Hướng dẫn kỹ thuật trồng khoai lang (Tên khoa học: Ipomoea batatas )

17:31:33 25/06/2025 Lượt xem 3350 Cỡ chữ

Model.C_Title
Mục lục

          I. YÊU CẦU SINH THÁI

         1. Nhiệt độ

        Khoai lang ưa nhiệt độ từ 21 – 250C. Nếu dưới 100C, cây sẽ chuyển thành màu vàng và chết. Trên 450C, cây sinh trưởng và khả năng cho củ đều kém.

         2. Lượng nước và độ ẩm đất

        Khoai lang cần nhiều nước. Lượng mưa trung bình trong năm từ 750 – 1000mm/năm. Độ ẩm cần thiết trong ruộng khoai từ 70 – 80%

          3. Đất đai

        Khoai lang dễ sống, không kén đất có thể trồng trên nhiều loại đất khác nhau. Đặc biệt, cây khoai lang ưa đất cát pha có tỉ lệ mùn cao, đất thịt nhẹ, tơi xốp, lớp đất mặt sâu. Yêu cầu khu đất trồng phải thoáng, tơi xốp. Nếu đất chặt quá củ khoai lang sẽ bị cong queo, xấu, nhỏ. Độ pH thích hợp từ 4,5 – 7,5 trừ loại đất sét có hàm lượng nhôm nặng.

         4. Ánh sáng

        Thời gian chiếu sáng thích hợp từ 8 – 10 giờ sáng. Nếu cường độ ánh sáng mạnh thì sẽ thuận lợi cho sự phát triển của cây. Ngoài ra, ánh sáng yếu cũng có tác dụng xúc tiến quá trình ra hoa.

          II. YÊU CẦU VỀ GIỐNG

         Giống khoai lang để trồng có thể dùng dây hoặc củ.

        Sử dụng giống khỏe, có nguồn gốc rõ ràng, thuộc danh mục giống cây trồng được phép sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam, chống chịu sâu bệnh tốt, có năng suất cao, chất lượng tốt theo nhu cầu của thị trường.

           III. KỸ THUẬT GIEO TRỒNG

          1.Thời vụ

        Khoai lang có thể trồng được quanh năm, thích hợp nhất vẫn là trồng vào tháng 2-3 thu hoạch tháng 6- 7 hoặc trồng tháng 8,9 hàng năm thu hoạch tháng 1-2 năm sau.

        Các giống khoai dài ngày thường trồng vào vụ Đông Xuân, vụ Xuân hè.

        Các giống khoai lang trung bình và ngắn ngày thường trồng vào vụ Đông Xuân, vụ Hè Thu.

        Vụ Đông: Trồng vào tháng 8 – 9, thu hoạch tháng 1 - 2.

        Vụ Đông Xuân: Trồng vào tháng 11 – 12, thu hoạch tháng 4 – 5.

        Vụ Xuân: Trồng vào tháng 2 – 3, thu hoạch tháng 6 – 7.

        Vụ Hè Thu: Trồng tháng 5 – 6, thu hoạch tháng 8 – 9.

          2. Làm đất

        Cây khoai lang không kén đất, tất cả các loại đất thành phần cơ giới nhẹ, thoát nước tốt đều thích hợp cho trồng khoai lang, khoai lang chịu được đất chua đến trung tính, chịu chua tốt hơn kiềm.

         Làm đất: Đất cần được cày bữa kỹ, sạch cỏ dại, lên luống rộng từ 1,2 - 1,5m cao khoảng 30-40cm, luống cao giúp củ khoai lang phát triển đều đặt kích thước tối đa.

          3. Mật độ

         Khoảng cách dao động 5 – 6 dây/m theo chiều dài luống tức là dây cách dây 15-20cm với mật độ khoảng 50.000 dây/ha.

           4. Gieo trồng

          Lựa chọn dây khoai lang bánh tẻ tốt, cứng, không có dễ, lá tươi tốt, không bị sâu bệnh để làm giống. Tiến hành cắt dây ngay khi thu hoạch. Mỗi dây chỉ nên lấy đoạn 1 và đoạn 2, mỗi đoạn có 5 – 8 đốt (lóng thân) làm hom giống. Tiến hành cắt vào buổi chiều tối nhất, trời không có mưa. Cắt cẩn thận để cây không bị gãy, dập nát. Có thể cắt với độ dài từ 25 – 35cm.

