Hướng dẫn kỹ thuật trồng hành theo quy trình VIETGAP tại Hải Phòng

10:11:12 07/06/2022 Lượt xem 1276 Cỡ chữ

Model.C_Title
Mục lục

       I. KỸ THUẬT SẢN XUẤT

      1. Giống

      - Sử dụng giống có nguồn gốc rõ ràng, giống có trong danh mục giống cây trồng được phép sản xuất, kinh doanh do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành hoặc giống địa phương, giống cây trồng bản địa đã được sản xuất, tiêu dùng, không gây độc cho người.

       - Lượng giống cần cho 01 ha: 5 - 7 kg hạt giống (hoặc 1.200 kg củ giống).

       - Các giống hành hiện nay:

      + Hành hoa: Hành hương, hành Paro (Hàn Quốc)

     + Hành ăn củ: Hành tím, hành trắng thường được trồng bằng củ giống được bảo quản từ vụ trước (hành chiêm) hoặc năm trước (hành đông)

       2. Thời vụ

      - Hành hoa có thể trồng nhiều lứa trong năm.

      - Hành củ trồng bằng củ vào tháng 9 – tháng 10

       3. Kỹ thuật ngâm ủ, xử lý giống

        3.1 Đối với trồng bằng hạt (hành lá)    

      - Xử lý hạt giống: Đem hạt ngâm trong nước sạch với thời gian khoảng 2-6 tiếng. Nước để ngâm hạt nên là nước ấm được pha với tỉ lệ 2 chén nước sôi 3 chén nước lạnh. Hạt giống sau khi được ngâm xong, hãy mang chúng ủ vào bầu đất ẩm hoặc khăn vải ẩm. Thường xuyên kiểm tra xem hạt giống có bị thiếu độ ẩm hay không, nếu thiếu thì tưới thêm nước. Hạn chế để ánh sáng chiếu vào bầu ủ hạt. Khi thấy hạt có vết nứt chẻ đôi là có thể đem gieo rồi.

      - Gieo trực tiếp trên ruộng

     + Làm đất vườn ươm: Làm đất kỹ, tơi nhỏ, lên luống ruộng từ 0,9 - 1m, luống cao 20-25cm.

     + Bón phân vườn ươm: Bón lót 250-300kg phân chuồng ủ hoai mục + Super lân 15-20kg + Vôi bột: 15-20kg. Rải đều phân bón và trộn đều với lớp đất mặt.

    + Cách gieo hạt giống hành hoa: Gieo đều hạt với lượng từ 5-10 gram/1m2. Gieo xong phủ một lớp rơm rạ băm ngắn, trấu hoặc lớp đất mỏng lên mặt luống rồi dùng ô doa tưới nước đủ ẩm. Cần thường xuyên giữ ẩm cho đất.

    + Cách tỉa cây: Định kỳ tiến hành tỉa cây 2 lần, lần 1 khi cây mọc cao 2-3 cm, lần 2 khi cây mọc 7-10 cm, đảm bảo cây cách cây 1-2 cm

    - Gieo trong bầu:

    + Có tác dụng, chủ động thời vụ (do rút ngắn được thời gian chuẩn bị đất trồng), đảm bảo số lượng, chất lượng cây giống.

   + Giá thể làm bầu phối trộn theo công thức sau: 30% Phân chồng ủ mục + 5% tro trấu, tro bếp + 5% phân vi sinh (Sông Gianh, Arotobarterin) + 60%  đất bột đã xử lý sạch mầm bệnh (tốt nhất đất bột được phơi khô trước trộn).

   + Vật liệu làm bầu nên sử dụng khay nhựa chuyên dùng loại 72 hoặc 84 lỗ/khay. Tốt nhất dùng khay xốp 84 lỗ (vì khay cứng dễ vận chuyển).

  + Nơi chăm sóc cây giống nên để trong vòm có lưới đen che phủ, mục đích tránh ánh sáng cường độ mạnh chiếu và mưa trực tiếp vào cây con. Bầu cây non phải đảm bảo độ ẩm, vì vậy 1 ngày cần tưới 2 lần vào sáng sớm và chiều mát.

    Chú ý: từ khi cây xuất hiện lá mầm, gạt bỏ hết lưới che chắn ở khu vực gieo ươm, để cây ở chỗ có nhiều ánh sáng.

    3.2 Đối với trồng bằng củ (hành củ)

    - Tuyển chọn củ giống được chọn từ củ khỏe đồng đều, không bị sâu bệnh, căng đều không thối, màu sắc củ vỏ sáng.

