Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi là yêu cầu cấp thiết nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả và giá trị kinh tế. Đặc biệt, việc xây dựng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAHP gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm đã và đang tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho các mô hình phát triển bền vững. Xác định điều này, thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông thành phố đã đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi gia cầm, sản xuất theo chuỗi, mang lại hiệu quả kinh tế cho người nông dân, trong đó có mô hình chăn nuôi gà Lai chọi thương phẩm tại xã Hồng Phong, huyện An Dương.
Trang trại gà lai chọi hộ ông Đoàn Văn Tem xã Hồng Phong, huyện An Dương, Hải Phòng
Mô hình chăn nuôi gà lai chọi thương phẩm theo hướng VietGAHP gắn liên kết tiêu thụ sản phẩm tại xã Hồng Phong, huyện An Dương có quy mô từ 300-5.000 con/1 lứa/ 1 hộ, tổng số có 12 hộ tham gia mô hình với khoảng 50.000 con/1 lứa. Thời gian thực hiện từ tháng 02 đến tháng 6 năm 2022. Giống gà được chọn là gà lai chọi. Đây là giống dễ thích nghi với môi trường, khí hậu, tỷ lệ sống đạt cao, tăng trưởng nhanh, dễ nuôi, tiết kiệm được chi phí, hiệu quả kinh tế cao hơn so với nhiều giống vật nuôi khác, chất lượng thịt thơm ngon, dai thịt, được thị trường ưa chộng. Tham gia mô hình, các hộ được cán bộ kỹ thuật Trạm Khuyến nông trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc phòng trừ dịch bệnh, ứng dụng các chế phẩm sinh học làm tăng chất lượng thịt, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học để được cấp chứng nhận VietGAHP và ký hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm giúp người chăn nuôi yên tâm sản xuất.
Cán bộ Khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật cho hộ chăn nuôi
Sau 2 tháng triển khai, hiện nay đàn gà đang sinh trưởng và phát triển tốt, tỷ lệ nuôi sống đạt 94,6%, trọng lượng 1,7kg/con; thức ăn giảm và hiệu quả kinh tế tăng 18%. Theo kế hoạch, từ giờ đến khi xuất bán, trọng lượng đạt bình quân 2,7kg/con, với giá bán khoảng 60.000 đồng/1kg, mô hình dự kiến mang lại doanh thu gần 7,3 tỷ đồng, trung bình mỗi hộ tham gia mô hình sẽ có lãi thuần khoảng 900 triệu đồng/lứa. Với hiệu quả và giá trị kinh tế mang lại, mô hình có khả năng nhân rộng ra sản xuất đại trà.
Từ hiệu quả của mô hình, Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng đã khuyến khích, hỗ trợ nông dân, xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi gia cầm theo VietGAHP gắn liên kết tiêu thụ, nhằm tháo gỡ về đầu ra cho sản phẩm, giúp họ yên tâm đầu tư sản xuất. Ngoài ra, từng bước thay đổi thói quen, kỹ năng sản xuất của người chăn nuôi từ phương pháp truyền thống, theo kinh nghiệm sang phát triển chăn nuôi, áp dụng quy trình theo hướng VietGAHP, hạn chế dịch bệnh, nâng cao năng suất chất lượng, từ đó gia tăng được giá trị, đảm bảo an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, phát triển bền vững.
Nguyễn Hương Giang - Đào tạo và TTTT