Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nguồn nguyên liệu nhập khó khăn, giá thức ăn chăn nuôi thủy sản tăng cao từ 35 – 50% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó giá bán cá thương phẩm vẫn không tăng. Trước tình hình đó, để khắc phục khó khăn ông Nguyễn Đức Cường thôn Chi Lai, xã Trường Thành, huyện An Lão đã sử dụng 3 sào vườn quanh ao để trồng cỏ Ruzi làm thức ăn nuôi cá trắm cỏ. Mô hình cho thu hoạch và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình.
Ông Nguyễn Đức Cường cắt cỏ cho cá
Ông Nguyễn Đức Cường có diện tích ao nuôi cá 7.000m2 với kinh nghiệm nhiều năm nuôi cá truyền thống với các hình thức nuôi khác nhau: thâm canh, bán thâm canh, thức ăn công nghiệp, thức ăn tự chế,… Để đáp ứng nhu cầu thị trường về thực phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm.
Là một người tâm huyết, yêu nghề, ông đã tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm trồng cỏ làm thức ăn nuôi cá. Với sự tư vấn của cán bộ Khuyến nông Trạm Khuyến nông An Lão, ông Cường đã dùng 3 sào vườn quanh ao để trồng cỏ Ruzi. Cỏ Ruzi là loại cỏ có thân nhỏ, mềm, nhiều lá thích hợp làm thức ăn cho cá. Cỏ thích nghi nhiều loại đất, chịu hạn, chịu lạnh và tái sinh tốt, dễ chăm sóc gieo hạt một lần, thu hoạch 7 – 10 năm. Tổng mật độ thả: 1,2 con/m2 trong đó trắm cỏ 45%, cá mè 20%, cá chép 10%, rô phi 25%.
Gia đình ông cho cá trắm cỏ ăn thức ăn chủ yếu là cỏ Ruzi và có bổ sung thêm cám gạo, cám ngô. Ngoài ra để tận dụng lượng thải từ cá trắm ông đã thả ghép thêm một số đối tượng cá nước ngọt khác.
Để tránh lãng phí thức ăn và không bị ô nhiễm nguồn nước gia đình ông cho cá ăn cỏ theo đúng khẩu phần; giai đoạn đầu cho cá ăn cỏ theo khẩu phần bằng 30 – 40% tổng trọng lượng đàn cá, giai đoạn cá nhỡ cho ăn bằng 25 – 30% tổng trọng lượng đàn cá, giai đoạn cá to cho ăn bằng 20 – 25% tổng trọng lượng đàn cá. Bên cạnh đó mỗi tháng gia đình ông kiểm soát môi trường nước ao ổn định bằng vôi 6 kg/sào và tỏi nhờ đó mà cá phát triển tốt không xảy ra dịch bệnh.
Ông Cường cho cá ăn bổ sung thêm thức ăn tinh
Ông Cường cho biết: “Thông thường một vụ nuôi nếu nuôi bằng thức ăn công nghiệp thì thời gian nuôi là 6 tháng có thể thu hoạch còn nuôi với hình thức bằng cỏ là chính thì thời gian nuôi nuôi kéo dài đến 10 tháng mới có thể thu hoạch nhưng chi phí chăn nuôi giảm, chất lượng thịt cá thơm ngon được thị trường chấp nhận. Vụ nuôi cá 2020 trừ chi phí gia đình tôi đã thu lãi 60 triệu đồng”.
Hiện gia đình ông đang thả nuôi chăm sóc cá được 4 tháng, lứa cá này sẽ thu hoạch vào dịp Tết Nguyên Đán, với hơn 3.000 con cá lợi nhuận có thể lên tới trên 60 triệu đồng.
Mô hình không chỉ giúp cho ông Cường phát triển kinh tế gia đình mà còn giúp cho các hộ nuôi cá trong vùng học tập và làm theo, tạo công ăn việc làm phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn.
Ks Đào Thị Phương Nhung - Trạm KN An Lão