   - Củ giống trước khi đem trồng tốt nhất nên xử lý nấm bệnh tồn dư trên củ. Cách làm như sau:

   - Sử dụng 1 gói Validacin 10ml pha với 10 lít nước cho vào bình phun đều cho 30 - 40kg củ hành giống rồi đảo đều, để ráo sau đó đem trồng.

   - Để hành nhanh mọc có thể cắt bớt 1/5 - 1/4 về phía chóp của củ.

    4. Làm đất, trồng cây

    4.1 Kỹ thuật làm đất

  - Vùng trồng: Cách ly với khu vực có chất thải công nghiệp và bệnh viện ít nhất 2km, với chất thải sinh hoạt thành phố ít nhất 200m.

  - Đất trồng hành tốt nhất là đất thịt nhẹ, đất pha cát, đất bãi bồi, độ pH: 5,6 - 6,7, giàu dinh dưỡng;

  - Đất được cày bừa kỹ và sạch cỏ dại, rắc vôi bột (15 - 20kg/sào) lên luống với kích thước cao 20 - 30cm, rộng 1 - 1,2m rồi tiến hành san phẳng bề mặt. Xử lý đất trước khi trồng bằng thuốc diệt nấm Validacin (15 - 20ml/bình 16 lít/sào), phun trước trồng khoảng 2 - 3 ngày.

    4.2 Kỹ thuật trồng

  - Đối với Hành hoa (hành ăn lá): có thể trồng bằng cây con từ hạt hoặc cây tỉa từ vườn mẹ ra. Hành trồng khóm với khoảng cách 10-12 cm/khóm, mỗi khóm 2 – 3 cây, mật độ cần đảm bảo khoảng 100 – 120 m2.

  -  Đối với hành củ

  + Tốt nhất, nên tưới ẩm luống hành trước khi đặt củ. Củ hành được đặt chắc xuống luống đất, sâu khoảng 1/3 củ.

  - Không nên đặt nông hơn hoặc sâu hơn đều hạn chế sự sinh trưởng của cây hành (đổ ngã hoặc thối hỏng). Tùy theo kích thước luống, bố trí các hàng sao cho hàng cách hàng 22 - 25cm, cây cách cây 18-20cm, mật độ từ 20-22 khóm/m2.

  - Sau đặt củ dùng trấu để phủ kín củ hoặc dùng rơm rạ phủ một lớp mỏng trên mặt luống để giữ độ ẩm cho hành nhanh mọc.

5. Phân bón và chất phụ gia

- Chỉ sử dụng phân bón có nguồn gốc rõ ràng và  được phép sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam.

- Không sử dụng phân hữu cơ chưa xử lý (phân tươi, chưa hoai mục), trường hợp tự sản xuất phân hữu cơ, phải thực hành đúng phương pháp, đảm bảo đủ thời gian.

- Cần tuân thủ quy trình bón phân cho từng loại cây trồng cụ thể (cách bón, liều lượng ...).

- Nơi cất giữ, chứa phân bón phải đảm bảo không gây ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động và chất lượng sản phẩm cây trồng

- Ghi chép nhật ký và lưu giữ hồ sơ sản xuất: Nhật ký thực hành sản xuất, nhật ký mua vật tư nông nghiệp, nhật ký quản lý đầu vào của sản xuất.

*  Lượng bón và phương pháp bón phân

a. Lượng phân

- Sử dụng phân bón đơn

 

Loại phân

Lượng phân bón

Bón lót (%)

Bón thúc (%)

Kg/ha

Kg/sào (360m2)

Thúc  1 (%)

Thúc 2 (%)

Phân hữu cơ vi sinh

2. 000

72-75

100

-

-

Đạm

200

7

-

30

70

Lân

500

18

100

-

-

Kali

250

9

-

-

100

Vôi bột

420-560

15-20

100

-

-

- Sử dụng phân bón NPK

Loại phân

Lượng phân bón

Bón lót (%)

Bón thúc (%)

Kg/ha

Kg/sào (360m2)

Thúc  1 (%)

Thúc 2 (%)

Phân hữu cơ vi sinh

2. 000

72-75

100

-

-

NPK 5.10.3

400-500

14-18

100

-

-

NPK 13.13.13

500-550

18-20

-

40

60

Vôi bột

420-560

15-20

100

-

-

b. Cách bón

+ Bón lót: Bón trước khi trồng, bón vào rạch, đảo đều với đất và lấp trước khi trồng

+ Tưới phân thúc:

Lần 1: Sau trồng 7-10 ngày

Lần 2: Sau lần một 10 ngày, kết hợp làm cỏ, xới xáo

Lưu ý: có thể thay thế bằng các loại phân bọn khác có tỷ lệ tương đương và sử dụng theo hướng dẫn từng loại trên bao bì.

