Hướng dẫn kỹ thuật trồng ớt cay ( Tên khoa học: Capsicum frutescens L.)

16:14:05 25/06/2025 Lượt xem 3348 Cỡ chữ

Model.C_Title
Mục lục

          I. YÊU CẦU SINH THÁI

          1. Nhiệt độ ẩm độ

         Nhiệt độ thích hợp cho cây sinh trưởng và phát triển là 15 – 300C, bắt đầu nảy mầm ở nhiệt độ 150C, nhưng nảy mầm nhanh ở nhiệt độ 25 – 300C. Nhiệt độ thích hợp cho quá trình ra hoa tạo quả là 20 – 250C. Nhiệt độ không khí <100C và > 350C ảnh hưởng đến sinh trưởng phát triển của ớt. Nếu thời gian nhiệt độ cao kéo dài ớt sẽ rụng hoa, rụng quả, rụng lá và chết.

          Cây ớt yêu cầu độ ẩm cao trong suốt thời kỳ sinh trưởng, thời kỳ cây con 70 - 80%, thời kỳ ra hoa tạo quả 80 - 85% và giai đoạn quả chín 70 - 80%.

            2. Ánh sáng

           Hầu hết các giống ớt ưa ánh sáng ngày dài (đòi hỏi thời gian chiếu sáng 12 - 13 giờ/ngày) với cường độ ánh sáng từ 4.000 - 5.000 lux.

          3. Đất đai

         Ớt không kén đất nhưng tốt nhất là trồng trên đất cát pha, thịt nhẹ, đất phù sa ven sông suối (đất bãi hàng năm có ngập nước, được bồi phù sa hoặc đất có độ màu mỡ khá), đất phải thoát nước, tơi xốp, tầng canh tác dày. Đất đồi, đất cát xám nội đồng có mạch nước ngầm cao nếu được chăm sóc tốt cũng đều cho năng suất cao, độ pH thích hợp 5,5 - 6,5.

           II. YÊU CẦU VỀ GIỐNG

         - Lựa chọn giống ớt phụ hợp với vùng sinh thái, vụ sản xuất và yêu cầu thị trường. Trồng giống sinh trưởng phát triển khỏe, năng suất cao, phẩm chất tốt, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, thích ứng rộng, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

         - Sử dụng các giống chất lượng cao được cung ứng từ các Công ty có uy tín. Hiện nay, giống ớt được trồng phổ biến: Ớt Sừng Trâu, Chỉ Thiên, ớt Búng, ớt Hiểm...

            III. KỸ THUẬT GIEO TRỒNG

            1. Thời vụ

            - Vụ sớm: Gieo hạt tháng 8 - 9, thu hoạch từ tháng 12 - 1 dương lịch.

            - Vụ chính (Đông Xuân): Gieo hạt tháng 10 - 11, thu hoạch tháng 2-3 dương lịch.

            - Vụ Hè Thu: Gieo tháng 4-5, thu hoạch 8-9 dương lịch.

              2. Làm đất

             - Đất được cày bừa kỹ sâu 20 - 30 cm, phơi ải 10 - 15 ngày.

             - Chiều cao luống tùy thuộc vào mùa vụ: mùa mưa luống cao 25 - 30 cm, mùa khô luống cao 20 - 25 cm, để rãnh rộng 30 cm.

              - Trồng hàng đôi luống rộng 1,4 m - 1,5 m.

              3. Mật độ

              Có thể trồng theo khoảng cách: 50 x 30 cm hoặc 70 x 60 cm.

              4. Gieo trồng

             Xử lý hạt ớt bằng nước ấm 3 sôi 2 lạnh (530C) trong 30 phút, hong khô dưới ánh nắng mặt trời, gieo hạt vào bầu đã được xử lý thuốc để ngăn ngừa mầm bệnh, sâu hại tấn công. Khi cây có từ 4-5 lá thật (30-35 ngày sau gieo), thì chuyển cây con ra trồng.

             IV CHĂM SÓC

             1. Bón phân

* Lượng bón (khuyến cáo cho 1 ha)

Loại phân

Lượng bón

kg/ha

Bón lót (%)

Bón thúc (%)

Lần 1

Lần 2

Lần 3

Lần 4

Phân hữu cơ

2.000

100

-

-

-

-

Đạm nguyên chất (N)

175

-

10

30

30

30

Lân nguyên chất (P)

130

100

-

-

-

-

Kali nguyên chấy (K)

165

-

-

30

40

30

 

           * Phương pháp bón

         + Bón lót: bón toàn bộ phân hữu cơ và phân lân nguyên chất vào giữa hai hàng cây trước khi trồng ròi lấp đất kín hết phân, phải bón trước khi trồng ít nhất 5-10 ngày.

