Kỹ thuật nuôi hầu

08:33:33 06/12/2021 Lượt xem 29261 Cỡ chữ

Model.C_Title
Mục lục

1. Điều kiện và phạm vi áp dụng:

1.1. Thiết kế khu vực nuôi:

Khi chọn bãi nuôi Hầu cần chú ý đến một số vấn đề sau:

- Vùng nuôi phải là ở vùng cửa sông, ít sóng gió, có độ mặn 20-30%o, pH thích hợp 7,5 – 8,5. Nguồn nước sạch, nước lưu thông (có dòng chảy nhẹ), màu nước xanh có nhiều sinh vật phù du.

- Độ sâu nên chọn vùng hạ triều, chất đáy tương đối cứng.

- Các yếu tố môi trường nằm trong khoảng thích hợp cho hầu, đặc biệt là nồng độ muối, độ trong... không bị nhiễm bẩn, không có nguồn nước ngọt đổ ra trực tiếp

- Dòng chảy và độ cao của thủy triều

- Nguồn nước có đầy đủ thức ăn

- Địch hại

- Ít sóng gió, ít tàu bè qua lại, giao thông thuận lợi

- Bãi nuôi hàu phải bảo đảm độ ngập nước cho hàu khi con nước ròng. Khu vực nuôi phải xa khu dân cư, ít thuyền bè qua lại, tránh nước thải công nghiệp và nước thải sinh hoạt.

1.2. Mùa vụ và thời gian nuôi:

1.2.1. Mùa vụ nuôi:

- Thường thả giống vào tháng 3- 4 hoặc từ tháng 8 - 9 (mùa phụ) trong năm

1.2.2. Thời gian nuôi:

- Sau 8 đến 10 tháng nuôi có thể thu hoạch, sau khi nuôi khoảng 8 tháng nên thu tỉa bớt những con hàu lớn nhằm giảm mật độ nuôi để hàu sinh trưởng nhanh

2. Hướng dẫn kỹ thuật nuôi:

2.1. Chuẩn bị bè nuôi:

2.2. Một số hình thức nuôi hầu phổ biến hiện nay

2.2.1. Hình thức nuôi truyền thống (có 3 dạng)

- Nuôi gieo trên mặt đáy: Hầu giống được rải đều trên mặt đáy. Khu vực nuôi phải có đáy cứng, chất đáy là sỏi để con giống không bị chìm trong bùn hoặc trong cát. Vùng nuôi cũng phải ở vị trí có thuỷ triều lên xuống hàng ngày.

Hình thức nuôi này chiếm diện tích lớn, năng suất không cao, tuy nhiên đầu tư ban đầu thấp.

- Nuôi trên đá: Lựa chọn các bãi đá ven biển hoặc chuyển các hòn đá từ trên núi xuống để hầu bám vào và phát triển. Hình thức này chỉ để nuôi hầu từ con giống tự nhiên.

Hạn chế của hình thức nuôi này là chiếm diện tích lớn và sản lượng thấp.

- Nuôi treo trên cọc: Sử dụng các cọc ximăng, tre, gỗ... dài 1,2-1,8m cắm ở các vùng có sóng gió yên tĩnh. Cọc sau khi lấy giống được gác trên giàn, ưu điểm của hình thức này là khi thuỷ triều xuống hầu được phơi nắng hàng ngày đã hạn chế được các loại sống cộng sinh như sun, hầu, hà đá... và hạn chế các loài ký sinh trong thịt hầu. Mỗi ngày hầu được phơi khoảng 2-3h ngay cả khi nhiệt độ không khí đạt 25-300C.

2.2.2. Hình thức nuôi tiên tiến:

Nuôi treo: Hình thức này cá thể hầu được treo lơ lửng trong cột nước, tạo điều kiện cho hầu có thời gian lọc thức ăn tối đa, việc quản lý, chăm sóc, thu hoạch thuận lợi hơn, tận dụng tối đa diện tích mặt nước và năng suất sinh học vùng nước cao nhất.

- Nuôi treo trên bè: Hầu giống bám trên các vật bám (vỏ nhuyễn thể, nhựa...) vật bám được đục lỗ vào treo trên các dây. Độ dài ngắn của dây tuỳ thuộc vào độ sâu của vùng nuôi và khả năng tải của bè vì các dây treo sẽ buộc trên bè hoặc trên các sợi dây dài.

Bè nuôi hầu ở Hàn Quốc có kích thước 18mx9m, hoặc 9mx9m, có 30-40 phao nổi, dây đài 9m; phao là các khối xốp có kích thước 1 x 0,5m; mỗi bè treo 400-500 dây, mỗi dây dài từ 2-3m, .

