa nhiều thức ăn, càng gây ô nhiễm môi trường và phát sinh dịch bệnh, tỷ lệ chết cao hơn và do đó làm cho FCR tăng cao. Không nên cho ăn no thỏa mãn nhu cầu của tôm cá, chỉ nên cho ăn no tới 80%-85% nhu cầu để đảm bảo chất dinh dưỡng trong thức ăn được cá, tôm hấp thụ triệt để hơn, thải ra ngoài môi trường ít hơn. Tùy theo từng loài, có thể áp dụng phương pháp cho ăn gián đoạn không ảnh hưởng đến tỉ lệ sống, năng suất và tăng trưởng, mà giảm lượng thức ăn sử dụng nên góp phần giảm tác động môi trường. Việc cho cá nhịn đói trong một thời gian thích hợp tạo điều kiện cho việc hấp thụ thức ăn sau đó được tốt hơn, nâng cao hiệu quả sử dụng thức ăn và làm giảm FCR.

      Không nên cho tôm cá ăn quá muộn, bởi vì việc tiêu hóa thức ăn là một quá trình tiêu thụ oxy, nhu cầu oxy của tôm cá tăng lên rất cao sau khi ăn so với lúc bình thường để oxy hóa và hấp thu thức ăn. Vì vậy, việc cho ăn quá muộn có thể dễ dàng dẫn đến tình trạng thiếu oxy, từ đó dẫn đến việc tiêu hóa hấp thu thức ăn không được triệt để dẫn đến FCR tăng cao.

      FCR không chỉ phụ thuộc vào chất lượng thức ăn, chế độ cho ăn mà còn phụ thuộc rất nhiều vào việc quản lý trang trại. Do hệ số sử dụng thức ăn bị tác động bởi nhiều yếu tố trong quá trình nuôi nên người nuôi cần ghi chép lại các yếu tố này vào sổ sách để có cơ sở tự xem xét, hoặc nhờ các cán bộ kỹ thuật, có chuyên môn giúp phân tích tìm ra nguyên nhân gây FCR cao. Việc ghi chép còn cho phép người nuôi có thể so sánh vụ nuôi này với vụ nuôi khác, từ đó dần tìm ra các giải pháp tốt nhất để giảm FCR cho trang trại của mình.

Sắp xếp kho chứa thức ăn đảm bảo chất lượng

Thức ăn cho cá bị ẩm mốc kém chất lượng

      5. Điều chỉnh lượng thức ăn hợp lý

     Trong nuôi cá, sử dụng thức ăn công nghiệp dạng viên nổi giúp quản lý lượng thức ăn dễ dàng hơn và điều chỉnh một cách hợp lý bằng cách quan sát hoạt động bắt mồi của cá.

      Trong quản lý thức ăn cho tôm, người nuôi sử dụng sàn (nhá) cho ăn để điều chỉnh lượng thức ăn. Qua thức ăn còn trên sàn chúng ta có thể biết được tình trạng ăn của tôm. Từ đó tìm nguyên nhân và điều chỉnh lượng thức ăn cho những lần tiếp theo.

Bảng 1: Điều chỉnh lượng thức ăn của tôm khi xảy ra biến động

TT Hiện tượng xảy ra Điều chỉnh lượng thức ăn so với lượng cho ăn hàng ngày (%)
1 Cho ăn gặp mưa Cho ăn 50% hoặc đợi sau khi hết mưa
2 Màu nước tảo đậm đặc Cho ăn 70% trong 3 ngày hoặc đến khi tảo giảm
3 Tôm lột xác nhiều (pH = 8-9) Cho ăn 30% vào buổi chiều, 40% vào buổi tối, 10% vào buổi sáng
4 Tôm đang lột xác (pH <8) Cho ăn 80%
5 Trời có gió nhiều Cho ăn 60%
6 Tảo tàn Cho ăn 50% cho đến khi nước được làm sạch bằng quạt nước mạnh và sử dụng CPSH
7 Thay nước ít (môi trường ít biến động) Cho ăn 80%, chia làm 2 bữa
8 Thay nước nhiều (môi trường biến động nhiều) Cho ăn 50% trong 1 ngày
9 Dùng hóa chất xử lý nước ao Cho nhịn ăn 1 bữa
10 Tôm nổi đầu vào gần sáng Cho nhịn ăn 1 ngày
11 H2S, NH3, NO2 tăng Cho ăn 60-70% cho đến khi khí độc giảm
12 Thời tiết thay đổi Cho ăn 70-80% cho đến khi thời tiết ổn định
13 T0 nước <220C hoặc >350C Ngưng cho ăn đến khi nhiệt độ nước phù hợp