        Có thể trồng bằng củ: Chọn củ khoai giống: Vỏ nhẵn mịn, đúng màu giống, không bị ghẻ, không bị sâu bệnh, kích thước to vừa. Sau khi chọn tì để nơi thoáng mát, có ánh sáng tán xạ.

         Tiến hành trồng vào buổi chiều mát. Đặt dây lang lên luống, phân ngọn trồng theo hướng từ Tây sang Đông hoặc từ hướng Tây Nam sang Đông Bắc. Trồng hàng đơn, vùi dây giống ở giữa dọc theo luống và nối đuôi nhau. Đồng thời, đoạn dây này song song với mặt luống. Ngọn phải ở trên mặt luống 5 – 10cm (2 đốt), vùi dây độ sâu vùi khoảng 10-15cm.

          IV CHĂM SÓC

          1. Bón phân

          Bón phân theo nguyên tắt 4 đúng (chủng loại, liều lượng, thời điểm, phương pháp). Thực hiện thâm canh cân đối, hợp lý, không lạm dụng phân đạm, không bón phân lai nhai, không bón phân đạm muộn; Tăng cường sử dụng các loại phân bón hữu cơ; Tận dụng tối đa các nguồn phân hữu cơ để bón lót thay thế một phần lượng phân vô cơ, nhất là ở những chân đất nhiễm chua, phèn, mặn. Sử dụng phân hỗn hợp NPK với các sản phẩm phân bón của các doanh nghiệp uy tín. Tuỳ theo mùa vụ, chân đất để quyết định lượng phân bón, cách bón

           * Lượng bón (khuyến cáo cho 1 ha)

Loại phân

ĐVT

Lượng phân

Cách bón

MH

nhân giống

Mh sản xuất

Bón lót

(%)

Bón thúc (%)

Thúc 1

Thúc 2

Thúc 3

Phân hữu cơ

kg

700

1.000

100

-

-

-

Vôi bột

kg

500

500

100

-

-

-

Đạm nguyên chất (N)

kg

90

90

35

65

-

-

Lân nguyên chất (P)

kg

60

60

100

-

-

-

Kali nguyên chấy (K)

kg

90

100

-

-

35

65

          * Phương pháp bón

        - Bón lót: bón 100% lượng phân bón hữu cơ, vôi bột và lân tổng số. Khi bón phân cần để phân xung quanh hốc hoặc để giữa sau đó phủ một lớp đất mỏng lên trên ( không để giống tiếp xúc với phân).

         - Bón thúc 1: 20-25 ngày sau trồng kết hợp xới đất làm cỏ, bón khoảng 1/3 đạm tổng số. Bón thúc thời kỳ này nhằm thúc đẩy quá trình phân hoá hình thành củ thuận lợi.

        - Bón thúc 2: 45-60 ngày sau trồng kết hợp xới đất hoặc cày xả luống vun gốc, bón nốt 2/3 đạm tổng số còn lại và 1/3 kali. Bón thúc vào giai đoạn này chủ yếu nhằm thúc đẩy quá trình lớn của củ.

         - Bón thúc 3: 80-90 ngày sau trồng, bón nốt lượng phân còn lại.

        Lưu ý: Tuỳ theo điều kiện canh tác, thổ nhưỡng, giống, tình hình sinh trưởng, phát triển của cây để điều chỉnh lượng phân bón cho phù hợp. Có thể quy đổi phân bón nguyên chất sang NPK có tỷ lệ tương đương, lượng bón cà phương pháp bón theo khuyến cáo của nhà sản xuất hoặc theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.

        Có thể sử dụng phân bón lá: kết hợp cùng các lần bón phân thúc, pha loãng với nồng độ 1:1000 phun đều lên mặt luống. Lắc đều bình trước khi khi phun (tưới); làm ẩm tối thiểu mặt đất trước khi bón.

