Hướng dẫn kỹ thuật trồng chuối tiêu

17:16:17 08/12/2023 Lượt xem 2032 Cỡ chữ

Model.C_Title
Mục lục

            I. Giới thiệu chung

         Cây chuối (Musa spp.) thuộc họ Ch uối (Musaceae) có nguồn gốc từ vùng nhiệt đới ở Đông Nam Á và Úc. Ngày nay chuối được trồng ở ít nhất 107 quốc gia, nhiều nhất ở các nước thuộc vùng nhiệt đới. Ở nước ta, các bộ phận của cây chuối đều có giá trị sử dụng từ: quả chuối, hoa chuối, lá chuối cho tới củ chuối. Chuối có nhiều giống khác nhau như: chuối tây, chuối ngự, chuối cau, chuối sáp, chuối hột, chuối tiêu… Tính đến năm 2022, diện tích trồng chuối tại Hải Phòng đạt 2.622,8 ha, trong đó huyện Thủy Nguyên là vùng tập trung nhiều nhất của thành phố.

         Chuối tiêu (Musa sinensis) không chỉ giàu dinh dưỡng mà còn là một loại thuốc quý. Chuối có hình dạng dài, cong như lưỡi liềm, khi chưa chín vỏ có màu xanh đậm và khi chín chuyển sang màu vàng bắt mắt. Chuối tiêu có vị ngọt đậm, mềm, thơm ngon.

          II. Đặc điểm thực vật học cây chuối tiêu

           1. Thân:

            1.1. Thân thật (hay còn gọi là củ chuối):

            - Chuối tiêu là loài cây thân thảo

         - Củ chuối sống lâu năm, là cơ quan chủ yếu dự trữ chất dinh dưỡng đồng thời cũng là nơi để rễ, lá, mầm và cuống hoa mọc ra.

           - Ngoài ra xung quanh củ chuối có nhiều mầm ngủ, sau này phát triển thành cây con.

          1.2. Thân giả:

           - Thân chuối là thân giả chiều cao lên tới 6 - 7 m

           - Thân giả có hình trụ, do nhiều bẹ lá lồng vào nhau tạo thành.

             2. Lá:

            - Lá chuối ra theo hình xoắn, có thể kéo dài tới 2,7 m và rộng tới 60 cm.

            - Mỗi tháng có thể mọc ra 3 - 4 lá, lá chuối to, dày, màu xanh đậm và bóng.

            - Lá mới mọc ra mỏng, có màu xanh nhạt.

 

            3. Rễ:

            - Thuộc loại rễ chùm, có 2 loại rễ (rễ ngang và rễ thẳng).

           - Rễ ngang: Mọc xung quanh củ chuối và phân bố ở lớp đất mặt. Loại rễ này sinh trưởng khỏe, phân bố rộng. Là loại rễ quan trọng có chức năng hút nước và dinh dưỡng nuôi cây.

            - Rễ thẳng: Mọc ở phía dưới củ chuối. Tác dụng chủ yếu giúp cây đứng vững.

            4. Hoa:

            Hoa chuối thường lưỡng tính, đầu hoa thường ra một hoa đực riêng, không sinh sản, còn được gọi là bắp chuối.

            5. Quả:

         - Quả chuối tiêu hình dạng dài, cong như lưỡi liềm, khi chưa chín vỏ có màu xanh đậm và khi chín chuyển sang màu vàng.

          - Quả chuối tiêu vị ngọt đậm, mềm và rất thơm.

            III. Yêu cầu ngoại cảnh

           Cây chuối tiêu thích hợp với đất phù sa, đất cát pha và đất thịt nhẹ. Đất cần thoát nước tốt, tơi xốp, thoáng khí và giữ ẩm hiệu quả. Độ pH từ 6 - 7,5. Cây chuối tiêu thích hợp với nhiệt độ từ 250C - 350C. Cây chuối tiêu thích hợp với độ ẩm từ 60% - 80%. Cây chuối tiêu thích hợp với cường độ ánh sáng trung bình

          IV. Kỹ thuật trồng và chăm sóc

          1. Thời vụ

         Thời vụ chính trồng chuối tiêu là tháng 2 - 3 dương lịch hoặc tháng 6 - 8 dương lịch hằng năm. Để đến Tết Nguyên Đán có thể thu hoạch cần trồng chuối vào khoảng tháng 3 dương lịch.

