Hướng dẫn kỹ thuật trồng ớt ngọt trong nhà lưới, nhà màng tại Hải Phòng

15:58:39 27/03/2024 Lượt xem 511 Cỡ chữ

Model.C_Title
Mục lục

          1. Giống

          - Sử dụng giống có nguồn gốc rõ ràng, giống có trong danh mục giống cây trồng được phép sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành.

          - Lượng giống cần cho 01ha: 250 gram hạt giống (hoặc 25.000 hạt giống).

       - Các giống ớt chuông hiện nay: Bachata RZ F1, Ilanga RZ F1, Massilia RZ F1, Pasarella RZ F1, Đỏ  Lamuoy carmel, Vàng Lamuoy carmel…

            2. Thời vụ

            - Gieo hạt: tháng 8 - 9. Trồng: tháng 9 - 10.

           - Thời gian sinh trưởng: 6 - 8 tháng.

           3. Kỹ thuật gieo ươm cây con

         - Hạt giống ớt ngọt khi gieo không cần ngâm hay ủ mà có thể tiến hành gieo thẳng. Nên gieo bằng khay xốp 84 lỗ/khay để đảm bảo chất lượng cây giống.

          - Giá thể gieo hạt: 60% bột xơ dừa + 35% đất bột + 5% phân hữu cơ vi sinh.

         - Giá thể trộn đều, đóng vào khay gieo hạt, mỗi lỗ gieo một hạt. Sau khi gieo phải phủ một lớp đất mỏng lên trên để che hạt ớt, sau đó tưới ẩm và để vào khu vực ươm. Bầu cây con phải thường xuyên kiểm tra, đảm bảo luôn đủ ẩm, ngày tưới 2 - 3 lần.

         - Sau gieo khoảng 30 - 35 ngày, cây ớt cao khoảng 12 - 15 cm, cây có 4 - 5 lá thật thì có thể đem trồng.

        Chú ý: Nên gieo ươm cây giống trong nhà có mái che bằng nilon.

          4. Chuẩn bị giá thể và trồng cây

          4.1. Chuẩn bị giá thể trước khi trồng

           Nên sử dụng xơ dừa để trồng ớt ngọt trong nhà lưới, nhà màng.

          - Đối với xơ dừa chưa được xử lý

          + Xử lý Tanin: Cho xơ dừa vào thùng chứa lớn, xả nước để ngâm toàn bộ xơ dừa cần xử lý. Thời gian ngâm từ 1 đến 3 ngày (kiểm tra EC, pH giá thể trong thùng chứa hàng ngày). Sau 3 ngày xả hết nước trong thùng. Để đảm bảo tanin được xử lý tốt nhất nên thực hiện công đoạn này 3 lần.

         + Xử lí Lignin: Cho xơ dừa đã được xử lý tanin vào thùng chứa, dùng nước vôi ngâm xơ dừa từ 5 - 7 ngày, sau đó sả sạch bằng nước (ngâm 2kg vôi cục với 100 lít nước).

         + Rửa lại bằng mước: Tiếp tục cho nước vào xơ dừa ngâm 24h sau đó xả lại nước, thực hiện liên tục trong 3-5 ngày. Kiểm tra đo pH và EC của xơ dừa. Nếu EC < 0.5, pH: 6 - 7 là đạt tiêu chuẩn.

          + Xơ dừa sau khi đã được xử lý tiếp tục ủ với chế phẩm Tricoderma (30kg/lượng giá thể cần cho 1ha). Trộn đều giá thể cho tơi xốp rồi đậy kín thùng chứa. Sau 7 ngày giá thể chuyển màu nâu đen là có thể sử dụng.

         + Đóng xơ dừa vào túi bầu. Tưới đệm trước khi trồng khoảng 24h, phân tưới đệm gồm đầy đủ các thành phần phân bón với EC 1 - 1.2. Đảm bảo độ ẩm giá thể trước khi trồng đạt 70 - 75%.

