Hướng dẫn kỹ thuật trồng nho Hạ Đen

16:46:12 25/09/2023 Lượt xem 3926 Cỡ chữ

Model.C_Title
Mục lục

           I. Giới thiệu chung

         Cây nho (Vitis vinifera) thuộc họ nho (Ampelidaeae) có nguồn gốc ở vùng ôn đới ấm và khô châu Á và châu Âu, giữa vùng biển Đen và biển Caspian. Nho là một loại cây bụi lâu năm, có đặc trưng bởi các vòng xoắn - tua và mọc dài. Lá to, đối xứng, giống hình trái tim, hình dạng, kích thước và màu sắc của lá phụ thuộc vào giống nho. Quả nho mọc thành chùm từ 6 đến 300 quả, chúng có màu đen, lam, vàng, lục, đỏ tía hay trắng. Khi chín, quả nho có thể ăn tươi hoặc được sấy khô để làm nho khô, cũng như được dùng để sản xuất các loại rượu vang, thạch nho, nước quả, mật nho, dầu hạt nho.

        Giống nho Hạ Đen là giống nho nội địa của Trung Quốc được trồng nhiều tại vùng Quảng Tây, Hải Nam, Nam Ninh… Năm 2017 giống nho Hạ Đen được trồng thí nghiệm thành công ở Đại học Nông Lâm Bắc Giang và sau đó được nhân rộng ra nhiều vùng trên cả nước. Nho Hạ Đen là giống nho thích hợp trồng ở các tỉnh miền Bắc nước ta. Cây nho Hạ Đen cho quả tròn, sai quả, khi chín quả nho có màu đen, quả dày thịt, không có hạt, có mùi thơm dịu, độ ngọt cao.

           II. Đặc điểm thực vật học

          1. Thân: là cây thân thảo, dạng leo. Trên thân cây có tua cuốn ở vị trí đối diện lá được hình thành từ thân và cành. Tua cuốn giữ chức năng bám vào giàn leo giúp cây vững chắc.

          2. Lá: Cây nho có lá đơn, hình trái tim, xung quanh có nhiều khứa nhỏ hình răng cưa.

          3. Rễ: Rễ cây thuộc dạng rễ chùm, ăn sâu vào đất khoảng 30-60 cm và trải rộng quanh vùng tán cây.

          4. Hoa: Hoa lưỡng tính, mọc thành chùm trên các đốt cành, kích thước hoa nhỏ và có màu xanh nhạt.

         5. Quả: Quả có kích thước nhỏ, hình tròn, vỏ mỏng hơi dính vào thịt quả. Khi chín có màu tím thẫm, độ brix: 18-19. Quả không có hạt.

             III. Yêu cầu ngoại cảnh

            1. Đất trồng

          Cây nho Hạ Đen phù hợp trồng và sinh trưởng tốt trên những loại đất tơi xốp, giàu dinh dưỡng và thoát nước tốt, đất phù sa ven sông. Độ pH từ 6-7 là phù hợp nhất cho cây sinh trưởng tốt.

           2. Nhiệt độ

          Cây nho Hạ Đen thích hợp với nhiệt độ từ 25-300C

           3. Độ ẩm

           Cây nho Hạ Đen thích hợp với độ ẩm trung bình và thấp.

           4. Ánh sáng

          Nho Hạ Đen cũng giống với những loại nho khác, là loại cây ưa sáng, nên cần trồng nho Hạ đen tại những nơi có nhiều ánh sáng để quá trình phát triển của cây thuận lợi nhất.

           IV. Kỹ thuật trồng và chăm sóc

          1. Thời vụ

         Cây nho Hạ Đen có thể trồng quanh năm, nhưng thời vụ chính để trồng nho Hạ Đen là vụ Xuân (trồng tháng 2 - 3 dương lịch) và vụ Thu (trồng tháng 9 - 10 dương lịch).

          2. Nhân giống nho Hạ Đen

        Giống nho Hạ Đen được nhân giống theo phương pháp giâm cành. Cây giống phải cao từ 20-30cm mới đủ tiêu chuẩn. Cây khỏe mạnh, có đủ bộ rễ và không bị sâu bệnh.

          3. Kỹ thuật làm đất

         - Chọn đất cao ráo, thoát nước tốt. Đất trước khi trồng cần cày sâu, nhặt sạch cỏ dại. Đất cần làm kỹ, lên luống cao khoảng 30 cm, rộng khoảng 1,5m.