        2. Nhân giống cây chuối tiêu

        Nhân giống cây chuối tiêu có nhiều cách như: Nhân giống bằng củ; phương pháp tách chồi cây con; phương pháp nuôi cấy mô. Mỗi phương pháp lại có những ưu điểm và nhược điểm riêng.

       Phương pháp nhân giống phổ biến hiện nay là nhân giống bằng cây con. Do phương pháp này đơn giản, dễ làm, chi phí thấp. Cây con được hình thành từ những mầm ngủ mọc trên thân ngầm của cây mẹ nên cây con mới tách ra để trồng đã có sức sống cao và thời gian từ khi tách ra đem trồng đến khi có thu hoạch quả chuối ngắn.

       Phương pháp nuôi cấy mô: Có hệ số nhân giống cao, sạch bệnh, khỏe mạnh. Phương pháp nuôi cấy mô giúp tạo được một số lượng lớn cây giống cung cấp cho sản xuất, có khả sinh trưởng phát triển tương đương nhau.

       Tiêu chuẩn cây giống: Cây giống to khỏe, thân thẳng, có đầy đủ chồi rễ và không bị sâu bệnh và đã được xử lý nấm bệnh.

       3. Kỹ thuật làm đất

       - Chọn đất cao ráo, thoát nước tốt. Đất trước khi trồng cần cày sâu, nhặt sạch cỏ dại.

       - Những vùng đất hơi trũng hoặc có mạch nước ngầm cao có thể lên luống cao 30 - 50 cm. Tránh trồng ở những vùng có gió mạnh.

       - Đào hố trồng với kích thước 40 cm x 40 cm x 40 cm (dài x rộng x sâu). Trước khi trồng từ 7 - 10 ngày tiến hành bón lót cho cây với lượng phân bón (tính cho 1 hốc) như sau: Bón 1,2 - 1,4 kg phân hữu cơ vi sinh + 0,3 - 0,4 kg phân NPK 5-10-3 sau đó lấp hố lại rồi rải đều 0,3 kg vôi bột lên trên.

          4. Trồng cây con

          Khoảng cách trồng: 2 m x 3 m (hàng cách hàng 2 m, cây cách cây 3 m).

          Mật độ trồng: khoảng 2.200 cây/ha.

         Đối với cây chuối nuôi cấy mô được đóng trong những túi bầu, vì vậy khi trồng cần xé bỏ túi, chú ý không làm vỡ bầu đất của cây. Đặt cây vào hố đã được đào sẵn sau đó lấp đất cao hơn mặt bầu 2 - 3 cm. Đất lấp vào đất phải cao hơn mặt ruộng để tránh nước đọng ở hố trồng.

        Đối với cây con được tách từ cây mẹ, cây con trước khi trồng cần gọt hết rễ. Trồng xong tưới nước ngay và giữ ẩm đất khoảng 15 ngày thì cây cho ra rễ mới.

        5. Làm cỏ, xới xáo và vệ sinh vườn

       Làm sạch cỏ xung quanh gốc chuối từ gốc ra 20 - 30 cm. Dùng cuốc xới phá váng kết hợp làm cỏ. Ở sát gốc chuối cần nhổ cỏ bằng tay, để vườn chuối luôn thông thoáng và sạch cỏ dại.

        Vệ sinh vườn: Thường xuyên cắt bỏ các lá già, khô, bị bệnh để vườn thông thoáng.