           - Đối với xơ dừa đã được xử lý

           + Đóng giá thể vào túi bầu trồng cây. Sử dụng hệ thống tưới rửa giá thể bằng nước.

           + Kiểm tra EC nước thoát ra từ giá thể. Nếu EC ≤ 0.5 là đạt yêu cầu, nếu EC > 0.5 thì cần tiếp tục rửa + bổ sung phân Ca(NO3)2 (0.75kg/m3 giá thể). Rửa đến khi EC ≤ 0.5 thì thôi.

         + Tưới đệm trước khi trồng khoảng 24h, phân tưới đệm gồm đầy đủ các thành phần phân bón với EC 1 - 1.2. Đảm bảo độ ẩm giá thể trước khi trồng đạt 70 - 75%.

          4.2. Trồng cây

           - Tiêu chuẩn cây giống đem trồng

Độ tuổi (ngày sau gieo)

Chiều cao cây (cm)

Đường kính gốc (cm)

Số lá thật (lá)

Tình trạng cây

30 - 35

12 - 15

1,5 - 2

4- 5

Cây khoẻ mạnh, cân đối, không dị hình, rễ chớm đáy bầu, ngọn phát triển tốt, không có biểu hiện nhiễm sâu bệnh

         Chú ý: Trước khi trồng 1 ngày nên phun thuốc Ridomin gold 68WG và thuốc trừ sâu để ngăn ngừa côn trùng bám vào khi di chuyển từ vườn ươm sang nơi trồng.

          - Kỹ thuật trồng

         + Lượng cây giống: 25.000 cây/ha (mật độ 2,5 cây/m2). Cây cách cây 30 cm, hàng cách hàng 1,0 - 1,2 m.

        + Nhấc cây con khỏi khay ươm rồi trồng vào trong bầu xơ dừa sao cho giá thể xơ dừa phải phủ được kín bầu cây giống.

        + Việc trồng cây phải làm triệt để trong vòng 1 - 2 ngày để bảo đảm cây con khỏe, tỷ lệ sống của cây cao, cây đồng đều về kích thước.

           + Sau khi trồng xong phải tưới nước ngay để cây không bị héo và nhanh bén rễ.

          + Tiến hành kiểm tra và trồng dặm ngay sau 1 tuần sau trồng để đảm bảo độ đồng đều của cây trong vườn.

           5. Chế độ dinh dưỡng

           - Chỉ sử dụng phân bón có nguồn gốc rõ ràng và được phép sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam.

         - Không sử dụng phân hữu cơ chưa xử lý (phân tươi, chưa hoai mục), trường hợp tự sản xuất phân hữu cơ, phải thực hành đúng phương pháp, đảm bảo đủ thời gian.

         - Nơi cất giữ, chứa phân bón phải đảm bảo không gây ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động và chất lượng của sản phẩm cây trồng.

            - Ghi chép nhật ký và lưu giữ hồ sơ sản xuất: Nhật ký thực hành sản xuất, nhật ký mua vật tư nông nghiệp, nhật ký quản lý đầu vào của sản xuất.

Bảng 1. Lượng phân bón và cách bón: Sử dụng phân bón NPK

 

Loại phân bón

Giai đoạn cây

Liều lượng bón

Cách bón

NPK 20.20.20

Giai đoạn cây con (0 - 14 ngày sau trồng)

150g/ 1.000 m2/ngày

Hòa với 1.500 - 2.000 lít nước. Tưới nhỏ giọt vào gốc cây, ngày 4 - 5 lần (tùy theo thời tiết để tăng giảm lượng nước).

NPK 17.9.27

Giai đoạn cây phát triển (15 - 25 ngày sau

trồng)

200g/1.000m2/ ngày

Hòa với 2.500 - 3.000 lít nước. Tưới nhỏ giọt vào gốc cây, ngày 6 - 7 lần (tùy theo thời tiết để tăng giảm lượng nước).

