Hướng dẫn kỹ thuật trồng Na theo quy trình VIETGAP tại Hải Phòng

09:44:15 07/06/2022 Lượt xem 6108 Cỡ chữ

Model.C_Title
Mục lục

I. KỸ THUẬT SẢN XUẤT

1. Giống

- Sử dụng giống có nguồn gốc rõ ràng, giống có trong danh mục giống cây trồng được phép sản xuất, kinh doanh do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành hoặc giống địa phương, giống cây trồng bản địa đã được sản xuất, tiêu dùng, không gây độc cho người.

- Các giống Na hiện nay:

+ Na bở: có đặc điểm trái to, mẫu đẹp và nhiều thịt. Mỗi quả nặng từ 0,3-0,4kg/quả.

+ Na dai: vỏ mềm, màu xanh, thịt trắng lại ít hạt. Thêm vào đó, na dai được ưa chuộng hơn bởi mùi thơm và vị ngọt sắc nổi bật hơn so với na bở.

+ Na tím: quả na tím khi chín có màu tím đậm hơn, có lớp vỏ khá dày bên trpng thịt quả khá bùi, ăn có vị thơm và ngọt hơn na truyền thống, trọng lượng trung bình có thể từ 0,4-0,5kg/quả.

+ Na Đài loan: na dai Đài Loan có hình trái tim, quả to gấp 3-4 lần na Việt Nam. Vỏ quả mỏng, màu xanh nhạt, khi chín có màu trắng sữa, thịt nhiều, chắc và ít hạt, có vị ngọt đậm, rất thơm. Na dai Đài Loan thường nặng từ 0,6-1kg/quả.

+ Na Thái Lan: trung bình mỗi quả na Thái Lan nặng 0,5-0,7kg, có quả lên đến hơn 1kg. Giống na này được nhiều người ưa chuộng bởi có vị ngọt và ít hạt.

+ Na nữ hoàng: na Nữ Hoàng có xuất xứ từ Đồng Nai, trung bình một quả có thể nặng đến hơn 1kg.

2. Thời vụ

- Vụ Xuân: Vào tháng 2-3 trước khi nẩy lộc là thời vụ trồng tốt nhất đối với các tỉnh miền Bắc.

- Vụ Hè: Vào tháng 5-6 khi cành lá đã chuyển màu lục ổn định.

3. Kỹ thuật nhân giống

3.1 Nhân giống bằng hạt

- Vào giữa vụ chọn cây mẹ năng suất cao chất lượng tốt, đã cho thu 4-5 vụ quả ổn định.

- Chọn quả mắt to, tròn đều, trọng lượng quả 200-300g/quả, để chín kỹ. Thu lấy hạt cho vào rổ mắt nhỏ, dùng tro bếp, cát to xát bỏ hết thịt quả, đãi sạch, phơi khô trong nắng nhẹ 20-300C(không phơi vào buổi trưa nắng to), 15-20 ngày sau đem ngâm hạt.

- Ngâm hạt trong nước sạch  12-24 giờ, đãi sạch, ủ hạt trong cát ẩm. 15-20 ngày sau hạt nứt nanh, cho vào bầu nilon kích thước 5x20cm; chất độn bầu gồm 70% đất bùn ải khô đập vụn +29% phân chuồng mục+ 1% supe lân, hạt đặt sâu 2-3cm. Xếp bầu thành luống, làm giàn che mưa, nắng, sương lạnh.

- Tiêu chuẩn cây con xuất vườn: Cây con 2-3 tháng tuổi cao 20-25cm, có 5-6 lá thật, thân mập.

3.2 Nhân giống vô tính (ghép mắt, ghép cành)

- Gốc ghép dùng cây gieo bằng hạt của nó hoặc mãng cầu xiêm, bình bát. Khi đường kính cây đạt 0,8-1cm có thể tiến hành ghép.

- Mắt ghét lấy trên cành đã rụng lá. Nếu gỗ đủ già mà lá chưa rụng thì cắt phiến lá để lại cuống, 2 tuần sau cuống sẽ rụng và có thể lấy mắt ghép.