6. Chăm sóc và tưới nước

- Tưới nước: có thể sử dụng nước mặt (hồ, ao, sông) hoặc nước ngầm (nước giếng khoan) để tưới; Không sử dụng nước thải công nghiệp, nước thải từ các bệnh viện, khu dân cư tập trung, trang trại chăn nuôi, lò giết mổ gia súc chưa qua xử lý đạt tiêu chuẩn để tưới trực tiếp.

- Sau khi trồng, mỗi ngày nên tưới đủ ẩm 1 lần vào sáng sớm hoặc chiều mát. Khi cây hồi xanh, cứ 2-3 ngày tưới 1 lần.

- Trong các đợt bón thúc, làm cỏ cần kết hợp cắt tỉa lá già, lá bị sâu bệnh hại nặng đem tiêu hủy.

7. Phòng trừ sâu bệnh

7.1.  Biện pháp canh tác, thủ công, sinh học

- Áp dụng phương pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cơ sở áp dụng tổng hợp các biện pháp kỹ thuật (sử dụng giống kháng/giống chống chịu, bón phân cân đối, thời vụ hợp lý, luân canh, xen canh cây trồng, áp dụng các biện pháp thay thế hóa chất,…) để ngăn cản sự phát sinh, phát triển của dịch hại; hạn chế tối đa sử dụng hóa chất nông nghiệp để bảo vệ quần thể thiên địch và giảm thiểu rủi ro đối với sức khỏe con người và môi trường.

- Vệ sinh đồng ruộng: Làm sạch cỏ, vơ tỉa lá già, loại bỏ lá bị sâu bệnh tiêu hủy hạn chế sâu bệnh.

- Luân canh cây trồng: Áp dụng các biện pháp luân canh với cây lúa nước, cây khác họ nhằm hạn chế nguồn sâu bệnh gây hại.

- Dùng biện pháp thủ công: ngắt ổ trứng, bắt diệt sâu non khi mật độ sâu thấp (áp dụng với sâu khoang, sâu xanh bướm trắng).

Cần sử dụng luân phiên các loại thuốc có hoạt chất khác nhau để tránh sâu nhanh quen thuốc. Tuân thủ nghiêm ngặt nồng độ, thời gian cách ly của từng loại thuốc trước khi thu hoạch theo đúng hướng dẫn của đơn vị sản xuất ghi trên bao bì.

-  Người sản xuất phải nắm vững kỹ thuật sử dụng thuốc theo nguyên tắc “4 đúng”: đúng thuốc, đúng nồng độ liều lượng, đúng lúc và đúng cách.

- Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng để phát hiện sâu bệnh hại và thực hiện theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật và các cơ quan chuyên môn

7.2. Một số sâu, bệnh hại chính và cách phòng trừ

7.2.1 Sâu xanh da láng (Spodoptera exigua )

* Tập quán sinh sống và gây hại:

- Bướm hoạt động mạnh vào ban đêm, trứng đẻ trên lá. Một bướm cái có thể đẻ 500-800 trứng.

- Sâu non đục lỗ nhỏ chui vào bên trong cọng hành ăn phần xanh của lá. Khi sâu còn nhỏ trong một cọng hành có thể có hàng chục con, khi lớn chúng phân tán dần sang các lá khác. Loài sâu này cắn phá mạnh làm cọng hành bị khô héo, chết, gẫy gập, xơ xác, cả bụi hành trở nên vàng úa, còi cọc cả ruộng hành bị trắng xoá, tàn lụi.

- Sâu thường phát sinh và gây hại nhiều trong điều kiện thời tiết nóng, ít mưa.

- Vòng đời trung bình 30-40 ngày.

* Biện pháp phòng trừ:

- Vệ sinh đồng ruộng, phát hiện sớm khi sâu còn nhỏ để phòng trừ

- Biện pháp hóa học: Sử dụng một số loại thuốc sau để phòng trừ: Vitako 40WG, Dupont Prevathon 5SC, Match 050EC, 

7.2.2 Sâu keo (Onion armyworm)

* Tập quán sinh sống và gây hại:

- Sâu keo ăn toàn bộ thịt lá, chỉ để lại phần biểu bì lá, sau đó lá khô teo đi và bị héo toàn bộ. Đối với hành và hành củ sâu non tuổi nhỏ ăn bề mặt của lá sau, tạo thành cửa sổ và chỉ rời khỏi lá khi thức ăn hết.