        6. Bón phân

        Lượng phân bón và cách bón phụ thuộc vào từng thời kỳ sinh trưởng phát triển của cây, cụ thể như sau:

       6.1. Lượng bón (Tính cho 1 ha/năm)

TT

Loại phân bón

Đơn vị tính

Số lượng

1

Phân NPK 5-10-3

Kg

800

2

Phân NPK 13-13-13

Kg

1.500

3

Phân hữu cơ vi sinh

Kg

3.000

4

Vôi bột

Kg

660

 

(Tùy theo chân đất và trình độ thâm canh để điều chỉnh lượng bón cho phù hợp)

       6.2. Cách bón

      Bón lót (tính cho 1 hốc): Bón 1,2 - 1,4 kg phân hữu cơ vi sinh + 0,3 - 0,4 kg phân NPK 5-10-3 sau đó rải đều 0,3 kg vôi bột lên trên trước khi trồng cây 7 - 10 ngày. Bón xong cần tưới nước cho cây.

       Bón thúc (tính cho 1 ha/năm):

      - Bón đợt 1: Bón sau trồng 1 - 1,5 tháng, sử dụng 750 kg NPK 13-13-13

      - Bón đợt 2: Bón sau đợt 1 từ 1,5 - 2 tháng, sử dụng 375 kg NPK 13-13-13

      - Bón đợt 3: Bón khi cây trổ buồng, sử dụng 375 kg NPK 13-13-13

       * Cách bón: Xới nhẹ xung quanh gốc cây, rải phân và nấp kín, sau đó tưới nước cho phân dễ tan.

        7. Tưới nước

       Chuối ưa ẩm nên thời gian đầu cần cung cấp đủ nguồn nước cho cây. Đặc biệt nên chú ý thời điểm cây ra hoa đến khi cây ra quả. Lượng nước tưới cũng cần xem xét độ ẩm của đất và từng mùa. Nên tưới khi trời râm mát.

       8. Tỉa mầm, định chồi và cắt bỏ hoa đực

       8.1. Tỉa mầm, định chồi

     Để tránh ảnh hưởng đến cây mẹ, chỉ nên để lại 1 - 2 cây con cho một gốc để thay cây mẹ. Cần làm sớm, đào đi những mầm yếu, ra không đúng thời vụ.

       8.2. Cắt bỏ hoa đực

      Sau khi chuối ra buồng có từ 7 - 10 nải nở toàn hoa cái cho quả, sau đó nở hoa đực cần cắt bỏ để dồn chất dinh dưỡng nuôi quả tốt hơn. Nên tiến hành vào buổi trưa, lúc trời khô, không mưa để vết cắt mau khô, hạn chế mất nhựa, tránh bị sâu bệnh xâm nhập.

      Tại thời điểm này, kết hợp tuyển chọn quả, nên tỉa bỏ những quả, nải quả không thoả mãn yêu cầu của thị trường tiêu thụ. Việc tỉa bỏ như vậy sẽ làm tăng chiều dài của những quả còn lại và rút ngắn thời gian từ trỗ buồng đến thu hoạch.

       9. Bao buồng

       Khi cây chuối tạo buồng cần bao buồng bằng túi PE có đục lỗ hoặc sử dụng bao dứa. Việc bao buồng sẽ giúp màu sắc vỏ trái được đẹp hơn, hạn chế côn trùng phá hoại, tăng kích thước quả và rút ngắn thời gian từ ra buồng đến thu hoạch. Buồng quả cần được bao sớm ngay sau khi quả bắt đầu cong lên. Buộc chặt túi ở phía trên và mở ở phía dưới.

       10. Chống đổ

        Để chống đổ sử dụng 1 cây tre cắm sát gốc rồi dùng dây buộc lại với thân chuối.

        Để hạn chế đổ khi cây có quả, dùng 2 cọc buộc chéo vào nhau theo hình chữ X đỡ lấy cổ buồng chuối, 2 chân cọc và thân giả đứng thành 3 chân kiềng.

