Quy trình nuôi tôm càng xanh toàn đực hai giai đoạn,các biện pháp phòng và trị một số bệnh thường gặp

09:26:28 06/12/2021 Lượt xem 36045 Cỡ chữ

Model.C_Title
Mục lục

I. Điều kiện áp dụng

- Cơ sở nuôi nằm trong vùng quy hoạch

- Hệ thống cơ sở hạ tầng phải đáp ứng yêu cầu sản xuất như: Điện, kho chứa thức ăn, kho chứa và bảo quản máy móc, dụng cụ, nguyên vật liệu và công trình phụ trợ khác tuỳ theo từng cơ sở. Có hệ thống cấp đủ nước sạch và thoát nước riêng biệt, có ao chứa chiếm 20-25% diện tích nuôi và phải có hệ thống ao xử lý nước thải.

- Cơ sở nuôi phải đảm bảo có trang thiết bị, máy móc, dụng cụ chuyên dùng như: máy quạt nước, máy bơm nước, chài, vợt các loại, cân, thau, xô, dụng cụ đo môi trường: pH, Oxy, NH3, H2S, độ kiềm,... và các thiết bị phụ trợ khác.

- Thả giống đúng lịch mùa vụ do địa phương hướng dẫn.

II. Các bước vận hành quy trình

1. Sơ đồ quy trình nuôi tôm càng xanh toàn đực hai giai đoạn

 

2. Trình tự thực hiện quy trình

2.1.Chuẩn bị ao nuôi

2.1.1. Chuẩn bị ao nuôi giai đoạn 1

- Diện tích ao nuôi giai đoạn 1 từ 500 - 2.000m2; ao chứa lắng: 1.000 - 2.000m2

a. Cải tạo ao nuôi, ao chứa

- Bước 1: Tiến hành tháo cạn nước trong ao, bắt hết cá tạp, cá dữ, dọn sạch bèo, rác, cỏ. Tu sửa bờ ao và lấp kín các hang hốc là nơi trú ẩn của địch hại. Nếu đáy ao có bùn quá dày phải nạo vét để lại lớp bùn dày khoảng 15 – 20 cm.

- Bước 2: Bón vôi cải tạo nền đáy, nâng cao pH ở ngưỡng thích hợp; diệt trừ mầm bệnh, cá tạp, cá dữ và các sinh vật địch hại; làm tơi xốp nền đáy... Lượng vôi bột sử dụng từ 7-10 kg/100m2 ao. Vôi được vãi đều khắp đáy ao và xung quang bờ ao, sau đó cày, xới đáy ao nhưng tránh không để đất chua phèn ở đáy bị đảo lên.

- Bước 3: Phơi đáy ao thời gian phơi khoảng 5 – 7 ngày, đến khi mặt lớp bùn nứt chân chim. Đối với những ao không phơi được đáy: bơm cạn nước tối đa có thể, dùng máy cào chất thải về góc ao, bơm chất thải vào ao chứa thải, sau đó tiến hành bón vôi 15 - 20 kg/100m2, ngâm nước vôi từ 3 - 5 ngày, sau đó xả bỏ, cấp nước mới.

b. Chuẩn bị hệ thống quạt nước và thời gian sử dụng tại ao ương giai đoạn 1

*. Vị trí đặt các dàn quạt

- Cách bờ 1,5 m.

- Khoảng cách giữa 2 cách quạt nước 60 - 80 cm, lắp so le nhau.

- Tùy theo hình dạng ao mà bố trí cánh quạt nước nhằm tạo được dòng chảy tốt nhất và cung cấp đủ nhu cầu oxy cho tôm nuôi.

- Tùy theo mật độ ương nuôi có thể thiết kế hệ thống quạt nước bằng cánh quạt nhựa hoặc kết hợp cánh quạt nhựa và cánh quạt lông nhím hoặc các cánh quạt cung cấp oxy khác để cung cấp oxy cho ao nuôi. Vòng tua của cánh quạt nhựa nên >120 vòng/phút (tại bảng 4.2).