N-P-K 17.9.27

Giai đoạn ra hoa tạo quả (từ ngày 35 – 45 ngày sau trồng)

250g/1.000m2/ ngày

Hòa với 3.500 - 4.500 lít nước. Tưới nhỏ giọt vào gốc cây, ngày 7 - 8 lần (tùy theo thời tiết để tăng giảm lượng nước).

NPK 17.9.27

Giai đoạn thu hoạch (từ ngày 90 đến cuối vụ)

180g/1.000m2/ ngày

Hòa với 3.500 – 4.500 lít nước. Tưới nhỏ giọt vào gốc cây, ngày 7 - 8 lần (tùy theo thời tiết để tang giảm lượng nước).

MgSO4

Tất các giai đoạn

Bằng với lượng NPK

Hòa cùng với phân NPK

         - Có thể sử dụng các loại phân bón khác hoặc phối trộn các loại phân đơn khác đảm bảo tỷ lệ NPK 1.1.1 trong giai đoạn cây con (0 - 14 ngày sau trồng) và tỷ lệ NPK 2.1.3 ở các giai đoạn còn lại.

          - Cần bổ sung thêm Canxi, Bo, và vi lượng (Fe, Zn, Cu, Mn…) cho cây theo tình hình phát triển của cây trồng.

        - Thường xuyên kiểm tra pH, EC để điều chỉnh liều lượng phân bón theo nhu cầu của cây và đặc điểm từng khu vực.

Bảng 2. Bảng khuyến nghị EC và pH

 

Ngày sau trồng

Giai đoạn

EC

pH

0 – 14 ngày

Giai đoạn cây con

1,5

5,7 - 6,2

15 – 25 ngày

Giai đoạn cây phát triển

1,8 - 2,3

5,7 - 6,2

26 – 90 ngày

Giai đoạn ra hoa, đậu quả, nuôi quả

2,3 - 2,5

5,7 - 6,2

90 - cuối vụ

Giai đoạn duy trì

2,0 - 2,3

5,7 - 6,2

           6. Chăm sóc và tưới nước

        - Tưới nước: Có thể sự dụng nước mặt (sông, ao, hồ) để tưới; tuyệt đối không sử dụng nước thải công nghiệp, nước thải từ các bệnh viện, khu dân cư tập trung… chưa qua xử lý đạt tiêu chuẩn để tưới trực tiếp.

Giai đoạn cây

Lượng nước tưới

0 - 14 ngày sau trồng

0,5 - 0,8lít/ngày/cây (tùy theo thời tiết tăng giảm lượng nước).

Sinh trưởng phát triển và thu hoạch

1,0 - 1,8lít nước /ngày/cây (tùy chỉnh theo thời tiết để tăng giảm lượng nước).

          Chú ý: Nước tưới được tưới hằng ngày kết hợp với tưới phân thông qua hệ thống tưới nhỏ giọt.

        - Đeo đai kẹp thân và quấn ngọn: Sau trồng khoảng 14 ngày, tiến hành đeo đai kẹp thân cho cây ớt sau đó bắt đầu quấn ngọn. Cứ 15 - 20 ngày quấn ngọn một lần để cây không bị đổ gẫy (hoặc khi nào thấy ngọn cây đã dài thì tiến hành quấn). Quấn ngọn kết hợp với tỉa nhánh.

       - Tỉa nhánh: tỉa toàn bộ nhánh dưới phần chạc 2 (cách gốc khoảng 20 - 25 cm). Mỗi cây chỉ nên để hai thân chính từ phần chạc 2 lên, giúp cây thông thoáng, giảm tỷ lệ sâu bệnh, tăng tỉ lệ đậu quả, quả phát triển tốt, thu hoạch tập trung, năng suất cao. 15 - 20 ngày tỉa nhánh một lần. Kết hợp với tỉa lá già và lá bị sâu bệnh.