           2. Nước tưới, chăm sóc

        - Thường xuyên giữ đất ẩm, độ ẩm thích hợp khoảng 65 – 80%. Sau các đợt vun xới khoảng 2 - 3 ngày cần tưới rãnh ngập 1/3 luống sau 1 đêm rồi tháo cạn nước để bảo đảm độ ẩm cần thiết và hạn chế bọ hà gây hại. Trong quá trình phình củ (khoảng 60 - 75 ngày) luôn cần đủ ẩm cho quá trình phát triển củ.

          - Vun xới:

        + Sau khi trồng khoai lang được 20 – 25 ngày thì tiến hành xới đất, làm sạch cỏ và kết hợp bón phân lần 2. Đồng thời vun nhẹ vào gốc cho cây khoai lang.

         + Sau trồng khoảng 25 – 30 ngày tiến hành bấm ngọn để tăng cường sinh trưởng, phát triển thân lá giai đoạn đầu và tăng cường tích lũy chất hữu cơ. Nhấc dây làm đứt rễ con để tập trung dinh dưỡng về củ. Nhấc dây cần tiến hành thường xuyên, nhấc xong phải đặt đúng vị trí cũ không lật dây, tránh gây tổn thương đến thân lá. Sau khi trồng khoai được 40 – 45 ngày, xới đất, làm sạch cỏ kết hợp bón phân lần 3 và vun nhẹ.

         - Bấm ngọn khoai lang:

        Bấm ngọn để chất dinh dưỡng tập trung nhiều vào rễ, kích thích rễ cà củ phát triển. Tiến hành bấm ngọn từ 20 – 30 ngày sau khi trồng, lúc này thân dây đã dài được từ 35 – 50cm. Khi lá khoai đã phủ kín luống, sau mỗi đợt mưa, cần tiếp tục bấm ngọn để đem dinh dưỡng nuôi thân vả củ. Cách bấm ngọn dây khoai lang: Dùng tay ngắt phần ngọn, khoảng 1- 2cm, để lại 4 – 5 mắt.

         - Nhấc dây, tỉa nhánh khoai lang:

         Nhấc dây khoai lang là khi dây mọc dài, bò lên mặt đất sẽ tạo điều kiện để rễ mọc nhiều bám xuống mặt luống, như thế chất dinh dưỡng sẽ bị phân tán, không tập trung vào bộ củ, dẫn đến thoái hóa nhanh. Lúc này cần nhấc dây bò ra khỏi rãnh, vắt dây dài theo chiều dọc của luống để tránh ra rễ phụ. Nhấc nhẹ nhàng để cây không bị dập.

        Kết hợp tỉa nhánh để kích thích ra củ nhiều, củ to đều, đảm bảo tán cây đủ sức quang hợp. Mỗi dây chọn từ 1 – 3 nhánh dài, nhánh già, ở sát đất, cắt xa gốc từ 15 – 20cm. Trung bình nên từ 15 – 20 ngày tiến hành tỉa nhánh một lần tùy vào điều kiện phát triển. Sau khi cắt tỉa, tiến hành bón phân.

          V. QUẢN LÝ SINH VẬT GÂY HẠI

          1. Sâu hại

        - Bọ hà (Cylas formicarius) là côn trùng gây hại nghiêm trọng trên khoai lang. là đối tượng kiểm dịch của nhiều quốc gia trên thế giới. Trưởng thành đẻ trứng vào trong những lỗ đục trên củ hay trên dây khoai do con cái dùng miệng cạp vào. Ấu trùng nở trên dây có xu hướng chui xuống đất tìm đến củ khoai để đục vào. Trong củ, ấu trùng đục đường hầm ngoằn ngoèo và thải phân. Ấu trùng tuổi 3 sau khi đẫy sức thường hóa nhộng trong củ khoai hay dây khoai. Trưởng thành có đầu đen, râu, ngực và chân màu cam hay đỏ nâu, cánh che kín phần bụng có màu xanh ánh kim. Trưởng thành thường gậm mặt dưới lá, giả chết nếu bị động, bay thấp từng đoạn ngắn, hoạt động mạnh về đêm.

