Hướng dẫn kỹ thuật trồng mít

10:39:35 10/01/2024 Lượt xem 2604 Cỡ chữ

Model.C_Title
Mục lục

          I. Giới thiệu chung

       Cây mít (Artocarpus heterophyllus Lam.) thuộc họ dâu tằm, có nguồn gốc phát sinh ở Ấn Độ, được di thực đến trồng ở các nước Đông Nam Á từ lâu đời, trong đó có Việt Nam. Mít là loại cây dễ trồng, có khả năng thích nghi rộng trên nhiều vùng sinh thái, đặc biệt là khả năng chống chịu tốt với tác động của biến đổi khí hậu về hạn, mặn. Mít là loại trái cây giàu giá trị dinh dưỡng nên có nhiều triển vọng cho cả tiêu thụ tươi và chế biến. Hiện nay mít là một trong những loại trái cây đem lại hiệu quả kinh tế cao, làm tăng thu nhập cho người dân. Ở nước ta, cây mít trồng được mọi nơi từ Bắc đến Nam. Mít có nhiều giống khác nhau như: Mít dai, mít mật, mít Thái, mít tố nữ, mít không hạt,…

         II. Đặc điểm thực vật học cây mít

         1. Rễ: mít có bộ rễ cọc, chắc khỏe bám sâu vào đất để hút chất dinh dưỡng nuôi cây.

         2. Thân: thân gỗ, vỏ màu nâu, hơi sần có chiều cao trung bình từ 7 – 20 m, kích thước trung bình đường kính gốc cây từ 20 cm – 30 cm, nhiều tán.

         3. Lá: dạng lá đơn, mọc cách, hình trái xoan và có màu xanh bóng ở mặt trên, phiến lá tương đối dày, dài khoảng 8 – 15cm.

         4. Hoa: hoa đơn tính, trên cùng 1 cây có cả hoa đực và hoa cái. Hoa đực nhỏ và dài, thường có lông tơ dài và lá bắc hình khiên. Hoa cái có hình bầu dục, nhụy hoa tách đôi, nổi lên trên, mọc ngay trên thân hoặc các cành già.

          5. Quả: quả phức, vỏ sần sùi và có nhiều gai nhỏ, chiều dài quả 30 – 60cm, đường kính quả 18 – 30cm.

          6. Hạt: hạt hình thuôn dài 2 – 4cm, bên trong hạt không có nội nhũ, chỉ có 2 lá đài, đường kính khoảng hơn 1cm, bên ngoài có vỏ màu vàng nâu nhạt.

           III. Yêu cầu ngoại cảnh

           1. Đất trồng: cây mít phù hợp trồng và sinh trưởng tốt trên những loại đất tơi xốp, giàu dinh dưỡng và thoát nước tốt. Độ pH từ 6,5-7,5 là phù hợp nhất cho cây sinh trưởng tốt.

            2. Nhiệt độ: cây mít thích hợp với nhiệt độ từ 200C-320C. Nhiệt độ quá thấp sẽ gây ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của cây.

           3. Độ ẩm: cây mít thích hợp với độ ẩm từ 70 - 75%; độ ẩm chủ yếu tác động vào thời kỳ ra hoa, đậu trái, các giai đoạn khác ít ảnh hưởng.

            4. Ánh sáng: Mít là cây ưa sáng, ánh sáng trong khoảng 2.000 - 2.500 giờ/năm là thích hợp cho cây sinh trưởng và phát triển.

            IV. Kỹ thuật trồng và chăm sóc

           1. Chọn giống:

           Ở Việt Nam có nhiều giống mít truyền thống nổi tiếng như: mít nghệ, mít mật, mít dai, mít ướt, mít tố nữ,… Ngoài ra, còn một số giống mít nhập nội từ Thái Lan, Malaysia như: mít Chiang rai, mít Viên Linh, mít ruột đỏ, mít siêu sớm, mít Thái lá bàng, mít Malaysia,… Tùy theo nhu cầu sử dụng để chọn giống mít phù hợp.

            2. Thời vụ

           Mít có thể trồng quanh năm nếu chủ động được nguồn nước tưới, nhưng tốt nhất là trồng vào mùa xuân (tháng 2 – 4) và mùa thu (tháng 8 – 10).