        - Đào hố trồng với kích thước 50cm x 50cm x 50cm (dài x rộng x sâu). Trước khi trồng từ 7 - 10 ngày tiến hành bón lót cho cây với lượng phân bón như sau: 3.000 kg phân hữu cơ vi sinh + 800 kg phân NPK 5.10.3 + 500 kg vôi bột (tính cho 1 ha) rồi lấp hố lại.

         4. Trồng cây con

         Khoảng cách trồng: 1m x 3m (cây cách cây 1m, hàng cách hàng 3m).

        Mật độ trồng: khoảng 3.000 cây/ha.

       Dùng dao hoặc kéo cắt túi bầu, bỏ túi bầu ra. Đào 1 lỗ ở chính giữa hố trồng, đặt cây xuống và lấp đất lại, cần vun kín đất xung quanh gốc và nén nhẹ. Chú ý cần trồng cây sao cho phần cổ rễ vừa bằng mặt luống. Các cây trên 2 luống gần nhau trồng so le. Nên trồng vào buổi sáng sớm hoặc chiều mát. Trồng xong cần tưới nhẹ giữ ẩm cho cây.

         Nho là dạng thân dây leo nên cần cắm cọc và làm giàn cho cây bám để phát triển.

         5. Làm cỏ, xới xáo

        - Làm sạch cỏ xung quanh gốc nho từ gốc ra 20-30cm. Dùng cuốc xới phá váng kết hợp làm cỏ. Ở sát gốc nho cần nhổ cỏ bằng tay, để vườn nho luôn thông thoáng và sạch cỏ dại.

         - Có thể sử dụng màng phủ nông nghiệp để hạn chế cỏ dại.

           6. Làm giàn

         - Cây nho Hạ đen là cây thân leo nên sau khi trồng cây, bà con cần cắm sẵn cọc và làm giàn để cây bám vào để phát triển. Làm giàn cho cây nho có thể sử dụng giàn gỗ hoặc giàn thép gai, giàn sắt. Hình dáng giàn có thể là hình chữ Y hoặc chữ T.

         - Làm giàn theo hình chữ T, các cột giàn được làm bằng bê tông, hoặc sắt, đầu cột có 2 thanh ngang để căng dây cho nho leo. Các tầng dây thép được buộc vào cột và các thanh ngang, mỗi thanh ngang được căng 3 dây cách đều nhau. Khoảng cách các dây ở tầng 1 là 20cm, khoảng cách các dây ở tầng 2 là 35cm và khoảng cách các dây ở tầng 3 là 60cm. Giàn có chiều cao khoảng 1,8m sẽ giúp cây phát triển tốt nhất. Giàn chữ T có ưu điểm thấp dễ dàng trong thực hiện các thao tác chăm sóc và thu hoạch, luống nho thông thoáng cho cây hấp thụ ánh sáng đầy đủ, hạn chế sâu bệnh.

        - Cây nho sau khi bám giàn leo và phát triển đến thời điểm nhất định. Chọn những ngọn cây khỏe mạnh nhất để buộc lên trên sào. Tiến hành cắt bỏ những cành yếu, cành nhỏ ở gần nách lá để giúp cho cây mọc và leo chắc chắn nhất.

           7. Mái che

          Nho Hạ Đen ưa thời tiết khô ráo, hạn chế mưa. Do đó, khi trồng bà con cần làm mái che bằng nilon trong suốt để che mưa cho cây, tránh cây bị táp lá, rụng hoa, rụng quả và giúp phòng trừ một số sâu bệnh hại cho cây.

          8. Bón phân

        Lượng phân bón và cách bón phụ thuộc vào từng thời kỳ sinh trưởng phát triển của cây, cụ thể như sau:

          8.1. Lượng bón (Tính cho 1 ha/năm)

TT

Loại phân bón

Đơn vị tính

Số lượng

I

Thời kỳ kiến thiết cơ bản (năm thứ nhất)

1

Phân NPK 5-10-3

Kg

800

2

Phân NPK 13-13-13

Kg

1.000

3

Phân hữu cơ vi sinh

Kg

3.000

4

Phân bón lá trung, vi lượng

Kg

20

5

Vôi bột

Kg

500

II

Thời kỳ kinh doanh (năm thứ 2 trở đi)

1

Phân NPK 13-13-13

Kg

1.600

2

Phân hữu cơ vi sinh

Kg

3.000

3

Phân bón lá trung, vi lượng

Kg

25

          8.2. Cách bón

         * Thời kỳ kiến thiết cơ bản (năm thứ nhất):

         - Bón lót toàn bộ lượng phân hữu cơ vi sinh, phân NPK 5-10-3 và vôi bột vào hố trồng trước khi trồng cây 7 - 10 ngày.