        Thúc 1: 7-10 ngày sau khi trồng, khi cây bén rễ hồi xanh, dúng 10% đạm hoà loãng ra tưới, sau đó tưới lại bằng nước sạch.

         Thúc 2: Khi ớt ra hoa, bón 30% đạm và 30% kali (bón vào giữa 2 hàng cây/luống, phân cách gốc 5-10 cm để tránh cây bị ngộ độc, sau đó tưới ẩm để phân nhanh tan).

         Thúc 3: Khi quả rộ, bón 30% đạm và 40% kali (bón vào giữa 2 hàng cây/luống, phân cách gốc 5-10 cm để tránh cây bị ngộ độc, sau đó tưới ẩm để phân nhanh tan).

          Thúc 4: Sau khi thu hoạch quả đợt 1, bón 30% đạm và 30% kali (bón vào giữa 2 hàng cây/luống, phân cách gốc 5-10 cm để tránh cây bị ngộ độc, sau đó tưới ẩm để phân nhanh tan).

            Lưu ý: Có thể sử dụng các loại NPK khác có tỷ lệ tương đương.

          - Tùy theo điều kiện canh tác, thổ nhưỡng, giống, tình hình sinh trưởng phát triển của cây để điều chỉnh lượng phân bón cho phù hợp (đất cát bón nhiều phân, bón sâu và nhiều lần hơn đất phù sa hay thịt nhẹ; trồng vào vụ mưa nhiều không nên bón lót trước khi trồng, khi cây hồi xanh thời tiết khô ráo thì bón vào giữa 2 hàng hoặc giữa 2 cây trên hàng). Ớt cho thu hoạch nhiều lứa nên sau mỗi đợt thu hoạch có thể bón thúc nhẹ cho cây.

         - Có thể quy đổi phân bón nguyên chất sang NPK có tỷ lệ tương đương, lượng bón cà phương pháp bón theo khuyến cáo của nhà sản xuất hoặc theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.

          - Chỉ sử dụng phân hữu cơ đã ủ hoai mục, tuyệt đối không dùng phân tươi, nước phân tươi, nước giải tươi để bón và tưới cho cây. Đảm bảo thời gian cách ly với phân đạm ít nhất 7-10 ngày trước khi thu hoạch.

          - Có thể sử dụng phân bón qua lá khi thấy cây có hiện tượng thiếu dinh dưỡng.

            2. Nước tưới

        - Tưới nước: Mùa mưa cần đảm bảo thoát nước tốt, mùa nắng phải tưới nước đầy đủ. Tưới rãnh (tưới thấm) là phương pháp tốt nhất, tiết kiệm nước, không văng đất lên lá, giữ ẩm lâu, tăng hiệu quả sử dụng phân bón. Mùa mưa cần chú ý thoát nước tốt.

          - Tỉa nhánh: Tỉa bỏ các cành, lá dưới điểm phân cành để cây ớt phân tán rộng và gốc được thông thoáng. Nên tỉa cành lúc nắng ráo.

          - Làm giàn: Giàn được làm bằng cây hay dây ni lông. Giàn giữ cho cây đứng vững, dễ thu trái, kéo dài thời gian thu hoạch, hạn chế trái bị sâu bệnh do đỗ ngã. Mỗi hàng ớt cắm 2 trụ cây lớn ở 2 đầu, dùng dây căng dọc theo hàng ớt nối với 2 trụ cây, khi cây ớt cao tới đâu căng dây tới đó để giữ cây đứng thẳng.

            V. QUẢN LÝ SINH VẬT GÂY HẠI

           *Một số đối tượng sinh vật hại chính sau:

             1. Sâu hại :

           - Nhện đỏ: nhện chích hút làm lá cây ớt mất màu xanh, mặt lá bị loang lỗ, mặt dưới lá có nhiều vết trắng lấm tấm giống bụi cám do nhện đỏ ăn biểu bì và chích hút mô dịch của lá. Hoa ớt bị rụng, quả ớt chuyển sang màu vàng, sạm và nứt khi quả lớn.

          - Bọ trĩ: Sâu non chích hút ở lá non để lại những đốm tròn trong như giọt dầu, ở giữa có 1 chấm vàng, lúc đầu vàng trắng, sau biến thành nâu đen. Khi bị hại, các chồi non, lá non, nụ hoa không phát triển, cánh hoa bị quăn lại.