Bảng 4.2: Số lượng máy quạt nước cho ao ương tôm càng xanh

Diện tích ao (m2)

Mật độ (con/m2)

Số lượng dàn quạt cánh

Số lượng dàn quạt lông nhím

2.000

150

4 dàn (10 cánh quạt/dàn)

2

c. Xử lý nước và lấy nước vào ao chứa và ao nuôi

- Bước 1: Chọn con nước tốt lấy vào ao; nước phải đạt các tiêu chuẩn: không nhiễm phèn, pH từ 6,5- 7, độ kiềm từ 40 mg/lít trở lên, nước không có nhiều váng bọt, màng nhầy, nhiều phù sa, nguồn nước không nằm trong vùng có dịch bệnh. Nước phải được bơm qua túi lọc để ngăn trứng cá, trứng tép và các loại chất lơ lửng khác, mực nước từ 80 – 120cm trở lên.

- Bước 2: Lấy nước vào ao chứa qua túi lọc bằng vải dày nhằm loại bỏ rác, ấu trùng, tôm, cua, còng, ốc, côn trùng, cá tạp. Để ổn định 3-7 ngày.

- Bước 3: Chạy quạt nước liên tục trong 2 - 3 ngày để kích thích trứng tôm, ốc, côn trùng, cá tạp nở thành ấu trùng.

- Bước 4: Diệt tạp bằng saponine 15- 20g/m3, ngâm saponine qua đêm và tạt khắp ao, nên tạt lúc trời mát. Sau khi diệt tạp khử trùng nước, để đảm bảo không còn mầm bệnh trong nước khi thả tôm; sử dụng thuốc tím 3-5 g/m3 hoặc iodine 1,5kg/ha.

- Bước 5. Lấy nước từ ao chứa đã được xử lý vào ao nuôi qua túi lọc.

d. Gây màu nước ao nuôi

- Chọn 1 trong 2 cách sau (nên sử dụng cách 2, trong trường hợp những vùng khó gây màu nước thì dung cách 1):

Cách 1: Sử dụng 1 trong 3 loại phân vô cơ sau: DAP 15kg/ha hoặc NPK (2:2:1) 15kg/ha hoặc Ure + lân (tỷ lệ 1:1) 15 kg/ha, ngâm cho tan hoàn toàn rồi tạt đều xuống ao lúc trời nắng tốt

Cách 2: 3kg cám gạo + 1kg bột cá + 1kg bột đậu nành, tất cả nấu chín sau đó ủ với men vi sinh 2 ngày rồi hòa nước tạt cho 1.000m3 nước.

Sau 5-7 ngày nước có màu xanh vỏ đỗ hoặc nõn chuối hoặc nâu cánh gián, kiểm tra các yếu tố môi trường ổn định ở mức cho phép như pH từ 7-8,5; độ kiềm từ 80 -120mg/lit, độ trong 30-40cm thì tiến hành thả giống.

- Thả chà (nhánh cây khô đã rụng lá không chát) được cắm thành từng cụm trong ao để làm nơi trú ẩn cho tôm hoặc có thể bố trí lưới giăng trong ao nuôi tôm thay thế việc thả chà làm giá thể cho tôm, giúp tôm tăng tỷ lệ sống do hạn chế việc ăn thịt lẫn nhau trong những thời điểm tôm lột xác.

2.1.2. Chuẩn bị ao nuôi giai đoạn 2

- Diện tích ao nuôi: ao nuôi giai đoạn 2 từ 2.000 - 5.000m2;

- Diện tích ao chứa lắng: 2.000 - 5.000m2

a. Cải tạo ao nuôi, ao chứa: Tương tự như ao ương giai đoạn 1

b. Xử lý nước: Tương tự như ao ương giai đoạn 1

c. Gây màu nước: Tương tự như ao ương giai đoạn 1

2.2. Chọn và thả giống

a. Chọn giống và thả giống giai đoạn 1

- Nguồn gốc: Chọn mua tôm giống từ các cơ sở có nguồn gốc rõ ràng, tôm bố mẹ đảm bảo chất lượng theo quy định. Tôm Postlarva được xét nghiệm bệnh trắng đuôi (WTD), bệnh phát sáng.

- Cỡ giống: tôm giống cỡ PL20, cảm quan đánh giá về kích cỡ, màu sáng, sắc tố thể hiện rõ, thân tôm cân đối, đuôi xòe, tỷ lệ đực đạt trên 95%. Tôm bơi khỏe ngược dòng nước, bám vào thành bể tốt. Phản xạ tốt khi gõ vào dụng cụ chứa. Phụ bộ tôm hoàn chỉnh, không có ký sinh trùng bám. Đường ruột đầy thức ăn.

