Hướng dẫn kỹ thuật ương nuôi cá chép Koi trong ao đất

10:25:40 22/06/2021 Lượt xem 8659 Cỡ chữ

Model.C_Title
Mục lục

Mô hình nuôi cá chép Koi tại xã Tân Trào, huyện Kiến Thụy

         Cá chép Koi là loại cá cảnh đang được nhiều người chơi ưa chuộng với hình thức tiểu cảnh sân vườn. Sự thay thế cá Chép Koi cho các loài cá khác trong hồ nhân tạo trở thành một xu thế bởi màu sắc, sức sống và quan niệm phong thủy. Trước nhu cầu của thị trường và hiệu quả kinh tế mang lại thì việc phát triển các đối tượng làm cảnh trong đó có cá chép Koi là hết sức cần thiết. Chính vì vậy trong những năm gần đây, người nuôi đã bắt đầu mở rộng diện tích nuôi và cá Koi đã trở thành một trong những đối tượng chính được người nuôi lựa chọn. Tuy nhiên nguồn cung cấp cá thành phẩm có màu sắc đẹp và sức sống cao còn rất hạn hẹp. Để tăng năng suất, chất lượng và giá trị cá Koi thương phẩm đảm bảo các tiêu chí về an toàn môi trường, chúng tôi hướng dẫn một số kỹ thuật cần lưu ý trong quá trình ương nuôi cá Koi trong ao đất:

                1. Chuẩn bị ao nuôi

                1.1. Cải tạo ao nuôi

Rắc vôi giúp diệt trừ mầm bệnh, cá tạp, cá dữ và các sinh vật địch hại

          - Tháo cạn: tiến hành tháo cạn nước trong ao, bắt hết cá tạp, cá dữ, dọn sạch bèo, rác, cỏ. Tu sửa bờ ao và lấp kín các hang hốc là nơi trú ẩn của địch hại. Phát quang bụi rậm xung quanh bờ đảm bảo ao thông thoáng, đủ ánh sáng mặt trời. Nếu đáy ao có bùn quá dày phải nạo vét để lại lớp bùn dày khoảng 15 - 20 cm.

           - Bón vôi: cải tạo nền đáy, nâng cao pH ở ngưỡng thích hợp; diệt trừ mầm bệnh, cá tạp, cá dữ và các sinh vật địch hại; làm tơi xốp nền đáy... Lượng vôi bột sử dụng từ 7 – 10 kg/100m2 ao, ở vùng đất chua có thể tăng lên 15 - 20 kg/100m2 ao. Vôi được rải đều khắp đáy ao và xung quang bờ ao, sau đó cày, xới đáy ao nhưng tránh không để đất chua phèn ở đáy bị đảo lên.

            - Phơi đáy ao: thời gian phơi khoảng 5 - 7 ngày, đến khi mặt lớp bùn nứt chân chim. Nếu ao bị chua hoặc không tát cạn được thì tăng lượng vôi, ngâm nước vôi từ 3 - 5 ngày, sau đó xả bỏ, cấp nước mới.

             1.2. Gây màu nước

           - Khoảng 7 - 10 ngày trước khi thả giống tiến hành gây màu nước bằng cách: lấy nước vào ao qua lưới lọc, đạt độ sâu 30 - 50cm dùng chế phẩm sinh học (theo liều lượng và hướng dẫn của nhà sản xuất) hoặc phân chuồng ủ hoai mục (10 - 15 kg/100m2). Sau 4 - 5 ngày, tiếp tục lọc nước cấp vào ao đạt độ sâu trên 1m, khi có nước màu xanh nõn chuối hoặc xanh vỏ đỗ thì thả cá nuôi.

         - Đối với ao khó gây màu nên bón thêm NPK với tỷ lệ 3:2:1 lượng dùng từ 0,3 - 0,5kg/100m2.

              2. Chọn và thả giống

              2.1. Mùa vụ: tháng 3 - 4 dương lịch (vụ chính) và tháng 8 - 9 dương lịch.

              2.2. Chọn giống

            - Tiêu chuẩn giống tốt: Giống có nguồn gốc rõ ràng; Ngoại hình cân đối, màu sắc tươi sáng, khoang màu rõ ràng, cá khoẻ mạnh, hoạt động nhanh nhẹn, không xây xát, vây vẩy hoàn chỉnh, không mất nhớt, không dị hình, không mầm bệnh, kích cỡ đồng đều. Kích cỡ giống từ ≥ 5cm/con.