* Biện pháp phòng trừ:

- Phát quang các lùm cây và làm cỏ sẽ giảm được mật độ sâu. Sâu có thể sống sót trong các gốc cây và trong cỏ sau khi thu hoạch và chuyển sang cây trồng mới gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho cây trồng.

- Làm ngập nước ruộng có sâu hại để nhấn chìm nhộng và những dịch hại khác sống trong đất (nếu điều kiện thủy lợi cho phép).

- Lật đất để phơi nhộng lên mặt đất, làm mồi cho chim và các loại thiên địch khác.

- Biện pháp hóa học: Do chưa có thuốc BVTV đăng ký để phòng trừ, do đó có thể tham khảo sử dụng một số loại thuốc sau: Vitako 40WG, Dupont Prevathon 5SC, Match 050EC, ...

7.2.3 Bọ trĩ hại hành (Thrips tabaci Lindeman)

* Tập quán sinh sống và gây hại:

- Con cái đẻ trứng vào trong mô lá (khoảng 80 trứng/con), sau 5 - 10 ngày trứng sẽ nở, vòng đời hơn 21 ngày tùy theo môi trường, nhiệt độ.

- Lá bị hại có màu sáng bạc và có vết hoặc đốm nhỏ màu nâu. Lá có thể héo hoặc biến dạng. Ngọn của các lá phía ngoài có màu nâu. Trong trường hợp bị hại nghiêm trọng lá rũ xuống, củ nhỏ và biến dạng.

- Khí hậu lạnh, con trưởng thành có thể ngừng hoạt động và ngủ đông trong đất, khi nhiệt độ ấm lên chúng thức dậy.

- Bọ trĩ phát triển thích hợp trong điều kiện thời tiết nóng và khô

* Biện pháp phòng trừ: Chưa có thuốc BVTV đăng ký trong danh mục để phòng trừ bọ trĩ hại hành. Có thể sử dụng một số thuốc: Sheba 50 EW, Actara 25WG, Movento 150OD,... để phòng trừ .

7.2.4. Bệnh cháy lá ( Bostrytis sp)

* Triệu chứng:

- Botrylis squamosa gây nên những đốm trắng nhỏ tròn trũng hay đốm nâu nhạt sáng phát triển chiều dài lá. Đốm này xấp xỉ 4 mm đường kính và xung quanh có vây sũng nước. Đốm luôn luôn phổ biến ở khu vực gân lá. Dưới những điều kiện đất ẩm Botrytis cirerea kết hợp với B.squamosa gây hại. Ngọn lá gục xuống một cách rõ rệt so với cây không bị bệnh ngọn lá đứng.

- Loài B.squamosa là loài hoạt động mạnh nhất trong thời tiết ẩm và nhiệt độ thấp 18oC. Ở những khu vực ít gió và độ ẩm cao hơn loại nấm này gây hại nặng hơn. Khi bị mưa đá hay mưa hạt nặng là điều kiện thuận lợi cho bệnh lây nhiễm.

* Nguyên nhân, điều kiện phát sinh, phát triển của bệnh

- Bệnh do nấm Botrylis squamosa và Botrytis cirerea gây ra

- Botrylis squamosa phát sinh và gây hại thuận lợi trong điều kiện đất ẩm

- Loài B.squamosa gây hại mạnh nhất trong thời tiết ẩm và nhiệt độ thấp 18oC. Khi bị mưa đá hay mưa hạt nặng là điều kiện thuận lợi cho bệnh lây nhiễm.

* Biện pháp phòng trừ:

- Cần dọn sạch cỏ dại, tàn dư cây trồng sau khi thu hoạch.

- Không nên trồng quá dày và trên đất khó thoát nước.

- Biện pháp hóa học: có thể tham khảo sử dụng thuốc: Amistar 250SC, Antracol 70WP, Daconil 500SC, Kaisai 21.2WP…để phòng trừ.

7.2.5 Bệnh đốm vòng (Alternaria porri)

* Triệu chứng:

- Vệt bệnh là những hình o van, đồng tâm. Lúc đầu là những đốm nhỏ trắng sau đó nếu thời tiết ẩm vết bệnh chuyển màu xám hay nâu. Nếu bị hại nặng lá sẽ bị khô, cây chết. Đôi khi ở phần dưới cây sát mặt đất có thể cũng bị hư hại do thối ướt sau đó khô lại và củ cũng bị khô theo.

* Nguyên nhân, điều kiện phát sinh, phát triển của bệnh:

- Bệnh do nấm Alternaria porri gây ra.