4. Làm đất, trồng cây

- Vùng trồng: Cách ly với khu vực có chất thải công nghiệp và bệnh viện ít nhất 2km, với chất thải sinh hoạt thành phố ít nhất 200m.

- Cây na được trồng trên nhiều loại đất nhưng thích hợp nhất là đất đồi, đất có PH từ 5,5 - 7 vì cây na chịu hạn tốt. Trước khi trồng 1 tháng cần đào hố và bón lót cho đất.

- Mật độ trồng thích hợp là 4x4m có thể trồng với mật độ dầy là  3x3m. cây trồng ở giữa hố, bầu đặt ngang với mặt đất (Không trồng sâu gây nghẹt rễ, sinh trưởng kém), tưới nước, ấn cho chặt gốc, duy trì độ ẩm 70-80%.

5. Phân bón và chất phụ gia

- Chỉ sử dụng phân bón có nguồn gốc rõ ràng và  được phép sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam.

- Không sử dụng phân hữu cơ chưa xử lý (phân tươi, chưa hoai mục), trường hợp tự sản xuất phân hữu cơ, phải thực hành đúng phương pháp, đảm bảo đủ thời gian.

- Cần tuân thủ quy trình bón phân cho từng loại cây trồng cụ thể (cách bón, liều lượng ...).

- Nơi cất giữ, chứa phân bón phải đảm bảo không gây ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động và chất lượng sản phẩm cây trồng

- Ghi chép nhật ký và lưu giữ hồ sơ sản xuất: Nhật ký thực hành sản xuất, nhật ký mua vật tư nông nghiệp, nhật ký quản lý đầu vào của sản xuất.

*  Lượng bón và phương pháp bón phân:

a. Lượng phân cho cây từ 1-3 năm tuổi

- Sử dụng phân đơn

Loại phân ĐVT Năm 1 Năm 2 Năm 3
Phân vi sinh Kg/ha 3.000 3.000 3.000
Đạm ure Kg/ha 320 320 400
Lân supe Kg/ha 400 400 800
Kali clorua Kg/ha 240 240 320
Vôi bột Kg/ha 30 30 30

- Sử dụng phân NPK

Loại phân ĐVT Năm 1 Năm 2 Năm 3
Phân vi sinh Kg/ha 3.000 3.000 3.000
NPK lót 5.10.3 Kg/ha 700-850 700-850 700-850
NPK thúc 13.13.13 Kg/ha 500-800 800-1.200 1.200-3.000
Vôi bột Kg/ha 30 30 30

b. Cách bón

- Có thể cuốc rãnh xung quanh tán. Nếu bón thúc thì cuốc nông 10cm, bón lót cuốc sâu 20cm, bón xong lấp đất.

- Các đợt bón và lượng bón như sau:

+ Bón đợt 1: Từ tháng 9 – tháng 11: 100% phân vi sinh + 100% Lân Supe + 30% Kali clorua (Đối với lượng NPK là 100% phân vi sinh + NPK lót 5.10.3)

+ Bón đợt 2 (đón lộc): Từ tháng 6 – 7: 50% Đạm ure + 30% Kali clorua (Đối với lượng NPK là 50% NPK thúc 13.13.13)

+  Bón đợt 3 (nuôi cành): Từ tháng 2 – 3: 50% Đạm ure + 30% Kali clorua (Đối với lượng NPK là 50% NPK thúc 13.13.13)

6. Kỹ thuật chăm sóc và tưới nước

6.1 Tưới nước

- Tưới nước: có thể sử dụng nước mặt (hồ, ao, sông) hoặc nước ngầm (nước giếng khoan) để tưới; Không sử dụng nước thải công nghiệp, nước thải từ các bệnh viện, khu dân cư tập trung, trang trại chăn nuôi, lò giết mổ gia súc chưa qua xử lý đạt tiêu chuẩn để tưới trực tiếp.