       - Sâu đục dây (Omphisa anastomasalis-Pyralidae) sâu non đục vào trong dây khoai lang chổ gần gôc đi lên phía trên tạo thành 1 đường hầm và đùn phân màu nâu đen xuống chung quanh gốc. Cây sinh trưởng kém và có thể chết. Bị hại vào đầu thời kỳ sinh trưởng sẽ ức chế hình thành củ

        - Sâu cuốn lá (Brachmia trianuella-Gelechidae-Lepidoptera) Sâu non nhã tơ gấp mép lá lại thành tổ, nằm trong đó ăn chất xanh để lại lớp biểu bì lá trắng mỏng và gân lá còn xanh giống như viền đăng ten. Phần lớn mỗi lá bị cuốn chỉ có 1 sâu non. Sâu cuốn lá nếu không được kiểm tra phát hiện kịp thời sẽ ảnh hưởng đến khả năng quang hợp và năng suất khoai lang.

          2. Bệnh hại

         - Bệnh héo rũ do loại vi khuẩn Pseudomonas solanacearum gây nên. Ban đầu ở gốc xuất hiện vết bệnh mọng nước màu vàng nhạt, sau đó chuyển sang màu nâu, cách mạch dẫn trong cây bệnh biến thành màu nâu đen. Bệnh héo rũ sẽ khiến cây sinh trưởng kém, lá vàng và rụng, bệnh nặng có thể khiến cây bị héo rũ toàn thân và chết. Dấu hiệu bệnh ở phần củ là vết bệnh dạng sọc màu nâu, mọng nước trên bề mặt. Bó mạch dẫn trong củ cũng bị biến màu, củ bị thối một phần hoặc toàn bộ. Củ bị bệnh nhẹ trong lúc bảo quản sẽ tiếp tục thối nhũn và có mùi chua nồng đặc biệt. Bệnh héo rũ thường lây lan qua gió, mưa và nước. Từng giống khoai sẽ có mức độ nhiễm bệnh khác nhau.

          - Bệnh héo vàng do nấm Fusarium oxysporum f.sp gây ra. Mạch dẫn trong thân cây từ chỗ vết bệnh trở lên có màu nâu, mạch dẫn bị nấm phá hủy khiến quá trình vận chuyển nước và chất dinh dưỡng bị giảm đi, điều này khiến cây sinh trưởng kém, lá vàng dần và héo, cây có thể bị chết khô. Bệnh hại làm năng suất khoai lang bị giảm đi. Nấm bệnh lan truyền qua nước ruộng và công cụ làm đất. Khi trời nóng, nhiệt độ khoảng 300C, trời mưa nắng xen kẽ, đất nhiều cát là điều kiện thuận lợi cho bệnh phát triển mạnh.

             * Biện pháp quản lý

            + Biện pháp canh tác, thủ công, sinh học:

           – Diệt trừ các tác nhân truyền bệnh như sử dụng giống sạch bệnh, không bón phân tươi và nhổ bỏ cây bệnh. Bón phân cân đối, không bón nhiều phân đạm. Luân canh cây trồng, thu dọn tàn dư cây bệnh trên đồng ruộng. Không trồng khoai tây gần ruộng trồng cà chua, bầu bí. Trồng trong nhà lưới ngăn cản bọ phấn gây hại. Nhổ bỏ cây bị bệnh trên ruộng để tiêu hủy.

         – Luân canh với lúa nước, không nên trồng khoai tây ở những ruộng mà trước đó vừa mới trồng khoai tây, cà chua, cà hoặc thuốc lá…

         - Nên chọn các loại đất luân canh với cây lúa nước, cây họ đậu và các loại cây trồng cạn khác để hạn chế bệnh héo xanh vi khuẩn và xoăn lá virus.

          - Biện pháp thủ công: Ngắt ổ trứng, bắt giết sâu non khi mật độ sâu thấp (áp dụng với sâu khoang, sâu xám). Phát hiện sớm và nhổ bỏ những cây bị bệnh héo xanh, xoăn lá virus đem tiêu huỷ.

          - Biện pháp sinh học: Sử dụng sản phẩm có nấm đối kháng Trichoderma ủ với phân hữu cơ hoai mục; Sử dụng bẫy để thu trưởng thành: bẫy pheromone để phòng trừ sâu xanh đục quả từ giai đoạn nụ hoa đến cuối vụ, bẫy chua ngọt thu trưởng thành họ ngài đêm (sâu khoang, sâu xám,…), bẫy dính màu vàng, màu xanh để thu hút trưởng thành có cánh như ruồi đục lá, rệp,bọ trĩ, bọ phấn.

