Hướng dẫn kỹ thuật sản xuất cây táo

16:38:05 27/12/2023 Lượt xem 9371 Cỡ chữ

Model.C_Title
Mục lục

        1. Giống

        - Lựa chọn giống có nguồn gốc rõ ràng, giống có trong danh mục giống cây trồng được phép sản xuất, kinh doanh do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành hoặc giống địa phương, giống cây trồng bản địa đã được sản xuất, tiêu dùng, không gây độc cho người.

         - Giới thiệu một số giống Táo trồng hiện nay cho hiệu quả kinh tế:

        + Táo Thiện Phiến: quả to, cơm dày khi chín có màu vàng, cơm màu trắng hột nhỏ, khoảng 35- 40 quả/kg, có sức chống chịu tốt, năng suất cao.

      + Táo Gia Lộc: quả dạng trái xoan, màu vàng da cam, ăn giòn, hơi chua, chín màu vàng đẹp, khoảng 35 – 40 quả/kg, năng suất cao.

       + Táo Đài Loan: quả táo Đài Loan to (8 -11 quả/kg) ăn giòn, ngọt, vỏ mỏng nên táo Đài Loan đang được rất nhiều bà con lựa chọn làm cây để phát triển kinh tế gia đình.      

      + Táo chua (táo ta): quả hình cầu hoặc hình trái xoan, quả nhỏ khoảng 90- 100 quả/kg, khi chín có mùi thơm, sức chống chịu tốt nên thường được dùng làm gốc ghép.

      + Giống táo Đào vàng: là giống táo quả có chất lượng cao dạng quả thon dài, khi chín màu vàng cam sáng rất đẹp, hấp dẫn, ăn giòn, ngọt, thơm, quả to trung bình 20 - 25 quả/kg.

        + Táo Thái Lan (có 2 giống): giống quả tròn và giống quả dài, các giống táo này quả to, vị chua ngọt, thơm nhẹ.

       + Táo Bàng La: quả to tròn, đường kính 1,5 – 3 cm, vỏ xanh khi chín ngả màu vàng chanh, ruột màu trắng trong; khi ăn giòn, vị ngọt thơm mát.

          2. Thời vụ

         - Chủ yếu trồng vụ Xuân từ tháng 2 – 4, nếu cây giống ghép sớm có thể trồng từ tháng 11 năm trước.

          3. Đất trồng

         Táo trồng được trên nhiều loại đất, chịu được các loại đất chua, đất mặn, đất sét hoặc đất cát, đặc biệt thích nghi và phát triển tốt trên vùng đất chua, mặn, cho năng suất và chất lượng tốt. Cây táo trên đất này thường có vị ngon ngọt đậm hơn bình thường.

          4. Cách trồng

          * Chuẩn bị hố trồng: Đào hố với kích thước 60cm x 60cm x 60cm, trồng theo ô vuông cách nhau 5 – 6m.

         - Bón lót: bón 3-3,5 kg phân bón Azotobecterin hoặc 3 kg phân hữu cơ vi sinh Quế Lâm 01 cho một gốc cây (bón trước khi trồng 10-30 ngày.)

          Lượng phân này được trộn đều với đất đào dưới hố lên rồi lấp trở lại hố và vun đất xung quanh lên thành vồng cao hơn so với mặt đất 15 - 20 cm, ở giữa lõm xuống để giữ nước tưới sau khi trồng.

          * Cách trồng

          - Khơi một lỗ giữa hố trồng đã chuẩn bị sẵn, bóc túi bầu của cây giống, tránh vỡ bầu. Vùi bầu cây giống xuống và chèn đất nhỏ chặt xung quanh bầu.

          - Dùng cọc cắm buộc giữ cây tránh  gió lay gốc. Sau đó tưới đẫm nước vào hố trồng.

          - Giữ ẩm và hạn chế cỏ dại bằng cách dùng màng phủ đất hay rơm rạ khô tủ gốc.

           5. Bón phân

           * Bón phân cho táo

           - Lượng bón: Sau khi trồng một tháng, cây đã bén rễ có thể tưới nước phân hữu cơ, hữu cơ vi sinh pha loãng tỷ lệ 1: 10 đến 1: 3 theo độ lớn dần của cây, hoặc phân đạm Ure hoà nước tỷ lệ 1%, mỗi tuần một lần trong 1, 2 tháng đầu.