- Trong vòng 1 tháng sau khi trồng nếu không mưa thì mỗi tuần tưới nước 1 lần. Nếu nước đầy đủ cây sẽ cho nhiều quả, hạn chế rụng quả, phẩm chất quả tốt

 6.2 Kỹ thuật tỉa cành tuốt lá

Cây na trồng sau 2-3 năm cho quả. Nếu được chăm sóc tốt năng suất ngày càng cao và sẽ kéo dài thời gian cho quả, cùng với việc bón phân tưới nước đầy đủ, cắt tỉa là biện pháp kỹ thuật để góp phần khắc phục hiện tượng chóng tàn của cây làm cho cây khoẻ, trẻ, hạn chế được sâu bệnh hại, sai quả, quả to, phẩm chất thơm ngon, tạo tán cây không cao dễ chăm sóc thu hoạch. Hàng năm cần tiến hành cắt tỉa cho đến khi cây già không thể cho quả được nữa mới chặt bỏ và trồng mới.

- Với cây chưa cho quả: chủ yếu là tạo hình cho khung cành vững chắc, cân đối hấp thụ được nhiều ánh sáng. Khung tán cấu tạo và cắt tỉa theo hình tháp, hay theo hình bán cầu. Tạo hình làm sao cho khung tán thấp dễ chăm sóc và thu hái sau này.

- Với cây đang thời kỳ cho quả và cho năng suất cao: tỉa bỏ những cành sâu bệnh, cành mọc yếu, cắt cành vượt, tạo cho cây thông thoáng.

+ Cành cấp 1: Chọn 3 - 4 cành khỏe, thẳng mọc từ thân chính và phát triển theo 3 – 4 hướng tương đối đồng đều.

+ Cành cấp 2: chọn những cành bánh tẻ tạo thành tán rộng.

+ Đợt lộc 2: Phát triển trên đợt lộc 1, cách thân chính 15 - 30 cm và cảnh này cách cành khác 20 - 25 cm chọn 2-3 cành làm đợt lộc 2.

+ Đợt lộc 3: Phát triển trên đợt lộc 2 đã định hình, không hạn chế về số lượng và chiều dài nhưng cần loại bỏ các chỗ cảnh mọc quá dày hoặc quá yếu. Sau 3 năm cây sẽ có bộ tán cân đối, thuận lợi trong chăm sóc, phòng ngừa sâu bệnh và thu hoạch. 

- Với cây đã già: Có thể làm trẻ hóa cây bằng cách cưa gốc, trừ lại cách mặt đất khoảng 50-60 cm. Sau đó bón phân tưới nước để cho cây mọc cành mới. Trong số những cành mới mọc chỉ nên giữ lại 2-3 cành chính để sau này phát triển thành khung tán mới của cây.

- Phương pháp tỉa cành tuốt lá: Dùng dao hay kéo sắc, đốn vật 450. Tiến hành tia những cảnh la, cảnh vóng, cảnh tăm hương, cành bị sâu bệnh, cảnh vượt (cảnh tược) trong tán. Sau khi cây na ra lộc thành thục tiến hành cắt tia cành thêm 1 lần nữa, loại bỏ bớt những cảnh tăm, cảnh sâu, bệnh, cảnh gối nhau, giúp cho cây tập trung dinh dưỡng phân hóa mầm hoa thuận lợi.

- Thời gian tỉa cành tuốt lá: Thời gian tỉa cành tuốt lá vào thời điểm ngủ nghỉ của cây thường là mùa đông (cuối tháng 12 năm trước đến tháng 2 năm sau). Có thể áp dụng biện pháp phun thuốc rụng lá xong tiến hành tỉa cành. Trường hợp không xử lý hóa chất rụng lá thì sau khi tỉa cành cần tuốt những lá còn sót lại trên cành. Sau tỉa cành tuốt lá kết hợp với bón phân lần 1 (bón đón lộc).

6.3 Kỹ thuật thụ phấn bổ sung

Trung bình 1 cây na 5-6 năm tuổi có khoảng 800-1200 hoa/cây nhưng chỉ 200-300 hoa được thu phấn trong thời gian khoảng 1 tháng. Hoa được thụ phấn khoảng một tuần sẽ hình thành quả non, do được thụ phấn tập trung nên quả tròn to, cân đối, không méo mó, hình thức mẫu mã đẹp, thời gian thu hoạch tập trung nên rất thuận lợi cho việc chăm sóc bón phân để nuôi quả.