- Mùa vụ thả giống: Từ tháng 4 -5 dương lịch

- Mật độ thả:150 con/m2

- Cách thả: Thả vào sáng sớm hoặc chiều mát. Cân bằng nhiệt độ nước giữa bao giống và nước ao nuôi bằng cách ngâm bao giống trong ao cho đến khi cân bằng nhiệt. Sau đó, cho nước từ từ vào bao, cầm phía đáy bao từ từ dốc để tôm theo nước ra ao nuôi.

b. Chọn giống và thả giống giai đoạn 2

- Tôm nuôi giai đoạn 1 đạt cỡ đạt cỡ 6-8g/con thì tiến hành san tôm chuyển sang nuôi thương phẩm (giai đoạn 2). Có thể sử dụng chài hoặc kéo lưới để bắt tôm san qua ao nuôi, thời điểm thực hiện lúc sáng sớm hoặc chiều mát để tránh tôm bị sốc.

- Mật độ thả: 15 - 20 con/m2.

- Thời gian nuôi: 100 – 135 ngày

2.3. Chăm sóc và quản lý

2.3.1. Chăm sóc

a. Thức ăn và cho ăn tôm nuôi giai đoạn 1

Sử dụng thức ăn viên công nghiệp để cho tôm ăn đảm bảo độ đạm ≥ 40%; cách cho ăn: ngày đầu tiên sử dụng thức ăn với lượng 1,5- 2 kg/100.000 giống. Trong 20 ngày đầu tiên, cứ 1 ngày tăng 0,2 kg/100.000 giống. Từ ngày thứ 21 - 29, cứ 1 ngày tăng 0,5 kg/100.000 giống. Bắt đầu từ ngày 30 - 50 đặt sàng ăn, kiểm tra và điều chỉnh lượng thức ăn, khẩu phần ăn cho ăn bằng 5-5,5% trọng lượng thân. Thức ăn cho vào sàng ăn là 1 – 1,2 % khẩu phần thứ ăn/ngày

b. Thức ăn và cho ăn tôm nuôi giai đoạn 2

Thức ăn công nghiệp đảm bảo có hàm lượng đạm tổng số từ 35 - 40%; theo dõi sàng ăn/chài để điều chỉnh, quản lý thức ăn cho phù hợp, tránh cho ăn thiếu hoặc thừa đều ảnh hưởng đến tốc độ phát triển và sức khỏe của tôm theo bảng sau:

Bảng 4.3: Thức ăn cho tôm theo giai đoạn tăng trưởng

Thời gian nuôi tính cả giai đoạn 1 (ngày)

Trọng lượng trung bình (g/con)

Khẩu phần cho ăn

(% trọng lượng thân)

Thức ăn cho vào sàng (% khẩu phần ăn/ngày)

51 - 80

≤ 28

2-2,5

1,5

81 - 120

≤ 48

2

1,5

121 -150

≤ 48

1,8 - 2

1,6 - 1,8

151 -180

≤ 80

1,8 - 2

1,8 – 2,0

>180

>80

1,6

2,0

Cho ăn 2 lần/ngày vào lúc 5-6h sáng và 5-8h chiều, liều lượng cho ăn phụ thuộc vào khả năng bắt mồi của tôm, thời tiết, thông qua thức ăn còn lại trong sàng. Phối trộn sản phẩm bổ sung như men vi sinh, Vitamin C, Premix...vào thức ăn để tăng sức đề kháng cho tôm.

Chuyển đổi loại thức ăn phù hợp theo giai đoạn phát triển, cỡ miệng tôm và nhu cầu dinh dưỡng theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Khi chuyển đổi thức ăn, nên trộn lẫn 2 loại thức ăn cũ và mới cho ăn ít nhất 3 ngày.

Thường xuyên theo dõi hoạt động của tôm nhất là vào ban đêm, xem màu nước ao để điều chỉnh lượng thức ăn. Định kỳ thay nước đảm bảo cho tôm phát triển và lột xác nhanh lớn. Hàng ngày kiểm tra bờ ao, cống tránh tôm bị thất thoát.

