Quy trình kỹ thuật trồng hoa loa kèn tứ quý

14:54:52 14/12/2022 Lượt xem 1427 Cỡ chữ

Model.C_Title
Mục lục

I. Giới thiệu chung

- Hoa loa kèn Tứ Quý hay hoa Bách hợp, Huệ tây là giống hoa mới có nguồn gốc từ Đan Mạch, được nhập về và trồng ở Việt Nam năm 2002. Hoa kèn Tứ quý có màu trắng, dáng hoa đứng, hoa nở bền và đẹp, chịu nhiệt, thích hợp với điều kiện trồng ở Việt Nam, trồng được quanh năm.

II. Đặc điểm thực vật học

2.1. Rễ

- Gồm 2 phần (rễ thân và rễ gốc): Rễ thân là rễ mọc ra ở thân phía dưới mặt đất, tác dụng chống đổ, hút nước và dinh dưỡng. Còn rễ gốc mọc ra từ đáy củ, có nhiệm vụ chủ yếu là hút nước và dinh dưỡng.

2.2. Thân vảy

- Thân vảy là phần phình to của thân, trên đĩa thân vảy có vài chục vảy hợp lại (gọi là củ). Độ lớn của thân vảy tương quan chặt chẽ với số lượng và kích thước hoa. Chu vi thân vảy càng lớn thì số hoa/cành càng nhiều.

2.3. Lá

Hình thuôn dài, phiến lá phẳng, đầu lá hơi nhọn, màu xanh nhạt, không có cuống hoặc cuống ngắn. Kích thước lá, số lá/cây phụ thuộc vào kích thước củ và điều kiện chăm sóc.

2.4. Hoa

- Hoa hình thuôn, giống cái loa, một cành hoa có 1 hoặc nhiều hoa. Hoa màu trắng, 6 cánh hoa, 6 nhị và 1nhụy (đầu nhụy chia 3 thùy).

2.5. Quả

- Quả nẻ, dài, có 3 ngăn, mỗi quả có vài trăm hạt. Hạt dẹt, xung quanh có cánh mỏng, hình bán cầu hoặc 3 góc hoặc vuông dài.  

III. Yêu cầu ngoại cảnh

3.1. Ánh sáng

- Loa kèn Tứ quý là cây ưa cường độ ánh sáng trung bình (khoảng 20.000-25.000Lux). Mùa hè cường độ ánh sáng cao, phải che thêm một lớp lưới đen giảm 30-50% ánh sáng giúp cho cây sinh trưởng tốt hơn.

3.2. Nhiệt độ

- Loa kèn Tứ quý là cây có khả năng chịu nóng nhưng ưa khí hậu mát, nhiệt độ thích hợp: ban ngày 25-30oC, ban đêm 15–20oC.

3.3. Ẩm độ

- Ẩm độ thấp hay cao đều ảnh hưởng đến sự sinh trưởng, phát triển của cây. Ẩm độ đất và không khí thích hợp cho cây hoa loa kèn 75-80%.

3.4. Đất

- Loại đất thích hợp nhất là đất phù sa, đất thịt nhẹ giàu chất hữu cơ, thoát nước nhanh, giữ ẩm tốt và pH đất từ 5,5-6,5.

- Không trồng hoa loa kèn Tứ quý trên đất cát hoặc đất cát pha.

IV. Kỹ thuật trồng, chăm sóc

4.1. Thời vụ trồng

Trong điều kiện miền Bắc Việt Nam, có thể trồng loa kèn Tứ quý quanh năm nhưng chủ yếu tập trung vào 3 thời vụ chính: 

- Vụ Xuân hè: trồng tháng 01-02, thu hoa tháng 04-05, thu hoạch củ tháng 05-06.

- Vụ Thu đông: trồng tháng 08-09, thu hoa tháng 11-12, thu hoạch củ tháng 02 hoặc tháng 06 năm sau.

- Vụ Đông xuân: trồng đầu tháng 10, thu hoa vào tháng 01-02, thu hoạch củ tháng 03-04 năm sau.

4.2. Làm đất

- Đất được cày bừa kỹ, sau đó lên lên luống: rộng 1,0-1,2m, cao 25-30cm, rãnh luống rộng 40cm.

- Bón lót phân: trộn đều 1000kg phân chuồng hoai mục, 30-40kg supe lân và 20-30kg vôi bột cho 1 sào Bắc Bộ trước khi trồng 15-20 ngày.

4.3. Kỹ thuật trồng và chăm sóc

4.3.1. Chuẩn bị củ giống

- Chọn củ: kích cỡ củ loa kèn Tứ quý trồng để thu hoạch hoa thương phẩm tốt nhất có chu vi từ 8/10 – 14/16cm, củ càng to số lượng hoa/cành càng nhiều. Củ không bị trầy xước, có rễ trắng mọc ở dưới đế củ.

- Phân loại củ: chọn những củ giống có kích thước tương đương nhau để trồng cùng 1 luống.

- Xử lý củ: Dùng Daconil 75WP nồng độ 15g thuốc/10lít nước, ngâm

củ từ 10-15 phút, sau đó vớt ra để ráo rồi mới trồng.