- Cách lấy phấn hoa: Chọn ngày nắng ráo, hái những hoa ở gần ngọn, đầu cành nhỏ (thường những hoa này không đậu quả) để lấy phấn. Chọn hái những hoa sắp nở  cánh đã dài, màu trắng vàng, các cánh đã bắt đầu tách khỏi nhau, nhị đực đã bắt đầu chuyển sang màu trắng kem, bao phấn sắp nứt. Thời gian hái hoa tốt nhất là vào buổi chiều từ 3 đến 6 giờ. Hái xong cho hoa vào túi giấy đạy kín, để qua đêm cho hoa nở và phấn chín hoàn toàn. Sáng hôm sau đổ hoa ra đĩa khô, sạch, bỏ hết canhs hoa, rũ cho hạt phấn rơi ra, thu gom cho vào lọ thủy tinh hoặc đĩa petri có phủ vải lên trên để giũ ẩm rồi đem đi thụ phấn cho na.

- Cách thụ phấn: Thời gian thụ phấn tốt nhất là từ 8-10 giờ sáng, hoa nào nở trước thụ phấn trước, hoa nở sau tiếp tục thụ phấn.

Khoảng 3-4 ngày thụ phấn 1 lần cho 1 cây và cả thời điểm ra hoa cũng chỉ thụ phấn 8-10 lần/cây khi ra nhiều hoa nhất.

- Phun chế phẩm đậu quả: Chọn ngày nắng ráo, quả non ra được 10 ngày, tiến hành phun thuốc, đúng liều lượng quy định, nên phun vào chiều tối, nếu phun thuốc xong khi gặp trời mưa thì phải phun lại.

6.4 Làm cỏ xới xáo

Trong vườn na có thể làm cỏ xới xáo 3 lần vào các tháng 2-3, tháng 7-8 và tháng 11-12. Thời gian ra hoa đậu quả và phát triển không nên cày xới để tránh rụng quả.

7. Phòng trừ sâu bệnh

7.1.  Biện pháp canh tác, thủ công, sinh học

- Áp dụng phương pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cơ sở áp dụng tổng hợp các biện pháp kỹ thuật (sử dụng giống kháng/giống chống chịu, bón phân cân đối, thời vụ hợp lý, luân canh, xen canh cây trồng, áp dụng các biện pháp thay thế hóa chất,…) để ngăn cản sự phát sinh, phát triển của dịch hại; hạn chế tối đa sử dụng hóa chất nông nghiệp để bảo vệ quần thể thiên địch và giảm thiểu rủi ro đối với sức khỏe con người và môi trường.

- Vệ sinh đồng ruộng: Làm sạch cỏ, vơ tỉa lá già, loại bỏ lá bị sâu bệnh tiêu hủy hạn chế sâu bệnh.

- Luân canh cây trồng: Áp dụng các biện pháp luân canh với cây lúa nước, cây khác họ nhằm hạn chế nguồn sâu bệnh gây hại.

- Dùng biện pháp thủ công: ngắt ổ trứng, bắt diệt sâu non khi mật độ sâu thấp (áp dụng với sâu khoang, sâu xanh bướm trắng). 

- Cần sử dụng luân phiên các loại thuốc có hoạt chất khác nhau để tránh sâu nhanh quen thuốc. Tuân thủ nghiêm ngặt nồng độ, thời gian cách ly của từng loại thuốc trước khi thu hoạch theo đúng hướng dẫn của đơn vị sản xuất ghi trên bao bì.

- Người sản xuất phải nắm vững kỹ thuật sử dụng thuốc theo nguyên tắc “4 đúng”: đúng thuốc, đúng nồng độ liều lượng, đúng lúc và đúng cách. 

- Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng để phát hiện sâu bệnh hại và thực hiện theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật và các cơ quan chuyên môn. 