           3. Nhân giống

         Có nhiều phương pháp nhân giống cho mít như: Nhân giống bằng hạt, giâm cành, ghép cây, chiết cành hoặc nuôi cấy mô. Hiện nay phương pháp nhân giống được ưa chuộng nhất là trồng bằng cây chiết, cây ghép. Ưu điểm của phương pháp này là cây nhanh ra quả và kế thừa những đặc tính tốt của cây mít mẹ.

         Tiêu chuẩn cây giống: Cây giống to khỏe, thân thẳng, có đầy đủ chồi rễ, không bị sâu bệnh và đã được xử lý nấm bệnh.

          4. Kỹ thuật làm đất

Chọn đất cao ráo, thoát nước tốt. Đất trước khi trồng cần cày sâu, nhặt sạch cỏ dại. Đào hố trồng với kích thước 50 cm x 50 cm x 50 cm (dài x rộng x sâu). Trước khi trồng 30 ngày tiến hành bón lót cho cây với lượng phân bón (tính cho 1 hốc) như sau: Bón 7,1 – 7,2 kg phân hữu cơ vi sinh + 2,0 – 2,1 kg phân NPK 5-10-3 + 0,3 kg vôi bột sau đó lấp hố lại.

           5. Trồng cây con

          Khoảng cách trồng: 5 m x 6 m (hàng cách hàng 5 m, cây cách cây 6 m). Mật độ trồng: khoảng 420 cây/ha.

         Xé bỏ túi bầu, chú ý không làm vỡ bầu đất của cây. Đối với loại đất có độ dốc thấp thì cần trồng mặt bầu của cây giống ngang mặt đất, còn với loại đất có độ dốc cao thì cần trồng mặt bầu của cây giống thấp hơn mặt đất khoảng 25cm.

         Khi trồng xong cây cần cắm cọc cố định cây con cũng như tránh những tác động bởi gió gây ảnh hưởng đến cây. Sau đó tưới nước ngay và giữ ẩm đất khoảng 15 ngày thì cây cho ra rễ mới.

          6. Làm cỏ, xới xáo và vệ sinh vườn

         Làm sạch cỏ xung quanh gốc chuối từ gốc ra 0,7 - 1 m. Dùng cuốc xới phá váng kết hợp làm cỏ. Ở sát gốc mít cần nhổ cỏ bằng tay, để vườn mít luôn thông thoáng và sạch cỏ dại. Tránh cuốc quá sâu xung quanh gốc cây làm tổn thương rễ. Thường xuyên cắt bỏ các lá già, khô, bị bệnh để vườn thông thoáng.

         7. Bón phân

           Lượng phân bón và cách bón phụ thuộc vào từng thời kỳ sinh trưởng phát triển của cây, cụ thể như sau:

          7.1. Lượng bón (Tính cho 1 ha/năm)

TT

Loại phân bón

Đơn vị tính

Số lượng

I

Thời kỳ kiến thiết cơ bản (năm thứ nhất + năm 2)

1

Phân NPK 5-10-3

Kg

850

2

Phân NPK 13-13-13

Kg

441

3

Phân hữu cơ vi sinh

Kg

3.000

4

Vôi bột

Kg

126

II

Năm thứ 3

1

Phân NPK 5-10-3

Kg

850

2

Phân NPK 13-13-13

Kg

630

3

Phân hữu cơ vi sinh

Kg

3.000

 

          (Tùy theo chân đất và trình độ thâm canh để điều chỉnh lượng bón cho phù hợp)

         7.2. Cách bón

        * Thời kỳ kiến thiết cơ bản (năm thứ nhất + năm 2):

        Bón lót (tính cho 1 hốc): Bón 7,1 – 7,2 kg phân hữu cơ vi sinh + 2,0 – 2,1 kg phân NPK 5-10-3 + 0,3 kg vôi bột trước khi trồng 30 ngày sau đó lấp hố lại. Bón xong cần tưới nước.