            + Biện pháp sử dụng thuốc BVTV

         Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, phát hiện sớm các đối tượng sâu bệnh hại, đánh giá nhận định mức độ hại để lựa chọn thuốc BVTV, sử dụng BVTV nguyên tắc 4 đúng (đúng thuốc, đúng liều lượng và nồng độ, đúng thời điểm và đúng phương pháp). Luân phiên sử dụng các nhóm hoạt chất khác nhau để hạn chế kháng thuốc. Ưu tiên sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học, thảo mộc. Chỉ sử dụng thuốc trong Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành theo quy định và tham khảo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn trên địa bàn.

           3. Cỏ dại

          Tiến hành làm cỏ kết hợp với các đợt vun xới đất, cần đảm bảo không làm ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây. Có thể nhặt cỏ bằng tay hoặc sử dụng màng phủ để hạn chế cỏ dại,.

          4. Sinh vật gây hại khác

          Chuột hại: Chuột hại chủ yếu giai đoạn cây có củ, chúng có thể đào bới củ, ăn gặm nhấm củ và ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất cây khoai lang.

          + Vệ sinh đồng ruộng: Phát quang bờ bụi, làm sạch cỏ bờ ruộng, bờ mương không để đất hoang hóa cỏ mọc um tùm hạn chế nơi cư trú của chuột.

         + Tập trung lực lượng để đào bắt, sử dụng bẫy (bán nguyệt, bẫy sập, bẫy lồng, bẫy dính, …) để diệt chuột. Đặc biệt trong giai đoạn cày ải và đổ ải trước khi cấy.

          + Sử dụng một số loại thuốc diệt chuột trong danh mục được phép sử dụng, nên đặt bả trên đường đi lại của chuột, gần cửa hang, nơi chuột đang phá hại.

           VI. THU HOẠCH

         Thời gian sinh trưởng khoai lang từ 4-6 tháng, tùy giống. Năng suất trung bình giống ngắn ngày đạt 15-18 tấn/ha, giống dài ngày đạt 20-25 tấn/ha, thâm canh tốt đạt 28-30 tấn/ha. Khi cây khoai lang có biểu hiện ngừng sinh trưởng (các lá phần gốc ngả màu vàng, bới kiểm tra thấy vỏ củ nhẵn, ít nhựa) thì tiến hành thu hoạch. Thu hoạch vào những ngày khô ráo, không làm tổn thương xây xát, bong vỏ ảnh hưởng đến mẫu mã và làm giảm giá trị sản phẩm.

            Thời điểm thu hoạch phải đảm bảo đúng thời gian cách ly theo chỉ dẫn trên bao bì hóa chất, thuốc BVTV.

          VII. TÀI LIỆU THAM KHẢO

         1. Nguyễn Viết Hưng, Đinh Thế Lộ, Dương Văn Sơn, Nguyễn Thế Hùng (2010), Giáo trình cây khoai lang (sách chuyên khảo dùng cho đào tạo sau đại học), NXB Nông nghiệp.

          2. Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng (2020), Quyết định số 1525/QĐ-UBND ngày 08/6/2020 về việc ban hành Định mức kinh tế, kỹ thuật áp dụng triển khai các dự án, chương trình, mô hình khuyến nông trên địa bàn thành phố.

         3. Viện cây lương thực và cây thực phẩm (2020), Quyết định số 294 QĐ/VCLT-KH ngày 30/7/2020 về việc công nhận cấp cơ sở Quy trình kỹ thuật canh tác giống khoai lang VC6.

Thạc sĩ Bùi Thị Hoạ - Phòng Chuyển giao Kỹ thuật nông nghiệp

 

 

 

Đối tác/Liên kết
Trang chủ
Thống kê truy cập
  • Hôm nay: 3707
  • Hôm qua: 9482
  • Tuần này: 23301
  • Tuần trước: 56798
  • Tháng này: 390472
  • Tháng trước: 637172
  • Lượt truy cập: 6688991
QR Code

Dùng điện thoại scan mã QR này để truy cập vào website

QR Code
0225.3541.398 
messenger icon