           - Sâu đục quả: Sâu phá hại từ khi quả còn xanh đến khi quả sắp chín. Sâu non gây hại trên nhiều bộ phận của cây. Sâu non tuổi nhỏ thích đục ăn lá, búp, đọt non. Sâu non tuổi lớn thích đục ăn nụ bông, nhị hoa và thịt quả. Thời kỳ sâu đục quả thích gây hại nhất là giai đoạn cây ra hoa và có quả non. Khi quả còn xanh, sâu đục từ giữa quả vào, vết đục thường gọn có phân đùn ra ngoài, thỉnh thoảng có thể thấy nửa thân sâu nằm trong quả, nửa thân nằm ngoài lỗ đục. Khi quả già và sắp chín, sâu đục từ trên cuống quả xuống, chui hẳn vào trong quả để phá hại. Những quả già thường dễ rụng, khi gặp mưa dễ bị thối. Sâu gây hại làm ảnh hưởng rất lớn đến năng suất và phẩm chất quả.

          - Sâu xám: Sâu cắn đứt gốc thân cây con mới trồng hoặc mới mọc làm khuyết cây, phải gieo trồng lại, đặc biệt ở các vùng đất thịt nhẹ, đất cát. Sâu non thường hoạt động vào ban đêm, ban ngày ẩn tránh dưới bề mặt của đất, dưới lá, rác. Ban đêm sâu non lên mặt đất và di chuyển dọc theo hàng cây giống và ăn đứt thân của từng cây ở mặt đất. Thiệt hại do sâu xám gây ra trầm trọng nhất ở đất nhẹ, đất cát, nơi sâu có thể vùi mình dễ dàng.

            2. Bệnh hại

         - Bệnh thán thư: Đốm bệnh lúc đầu hình tròn, úng nước, hơi lõm xuống. Sau đó đốm bệnh lan dần ra, có đường kính 0,5 - 2 cm, tâm vết bệnh có màu nâu đen, viền màu nâu xám. Bên trong vết bệnh có nhiều vòng đồng tâm và có những chấm nhỏ li ti màu đen nhô lên. Trên thân, bệnh tạo thành các vết cháy màu nâu. Bệnh hại trên tất cả các bộ phận cây trồng, bệnh thường gây hại trên quả đang hoặc đã chín, đôi khi trên quả già khi có mưa nhiều hoặc ẩm độ không khí cao. Trên quả,vết bệnh tròn nhỏ, hơi ướt và lõm xuống; trong điều kiện ẩm ướt,vết bệnh lan rộng nhanh làm thối cả quả. Bệnh phát sinh trên đồng ruộng và làm thối quả khi cất giữ

          - Bệnh héo xanh vi khuẩn: Bệnh phát sinh, gây hại từ sau cây mọc đến cuối vụ. Vi khuẩn có thể tồn tại nhiều năm trong đất, nước, phân chuồng tươi, tàn dư thực vật và các loại cây chủ là cỏ dại. Khi bộ phận của cây bị thối rữa, rất nhiều vi khuẩn được phân tán vào trong đất và theo nguồn nước xâm nhập vào các cây khác.Vi khuẩn héo xanh rất nhạy cảm với đất chua, nhiệt độ và độ ẩm đất thấp, độ màu mỡ thấp. Cây héo, đôi khi chỉ 1 - 2 nhánh, nhất là khi trời nắng nhưng lá vẫn còn xanh, khi trời mát hay đêm cây lại phục hồi, hiện tượng này chỉ kéo dài vài ngày rồi cây chết hẳn.

         - Bệnh héo vàng: Bệnh có thể phát triển ở bất cứ giai đoạn phát triển nào của ớt. Các rễ cái và những rễ nhánh nhỏ hơn bị sũng nước, bị biến màu nâu rất đậm trên bề mặt, vỏ, và các mô mạch. Rất ít rễ nhánh sống được ở những cây ớt bị bệnh và rễ cái cũng có thể bị ngắn hơn so với những cây ớt khỏe mạnh. Sự khác biệt nổi bật nhất giữa những cây ớt khỏe và cây ớt bệnh là tổng khối lượng các mô rễ. Các thân cây thường bị ảnh hưởng ở nơi tiếp giáp đất. Những thương tổn của thân cây trước tiên trở nên màu xanh đậm và sũng nước, sau đó là khô đi và chuyển sang màu nâu. Một điểm thương tổn có thể làm thân bị thắt lại, dẫn đến phần cây phía trên điểm thương tổn bị héo và hậu quả là cây bị chết

          - Bệnh xoăn lá virus: Cây bị bệnh sớm chóp lá và chồi dựng đứng, lá chét nhỏ và biến dạng. Khi nhiễm bệnh, các lá ra trước quằn xuống, những lá la sau biến màu, biến dạng với gân lá cong lên phía trên. Cây ớt bị nhiễm virus xoăn lá sẽ phát triển chậm chạp và trở nên còi cọc hoặc lùn.

