Thực hiện chủ chương tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng mô hình kinh tế cho hiệu quả cao, tại nhiều địa phương, nông dân đã mạnh dạn đưa những vật nuôi có giá trị kinh tế cao vào nuôi, trong đó có mô hình nuôi Dê thương phẩm. Nhờ các ưu điểm như tạp ăn, dễ nuôi, thời gian sinh sản nhanh, sức đề kháng cao, vốn đầu tư ban đầu ít, đầu ra cho sản phẩm ổn định nên nuôi Dê đang ngày càng được nhiều hộ nuôi triển khai nhân rộng.
Sau khi nghỉ hưu ông Lê Văn Hợi, xã Bắc Sơn, huyện An Dương luôn ấp ủ kế hoạch xây dựng, phát triển kinh tế ngay tại quê nhà. Sau quá trình tìm hiểu thực tế, nhận thấy Dê là đối tượng mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhu cầu thị trường lớn nên ông đã quyết định làm thí điểm mô hình này. Được sự tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật của cán bộ Khuyến nông, xuất phát từ đặc điểm sinh trưởng, phát triển của Dê, trên diện tích khoảng 2.100m2, trang trại nuôi Dê của gia đình ông Lê Văn Hợi, xã Bắc Sơn, huyện An Dương được đầu tư bài bản, khoa học, xây dựng chuồng trại theo quy mô khép kín, đảm bảo các điều kiện tránh mưa, tránh nắng, thông thoáng, chống rét, phù hợp với cả chăn nuôi thương phẩm và sinh sản. Chuồng nuôi được chia ra làm các ô riêng để phân đàn, đồng thời có đánh số cụ thể với mỗi con Dê tiện cho việc theo dõi quá trình sinh trưởng, phát triển cũng như quá trình phối giống, tránh tình trạng Dê con cận huyết, cơ thể phát triển ốm yếu, còi cọc. Khu vực chăn nuôi cũng được bố trí các bãi cỏ thông thoáng để Dê có thể vận động giúp cho cơ thể săn chắc, nâng cao chất lượng thịt. Bình quân mỗi con Dê khi xuất chuồng, có trọng lượng trung bình khoảng 40kg.
Trang trại nuôi dê nhà ông Lê Văn Hợi được xây dựng khang trang, sạch sẽ
Để xây dựng thành công mô hình nuôi Dê thương phẩm theo hướng hữu cơ, ngoài vấn đề ban đầu là xây dựng chuồng trại, thì thức ăn của Dê được gia đình ông Hợi rất chú trọng. Được sự quan tâm, tạo điều kiện của chính quyền địa phương, ông Hợi đã trồng hơn 1 mẫu cỏ VA06 trên các diện tích đất nông nghiệp bị bỏ hoang để làm thức ăn cho Dê. Cỏ ở đây đảm bảo 100% được trồng tự nhiên, không dùng các loại phân bón hóa học mà dùng phân của Dê để bón. Bên cạnh đó, ông Hợi cũng đầu tư hệ thống tưới tiêu tự động giúp cỏ sinh trưởng nhanh, có chất lượng tốt. Trong quá trình nuôi, bên cạnh sự chủ động của gia đình, ông Hợi đã được Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng, Trạm Khuyến nông huyện An Dương tạo điều kiện, hỗ trợ tư vấn về cỏ giống, chuyển giao khoa học kỹ thuật, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Đây cũng là cơ sở để gia đình ông Hợi tiếp tục đầu tư, phát triển, nhân rộng mô hình trong thời gian tới.
Với việc tuân thủ chăn nuôi theo đúng quy trình kỹ thuật do cán bộ Khuyến nông tư vấn, sau gần 3 năm nuôi, đàn dê khoảng 70 con của gia đình ông Hợi luôn sinh trưởng phát triển tốt, không có dịch bệnh xảy ra. Trung bình mỗi năm ông xuất bán từ 15 - 20 con, giá xuất chuồng từ 150 - 170 nghìn/kg. Cho thu nhập ổn định từ 90-120 triệu đồng/năm.
Dê là một trong những loại gia súc dễ nuôi, ít mắc bệnh, nguồn thức ăn phong phú và đa dạng, có thể cung cấp cho cả thị trường trong và ngoài nước sản phẩm thịt, sữa hay con giống. Do đó, nhu cầu nuôi Dê theo quy mô trang trại ngày một mở rộng. Bên cạnh đó, chăn nuôi Dê cũng phù hợp với chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Để mô hình này có thể phát triển bền vững, ngoài sự chủ động của các hộ nuôi, thì cũng cần có sự quan tâm, hỗ trợ hơn nữa của các đơn vị liên quan, tạo điều kiện để nông dân tiếp cận được các nguồn vốn vay ưu đãi, đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cũng như có cơ chế khuyến khích xây dựng, nhân rộng những mô hình chăn nuôi mới, hiệu quả, từ đó góp phần khắc phục tình trạng bỏ hoang ruộng đất, giải quyết công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, đóng góp tích cực vào phong trào xây dựng nông thôn mới.
Nguyễn Hương Giang - Phòng ĐT&TTTT