        - Lượng phân bón còn lại được chia đều cho 4 lần bón, mỗi lần cách nhau 2 tháng. Khi bón phân cho cây, bón quanh gốc kết hợp với xới xáo, làm cỏ. Thời gian đầu bón cách gốc cây 20cm, các lần tiếp theo bón xa dần. Khi bón cần xới nhẹ, rải đều phân và lấp đất kín phân, bón phân xong cần tưới nước ngay cho cây.

         - Với lượng phân bón lá trung, vi lượng phun xen kẽ trong cả năm. Tùy từng thời kỳ của cây sẽ quyết định sử dụng loại phân bón lá phù hợp để bổ sung dinh dưỡng cho cây nho.

           * Thời kỳ kinh doanh (năm thứ 2 trở đi):

           - Bón đợt 1: Bón sau thu hoạch vụ trước, sử dụng 100% phân hữu cơ vi sinh, 200 kg phân NPK 13-13-13.

           - Bón đợt 2: Bón trước khi cây ra hoa; sử dụng 200 kg phân NPK 13-13-13.

            - Bón đợt 3: Bón nuôi quả (sau khi đậu quả), sử dụng 200 kg phân NPK 13-13-13.

            - Bón đợt 4: Bón nuôi quả (sau đậu quả khoảng 60 ngày), sử dụng 200 kg phân NPK 13-13-13.

            - Bón đợt 5: Bón ngay sau khi thu hoạch, sử dụng 200 kg phân NPK 13-13-13.

             - Bón đợt 6: Bón trước khi cây ra hoa lần 2; sử dụng 200 kg phân NPK 13-13-13.

              - Bón đợt 7: Bón nuôi quả lần 2 (sau khi đậu quả), sử dụng 200 kg phân NPK 13-13-13.

               - Bón đợt 8: Bón nuôi quả lần 2 (sau đậu quả khoảng 60 ngày), sử dụng 200 kg phân NPK 13-13-13.

                - Cách bón: Xới nhẹ xung quanh gốc cây, rải phân và nấp kín, sau đó tưới nước cho phân dễ tan.

               - Vào các giai đoạn trước khi cây trổ hoa, sau khi đậu quả và khi quả lớn có thể sử dụng thêm một số loại phân bón trung, vi lượng có hàm lượng Canxi, Kali cao như Canxibore, KNO3, MKP… để phun cho cây giúp tăng dinh dưỡng cho cây, tăng khả năng đậu quả và chất lượng của quả nho.

                9. Tưới nước

            - Nho Hạ Đen mới trồng cần phủ gốc giữ ẩm cho cây, tưới thường xuyên 2 ngày/lần (không tưới quá nhiều nước sẽ gây thối gốc).

           - Khi cây đã sinh trưởng và phát triển ổn định, vào các tháng mùa khô, tưới định kỳ 3 - 5 ngày/lần, tưới đủ ẩm cho gốc cây; nếu có hệ thống tưới nhỏ giọt thời gian tưới 20 - 30 phút.

           - Thời điểm sau thu hoạch cần tưới nước đảm bảo độ ẩm 70 - 80% để tạo điều kiện cho nhánh phát triển vào thời điểm bắt đầu xuất hiện nụ, ra hoa đậu quả và quả non phát triển.

           - Trước khi thu hoạch khoảng 15 ngày thì giảm lượng nước tưới cho cây để đảm bảo chất lượng quả.

           10. Tỉa cành, tỉa hoa, tỉa quả

           10.1. Tỉa cành

          Cây nho Hạ Đen sau khi trồng cần thường xuyên cắt tỉa những cành nhánh, khi cây cao khoảng 1m tiến hành bấm ngọn cho cây. Sau khi bấm ngọn, từ thân chính mọc ra các cành cấp 1, bà con lựa chọn 2 cành cấp 1 khỏe rồi uốn về 2 hướng đối nhau và vuông góc với thân chính. Khi các cành cấp 1 này ra được 5-6 lá thì tiếp tục bấm ngọn để tạo các cành cấp 2. Trong quá trình cắt tỉa, tạo cành cho cây, cần lưu ý thường xuyên loại bỏ những cành yếu. Mật độ cành cần duy trì 10 cành/m2. Nên tiến hành buộc cành khi cành ra mầm mới và ra hoa. Đồng thời loại bỏ các tua cuốn, chồi nách để hạn chế chiều cao, và tập trung chất dinh dưỡng nuôi hoa và quả.