         - Bệnh đốm nâu: Bệnh do nấm gây ra. Bệnh chủ yếu gây hại trên lá làm cây tàn lụi rất nhanh chóng rút ngắn thời gian thu hoạch. Điều kiện thích hợp nhất cho bệnh phát triển là nhiệt độ từ 25- 350C, độ ẩm 85-95% sau mưa trời nằng ráo và nhiệt độ tăng nhanh.

         - Bệnh thối đỉnh quả: Vết bệnh mọng nước gần đuôi trái khô dần chuyển sang vàng cam hay nâu vàng. Nấm hoại sinh hoặc vi khuẩn thối nhũn có thể thâm nhập. Nguyên nhân gây bệnh do bón quá nhiều đạm, hoặc do mưa to, nắng hạn và ít tỉa lá, dẫn đến rối loạn thiếu nước, ảnh hưởng đến khả năng vận chuyển canxi trong cây.

           * Biện pháp quản lý

           + Biện pháp canh tác, thủ công, sinh học:

          - Nên chọn các loại đất luân canh với cây lúa nước, cây họ đậu và các loại cây trồng cạn khác để hạn chế bệnh héo xanh vi khuẩn và xoăn lá virus.

          - Kết hợp các đợt bón thúc cần vơ tỉa lá già, loại bỏ những cây bị sâu, bệnh tạo cho ruộng thông thoáng, hạn chế sâu bệnh.

            - Biện pháp thủ công: Phát hiện sớm và nhổ bỏ những cây bị bệnh héo xanh, xoăn lá virus đem tiêu huỷ.

          - Biện pháp sinh học: Sử dụng sản phẩm có nấm đối kháng Trichoderma ủ với phân hữu cơ hoai mục; Sử dụng bẫy để thu trưởng thành: bẫy pheromone để phòng trừ sâu xanh đục quả từ giai đoạn nụ hoa đến cuối vụ, bẫy chua ngọt thu trưởng thành họ ngài đêm (sâu khoang, sâu xám,…), bẫy dính màu vàng, màu xanh để thu hút trưởng thành có cánh như ruồi đục lá, rệp, bọ trĩ, bọ phấn.

         + Biện pháp sử dụng thuốc BVTV

        Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, phát hiện sớm các đối tượng sâu bệnh hại, đánh giá nhận định mức độ hại để lựa chọn thuốc BVTV, sử dụng BVTV nguyên tắc 4 đúng (đúng thuốc, đúng liều lượng và nồng độ, đúng thời điểm và đúng phương pháp). Luân phiên sử dụng các nhóm hoạt chất khác nhau để hạn chế kháng thuốc. Ưu tiên sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học, thảo mộc. Chỉ sử dụng thuốc trong Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành theo quy định và tham khảo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn trên địa bàn.

          VI. THU HOẠCH

         Thu hoạch ớt khi trái bắt đầu chuyển màu. Ngắt cả cuống trái, tránh làm gãy nhánh. Ớt cay cho thu hoạch 35-40 ngày sau khi trổ hoa. Ở các lứa rộ, thu hoạch ớt mỗi ngày, bình thường cách 1-2 ngày thu 1 lần. Nếu chăm sóc tốt thời gian thu hoạch có thể kéo dài hơn 2 tháng năng suất trái đạt 20-30 tấn/ha./.

          VII. TÀI LIỆU THAM KHẢO

         1. Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng (2020), Quyết định số 1525/QĐ-UBND ngày 08/6/2020 về việc ban hành Định mức kinh tế, kỹ thuật áp dụng triển khai các dự án, chương trình, mô hình khuyến nông trên địa bàn thành phố.

         2. Dự án AFACI-VEG Phát triển các giống rau ở Châu Á (2022), Sổ tay hướng dẫn kỹ thuật tồng ớt cay do Nhà xuất bản Nông nghiệp in năm 2022 tại trang Wed: https://vaas.vn/sites/default/files/library/attachments;

Thạc sĩ Bùi Thị Hoạ - Phòng Chuyển giao Kỹ thuật nông nghiệp

 

 

Đối tác/Liên kết
Trang chủ
Thống kê truy cập
  • Hôm nay: 3358
  • Hôm qua: 9482
  • Tuần này: 22952
  • Tuần trước: 56798
  • Tháng này: 390123
  • Tháng trước: 637172
  • Lượt truy cập: 6688642
QR Code

Dùng điện thoại scan mã QR này để truy cập vào website

QR Code
0225.3541.398 
messenger icon