- Nuôi treo trên dây: Đây là hình thức nuôi phổ biến hiện nay. Hình thức nuôi này hầu có tốc độ sinh trưởng nhanh, tỷ lệ sống cao và chi phí thấp, dễ áp dụng. Bè nuôi hầu được thiết kế bằng tre. Các thanh tre, được liên kết bằng các dây nhựa. Sự liên kết bằng dây nhựa có độ dẻo dai, chịu được sóng gió và không tốn nhiều thời gian, chi phí sửa chữa thấp và có độ bền hơn hẳn các loại dây buộc khác.

Bè nuôi có kích thước 10x10m, mỗi bè có 6 phao được buộc vào bè bằng dây nhựa để nâng bè nổi trên mặt biển. Mỗi bè thường được treo 500 dây vật bám, khoảng cách mỗi dây là 20cm. Một dây treo có chiều dài 2-2,5m và được treo 12 vỏ hầu vật bám, mỗi vỏ cách nhau 12-15cm. Trên mỗi vỏ có 10-12 con hầu giống bám. Độ dài hay ngắn của dây treo phụ thuộc vào độ sâu, dòng chảy của vùng nuôi và khả năng chịu tải của bè nuôi.

Nuôi hầu rời: Đây là hình thức tiên tiến hơn, hầu được nuôi trong các khay hoặc túi lưới. Các khay và túi lưới được treo trên bè. Nuôi rời có thể bắt đầu ngay từ hầu giống trong trại giống hoặc tách hầu nuôi ở đây nuôi thêm 3-4 tháng để thu hoạch. Ưu điểm của hình thức nuôi này là dễ quản lý và thu hoạch, đạt năng suất cao. Do phân cỡ được ngay từ khi đưa giống vào túi, khay nên hầu sinh trưởng đều và nhanh hơn. Nuôi theo hình thức này tránh được sun và các loại cộng sinh khác do có thời gian phơi nắng nên vỏ hầu rất sạch. Hình thức nuôi này mới phát triển trong một số năm gần đây và phổ biến nhất ở Australia. Hiện nay, đa số các nước đều nuôi hầu theo hình thức nuôi treo do người Nhật phát minh và hoàn thiện .

2.2. Chọn và thả giống:

2.2.1. Chọn giống:

+ Giống nhân tạo: Giống được sản xuất từ các cơ sở sản xuất giống nhân tạo.

+ Lấy giống và nuôi lớn:

Trong tự nhiên ấu trùng bám vào các loại giá thể khác nhau như vỏ nhuyển thể, đá, cọc... Tuy nhiên, khi không có giá thể cứng chúng cũng có thể bám vào rong biển. Giá thể thích hợp là những giá thể có chứa calci như vỏ động vật thân mềm hoặc đá vôi. Vật liệu dùng làm giá thể cho các loài sống bám như Hầu thường là vỏ của động vật thân mềm, ngoài ra có thể dùng dây thừng, tre, ống nhựa, gổ hoặc sọ dừa và các loại vật liệu khác. Sự lựa chọn giá thể tùy theo hình thức và qui mô nuôi. Giá thể dùng để nuôi treo (bè, giàn) thường lớn và bền hơn giá thể dùng nuôi đáy. Giá thể thích hợp thì phải đạt được một số tiêu chuẩn sau:

Giá rẻ và có thể cung cấp với số lượng lớn

Rắn, hơi nhám, bề mặt sạch (màu sắc không quan trọng)

Trọng lượng riêng vừa phải đảm bảo không quá nặng khi treo nhưng cũng phải đủ nặng để không bị nổi

Dễ dàng vận chuyển

Diện tích bề mặt lớn nhất trên cùng một đơn vị thể tích

Dòng nước phải chảy qua toàn bộ bề mặt của giá thể và đường kính của cọc phải đủ lớn cho sinh trưởng của ấu trùng đến khi đạt cỡ thu hoạch.

Thích hợp cho cả nuôi treo hoặc nuôi đáy

Ít tích tụ bùn trên bề mặt giá thể

Đối với giá thể dùng nuôi đáy phải dể dàng phân hủy sau một thời gian nuôi.

Lấy giống là một giai đoạn quan trọng nhưng nó chỉ là một giai đoạn ngắn trong quá trình nuôi. Vì vậy tùy điều kiện cụ thể mà chọn giá thể sao cho thu được nhiều ấu trùng nhất nhưng chi phí thấp nhất.

2.3. Quản lý, chăm sóc:

Quá trình quản lý, chăm sóc bao gồm san thưa và phòng trừ địch hại cho Hầu. Trong quá trình nuôi thì Hầu lớn lên dần chúng ta phải san thưa bằng cách làm thưa các chuổi giá thể để đảm bảo điều kiện thức ăn cho Hầu. Trong điều kiện môi trường bất lợi chùng ta phải có biện pháp đề phòng hay di dời Hầu đến bãi khác. Chú ý tiêu diệt các sinh vật địch hại của Hầu.