      Dùng dây ni lông một đầu buộc phía trên thân giả sát cổ buồng chuối đầu kia chằng chặt vào gốc cây chuối bên cạnh hoặc ngang thân cây bên cạnh để giữ cho cây chuối đứng thẳng, hạn chế ảnh hưỏng gió bão làm đổ cây.

       V. Phòng trừ sâu bệnh hại

       1. Sâu đục thân

       Triệu chứng:

      Sâu non thường sống trong thân giả, là pha gây hại chính. Từ chỗ đục tiết ra chất nhày màu vàng đục. Bị hại nặng, thân giả thối và lá chuyển vàng. Cây có buồng gãy gục ngang thân. Sâu non đục thân hoặc củ có thể làm chết cây

       Phòng trừ:

      - Đặt bẫy trưởng thành: Tiến hành vào cuối tháng 2 đầu tháng 3. Chẻ tư thân giả dày 5-10 cm rồi úp mặt xuống đất. Mỗi khóm chuối đặt 1-2 bẫy. Sáng sớm bắt trưởng thành cho vào túi PE đem tiêu hủy.

        - Luân canh với cây trồng khác.

       - Vệ sinh đồng ruộng

        - Dùng Basudin 5G hoặc 10G rắc vào nõn cây chuối 3-5 g/cây vào cuối tháng 3 đầu tháng 4.

        - Sử dụng một số loại thuốc sau: Somethrin 10EC; Amada 350WG;…

        2. Bọ giáp

        Triệu chứng:

        Bọ giáp gặm ăn chất xanh của lá và vỏ quả tạo thành những vệt màu nâu trông như các vết ghẻ làm xấu quả

        Phòng trừ:

        - Sử dụng giống chuối sạch bệnh

         - Thường xuyên vệ sinh vườn, tiêu hủy tàn dư thực vật và xới xáo vườn chuối

         - Sử dụng các sản phẩm sinh học như Bacillus thuringiensis, Beauveria bassiana, Metarhium anisopliae có nguồn gốc từ nấm hoặc vi khuẩn phù hợp phun vào vườn chuối phòng trừ, vừa có tác dụng diệt bọ non và trưởng thành của bọ giáp, vừa bảo vệ thiên địch ký sinh, không độc hại, không gây ô nhiểm môi trường.

          - Sử dụng các thuốc hóa học sau: Actara 25WG; Abatin 1.8 EC; Vimatox 5SG;…

          3. Rệp muội

         Triệu chứng:

          - Rệp bám ở bẹ lá già, đôi khi có ở ngọn và quả

          - Rệp chích hút nhựa làm cho bộ phận bị hại mất nước, khô héo

           - Chất bài tiết của rệp là môi trường cho nấm bồ hóng phát triển làm đen vỏ quả

           -  Rệp còn là môi giới truyền virut gây bệnh chùn ngọn “Bunchy top” rất nguy hiểm cho cây chuối.

            Phòng trừ:

            - Vệ sinh vườn cây, cắt bỏ các lá già, lá có rệp.

          - Sử dụng các thuốc hóa học sau: Actara 25WG; Fairway 500WG;…

           4. Bệnh héo vàng Panama

           Triệu chứng:

         Nấm bệnh trong đất xâm nhập qua rễ vào củ rồi lan lên thân, phá hủy bẹ lá làm lá vàng héo rũ xuống, cây chết dần.

            Phòng trừ:

          - Không sử dụng giống bị bệnh.

          - Chọn đất có độ pH trung tính và hơi kiềm

          - Khi phát hiện cây bị bệnh cần đào bỏ gốc rồi rắc vôi.

          - Sử dụng các thuốc hóa học như: Score 250EC; Anvil 5SC;…

           5. Bệnh héo rũ Moko

           Triệu chứng:

          - Cây bị bệnh các lá già phía dưới bị vàng úa và héo rũ, sau đó các lá trên bị héo rũ dần, cả cây bị thối và chết.