               2.3. Thả giống

            - Tuỳ theo điều kiện cụ thể của từng ao như khả năng cấp thoát nước, độ sâu, khả năng quản lý để tính mật độ thả:

              Nuôi bán thâm canh: 3 - 5 con/m2

              Nuôi thâm canh: 5 -10 con/m2

         - Phương pháp thả: trước khi thả phải ngâm bao, túi chứa cá xuống ao từ 15 - 20 phút, thêm từ từ nước ao nuôi vào bao chứa cá, để 5 – 10 phút cho cá quen dần với môi trường ao nuôi rồi dìm miệng túi xuống ao cho cá tự bơi ra. Nên thả cá giống vào buổi sáng hoặc chiều mát. Tránh thả cá vào buổi trưa hoặc lúc trời nắng gay gắt, cá thả sẽ bị hao hụt.

            3. Chăm sóc cá nuôi

           - Cơ sở nuôi phải xác định thực hiện chế độ cho ăn phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng và độ tuổi của cá nuôi. Giai đoạn đầu sử dụng thức ăn cao đạm 38 – 40%, khi cá lớn (trên 300g/con) cho ăn thức ăn độ đạm ≥28%.

         - Tùy thuộc kích cỡ cá, giai đoạn sinh trưởng thì số lần, lượng thức ăn, cỡ viên thức ăn theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Thông thường cho ăn 2 lần/ngày vào buổi sáng lúc 7 - 8h và buổi chiều lúc 4 - 5h; liều lượng cho ăn giai đoạn đầu từ 5 -8% khối lượng cá, sau đó giảm dần từ 2 - 3% khối lượng cá.

           - Nên cố định vị trí cho ăn và thời gian cho ăn.

        - Định kỳ 1 tháng/1 lần bổ sung vitamin C với lượng 2 - 3g/kg thức ăn để tăng sức đề kháng cho cá.

           4. Quản lý ao nuôi

          - Cần theo dõi diễn biến thời tiết, khi có thay đổi cần giảm lượng thức ăn, cấp thêm nước hoặc thay nước để hạn chế cá nổi đầu.

         - Thường xuyên kiểm tra, theo dõi, có biện pháp duy trì ổn định một số yếu tố môi trường nằm trong ngưỡng cho phép: nhiệt độ, pH, oxy hòa tan...

       - Duy trì ổn định hàm lượng ôxy/nước: trong ao bố trí 1 - 2 máy quạt nước. Vào những ngày không có nắng, cần tăng thời gian vận hành máy. Những ngày nhiều gió, có thể giảm thời gian vận hành nhằm tiết kiệm năng lượng.

        - Chế độ thay nước: trong tháng nuôi đầu cần lấy dần nước vào ao để đạt độ sâu 1,5m nước trở lên. Mực nước nông quá sẽ ảnh hưởng đến màu sắc, chất lượng của cá. Từ tháng thứ 3 trở đi thay từ 1/3 lượng nước với tần suất 2 - 4 lần/tháng. Định kỳ 2 tuần/1 lần bón vôi 1 - 2kg/100 m3 nước.

        - Định kỳ sử dụng các chế phẩm sinh học để phân hủy xác động vật, thực vật, thức ăn dư thừa và chất hữu cơ, làm giảm NH3 và NO2– trong môi trường nước. (Liều lượng sử dụng theo hướng dẫn trên bao bì của nhà sản xuất).

         - Bổ sung thêm men tiêu hóa, vitamin C, tăng khả năng tiêu hóa, tăng sức đề kháng, chống chịu tốt với các điều kiện bất lợi của môi trường.

       - Sát khuẩn nước ao nuôi: định kỳ 15 ngày, sử dụng một trong các loại thuốc diệt khuẩn như: thuốc tím 0,5-1kg/1.000m3, iodine 0,2-0,3l/1.000m3 hoặc các loại thuốc sát khuẩn nước khác theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

       - Nếu nước ao bị nhiễm bẩn, màu đậm, cần phải thay bớt nước cũ cấp thêm nước mới. Thường xuyên quan sát hoạt động bơi lội và khả năng bắt mồi của cá. Nếu thấy bất thường cần có biện pháp xử lý cho phù hợp.

        - Trong quá trình ương nuôi 4 - 6 tháng nên san và lọc cá ra các ao khác từ 1 - 2 lần giúp cá tăng trưởng nhanh, khỏe mạnh và có màu sắc đẹp.

        5. Thu hoạch:

       Sau khi cá nuôi được 5 - 6 tháng, có thể thu hoạch theo nhu cầu của thị trường. Lưu ý thực hiện đánh bắt hết sức nhẹ nhàng, tránh gây tổn thương lên cơ thể, sẽ làm giảm chất lượng, giá trị của cá.

Ks. Nguyễn Thị Tài - Phòng CGKT Thủy sản

Đối tác/Liên kết
Trang chủ
Thống kê truy cập
  • Hôm nay: 332
  • Hôm qua: 11276
  • Tuần này: 38209
  • Tuần trước: 73453
  • Tháng này: 269693
  • Tháng trước: 566218
  • Lượt truy cập: 4637702
QR Code

Dùng điện thoại scan mã QR này để truy cập vào website

QR Code
0225.3541.398 
messenger icon