2.4. Phòng trị bệnh:

2.4.1 Địch hại của hầu

Bao gồm các yếu tố vô sinh (độ muối, nhiễm bẩn, độc tố, lũ lụt...) và yếu tố hữu sinh bao gồm các sinh vật cạnh tranh vật bám (belanus, anomia...), sinh vật ăn thịt (rapana, thais, sao biển, cá...), sinh vật đục khoét (teredo, bankia...), sinh vật ký sinh (myticola, polydora...), các loài tảo độc gây nên hiện tượng bùng phát vi tảo độc gây hại, ảnh hưởng rất lớn đến nghề nuôi hầu thế giới. Tuy nhiên hầu cũng có khả năng tự bảo vệ nhờ vỏ, khi gặp kẻ thù chúng khép vỏ lại. Ngoài ra chúng còn có khả năng chống lại các dị vật (cát, sỏi), khi dị vật rơi vào cơ thể màng áo sẽ tiết ra chất xà cừ bao vây dị vật

2.4.2 Bệnh của hầu

Hầu TBD cũng giống các loài thuỷ sản khác, chúng mắc một số bệnh sau:

- Bệnh ký sinh trùng: Để phòng và trị người ta đã nhúng hầu vào nước nóng từ 50 - 550C ở hầu giống 1 - 2,5cm đã cho kết quả tốt nhất mà không ảnh hưởng đến hầu ở thời gian 10 - 15 giây sẽ loại bỏ được vẹm, sun và các loài sống bám khác. Biện pháp xử lý, đưa dây hầu nuôi vào trong bể nước ngọt khoảng 30 - 50h tuỳ theo nhiệt độ nước.

- Bệnh do Virus: Từ năm 1960 tại vịnh Chesapeake Mỹ đã phát hiện ra hầu bị bệnh do virus Herpes. Hầu nhiễm virus thường có màu trắng.

- Bệnh do Vi khuẩn: Colwell [1967], đã xác định loài Pseudomonas enalia gây bệnh chết hàng loạt cho hầu giống ở Mỹ, Sinderman [1977], đã phát hiện thêm Vibrio anguilarium và Vibrio angullarum cũng gây chết hàng loạt cho hầu nuôi ở giai đoạn sau hầu giống.

- Bệnh do protozoa: Trong tất cả các nguyên nhân gây tử vong lớn cho hầu thì bệnh do protozoa Minchinianelsoni là nguy hiểm nhất. Năm 1957- 1960, 95% hầu nuôi ven biển nước Mỹ đã chết do nhiễm vi khuẩn này, mãi đến 4 năm sau mới tìm ra nguyên nhân, protozoa này thường xuất hiện khi nhiệt độ cao cùng với độ mặn thấp (15‰), protozoa này cũng quan sát thấy tại Hàn Quốc.

- Bệnh trứng: Theo Chun [1979], bệnh chỉ xảy ra đối với Crassostrea gigas. Năm 1986, Comps đã xác định bệnh do marteilioides chungmuensis thuộc ngành Ascetospora. Ở Hàn Quốc bệnh thường xuất hiện từ tháng 8 - 11. Ký sinh trùng thường bám vào mắt hầu.

- Thuỷ triều đỏ: Các loài tảo liên quan đến thuỷ triều đỏ là Chaetoceos, gymnodinium, gonyaulax, ceratium, prorocentrumn... trong số loài gây độc hại nhất là gymnodinium.

3. Thu hoạch:

- Sau một năm nuôi thì có thể thu hoạch. Mùa vụ thu hoạch Hầu có liên quan đến chất lượng sản phẩm. Thường vào mùa sinh sản khi tuyến sinh dục của Hầu phát thành thục thì chất lượng thịt cao nhất, lúc đó hàm lượng đạm cao và hàm lượng nước trong thịt thấp. Do đó đối với Hầu thì mùa vụ khai thác tốt nhất là váo mùa sinh sản.

- Tuy nhiên, nếu thu hoạch vào mùa sinh sản cần chú ý đến vấn đề bảo vệ nguồn lợi. Nên chọn giải pháp bảo vệ nguồn lợi thích hợp như: phân vùng khai thác, quy định kích cỡ khai thác phải lớn hơn kích cỡ các thể có khả năng tham gia sinh sản lần đầu hay hay giới hạn sản lượng thu hoạch... sao cho trên bãi vẫn còn đủ số lượng Hầu bố mẹ sinh sản nhằm phục hồi quần thể.

Ths. Đặng Thị Thanh - TP. Phòng Chuyển giao kỹ thuật Thủy sản

Đối tác/Liên kết
Trang chủ
Thống kê truy cập
  • Hôm nay: 9713
  • Hôm qua: 14447
  • Tuần này: 53011
  • Tuần trước: 62771
  • Tháng này: 458663
  • Tháng trước: 555226
  • Lượt truy cập: 4491938
QR Code

Dùng điện thoại scan mã QR này để truy cập vào website

QR Code
0225.3541.398 
messenger icon