Ha/năm

Tuổi cây

Phân bón cho cây Táo (kg)

Phân hữu cơ

sinh học

NPK lót 5.10.3

NPK thúc 13.13.13

Năm thứ nhất

3.000

700-850

300-450

Năm thứ 2

3.500

700-850

450-650

Từ năm thứ 3 trở đi

4.000

700-850

650-850

 

         - Cách bón:

         - Các đợt bón và lượng bón như sau:

         + Bón đợt 1: Sau khi đốn táo: 100% phân vi sinh + NPK lót 5.10.3

         + Bón đợt 2: Trước khi cây ra hoa rộ: 50% NPK thúc 13.13.13

          + Bón đợt 3: Sau khi cây đậu quả: 50% NPK thúc 13.13.13

         (Lưu ý: cách bón rạch rãnh xung quanh hình chiếu của tán cây với chiều rộng 20 - 30 cm, sâu 10 - 15 cm, rắc phân đều vào rãnh rồi lấp đất. Thời kỳ đậu quả cần kết hợp phun phân bón lá Canxi-Bo với liều lượng 30ml + Bioplant 20ml/ bình 16 lít phun ướt đều mặt lá để tăng khả năng thụ phấn và đậu trái và phun định kỳ 7 ngày/lần (2-3 lần). Tùy loại hình của cây to hay  nhỏ hoặc theo năm tuổi ta bón nhiều hay ít.

         6. Tưới nước

       Muốn có năng suất cao, phẩm chất quả ngon, phải đảm bảo đủ nước cho táo. Táo rất cần nước ở các giai đoạn sinh trưởng, nhất là lúc quả đang phát triển. Nếu gặp hạn, không đủ nước, quả sẽ nhỏ, vỏ dày, ăn chát, kém phẩm chất. Cung cấp nước cho cây theo cách dẫn nước ngấm theo rãnh luống vào gốc cây hoặc tưới phun mưa, tưới nhỏ giọt...

       7. Chăm sóc (đốn táo)

       Tùy theo mục đích trồng táo mà người ta có 2 cách đốn khác nhau. Thời gian đốn táo sau thu hoạch khoảng tháng 3-4

        Đốn đau: nhằm tạo tán đối với cây còn nhỏ 1-3 năm tuổi và đối với những cây đã lớn, cắt hết các loại cành chỉ để lại một đoạn gốc của 3 cành lớn ra trong năm trước để tạo tán cho năng suất cao.

       Đối với cây đã nhiều năm, tán quá rộng hình dù, cây và cành chen lấn nhau thì cũng thu hẹp toàn bộ tán cây theo yêu cầu kỹ thuật, cắt hết số cành quá già trong tán không có khả năng nảy mầm, chỉ để các cành vượt 1-2 năm tuổi.

       Đốn phớt: Đây là kỹ thuật đốn thường xuyên hằng năm nhằm đạt sản lượng cao và ổn định sau mỗi vụ thu hoạch. Cắt các cành đã cho quả chỉ để lại 1 đoạn cành mẹ khoảng 20-30cm. Trên đầu cành này sẽ cho nhiều cành nhỏ, có thể tỉa bớt chỉ để vài cành phân bố đều trên tán cây.

       8. Phòng trừ sâu bệnh

        8.1. Ruồi vàng, ruồi đục quả:

         - Triệu chứng: Khi quả xanh ruồi chích và đẻ trứng vào quả, khi quả chín nở thành dòi trong quả làm quả bị hư thối

         - Phòng trừ:

       + Biện pháp cơ học: bao quả có hiệu quả rất cao (lưới…); thu gom những quả đã bị nhiễm ra khỏi vườn, ngâm trong nước hoặc chôn sâu dưới đất để diệt nhộng. Sau khi thu hoạch, xén tỉa cành và lật đất để diệt nhộng sống trong đất; dùng bẫy bả chua ngọt để bẫy ruồi. Cách làm bẫy bả chua ngọt: Trộn hỗn hợp gồm: 4 phần đường + 4 phần dấm + 1 phần rượu + 1 phần nước. Cho vào trong bình đậy kín sau 3 - 4 ngày thì thêm vào 1% thuốc trừ sâu. Quấn giẻ hay bùi nhồi rơm rạ vào đầu gậy nhúng vào bả cắm trên xung quanh vườn. Ruồi trưởng thành sẽ bay vào ăn bả chua ngọt và bị chết. Cứ 2 - 3 ngày nhúng bả lại 1 lần.