          - Cắt ngang thân giả thấy các mạch dẫn nhựa ở bẹ lá bị đổi sang màu vàng, nâu hay đen. Cắt ngang thân thật (củ chuối) thấy ở vùng bệnh có ứa giọt vi khuẩn nhầy, vùng củ chuối bị bệnh mềm nhũn. Ruột quả non bị đen.

             Phòng trừ:

            - Vườn cần cao ráo, thoát nước

            - Tiêu hủy cây bệnh và rắc vôi vào hố.

           - Khử trùng các dụng cụ canh tác

            - Sử dụng các thuốc hóa học như: Kasuran 50WP; Kanamin 47WP;…

            6. Bệnh đốm lá Sigatoka

           Triệu chứng:

         Bệnh chỉ gây hại trên các phiến lá, triệu chứng bệnh thường thấy trên các lá thứ 2, 3 hay 4 tính từ ngọn xuống. Vết bệnh lúc đầu là những đốm nhỏ 1-10 mm, rộng 0,5-1 mm, màu vàng nhạt hay xanh nâu. Các đốm này thường xếp dọc theo các gân phụ của phiến lá, phát triển thành các đốm hình thoi nhỏ, màu nâu đen với quầng vàng chung quanh. Nhiều đốm liên kết lại có thể làm phiến lá bị khô thành những mảng lớn. Cây bị bệnh nặng thường không phát triển được các lá ngọn.

        Phòng trừ:

       - Thường xuyên vệ sinh vườn, cắt bỏ tiêu hủy các lá bị bệnh

       - Sử dụng các thuốc hóa học sau: Topsin M 70WP; Amistar 250SC;…

          7. Bệnh chùn ngọn

          Triệu chứng:

         Trên lá chuối xuất hiện các sọc xanh nhạt ở cuống và phiến lá, song song với các gân phụ. Cây nhiễm nặng sẽ bị chùn ngọn do lá không phát triển, mọc hơi đứng chứ không xòe ngang như bình thường. Lá bệnh nhỏ, mép lá phát triển không đều, có màu vàng trắng. Cây bị lùn do nhiễm bệnh sớm và sẽ không ra buồng. Nếu nhiễm bệnh muộn, cây có thể vẫn cho quả nhưng buồng nhỏ, quả nhỏ cong queo. Cây có thể ra buồng ngang hông.

         Phòng trừ:

        - Chọn cây giống sạch bệnh, vệ sinh vườn thường xuyên; tiêu hủy ngay cây bệnh. Phun thuốc trừ rầy như: Actara 25WG; Pexena 106SC;…

          VI. Thu hoạch và bảo quản

         1. Thu hoạch

       Tuỳ thuộc vào khoảng cách cần vận chuyển và mục đích sử dụng chuối có thể thu hoạch ở những độ chín khác nhau. Thời gian từ lúc ra buồng tới khi thu hoạch là khoảng 120 - 130 ngày. Lúc này vỏ chuối còn xanh thẫm, quả đầy đặn, hầu như không có gờ cạnh. Cẩn thận cắt buồng hạ xuống nhẹ nhàng tránh dập nát. Cắt bỏ túi PE hoặc bao dứa bao buồng.

         2. Bảo quản

       Sau khi cắt buồng, nên dựng ở nơi thoáng mát cho chảy bớt nhựa trong 2 - 3 ngày. Dùng dao sắc cắt ra từng nải. Nhiệt độ thích hợp để bảo quản chuối được lâu là từ 130C - 13,50C, ở điều kiện này chuối xanh tươi trong 02 tuần.

Ks. Lương Phú Tùng - Phòng CGKT NN

Đối tác/Liên kết
Trang chủ
Thống kê truy cập
  • Hôm nay: 2676
  • Hôm qua: 4522
  • Tuần này: 29866
  • Tuần trước: 29296
  • Tháng này: 271252
  • Tháng trước: 306531
  • Lượt truy cập: 2839313
0225.3541.398 
messenger icon