         10.2. Tỉa hoa

        Khi hoa bắt đầu nở, bà con tiến hành tỉa hoa. Chỉ để lại 1 chùm hoa trên mỗi cành. Mỗi chùm hoa tỉa các nhánh ngọn và 1-2 nhánh gốc, mỗi chùm chỉ để lại 12-15 nhánh hoa.

          10.3. Tỉa quả

        Tiến hành tỉa quả khi quả có đường kính khoảng 0,5-1cm, mỗi chùm chỉ nên để từ 60-70 quả. Việc này nhằm tạo sự thông thoáng để quả phát triển và tạo hình dáng cho chùm quả.

         11. Bao quả

       Tiến hành bao quả khi các chùm nho bắt đầu chuyển màu. Việc bao quả sẽ giúp tránh ánh sáng trực tiếp từ môi trường và ngăn các côn trùng gây hại đến quả nho.

           IV. Phòng trừ sâu bệnh hại

          1. Bọ trĩ

         - Triệu chứng: Bọ trĩ chích hút nhựa làm đọt chùn lại, lá vàng, hoa rụng.

      - Phòng trừ: Sử dụng các thuốc trừ sâu hóa học như: Agromectin 1.8EC; Aremec 45EC; Azimex 40EC; Shertin 5.0EC… phun theo liều lượng khuyến cáo.

          2. Sâu xanh da láng

        - Triệu chứng: Sâu non có màu xanh lá cây, xanh nhạt đôi khi có nhiều sọc đen trên thân. Nhân dạng dễ là sâu thấy bên dưới mặt lá nho có các ổ trứng phủ một lớp lông trắng, sâu non mới nở cắn phá tập trung xung quanh ổ trứng, làm nát lá. Sâu lớn hơn tuổi 3 phá mầm non, hoa.

         - Phòng trừ: Ngắt ổ trứng trên lá, sâu mới nở ngắt bằng tay vào buổi sáng sớm, chiều mát. Sử dụng các thuốc hóa học sau: Sherpa 25EC; Dupont prevathon 5SC, Reasgant 3.6EC … phun theo liều lượng khuyến cáo.

        3. Nhện đỏ

       - Triệu chứng: Nhện rất nhỏ, màu hồng, bám mặt dưới lá chích hút nhựa làm lá vàng, rụng hoa dẫn đến ảnh hưởng lớn đến năng suất.

       - Phòng trừ: Dùng các thuốc hoa học: Commite 73EC, Pegasus 500SC; Danitol S 50EC; Ortus 5SC…phun theo liều lượng khuyến cáo

          4. Rệp sáp

       - Triệu chứng: Thân rệp có phủ một láp sáp như bông, vì vậy nông dân thường gọi là rầy bông. Rệp phá hoại hầu hết các bộ phận của cây, chúng hút nhựa làm cây suy yếu, chồi nho bị co cúm lại, giảm khả năng ra hoa và giảm chất lượng quả.

      - Phòng trừ: Vườn nho thường bị rệp sáp cần phải rửa cành kĩ sau khi cắt cành. Có thể phòng trừ bằng các loại thuốc như: Mopride 20WP; Jojotino 350WP; Asian Gold 500SC… phun theo liều lượng khuyến cáo.

         5. Bệnh mốc sương

         - Do nấm Plasmopara viticola gây ra

        - Triệu chứng: Trên lá của cây ở mặt trên sẽ bắt đầu xuất hiện những vệt màu xanh - vàng, sau chuyển sang màu nâu và mọc lên lớp mốc trắng. Ở mặt dưới của lá lúc này tơ nấm phát triển thành một mảng mỏng, có màu trắng, lông tơ, mốc sương. Bệnh làm cho lá bị cháy khô từng mảng, hoa bị thối và quả phát triển chậm, bị rụng hoặc chín ép.

         - Phòng trừ: Làm tốt công tác vệ sinh đồng ruộng, tiêu thoát nước vườn nho kịp thời, duy trì mật độ cành thích hợp và bón phân đầy đủ, cân đối. Sử dụng các thuốc trừ sâu hóa học như: Amtech 100EW; Kozuma 3SL; Xanized 72WP… phun theo liều lượng khuyến cáo.

