Kết quả xây dựng mô hình chăn nuôi gà lông màu (Lương phượng, Ri lai, Mía lai) thương phẩm theo hướng VIETGAHP gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm tại một số tỉnh Đồng bằng sông Hồng

15:13:25 02/07/2021 Lượt xem 680 Cỡ chữ

Model.C_Title
Mục lục

       Dự án xây dựng mô hình chăn nuôi gà lông màu (Lương phượng, Ri lai, Mía lai) thương phẩm theo hướng VietGAHP gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm tại một số tỉnh Đồng bằng sông Hồng được Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng triển khai từ năm 2018-2020 với quy mô 120.000 con thương phẩm/150 hộ tại 4 tỉnh ĐBSH (Hải Phòng, Thái Bình, Hà Nam và Vĩnh Phúc), quy mô 500 - 1.000 con/hộ.

          1. Tiến bộ kỹ thuật được áp dụng vào mô hình, dự án

        - Chuyển giao 120.000 con gà 01 ngày tuổi (81.600 con Ri lai, 30.800 con gà Mía lai, 7.600 con gà Lương Phượng) có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, an toàn dịch bệnh, có năng suất, chất lượng cao phù hợp với điều kiện chăn nuôi tại các địa phương triển khai mô hình.

       - Thực hiện quy trình VietGAHP theo Quyết định 2509/QĐ-BNN-CN ngày 26/6/2016: 100% số hộ thực hiện chăn nuôi áp dụng quy trình VietGAHP và phải đạt >70% tiêu chí.

         - Xây dựng hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm: cơ quan khuyến nông là cầu nối giữa đơn vị thu mua sản phẩm với các HTX, nhóm hộ, hộ chăn nuôi gà. Trong hợp đồng nêu rõ những nguyên tắc, quy định khi ký kết hợp đồng, đảm bảo 2 bên cùng có lợi, giúp cho việc tiêu thụ sản phẩm được tốt hơn, tạo đầu ra ổn định cho người chăn nuôi, giúp chăn nuôi phát triển bền vững.

        2. Những kết quả chính đạt được

       Dự án đã xây dựng mô hình trình diễn quy mô 120.000 con gà lông màu thương phẩm ở 150 hộ tham gia mô hình tại 31 điểm trên địa bàn 4 tỉnh/thành. Công tác chọn điểm chọn hộ, các nội dung về hỗ trợ giống, vật tư, đào tạo, tập huấn, thông tin, tuyên truyền, đạt 100% kế hoạch đề ra.

       Về thực hiện quy trình VietGAHP, việc tuân thủ quy trình phòng bệnh bằng vắc xin, phòng trị bệnh, sử dụng thuốc thú y hợp lý, cân đối việc sử dụng thức ăn chăn nuôi, nhập giống rõ nguồn gốc xuất xứ, có ghi chép nhật ký từ việc thực hiện kỹ thuật đến thu, chi, hạch toán kinh tế, các hộ đã nhận thấy hiệu quả chăn nuôi tăng lên rõ rệt, cụ thể:

      + Tỷ lệ nuôi sống đã tăng lên từ 2 – 3% so với trước khi tham gia dự án, giảm rủi ro và nguy cơ dịch bệnh;

      + Chi phí thuốc thú y giảm từ 500 đồng – 1.000 đồng/con.

     + Dự án đã đạt các chỉ tiêu kỹ thuật đáp ứng yêu cầu và mục tiêu của dự án Gà Ri lai (16 tuần tuổi): tỷ lệ nuôi sống đạt 96,52%, khối lượng đạt bình quân 1,85 kg/con, Tiêu tốn thức ăn 2,78 kg thức ăn/kg. Gà Mía lai (16 tuần tuổi): tỷ lệ nuôi sống đạt 96,82%, khối lượng đạt bình quân 1,901 kg/con, Tiêu tốn thức ăn 2,47 kg thức ăn/kg. Gà Lương Phượng (10 tuần tuổi): tỷ lệ nuôi sống đạt 97,69%, khối lượng đạt bình quân 1,902 kg/con, tiêu tốn thức ăn 2,78 kg thức ăn/kg. Các chỉ tiêu này đều cao so với yêu cầu của dự án và so với ngoài mô hình.