        Chú ý: Vệ sinh dụng cụ (dao, kéo) trước và sau mỗi lần cắt tỉa lá, nhánh. Trình tự thao tác: cắt tỉa cây khỏe trước, cây bệnh sau.

          7. Phòng trừ sâu bệnh

          7.1. Biện pháp canh tác, thủ công, sinh học

        - Áp dụng phương pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cơ sở áp dụng tổng hợp các biện pháp kỹ thuật (sử dụng giống chống chịu, bón phân cân đối, thời vụ hợp lý, luân canh cây trồng, áp dụng các biện pháp thay thế hóa chất…) để ngăn cản sự phát sinh, phát triển của dịch hại; hạn chế tối đa sử dụng hóa chất nông nghiệp để bảo vệ quần thể thiên địch và giảm thiểu rủi ro đối với sức khỏe con người và môi trường.

         - Vệ sinh trong và ngoài nhà lưới, nhà màng. Xử lý giá thể sau mỗi vụ trồng.

         - Dùng biện pháp thủ công: ngắt ổ trứng, bắt diệt sâu non khi mật độ sâu thấp.

          - Có thể sử dụng các loại bẫy bả côn trùng để xua đuổi, bắt các con trưởng thành quanh khu vực sản xuất.

        - Cần sử dụng luân phiên các loại thuốc có hoạt chất khác nhau để tránh sâu quen thuốc. Tuân thủ nghiêm ngặt liều lượng, nồng độ, thời gian cách ly của từng loại thuốc thước khi thu hoạch theo đúng khuyến cáo của nhà sản xuất.

        - Người sản xuất phải nắm vững kỹ thuật sử dụng thuốc theo nguyên tắc “4 đúng”: đúng thuốc, đúng nông độ liều lượng, đúng lúc và đúng cách.

       - Thường xuyên kiểm tra cây trồng để phát hiện sớm sâu bệnh hại thực hiện theo hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn.

          7.2. Một số sâu, bệnh hại chính và cách phòng ngừa

          7.2.1. Sâu xanh ăn lá

          - Biện pháp phòng trừ:

          + Vệ sinh khu vực sản xuất, bắt bướm, kiểm tra phát hiện sớm khi sâu còn nhỏ để phòng trừ.

          + Biện pháp hóa học: Sử dụng một số loại thuốc sau để phòng trừ: Vitako 40WG, Dupont Prevathon 5SC, …

           7.2.2. Bọ trĩ

           - Biện pháp phòng trừ:

          + Đặt bẫy dính côn trùng giúp theo dõi hiệu quả của việc kiểm soát côn trùng gây hại.

          + Sử dụng các loài thiên địch như: bọ rùa, bọ xít ăn thịt, ruồi ăn thịt...

          + Biện pháp hóa học: Có thể sử dụng một số thuốc: Actara 25WG, Oshin 20 WP, Movento 150OD, ... để phòng trừ.

            7.2.3. Nhện đỏ

           - Biện pháp phòng trừ:

         + Trồng cây với mật độ hợp lý, thường xuyên cắt tỉa vườn thông thoáng. Thường xuyên kiểm tra lá để kịp thời phát hiện và có biện pháp phòng trừ hợp lý. Cần khử trùng, vệ sinh sạch dụng cụ làm vườn trước khi sử dụng.

          + Sử dụng thiên địch như: bọ rùa, ấu trùng bọ cánh găng, bọ trĩ bắt mồi, … và cần có biện pháp bảo vệ thiên địch hợp lý.

          + Biện pháp hóa học: Có thể sử dụng một số thuốc Actara 25WG, Oshin 20 WP, Pesieu 500SC, … để phòng trừ.

           7.2.4. Bệnh héo rũ cây con

          - Biện pháp phòng trừ:

          + Thu dọn tàn dư cây bệnh sau thu hoạch.

          + Xử lý giá thể thật sạch trước khi gieo hạt và trồng cây.

          + Gieo trồng với mật độ vừa phải, bón phân cân đối.