7.2 Một số sâu, bệnh hại chính và cách phòng trừ

a. Mối hại gốc

- Đặc điểm gây hại: Cây đang xanh tốt, lá úa vàng

- Biện pháp phòng trừ: Làm sạch gốc na: Thường xuyên giữ gốc thoáng sạch, không ủ bằng rơm, rạ, thân lá để tránh mối hại rễ. Dùng thuốc Vibasu 10H lượng 1-1,2 kg/sào Bắc bộ (360m2) trộn đều với đất, phân theo rạch hay hốc.

b. Rệp sáp phấn

- Đặc điểm gây hại:

Trưởng thành cơ thể phủ đầy chất sáp màu trắng. Con cái bám chặt vào bộ phận non của cây hút nhựa và đẻ hàng trăm trứng li ti ở bụng. Khi mới nở sâu non bám dính ở một chỗ (mặt dưới của những lá non) để chúng hút nhựa cây cho đến khi trưởng thành.

Rệp gây hại cả trên lá và quả na, làm cho lá bị quăn, quả bị chai không phát triển được. Nếu rệp có mật độ cao, chúng bao phủ cả bề mặt của quả làm cho quả non bị rụng hoặc bị khô tóp lại đeo bám trên cây. Nếu bị nhẹ quả vẫn phát triển, khi chín thịt quả nhạt, có mùi hôi, phẩm chất kém. Khi chích hút quả na, rệp sáp tiết ra chất mật ngọt tạo điều kiện cho nấm bồ hóng phát triển làm giảm mẫu mã quả. Rệp sáp phấn xuất hiện quanh năm trên các vườn na, gây hại nặng vào mùa nắng.

- Biện pháp phòng trừ

+ Sau khi thu hoạch, tỉa cành làm cho vườn thật thông thoáng đồng thời loại bỏ cành đã bị nhiễm rệp sáp.

+  Khi mật độ rệp cao, có thể sử dụng các loại thuốc trừ sâu ít gây hại cho thiên địch như: Sheba 50 EW, Actara 25WG, Movento 150OD,... Nên phun 2 lần liên tiếp cách nhau 7-10 ngày để bảo đảm diệt sạch rệp sáp. Chú ý đảm bảo thời gian cách ly.

+ Có thể các loại thuốc trên cộng với dầu khoáng để phun trừ, có tác dụng vít các lỗ khí thở, tăng khả năng hô hấp và thuốc dễ xâm nhập vào cơ thể côn trùng.

c. Sâu đục quả (Anonaepestis bengalella)

- Họ: Pyralidae; Bộ: Lepidoptera

- Đặc điểm hình thái và gây hại

Trưởng thành thân mình có mầu nâu xám, cánh trước có mầu xanh ánh kim. Sâu non có mầu đen. Nhộng lúc đầu có mầu vàng nâu, sau đó chuyển sang nâu đen, sâu thường hóa nhộng bên trong quả.

Để gây hại, trưởng thành đẻ trứng trên các vết nứt của quả ngay khi quả còn rất nhỏ. Sâu non nở ra đục vào bên trong phần thịt quả, triệu chứng dễ nhận diện do bề mặt của quả bị hại thường có nhiều phân mầu đen bị kết dính lại, sâu hóa nhộng trong kén mỏng ngay bên ngoài quả. Thường một quả có nhiều sâu gây hại cùng một lúc.

- Biện pháp phòng trừ:

 Thu gom, tiêu hủy tàn dư thực vật, quả bị sâu hại; Từ khi cây na có quả non trở đi thường xuyên kiểm tra để phát hiện sớm những quả bị sâu phá hại, kịp thời thu gom quả bị hại đem chôn hoặc đốt để hạn chế mật độ sâu ở những đợt tiếp theo. Xử lý hóa chất: Xử lý vào thời điểm sâu non nở rộ và chưa kịp đục, chui vào bên trong quả thì hiệu quả phòng trừ mới cao Phòng chống bằng thuốc Takumi 20SC, Monster 40EC, Pesieu 500SC, ... Chú ý phun vào quả chứ không phun tràn lan cả vườn để tiết kiệm thuốc, duy trì được quần thể thiên địch trong vườn.

d. Nhện đỏ:

- Đặc điểm gây hại:Nhện đỏ làm úa vàng, rụng lá, quả

- Biện pháp phòng trừ: Dùng thuốc Pegasus 500EC, Pesieu 500SC, Ortus 5SC…phun trừ

e. Bệnh thán thư

- Triệu chứng bệnh: Bệnh gây hại tất cả các bộ phận trên mặt đất của cây.