2.3.2. Quản lý môi trường ao nuôi

a. Quản lý môi trường ao nuôi tôm giai đoạn 1

- Oxy, pH, nhiệt độ đo hằng ngày; độ kiềm, độ trong 3-5 ngày đo 1 lần. NH3, H2S, NO2 đo 4 lần/1 tháng.

+ Khắc phục tình trạng pH thấp: gây tảo và giữ màu nước thích hợp đảm bảo độ trong đạt từ 30 - 40 cm. Trong quá trình nuôi nếu pH <7 cần bón vôi (CaCO3, Dolomite) với liều 10 - 20kg/1.000 m3 nước.

+ Khắc phục tình trạng pH cao >8,5: sử dụng mật đường 3kg/1.000 m3 kết hợp sử dụng vi sinh hoặc dùng C TẠT theo hướng dẫn nhà sản xuất.

+ Khắc phục độ kiềm thấp: sử dụng Dolomite 15-20kg/1.000 m3 vào ban đêm hoặc Soda lạnh 20ppm đến khi đạt yêu cầu.

+ Khắc phục độ kiềm cao: sử dụng EDTA 2-3 kg/1.000 m3 vào ban đêm.

- Định kỳ bón vôi nông nghiệp CaCO3 10 ngày/lần vào lúc 20-21h với liều lượng dao động từ 10-20kg/1.000 m3 (Tùy tình hình thực tế môi trường ao nuôi mà điều chỉnh và bón lượng vôi cho phù hợp). Ngày hôm sau, cấy vi sinh theo chỉ dẫn của nhà cung cấp (sản phẩm có uy tín, thương hiệu) để làm sạch môi trường.

- Khi tảo trong ao phát triển mạnh, màu nước thay đổi, pH dao động trong ngày > 0,5, người nuôi cần:

+ Thay tối thiểu 30% lượng nước trong ao;

+ Hòa tan 2-3 kg đường cát/1.000 m2 và tạt đều ao vào lúc 9 - 10 giờ sáng;

+ Chạy cánh quạt liên tục trong vài giờ;

- Khi nhiệt độ nước ao tăng trên 340C: cần giảm thức ăn; bổ sung vitamine C (trộn vào thức ăn); tăng thời gian chạy quạt nước;

- Khi nhiệt độ nước ao giảm xuống dưới 24°C, phải giảm thức ăn và tăng đề kháng ngay.

- Trong quá trình sinh trưởng, tôm cần rất nhiều khoáng nên cần duy trì độ kiềm từ 80 mg/lít trở lên.

- Định kỳ 7 ngày/lần kiểm tra mật độ vi khuẩn của nước và chất đáy ao nuôi.

- Định kỳ 20 - 25 ngày xử lý nước và đáy ao bằng chế phẩm sinh học theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

- Nước thải, chất thải: Không xả nước thải sinh hoạt vào ao nuôi và ao chứa/lắng; Nước từ ao xử lý nước thải chỉ được xả ra môi trường xung quanh khi bảo đảm giá trị của các thông số quy định; rác thải trong sinh hoạt, bao bì của các sản phẩm sử dụng trong cơ sở nuôi phải được cho vào thùng chứa có nắp đậy. Thùng chứa không được đặt trên bờ ao nuôi và ao chứa/lắng.

b. Quản lý môi trường ao nuôi tôm giai đoạn 2

- Oxy, pH, nhiệt độ (đo hằng ngày); độ kiềm, độ trong (3-5 ngày đo 1 lần); NH3, H2S, NO2 đo 4 lần/tháng.

Bảng 4.4: Các yếu tố môi trường trong ao nuôi

TT

Yếu tố

Tối ưu

Cho phép

Ghi chú

1

DO (mg/l)

>5

>3

 

2

pH

7,7 – 8,3

7,0 – 8,5

Dao động trong ngày≤ 0,5

3

Nhiệt độ (oC)

28 - 32

26 - 33

Độ sâu trong ao, quạt nước

4

Độ kiềm (mg/l)

80 – 120

60 -180

Tăng bón CaCO3/Dolomite

5

Độ trong (cm)

30-40

30-50

Màu nước (mật độ tảo, tăng, giảm/bón phân)

6

NH3 (mg/l)

0

<0,1

Độ độc phụ thuộc vào pH

7

H2S (mg/l)

0

<0,02

Độ độc phụ thuộc vào pH

+ Khắc phục tình trạng pH thấp: tương tự giai đoạn 1

+ Khắc phục tình trạng pH cao >8,5: tương tự giai đoạn 1

+ Khắc phục độ kiềm thấp: tương tự giai đoạn 1

+ Khắc phục độ kiềm cao: sử dụng EDTA 2-3 kg/1.000 m3 vào ban đêm.