4.3.2. Khoảng cách và mật độ

- Khoảng cách trồng thích hợp nhất: 15x20cm, mật độ 175.000 củ/ha.

- Trồng mật độ quá thưa gây lãng phí đất hoặc trồng mật độ quá dày sâu bệnh nhiều, cây thiếu ánh sáng gầy yếu, lướt cây.

4.3.3. Kỹ thuật trồng

- Rạch rãnh ngang trên mặt luống và sâu 5-8cm, sau đó đặt củ, lấp đất lên củ từ 4-5 cm tính từ mặt củ.

- Trồng xong phải tưới nước ngay, tùy thời vụ mà có thể tưới rãnh hoặc tưới bằng vòi gương sen.

4.3.4. Kỹ thuật tưới nước

- Tuần đầu tiên sau trồng tưới nước thường xuyên để củ không bị khô và rễ củ hút được nước, sau đó giảm dần lượng tưới để tránh thối củ.

- Nếu tưới nước bằng vòi gương sen thì ngày tưới từ 1-2 lần, tưới vào buổi sáng  hoặc chiều mát. Còn tưới rãnh thì 7-8 ngày/lần, tùy thuộc vào ẩm độ đất.

4.3.5. Kỹ thuật bón phân

Tổng lượng phân bón cho 1 ha trồng hoa loa kèn Tứ quý là: 2.500 kg Phân hữu cơ vi sinh + 350-400 kg NPK đầu trâu 13-13-13.

Cách bón:

* Giai đoạn sau trồng 3 tuần đầu không cần bón phân.

* Bón thúc: 4 giai đoạn

- Giai đoạn 1: sau trồng 20-25 ngày, cây cao 10-15cm, bón 7-8kg/sào.

- Giai đoạn 2: sau trồng 35-40 ngày, cây cao được 25-30cm, bón 10-12 kg/sào.

- Giai đoạn 3: sau trồng 50-60 ngày, giai đoạn này bón 12-15kg/sào.

- Giai đoạn 4: sau trồng 70-80 ngày lúc này vườn hoa đã ra nụ được 30-40% bón 12-15kg/sào.

Ngoài ra, có thể sử dụng thêm nước phân hữu cơ đã được ngâm ủ hoai mục để tưới bổ sung cho cây: như ngâm đậu tương, đầu cá...

- Thường xuyên làm cỏ, xới xáo và vun gốc cho cây.

- Dùng lưới ô vuông kích thước 10x10cm, hoặc 12x12cm căng sẵn trên mặt luống, sau đó nâng dần lên theo chiều cao của cây hoặc khi cây cao khoảng 30-40cm mới tiến hành làm giàn đỡ cây.

V. Phòng trừ sâu bệnh

5.1. Sâu hại

5.1.1. Rệp (Aphididae)

- Chủ yếu là rệp xanh và rệp đen.

- Triệu chứng: rệp hút một lượng lớn dinh dưỡng của cây, làm cây còi cọc, ngọn quăn queo, nụ bị thui, hoa không nở được hoặc dị dạng... Rệp thường gây hại nặng ở vụ Xuân hè và Đông xuân.

- Phòng trừ: Sử dụng Suprathion 40ND, Supracide 40ND liều lượng 20-25ml/10lít hoặc là Sherpa, SecSaigon...

5.1.2. Sâu đục rễ, củ (tuyến trùng)

- Triệu chứng: Sâu ký sinh mặt ngoài rễ và củ, hút dịch làm lá cây vàng, nghiêm trọng hơn cây chết khô, gây hại chủ yếu vào lúc cây đang sinh trưởng thân lá và thời kỳ cất trữ củ.

- Phòng trừ: bón thêm vôi bột, hạn chế bón đạm. Dùng thuốc Basudin liều lượng 1-2kg/sào Bắc Bộ.

5.1.3. Sâu xám (Agrotis ipsilon)

- Triệu chứng: Sâu tuổi nhỏ ăn phần thịt lá để lại lớp biểu bì phía trên. Sâu tuổi lớn ăn khuyết lá non, ngọn non và gặm xung quanh gốc cây. Ban ngày sâu lấp dưới lá hoặc ở dưới đất chỗ gần gốc cây.

- Phòng trừ: Vệ sinh đồng ruộng, đất trồng luân canh với lúa, dùng thuốc Basudin 10G rắc vào đất liều lượng 1,0kg/sào Bắc Bộ hoặc thuốc Lannate 40SP  liều lượng 25-30g/10lít phun vào lúc sáng sớm hoặc buổi tối...

5.2. Bệnh hại

5.2.1. Bệnh mốc tro (Cotlon louse)

- Triệu chứng: Vết bệnh dạng bột phấn màu trắng xám, sau lan rộng làm lá cháy khô rồi rụng, bệnh gây hại chủ yếu trên lá cây.

- Nguyên nhân: do nấm Cotlon louse gây ra, bệnh lây lan nhanh khi trời có nhiều sương.