        Các hộ tham gia mô hình thực hiện áp dụng VietGAHP đánh giá đáp ứng được yêu cầu của dự án (100% số hộ tham gia dự án sẽ thực hiện đạt >70% tiêu chí VietGAHP) thông qua tổ chức đoàn đánh giá VietGAHP, thành phần đoàn là các cán bộ thuộc ngành Nông nghiệp có trình độ chuyên môn chăn nuôi thú y để tổ chức đánh giá về việc thực hiện VietGAHP của các hộ.

         Đã thực hiện 15 hợp đồng (đạt 125% so với kế hoạch), sản phẩm được tiêu thụ thông qua hợp đồng liên kết, giá bán ra cao hơn giá thị trường từ 500 – 1.000 đồng/kg, được các công ty, các siêu thị, nhà hàng, bếp ăn tập thể, trường học...trên địa bàn tỉnh, Hà Nội và các tỉnh thành lân cận.

         Trung tâm Khuyến nông các tỉnh tham gia dự án là đơn vị kết nối với giữa đơn vị thu mua và đơn vị sản xuất, có trách nhiệm theo dõi, hướng dẫn, giám sát các hộ chăn nuôi thực hiện đảm bảo quy trình VietGAHP, kiểm soát chất lượng sản phẩm thông qua việc kiểm soát chặt chẽ quá trình chăn nuôi từ khâu vệ sinh chuồng trại, nhập giống đến cho ăn và phòng trị bệnh để nâng cao chất lượng sản phẩm.

       Dự án đã thu hút nhiều hộ nông dân trong vùng dự án áp dụng chăn nuôi gà theo VietGAHP tăng lên rõ rệt (từ 10% lên 30%); nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo vệ sinh môi trường và sức khỏe cộng đồng, góp phần phát triển chăn nuôi an toàn và bền vững, đạt hiệu quả cao. Dự án có khả năng nhân rộng ra sản xuất đại trà.

        3. Đề xuất, kiến nghị

      Để tiếp tục nhân rộng mô hình chăn nuôi gà theo VietGAHP, bên cạnh việc tuyên truyền việc áp dụng quy trình đảm bảo các tiêu chí trong chăn nuôi theo Quyết định 2509/QĐ-BNN-CN ngày 26/6/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, rất cần có sự hỗ trợ chi phí cấp giấy chứng nhận VietGAHP, đăng ký chất lượng sản phẩm, hỗ trợ cho đơn vị liên kết tiêu thụ sản phẩm khâu giết mổ, sơ chế chế biến, bảo quản sản phẩm, đóng gói gắn tem truy suất nguồn gốc sản phẩm, công tác quảng bá xúc tiến thương mại sản phẩm ra thị trường, hình thành mô hình chuỗi kép kín từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.

         Việc xây dựng các mô hình liên kết của nhóm hộ nông dân, HTX từ sản xuất đến tiêu thụ qua theo dõi một số điểm mô hình cho thấy rất có hiệu quả cần được nhân rộng, đã góp phần giảm chi phí đầu vào giống, thức ăn, thuốc thú y; giá bán ổn định, cao hơn. Tuy nhiên, nông dân, nhóm hộ, HTX cần đào tạo nhằm nâng cao kiến thức trong tổ chức sản xuất, quản lý và tiêu thụ sản phẩm, tiếp cận, nắm bắt thông tin, thị trường nhằm chủ động hơn trong quá trình sản xuất.

Vũ Đức Hạnh - Phòng Chuyển giao kỹ thuật nông nghiệp

hoạt động khuyến nông Khác:

Đối tác/Liên kết
Trang chủ
Thống kê truy cập
  • Hôm nay: 7026
  • Hôm qua: 4854
  • Tuần này: 25060
  • Tuần trước: 28914
  • Tháng này: 291103
  • Tháng trước: 274746
  • Lượt truy cập: 2695940
0225.3541.398 
messenger icon