- Định kỳ bón vôi nông nghiệp CaCO3 10 ngày/lần vào lúc 20-21h với liều lượng dao động từ 10-20kg/1.000 m3 (Tùy tình hình thực tế môi trường ao nuôi mà điều chỉnh và bón lượng vôi cho phù hợp).

Ngày hôm sau, cấy vi sinh theo chỉ dẫn của nhà cung cấp (sản phẩm có uy tín, thương hiệu) để làm sạch môi trường.

- Khi tảo trong ao phát triển mạnh, màu nước thay đổi, pH dao động trong ngày > 0,5: cách xử lý tương tự giai đoạn 1

- Khi nhiệt độ nước ao tăng trên 340C: giảm lượng thức ăn; bổ sung VTM C

- Khi nhiệt độ nước ao giảm xuống dưới 240C, phải giảm thức ăn và tăng đề kháng ngay.

- Trong quá trình sinh trưởng, tôm cần rất nhiều khoáng nên cần duy trì độ kiềm từ 80 mg/lít trở lên.

- Định kỳ 7 ngày/lần kiểm tra mật độ vi khuẩn của nước và chất đáy ao nuôi.

- Định kỳ 20 - 25 ngày xử lý nước và đáy ao bằng chế phẩm sinh học theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

- Đối với tôm càng xanh việc thay nước rất quan trọng, cần chủ động và thay nước thường xuyên, lượng nước thay từ 20 - 30% nước trong ao nuôi. Khi cấp nước cần kiểm tra các yếu tố môi trường trong ao lắng và ao nuôi phải có sự tương đồng và đảm bảo chất lượng nguồn nước cấp vào không bị ô nhiễm.

- Nước thải, chất thải: tương tự giai đoạn 1

2.4. Một số biện pháp phòng bệnh tổng hợp

- Tiêu diệt và ngăn chặn sự xâm nhập, phát triển của mầm bệnh:

+ Tẩy dọn ao kỹ trước khi nuôi

+ Xử lý nguồn nước trước khi đưa vào nuôi

+ Sử dụng thức ăn không mang mầm bệnh

+ Sát trùng nơi cho ăn, dụng cụ sản xuất

+ Ngăn chặn sự xâm nhập và tiêu diệt ký chủ trung gian, các sinh vật mang mầm bệnh

+ Sát trùng nước tôm bị bệnh trước khi thải

- Nâng cao sức đề kháng của tôm:

+ Chọn một đàn giống khoẻ mạnh, mật độ nuôi thích hợp

+ Cho tôm ăn theo phương pháp “bốn định”: Định chất lượng, định số lượng, định thời gian, định địa điểm.

+ Tăng sức đề kháng bằng quản lý môi trường tốt và bổ sung vitamin C, A, E.

- Quản lý môi trường ao nuôi thích hợp và ổn định: Đây là biện pháp phòng bệnh hữu hiệu nhất vì sự xuất hiện bệnh phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện môi trường.

+ Thiết kế xây dựng ao nuôi phù hợp với công tác phòng bệnh

+ Quản lý các yếu tố môi trường ổn định và thích hợp

+ Định kỳ dùng chế phẩm vi sinh để giảm hàm lượng chất hữu cơ trong ao nuôi.

2.5. Một số bệnh thường gặp và cách trị (theo tài liệu của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bến Tre; Trà Vinh và theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn)

2.5.1. Một số bệnh thường gặp và cách trị trên tôm nuôi giai đoạn 1

a. Bệnh trắng đuôi (đục cơ trắng cơ, hoại tử cơ) trên tôm càng xanh

* Dấu hiệu:

- Kém ăn, hoạt động chậm chạp, cơ thể có màu trắng đục, vỏ mềm.