- Phòng trừ: Sử dụng thuốc Score 250ND liều lượng 10-15 ml/10lít, hoặc Sunphát đồng, Daconil, Fuguran, Topsin...

5.2.2. Bệnh đốm lá (Botrytis elliptica)

- Triệu chứng: Vết bệnh thường xuất hiện ở lá và nụ hoa, màu xám nâu, hình tròn hoặc bất định, xung quanh vết bệnh có quầng vàng rộng, sau đó vết bệnh lan vào trong làm lá và nụ thối đen rồi rụng.

- Nguyên nhân: do nấm Botrytis elliptica gây ra

- Phòng trừ: Vặt bỏ lá và nụ hoa bị bệnh, sử dụng thuốc Rovral 50WP liều lượng 20-25ml/10lít, Score, Daconil, Rhidomil...

5.2.3. Bệnh thối thân (Phytophthora sp)

- Triệu chứng: khi bệnh gây hại cây loa kèn bị thối ở ngang thân làm cây bị đổ gục, chết.

- Nguyên nhân: do nấm Phytophthora sp gây ra, nấm này thường sống ở dưới đất, chủ yếu phát sinh và gây hại trong mùa mưa.

- Phòng trừ: luân canh, nhổ bỏ cây bệnh, hạn chế bón đạm. Nếu trồng hoa loa kèn vào mùa mưa thì sau khi cây mọc thường xuyên phải phun phòng bằng thuốc Sancozed 80WP hoặc Aliette 800WG liều lượng 25-30g/10lit.

5.2.4. Bệnh vàng lá (thiếu Fe)

- Triệu trứng: lá non bị vàng, ở giữa có gân xanh.

- Nguyên nhân: do pH đất cao (> 7) và đất bị ngập úng cây thiếu Fe.

- Phòng trừ: Dùng hợp chất EDDHA-Fe bón vào gốc 10g/m2 hoặc có thể phun lên lá cây.

5.2.5. Bệnh sinh lý

- Triệu chứng: Ngoài các bệnh truyền nhiễm, cây loa kèn còn bị bệnh sinh lý (không truyền nhiễm) gây hiện tượng vàng lá, héo ngọn, cây sinh trưởng kém, hoa dị dạng...

- Phòng trừ: Điều chỉnh bón phân và tưới nước hợp lý. Ngoài ra còn phải thường xuyên phun thêm một số loại phân bón lá để bổ sung thêm các chất vi lượng cho cây.

VI. Thu hoạch và bảo quản hoa

6.1. Thu hoạch hoa

Thời điểm thu hoạch hoa: vào buổi sáng hoặc chiều mát, lúc bông hoa dưới cùng hé nứt đầu cánh, nụ hoa chuyển từ màu xanh sang màu trắng sữa.

Dùng dao hoặc kéo sắc để cắt, khi cắt để lại phần gốc 15-20 cm có cả lá để cây tiếp tục quang hợp nuôi củ.

6.2. Xử lý hoa sau thu hoạch

Căn cứ vào độ dài cành, số nụ hoa/cành... mà phân cấp cho phù hợp. Sau khi phân cấp thì bó lại, cứ 10 cành/bó, bỏ lá sát gốc khoảng 10cm, dùng dao sắc cắt bằng gốc và tiếp tục ngâm trong nước.

6.3. Bao gói và vận chuyển

- Bao gói: 10 cành/bó, cho các bó hoa vào túi nilon hoặc gói bằng giấy báo để hoa không bị mất nước và dập nát

- Sếp các bó hoa vào thùng carton (có đục lỗ thông khí) để vận chuyển. Nếu đi xa nên dùng xe lạnh, để nhiệt độ thùng lạnh khoảng 8-10oC.

6.4. Bảo quản trong kho lạnh

- Sau khi bao gói hoa bằng túi nilon hoặc báo xong, nếu không bán  hoa ngay ta có thể đưa hoa vào kho lạnh để bảo quản.

- Bảo quản: để các bó hoa vào thùng nhựa có chứa nước rồi đưa vào kho lạnh (mức nước ở thùng nhựa 4-5cm), sau đó điều chỉnh nhiệt độ kho lạnh 4-60C và ẩm độ 90-95%. Với điều kiện trên sẽ bảo quản được hoa loa kèn khoảng 20-25 ngày.

6.5. Thu hoạch củ

- Khoảng 30 ngày sau khi thu hết hoa là có thể thu hoạch củ.

- Củ đào lên rửa sạch, dùng thuốc Daconil 75WP hoặc Rhidomil nồng độ 15gam/10lít xử lý khoảng 10-15 phút, sau đó vớt ra để ráo, cho củ vào khay (củ ở trong khay được trộn đều với sơ dừa), rồi đưa vào kho lạnh để ở nhiệt độ 3-5oC, thời gian bảo quản 40-60 ngày

Đối tác/Liên kết
Trang chủ
Thống kê truy cập
  • Hôm nay: 615
  • Hôm qua: 4522
  • Tuần này: 29866
  • Tuần trước: 29296
  • Tháng này: 269191
  • Tháng trước: 306531
  • Lượt truy cập: 2837252
0225.3541.398 
messenger icon