         + Biện pháp hóa học: Xử lý đất bằng một số loại thuốc trừ sâu dạng hạt như: Basudin 10G, Vibam 5Gr,…

         8.2. Sâu đục quả:

        - Triệu chứng: Thành trùng thường đẻ trứng trên các quả non, ấu trùng nở ra đục sâu vào trong quả, ăn cả phần thịt và hột non. Sâu tấn công và gây hại lúc quả còn rất nhỏ (quả bằng ngón tay cái) đến quả lớn, sắp thu hoạch và thiệt hại nặng nhất vào lúc quả sắp thu hoạch. Khi bị sâu, quả thường bị thối rất nhanh.

       - Phòng trừ:

       + Biện pháp cơ học: Sau khi thu hoạch quả nên tỉa những cành bị sâu bệnh, những cành già không cho quả nằm khuất trong tán cây... cho vườn luôn thông thoáng. Loại bỏ những quả bị sâu ra khỏi vườn và tiêu hủy.

       + Biện pháp hóa học: Sử dụng thuốc BVTV đặc hiệu, nhưng phải tuyệt đối bảo đảm thời gian cách ly của thuốc. Sử dụng loại thuốc có tính thấm sâu và lưu dẫn mạnh Match 50 EC; Ammate150 SC; Prevathon 5SC, Karate 25 EC...

          8.3 Rệp sáp (Rệp phấn)

        - Triệu chứng: Rệp bám từng ổ trên ngọn non, mặt dưới lá và chùm hoa, bên ngoài có lớp bột trắng bao phủ. Rệp chích hút nhựa và chùm hoa xoăn lại, đồng thời có nấm bồ hóng phát triển 

         - Phòng trừ:

          + Biện pháp cơ học: Cắt tỉa cành thông thoáng sau khi thu hoạch. Phun nước bằng vòi phun có áp lực cao.

         + Biện pháp hóa học: Thường xuyên kiểm tra vườn để phát hiện và phun thuốc diệt trừ rệp sáp: Sử dụng thuốc: Actara 25WG, Oshin 20WP, nồng độ pha cần theo hướng dẫn trên bao bì.

         8.4. Bệnh phấn trắng:

        - Triệu chứng: Vết bênh lúc đầu có màu trắng xám ở mặt dưới lá, sau tạo thành những vết cháy khô, phiến lá cuốn lại, cứng, ngọn non chùn lại và khô chết. hoa cũng bị xoắn và khô cháy, quả nhỏ và bị nứt khi chín. Đây là bệnh phổ biến và nguy hiểm nhất đối với cây táo.

         - Phòng trừ:

        + Biện pháp cơ học: Không trồng táo quá dầy, thường xuyên cắt tỉa tạo cho vườn luôn thông thoáng, hạn chế bớt sự phát triển và gây hại của bệnh. Nên cắt bỏ và loại bỏ những bộ phận đã bị gây hại nặng trước các đợt ra cành non, ra hoa kết quả non

        + Biện pháp hóa học: phun các thuốc như: Tilt Super 300EC, Daconil 75 WP, Score 250EC... Anvil, Topsin-M,....

         8.5. Bệnh ghẻ:

        - Triệu chứng: Trên lá đốm bệnh tròn, màu xám xanh, hơi gồ lên. Trên quả vết bệnh màu nâu đen, gồ nên như nốt ghẻ và nứt, quả biến dạng và rụng sớm

        - Biện pháp phòng trừ: Phun thuốc ướt đều tán lá, trái khi bệnh mới xuất hiện. Thuốc BVTV: Ridomil 72WP, Antracol 70WP, Macozeb 80WP, Daconil 75WP.

         * Lưu ý:  Ngoài ra, vào mùa Hè táo hay bị các loại sâu như sâu ăn lá, sâu cuốn lá, nhện đỏ. Khi táo có quả non hay có sâu đục quả… Dùng Prevathon 5SSC, Match 050EC; Ammate 150SC; …

         9. Thu hoạch:

         Táo được thu hoạch sau 2-3 tháng từ khi ra hoa, khi quả to, căng mọng vỏ và sáng màu. Thu hoạch táo thủ công và tránh làm dập nát trong quá trình vận chuyển.

 

Ks.Phạm Thị Minh Thu- Phòng CGKTNN

Đối tác/Liên kết
Trang chủ
Thống kê truy cập
  • Hôm nay: 6621
  • Hôm qua: 9996
  • Tuần này: 16617
  • Tuần trước: 55422
  • Tháng này: 283906
  • Tháng trước: 488381
  • Lượt truy cập: 3722152
QR Code

Dùng điện thoại scan mã QR này để truy cập vào website

QR Code
0225.3541.398 
messenger icon