- Điểm trắng đục xuất phát từ đuôi và lan dần ra thân và gây chết nếu không điều trị kịp thời.

* Trị bệnh:

- Bệnh thường xảy ra khi có sự thay đổi của nhiệt độ, độ mặn trong môi trường ao nuôi, khi tôm nhiễm bệnh này khắc phục bằng các biện pháp sau:

+ Chuẩn bị ao nuôi thật kỹ lưỡng, xử lý bùn đáy ao nuôi tôm diệt khuẩn, nước cấp vào ao phải đi qua lưới lọc hoặc xử lý trước.

+ Ngoài ra cũng có thể sử dụng thêm một số chế phẩm sinh học trong nuôi trồng thủy sản để làm sạch môi trường nước, khử khí độc và xử lý đáy ao nuôi như: Bottom-Up giúp phân hủy thức ăn dư thừa và chất thải, xử lý bùn đáy ao, ổn định nồng độ NH3/NO2.

b. Bệnh phát sáng trên tôm do vi khuẩn Vibrio sp

* Dấu hiệu:

Tôm có các đặc điểm như bơi không có định hướng, phản xạ chậm, khả năng bắt mồi kém, một số con bơi dạt vào bờ; quan sát vỏ tôm thấy có màu cáu bẩn, cơ có màu đục, gan teo, ruột rỗng.

Quan sát ban đêm có những điểm sáng di chuyển theo tôm, tôm chạy không định hướng. Kiểm tra tôm sẽ phát hiện trên tôm có những điểm sáng ở hậu môn, miệng, nếu bị nặng khu vực sáng sẽ rộng ra và lan quanh thành ruột, có điểm sáng xanh.

* Tác nhân gây bệnh:

Bệnh phát sáng trên tôm do nhóm Vi khuẩn Vibrio sp gây ra

* Trị bệnh:

Hạ độ mặn để có thể ức chế vi khuẩn phát sáng; bón vôi bột (CaO) với liều lượng 10 - 12 kg/100 m2 để khoáng hoá nền đáy, tiêu diệt mầm bệnh,duy trì mức nước trong ao nuôi đạt độ sâu 1,2 - 1,5 m để hạn chế sự tăng nhiệt, đồng thời quản lý sự phát triển của tảo, ổn định nước ở màu xanh nõn chuối, giữ độ trong 30 - 40 cm.

2.5.2. một số bệnh thường gặp và cách trị trên tôm giai đoạn 2

a. Bệnh trắng đuôi (đục cơ trắng cơ, hoại tử cơ) trên tôm càng xanh

* Dấu hiệu:

- Kém ăn, hoạt động chậm chạp, cơ thể có màu trắng đục, vỏ mềm.

- Điểm trắng đục xuất phát từ đuôi và lan dần ra thân và gây chết nếu không điều trị kịp thời.

* Trị bệnh:

- Bệnh thường xảy ra khi có sự thay đổi của nhiệt độ, độ mặn trong môi trường ao nuôi, khi tôm nhiễm bệnh này khắc phục bằng các biện pháp sau:

+ Chuẩn bị ao nuôi thật kỹ lưỡng, xử lý bùn đáy ao nuôi tôm diệt khuẩn, nước cấp vào ao phải đi qua lưới lọc hoặc xử lý trước.

+ Ngoài ra cũng có thể sử dụng thêm một số chế phẩm sinh học trong nuôi trồng thủy sản để làm sạch môi trường nước, khử khí độc và xử lý đáy ao nuôi như: Bottom-Up giúp phân hủy thức ăn dư thừa và chất thải, xử lý bùn đáy ao, ổn định nồng độ NH3/NO2.

b. Bệnh phát sáng trên tôm do vi khuẩn Vibrio sp

* Dấu hiệu:

Tôm có các đặc điểm như bơi không có định hướng, phản xạ chậm, khả năng bắt mồi kém, một số con bơi dạt vào bờ; quan sát vỏ tôm thấy có màu cáu bẩn, cơ có màu đục, gan teo, ruột rỗng.

Quan sát ban đêm có những điểm sáng di chuyển theo tôm, tôm chạy không định hướng. Kiểm tra tôm sẽ phát hiện trên tôm có những điểm sáng ở hậu môn, miệng, nếu bị nặng khu vực sáng sẽ rộng ra và lan quanh thành ruột, có điểm sáng xanh.