          6. Bệnh phấn trắng

         - Do nấm Uncinula necator gây ra

         - Triệu chứng: Cành và lá xuất hiện các đốm mốc màu xám tro, các bào tử nấm có vết màu trắng hơi xám xuất hiện rõ trên quả. Khi tiến hành chùi lớp bào tử nấm bên ngoài đi sẽ lộ rõ ở phía trong có vết bệnh màu xám tro. Dẫn đến quả nho bị nứt, hỏng phải tỉa bỏ, dẫn đến năng suất, chất lượng bị giảm.

         - Phòng trừ: Sử dụng các thuốc trừ sâu hóa học như: Alpine 80WDG; Mexyl MZ 72WP; Anvil 5SC… phun theo liều lượng khuyến cáo.

         7. Bệnh rỉ sắt

         - Do nấm Pysopella vitis gây ra

        - Triệu chứng: nấm bệnh màu vàng rỉ sét, gây hại chủ yếu trên lá già và lá bánh tẻ, vì thế thường thấy nấm xuất hiện vào cuối vụ trong các tháng mưa nhiều, nấm có thể làm tàn lụi bộ lá trước khi cắt cành, việc giảm diện tích quang hợp ảnh hưởng đến năng suất vụ sau.

        - Phòng trừ: Phun thuốc sớm khi thấy có vết bệnh bằng các loại thuốc như: Anvil 5SC; Antracol 75WP… phun theo liều lượng khuyến cáo.

         8. Bệnh thán thư

        - Do nấm Elsinoe ampelina và nấm Collectotrichum gloeosporioides gây ra

       - Triệu chứng: Trên lá thường сó những vết bệnh màu vàng nâu, ngọn co dúm lại, cành xuất hiện nhứng lõm khô màu nâu. Thường xuất hiện nhіều vào mùa mưa và khi trời có sương mù vào ban đêm.

        - Phòng trừ: chú ý các biện pháp tổng hợp như vệ sinh đồng ruộng, tiêu thoát nước kịp thời, bón phân hợp lý, tạo giàn nho thông thoáng và duy trì mật độ cành hợp lý. Có thể dùng các loại thuốc như sau: Score 250 ΕC; Anvil 5SС… phun theo liều lượng khuyến cáo.

          9. Bệnh nấm cuống

        - Do nấm Diplodia sp gây ra

         - Triệu chứng: Bệnh thường phát sinh vào những tháng mưa nhiều. Nấm tấn công vào cuống chùm làm hoa, quả bị khô, giảm năng suất và phẩm chất.

        - Phòng trừ: Khi phát hiện bệnh cần kịp thời ngắt bỏ các phần bị bệnh để tránh lây lan. Có thể phun ngừa bệnh bằng các loại thuốc như: Bayfidan 250EC; Topsin M 70 WP; Manozeb 80WP… phun theo liều lượng khuyến cáo.

          V. Thu hoạch và bảo quản

           1. Thu hoạch

         - Sau 15 tháng trồng cây sẽ cho thu hoạch. Từ lúc ra hoa đến khi thu hoạch khoảng 100 ngày. Quả nho Hạ Đen khi chín cuống chùm hóa gỗ, vỏ quả chuyển sang màu đen thẫm và có phấn trắng. Khi ăn có mùi thơm, vị ngọt.

        - Mỗi chùm nho có trọng lượng trung bình khoảng 500 gram. Nên thu hoạch nho vào sáng sớm hoặc chiều mát. Năng suất vụ đầu thường từ 5,6-6,9 tấn/ha, các vụ sau sẽ cho năng suất cao hơn.

         2. Bảo quản

       Cắt cuống chùm nho và xếp nhẹ nhàng trong hộp, tránh làm dập nát. Bảo quản nho tại nơi râm mát hoặc trong phòng lạnh với nhiệt độ từ 6-9 độ C. Nếu bảo quản nho ngoài tự nhiên thì thời gian sử dụng thường từ 10-15 ngày.

Ks. Lương Phú Tùng - Phòng CGKT NN

Đối tác/Liên kết
Trang chủ
Thống kê truy cập
  • Hôm nay: 2777
  • Hôm qua: 4522
  • Tuần này: 29866
  • Tuần trước: 29296
  • Tháng này: 271353
  • Tháng trước: 306531
  • Lượt truy cập: 2839414
0225.3541.398 
messenger icon