         Bón thúc (tính cho 1 ha/năm):

        - Bón đợt 1: Bón sau trồng 1,5 tháng, sử dụng 63 kg NPK 13-13-13

        - Bón đợt 2: Bón sau đợt 1 1,5 tháng, sử dụng 63 kg NPK 13-13-13

        - Bón đợt 3: Bón sau đợt 2 1,5 tháng, sử dụng 63 kg NPK 13-13-13

        - Bón đợt 4: Bón sau đợt 3 1,5 tháng, sử dụng 63 kg NPK 13-13-13

        - Bón đợt 5: Bón sau đợt 4 1,5 tháng, sử dụng 63 kg NPK 13-13-13

         - Bón đợt 6: Bón sau đợt 5 1,5 tháng, sử dụng 63 kg NPK 13-13-13

         - Bón đợt 7: Bón sau đợt 6 1,5 tháng, sử dụng 63 kg NPK 13-13-13

         * Cách bón: Xới nhẹ xung quanh gốc cây, rải phân và nấp kín, sau đó tưới nước cho phân dễ tan.

         * Năm thứ 3:

           Bón lót (tính cho 1 cây): Bón 7,1 – 7,2 kg phân hữu cơ vi sinh + 2,0 – 2,1 kg phân NPK 5-10-3

           *Cách bón: Cách gốc 50-100 cm, đào một rãnh xung quanh gốc có bề rộng 20 cm, sâu 30 cm, rải đều phân vào rãnh rồi lấp đất lên sau đó tưới nước.

            Bón thúc (tính cho 1 ha/năm):

            - Bón đợt 1: Bón nuôi quả lần 1, sử dụng 315 kg NPK 13-13-13

            - Bón đợt 2: Bón nuôi quả lần 2 (sau bón đợt 1 90 ngày), sử dụng 315 kg NPK 13-13-13

             *Cách bón: Xới nhẹ xung quanh gốc cây, rải phân và nấp kín, sau đó tưới nước cho phân dễ tan.

            8. Tưới nước

           Cần cung cấp đủ nước cho cây nhất là trong những ngày ít mưa, độ ẩm thấp. Vào những ngày mưa nhiều cần chú ý thoát nước cho cây, tránh để cây bị úng.

           9. Cắt tỉa cành, tạo tán

           Tỉa cành tạo tán khi cây mít chiều cao khoảng 1m trở lên, khi cây chưa cho quả tỉa cành 2-3 lần/năm. Cây đã cho quả tỉa cành 1 năm/lần vào thời điểm thu hoạch quả xong. Khi tỉa cắt bỏ các cành gần sát mặt đất, cắt các cành vượt, cành nhỏ mọc không đúng hướng, cành sâu bệnh. Giữ lại cành cấp 1 cách gốc khoảng 40cm trở lên, chọn các cành mọc theo các hướng khác nhau, cành trên cách cành dưới khoảng 40 – 50cm, tạo thành tầng không quá 5 cành cấp 1. Tỉa bỏ bớt cành cấp 2, cấp 3… cho cây thoáng nhằm chống sâu bệnh và tăng năng suất.

          V. Phòng trừ sâu bệnh hại

          1. Rệp sáp phấn

        Triệu chứng: Rệp tập trung thành đám có lớp phấn trắng bao phủ ở mặt dưới lá và trên quả. Gây hại bằng cách chích hút lá, cành, trái, cuống trái. Nếu bị nhiễm nặng, lá bị vàng, rụng, cành bị khô, và chết, trái cũng có thể bị biến màu, phát triển kém và rụng. Khi mật độ rệp sáp cao, chúng còn là tác nhân tạo điều kiện cho nấm bồ hóng phát triển.

         Phòng trừ: Khi rệp phát sinh ít dùng biện pháp thủ công bắt giết. Có thể phun rửa tán lá bằng nước pha nước rửa chén với áp lực phun xịt cao. Tạo điều kiện thuận lợi cho kiến vàng - thiên địch của rệp sáp phấn sinh sống và phát triển. Sử dụng một số các loại thuốc như: Actara 25WG; Chess 50WG;… pha theo hướng dẫn trên bao bì của nhà sản xuất.

          2. Sâu đục quả

          Triệu chứng: Sâu non đục ăn phần thịt dưới vỏ quả, bên ngoài lỗ đục có phân thải ra, chỗ sâu đục thường bị thối.