- Nếu cây bị bệnh ở thời kỳ sớm có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất. Trong thời kỳ bảo quản nấm xâm nhập vào củ và gây thối.

- Bệnh phát triển và gây hại mạnh trong điều kiện ẩm độ cao và nhiệt độ từ 20 - 30oC.

- Nấm bệnh có thể tồn tại ở những tàn dư cây bệnh, bào tử sẽ phát tán theo gió và nước bắn lên lá.

* Biện pháp phòng trừ:

- Chọn giống không bị nhiễm bệnh để trồng.

- Thu dọn tàn dư cây bệnh sau khi thu hoạch.

- Làm đất kỹ, trồng mật độ vừa phải.

- Sử dụng một số loại thuốc sau để phòng trừ: Amistar 250SC, Antracol 70WP, Daconil 500SC, Kaisai 21.2WP…

7.2.6 Bệnh sương mai (Peronospora schleidni)

* Triệu chứng:

- Lá già bị bệnh có màu xanh nhạt, có lớp tơ nấm màu trắng che phủ lên vết bệnh sau đó tơ nấm chuyển sang màu xanh hơi đỏ. Bệnh nặng làm lá bị gẫy và chết.

- Cuống lá, vết bệnh đầu tiên có hình elip sau đó kéo dài ra, lúc đầu có màu vàng sau đó có màu nâu.

- Trên cây còn nhỏ ít bị bệnh gây hại, ở cây lớn các lá già bị hại trước sau đó lan dần đến củ, cây còn ít lá, củ nhỏï và cây chết.

* Nguyên nhân, điều kiện phát sinh, phát triển:

- Do nấm Peronospora schleidni gây ra.

- Nấm tồn tại trong củ, trong thân cây bệnh.

- Bệnh phát sinh, phát triển mạnh trong điều kiện nhiệt độ <22oC và độ ẩm cao sưong mù. Nhiệt độ cao và ẩm độ thấp hạn chế sự phát triển của bệnh.

* Biện pháp phòng trừ:

- Sử dụng giống tốt, chọn củ giống sạch bệnh vì một số loại nấm bệnh có khả năng lan truyền qua củ giống.

- Luân canh với cây trồng.

- Vệ sinh đồng ruộng, thu dọn sạch tàn dư cây bệnh đem tiêu hủy sau khi thu hoạch.

- Không trồng hành những nơi kém thoát nước.

- Biện pháp hóa học: sử dụng một số loại thuốc sau để phòng trừ: Amistar 250SC, Antracol 70WP, Daconil 500SC, Kaisai 21.2WP…

7.2.7 Bệnh thối trắng (Sclerotinia allii)

* Triệu chứng:

- Vết bệnh mới xuất hiện là những khối u mịn màng. Cây bị bệnh xuất hiện lớp nấm trắng và có những hạt nhỏ màu đen. Bộ rễ bị phá hủy, rễ quăn queo và chuyển sang màu vàng hoặc nâu, củ bắt đầu ủng nước và thối.

- Trong bảo quản bệnh có thể tiếp tục gây hại phá hủy các mô bên trong khi vỏ ngoài còn nguyên.

* Nguyên nhân, điều kiện phát sinh, phát triển của bệnh

- Bệnh thối trắng do nấm Sclerotium cepivonum gây ra

- Bệnh gây hại ở tất cả các giai đoạn phát triển của cây.

- Hạch nấm tồn tại rất lâu trong đất và là nguồn lây lan cho vụ sau.

- Khi trời mưa lớn hoặc đất ẩm ướt và nhiệt độ đất từ 10-24oC rất thích hợp cho nấm bệnh phát triển.

- Bệnh làm giảm năng suất và giá trị thương phẩm của hành.

* Biện pháp phòng trừ:

- Khi đất bị nhiễm nên luân canh với cây trồng khác họ.

- Thu dọn sạch tàn dư cây bệnh để tiêu hủy sau khi thu hoạch.

- Không trồng hành những nơi kém thoát nước.

- Biện pháp hóa học: Có thể tham khảo sử dụng thuốc: Amistar 250SC, Antracol 70WP, Daconil 500SC, Kaisai 21.2WP…

Ks. Ngô Thị Nga - Phòng Chuyển giao Kỹ thuật Nông nghiệp

 

 

 

Đối tác/Liên kết
Trang chủ
Thống kê truy cập
  • Hôm nay: 4266
  • Hôm qua: 4656
  • Tuần này: 25147
  • Tuần trước: 29296
  • Tháng này: 263857
  • Tháng trước: 306531
  • Lượt truy cập: 2831918
0225.3541.398 
messenger icon