* Tác nhân gây bệnh:

Bệnh phát sáng trên tôm do nhóm Vi khuẩn Vibrio sp gây ra

* Trị bệnh:

Hạ độ mặn để có thể ức chế vi khuẩn phát sáng;bón vôi bột (CaO) với liều lượng 10 - 12 kg/100 m2 để khoáng hoá nền đáy, tiêu diệt mầm bệnh,duy trì mức nước trong ao nuôi đạt độ sâu 1,2 - 1,5 m để hạn chế sự tăng nhiệt, đồng thời quản lý sự phát triển của tảo, ổn định nước ở màu xanh nõn chuối, giữ độ trong 30 - 40 cm.

c. Bệnh đốm nâu, đốm trên vỏ, mang

* Dấu hiệu:

Tôm từ 2 – 3 tháng trở lên thường xuất hiện các đốm nâu và từ từ chuyển sang đốm đen, sau đó ăn mòn đi các phần phụ như: chân bụng, râu, đuôi, thân tôm. Khi bị bệnh tôm sẽ ăn yếu, hoạt động chậm chạp, xuất hiện các tổn thương bị melanin hóa. Bệnh đốm đen có khả năng xuất hiện ở tất cả các giai đoạn nhưng chủ yếu là tôm bố mẹ và tôm trưởng thành từ 45 ngày trở lên.

* Trị bệnh:

Có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh đen mang trên tôm càng xanh, chủ yếu là do nền đáy ao bẩn, nước có nhiều chất hữu cơ, pH thấp, nhiều trường hợp là do thiếu Vitamin C. Chính vì thế, trong trường hợp thấy xuất hiện nhiều chấm đen trên tôm thì tiến hành các biện pháp sau:

- Tiến hành thay nước 30-40%

- Bón vôi bột lượng 3-4kg/100m3 để xử lý sau đó dùng vi sinh (tạt men vi sinh EMS – Proof nhằm ngăn ngừa sự phát triển của Vibrioa). Mặt khác bổ sung thêm Vitamin C vào thức ăn cho tôm.

d. Bệnh đóng rong hay mảng bám

* Dấu hiệu bệnh lý:

- Các sinh vật bám vào chân, mắt, vỏ giáp thành một lớp lông tơ có màu đen (xem kính hiển vi rất rõ).

- Tôm bị bệnh thường tách đàn nổi lên mặt nước bơi lờ đờ hay bám thành bờ, phản ứng chậm chạp, kém ăn, không lột xác được.

- Bệnh nặng, các sinh vật bám phát triển bám vào mang làm tôm không thở được tôm bị thiếu ôxy nên chết.

* Trị bệnh:

- Kích thích tôm lột xác: thay nước hoặc dùng X-30 liều lượng 2kg/1.000m3 tạt khắp ao giúp tôm lột xác đồng loạt.

- Diệt sinh vật bám: nếu tỷ lệ tôm nhiễm bệnh cao có thể sử dụng hóa chất diệt bớt sinh vật bám như formol nồng độ 25ml/m3.

- Dùng các vi sinh vật có lợi để phân hủy chất hữu cơ (như Bacillus subtillis 1070 hoặc Bs-I..)

2.5. Thu hoạch

Tùy theo giá cả mà người nuôi chọn thời điểm thu hoạch cho phù hợp khi tôm đạt kích cỡ từ 50g/con trở lên. Trước khi thu hoạch cần theo dõi chu kỳ lột xác của tôm và hạn chế thu khi tôm còn mềm vỏ. Phải tuân thủ quy định của Bộ Nông nghiệp và PTNT về thời gian ngừng sử dụng thuốc, hóa chất trước khi thu hoạch tôm.

Thạc sỹ: Đặng Thị Thanh - Trưởng phòng CGKT Thủy sản

Đối tác/Liên kết
Trang chủ
Thống kê truy cập
  • Hôm nay: 1747
  • Hôm qua: 7529
  • Tuần này: 23365
  • Tuần trước: 51009
  • Tháng này: 544891
  • Tháng trước: 558503
  • Lượt truy cập: 5181654
QR Code

Dùng điện thoại scan mã QR này để truy cập vào website

QR Code
0225.3541.398 
messenger icon