         Phòng trừ: Thường xuyên vệ sinh vườn, cắt tỉa những cành già, cành sâu bệnh để tăng độ thông thoáng cho vườn. Thu gom và tiêu hủy những trái bị sâu hại để ngăn chặn dòi và nhộng phát sinh. Tạo điều kiện cho các loài thiên địch của sâu đục trái phát triển như: ong, ve,… Sử dụng các loại thuốc sau: Thipro 550EC; Basudin 10H;… pha theo hướng dẫn trên bao bì của nhà sản xuất.

           3. Ruồi đục trái

           Triệu chứng: Ruồi đẻ trứng vào trái già, gây thối nhũn trái.

           Phòng trừ: Thu hoạch kịp thời không để trái chín quá lâu trên cây. Đem tiêu hủy những trái bị dòi gây hại để diệt dòi bên trong quả. Khi ruồi trưởng thành phát sinh dùng thuốc dẫn dụ có chất Methyl Eugenol để dẫn dụ và diệt ruồi đực hoặc phun bả Protein, chỉ phun thành đốm nhỏ trên tán cây. Nên phun vào khoảng 8-10 giờ sáng.

            4. Bệnh thối quả

          Triệu chứng: Biển hiện đầu tiên của bệnh sẽ xuất hiện những đốm màu nâu, ướt, mềm trên hoa và trái non. Sau một thời gian, vết bệnh bị bao phủ bởi một lớp bào tử mỏng dạng bột đen và sợi nấm màu trắng. Nấm màu đen bao phủ toàn bộ trái, trái bị thối đen, khô và chết dần.

           Phòng trừ: Cắt tỉa và tiêu hủy những trái và hoa bị bệnh trên cây. Tỉa cành, tạo tán và dọn dẹp sạch vườn dưới tán để tạo sự thông thoáng cho vườn mít. Sử dụng các loại thuốc sau: Ridomil Gold 68WG; Anvil 5SC;… pha theo hướng dẫn trên bao bì của nhà sản xuất.

          5. Bệnh thối gốc chảy nhựa

          Triệu chứng: Bệnh thể hiện ở vùng gốc có nhiều vết loét, nước dịch từ bên trong chảy rỉ ra, vỏ vùng gốc bị thối từng mảng to, bề mặt lớp gỗ ẩm ướt và thâm đen. Lá vàng, rụng và cây chết.

          Phòng trừ: Trồng cây trên đất cao ráo, thoát nước tốt. Sử dụng các loại thuốc sau: Ridomil Gold 68WG; Score 250EC;… pha theo hướng dẫn trên bao bì của nhà sản xuất.

            VI. Thu hoạch và bảo quản

            1. Thu hoạch

             Thời điểm thu hoạch từ 21-22 tuần sau khi đậu quả hay từ 160-180 ngày sau khi ra hoa, có thể căn cứ màu sắc quả để thu hoạch. Quả mít khi già, các gai thẳng và vỏ quả chuyển từ màu xanh sang màu xanh vàng hoặc nâu nhạt, nhựa lỏng và trong; hay khi lá trên cuống chuyển sang màu vàng và rụng lúc đó có thể thu hoạch. Khi hái cần nhẹ nhàng, cắt rời quả với thân cây và để lại cuống trên quả. Khi hái giữ cho quả mít không bị dập nát, không làm gãy gai hay làm sứt cuống. Sau khi hái, đặt mít nằm ngang, cuống trái quay xuống thấp sao cho nhựa chảy ra ngoài, không để mít chồng lên nhau.

            2. Bảo quản

          Để quả tại nơi khô ráo và thoáng mát, tránh ánh nắng trực tiếp hay nơi ẩm mốc. Nếu để quả dưới đất, cần sử dụng một lớp lót như lá hoặc rơm tránh quả tiếp xúc với mặt đất.

Ks. Lương Phú Tùng - Phòng Chuyển giao KTNN

Đối tác/Liên kết
Trang chủ
Thống kê truy cập
  • Hôm nay: 2270
  • Hôm qua: 4522
  • Tuần này: 29866
  • Tuần trước: 29296
  • Tháng này: 270846
  • Tháng trước: 306531
  • Lượt truy cập: 2838907
0225.3541.398 
messenger icon