      Qua thực tiễn, để lượng thức ăn được sử dụng hiệu quả người nuôi nên chia nhỏ lượng thức ăn thành nhiều lần ăn trong ngày hoặc các hộ có đủ điều kiện nên lắp đặt hệ thống máy cho ăn. Mặc dù sử dụng máy cho ăn thì người nuôi cũng cần điều chỉnh lượng thức ăn theo điều kiện cho ăn của tôm. Bởi trong quá trình nuôi sẽ có nhiều vấn đề xảy ra, có thể tham khảo điều chỉnh lượng thức ăn theo bảng 2.

      6. Duy trì đường ruột khỏe mạnh trong quá trình nuôi

     Đường ruột là cơ quan quan trọng nhất để tiêu hóa và hấp thụ chất dinh dưỡng thức ăn. Do đó, sức khỏe của ruột có ảnh hưởng trực tiếp đến hệ số thức ăn. Trong quá trình nuôi tôm cá, việc bổ sung men vi sinh đường ruột như dòng B. subtilis, chiết xuất nấm men và phụ gia khác có thể bảo vệ ruột tôm cá, giúp duy trì chức năng tiêu hóa và hấp thu thức ăn của ruột.

    Việc trộn chế phẩm sinh học (enzymes, probiotics, hỗn hợp Vitamin, khoáng, chất chiết thảo dược, tỏi…) có thể cải thiện được độ tiêu hóa, phòng ngừa dịch bệnh, nâng cao tỷ lệ sống của động vật thủy sản và do đó giảm được FCR.

     7. Ứng dụng quy trình công nghệ

     Biofloc ứng dụng trong nuôi trồng thủy sản được coi là tiếp cận công nghệ sinh học theo hướng mới dựa trên nguyên lý cơ bản của bùn hoạt tính dạng lơ lửng (AST). Công nghệ Biofloc là tập hợp các loại vi sinh vật khác nhau, chủ yếu là các chủng vi khuẩn có lợi, kết lại thành khối bông, xốp, màu vàng nâu, với trung tâm là  hạt chất rắn lơ lửng trong nước. Là giải pháp giải quyết được 2 vấn đề: (1) Loại bỏ các chất dinh dưỡng chuyển hóa vào sinh khối vi khuẩn dị dưỡng xử lý nước ao nuôi, (2) sử dụng biofloc làm thức ăn bổ sung tại chỗ cho các loài nuôi. Biofloc có chất lượng dinh dưỡng cao, trở thành thức ăn cho tôm, do đó có thể làm giảm chỉ số FCR, tăng năng suất nuôi. Một số các axit béo có mặt trong Biofloc là tác nhân sinh học giúp loài nuôi kháng bệnh; có thể làm giảm FCR, bởi vì trong mô hình này các thành phần như amino acid, acid béo và vitamin được bổ sung thêm và có nguồn gốc rất đa dạng từ vi khuẩn, vi tảo, động vật nguyên sinh, luân rùng và giáp xác chân chèo có trong hệ thống nuôi. Nuôi tôm theo quy trình có thể được xem là giảm chi phí, thân thiện và an toàn sinh học.

     FCR là chỉ số quan trọng trong nuôi trồng thủy sản, giải pháp giúp giảm FCR sẽ đem lại lợi ích trực tiếp cho người nuôi cả trước mắt và lâu dài. Chính vì vậy, cần quan tâm đồng thời đến nhiều yếu tố như: chất lượng con giống, chất lượng thức ăn, phương pháp cho ăn, quản lý môi trường và sức khỏe vật nuôi, dịch bệnh, … Khi muốn cải thiện FCR của vật nuôi, không được chỉ quan tâm đến một vài yếu tố nào đó mà cần phải quan tâm cải thiện tất cả các yếu tố trên.

Ks. Nguyễn Thị Tài - Phòng CGKT Thủy sản

Đối tác/Liên kết
Trang chủ
Thống kê truy cập
  • Hôm nay: 1921
  • Hôm qua: 4463
  • Tuần này: 27265
  • Tuần trước: 29296
  • Tháng này: 265975
  • Tháng trước: 306531
  • Lượt truy cập: 2834036
0225.3541.398 
messenger icon