          + Sử dụng một số loại thuốc sau để phòng trừ: Validacin 5SL, Amistartop 325SC, Ridomil Gold 68WG, …

            7.2.5. Bệnh thán thư

          - Biện pháp phòng trừ:

          + Thu dọn tàn dư cây bệnh sau thu hoạch.

          + Xử lý giá thể thật sạch trước khi gieo hạt và trồng cây.

           + Gieo trồng với mật độ vừa phải, bón phân cân đối.

           + Sử dụng một số loại thuốc sau để phòng trừ: Daconil 75 WP, Nativo 750 WG, …

           7.2.6. Bệnh héo xanh vi khuẩn

           - Biện pháp phòng trừ:

           + Khi phát hiện cây bị bệnh phải nhổ bỏ ngay và mang đi tiêu hủy để tránh lây lan.

           + Quản lý tốt các đối tượng sinh vật chích hút môi giới truyền bệnh như: bọ trĩ, nhện, rầy rệp, …

           + Sử dụng hạt giống sạch bệnh; Sử dụng đất sạch bệnh làm bầu ươm cây.

        + Việc tỉa cành bấm ngọn chú ý dụng cụ như dao, kéo cần phải khử trùng liên tục nếu trên ruộng đã xuất hiện bệnh. Sử dụng nguồn nước tưới không bị nhiễm bởi những tàn dư cây bệnh.

        + Vườn trồng ớt phải bằng phẳng, hạn chế vi khuẩn sẽ lây lan theo dòng nước trong đất, đảm bảo chế độ luân canh các cây trồng khác không cùng họ với ớt.

         + Sử dụng một số loại thuốc sau để phòng trừ: Starner 20WP, Kasumin 2SL, Ychatot 900SP, …

          8. Thu hoạch, sơ chế và bảo quản

           - Thu hoạch

        + Thời gian thu hoạch: Sau trồng khoảng 90 ngày có thể cho thu hoạch đợt quả đầu tiên. Khi quả đạt kích thước tối đa, màu sắc chuyển từ màu xanh sang vàng hay đỏ được hơn hai phần quả là có thể thu hoạch. Ớt cho thu hoạch liên tục 5 - 6 tháng.

         + Khi thu tránh để trầy xước sẽ làm hỏng và mất phẩm chất của quả.

          Chú ý: Thu hoạch tiến hành sau khi ớt đã được cách ly thuốc bảo vệ thực vật theo khuyến cáo của nhà sản xuất.

       - Sơ chế: Sau khi thu hoạch cần rửa sạch, phân loại, đóng gói, gắn nhãn mác. Nước sử dụng cần đảm bảo chất lượng theo quy định.

        - Đóng gói: Trước khi đóng gói cần loại bỏ quả sâu bệnh. Đóng gói theo nhu cầu sử dụng, ghi nhãn theo quy định để giúp việc truy nguyên nguồn gốc được dễ dàng.

       - Vận chuyển: Phương tiện vận chuyển được làm sạch trước khi được xếp thùng chứa sản phẩm; không bảo quản và vận chuyển sản phẩm chung với các hàng hóa khác có nguy cơ gây ô nhiễm sản phẩm; phải thường xuyên khử trùng kho bảo quản và phương tiện vận chuyển.

        - Quản lý và xử phế phụ phẩm: Xử lý tồn dư sản phẩm, phế phụ phẩm sau thu hoạch hợp lý, nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường, sử dụng các chế phẩm sinh học AT-YTB để xử lý thành phân bón.

Ths. Bùi Thị Họa - Phòng CGKT NN

Đối tác/Liên kết
Trang chủ
Thống kê truy cập
  • Hôm nay: 2593
  • Hôm qua: 4522
  • Tuần này: 29866
  • Tuần trước: 29296
  • Tháng này: 271169
  • Tháng trước: 306531
  • Lượt truy cập: 2839230
0225.3541.398 
messenger icon