+ Trên lá: Lá na non dễ mẫn cảm với bệnh hơn lá già. Vết bệnh đầu tiên là các đốm đen nhỏ, sau đó vết bệnh mở rộng và liên kết thành mảng không định hình màu vàng nâu tối. Các vết bệnh điển hình có tâm màu nâu vàng nhạt bao quanh là một viền màu nâu đen hoặc nâu sẫm, ngoài cùng có quầng màu xanh vàng nhạt. Trong điều kiện ẩm ướt vết bệnh hình thành những khối màu hồng gạch theo vòng đồng tâm, ở phần bị hại có màu nâu. Khi ẩm độ không khí thấp vết bệnh khô, màu nâu, rạn nứt và thủng.

+ Trên hoa và quả: Vết bệnh là những đốm nhỏ, không đều, màu đen ở trên cả trục và cánh hoa, quả. Vết bệnh ban đầu là vết đốm đen nhỏ sau lan rộng thành các vết bệnh lớn, hình dạng không đều, màu nâu đậm tới màu đen, mô bệnh không có ranh giới rõ rệt với mô khỏe. Hoa, quả non bị bệnh bị khô đen và rụng, quả lớn bị khô đen một phần.

+ Trên thân cành: Bệnh hại chủ yếu trên các cành non mới ra. Ban đầu các vết đốm vàng nâu, nỏ sau đó liên kết lại với nhau tạo thành vết bệnh có màu nâu tối gặp điều kiện ẩm ướt, các vết bệnh mở rộng, khi gặp trời khô vết bệnh bao bọc quanh thân cành làm cành khô héo.

+ Bệnh do nấm gây ra, bào tử nấm nảy mầm đòi hỏi ẩm độ gần 100%, tuy nhiên bệnh vẫn có thể xuất hiện ở điều kiện khô hơn khi bào tử hoặc sợi nấm tiềm sinh xâm nhập trên mô bị tổn thương và mô già. Bệnh phát triển mạnh khi có ẩm độ và nhiệt độ cao. Nấm có thể sinh trưởng ở nhiệt độ 40C, nhưng tối thích là 25 - 290C

- Biện pháp phòng trừ

+ Cắt lá, tỉa cành tạo cho vườn na thông thoáng nhằm hạn chế sự phát triển và lây lan của bệnh

+ Sau khi thu hoạch na cần dọn sạch tàn dư thực vật trong vườn, trong điều kiện thời tiết ẩm ướt đặc biệt tránh gây tổn thương đến cây.

+ Phun ngừa khi quả còn non đến trước khi thu hoạch 15 ngày. Phun định kỳ 1 tháng 1 lần, có thể sử dụng các loại thuốc như: Amistar 250SC, Antracol 70WP, Daconil 500SC, Kaisai 21.2WP… Chú ý đảm bảo thời gian cách ly theo hướng dẫn trên bao bì.

e. Bệnh vàng lá thối rễ

- Đặc điểm gây hại: Do nấm Fusarium solani gây ra. Cây bị bệnh có biểu hiện sinh trưởng kém dần, lá vàng và rụng, quả ít và nhỏ. Nấm sống trong đất phá hoại bộ rễ, hạn chế sự hấp thu nước và chất dinh dưỡng cung cấp cho cây. Bị hại nặng lâu ngày bộ rễ có thể bị hư hại hoàn toàn làm cây bị chết.

- Biện pháp phòng trừ

+ Thoát nước cho vườn na, không để nước đọng trong mùa mưa. Hàng năm bón bổ sung vôi và dùng thuốc Boocđô hoặc các loại thuốc gốc đồng tưới vào gốc na 2-3 lần cũng hạn chế được bệnh.

+ Khi xuất hiện bệnh có thể sử dụng các loại thuốc như Amistar 250SC, Antracol 70WP, Daconil 500SC, Kaisai 21.2WP…  để tưới, pha theo tỷ lệ 3%, tưới quanh vào gốc theo tán lá, mỗi tháng tưới 3 lần và tưới liên tục trong 3 tháng liền. Kết hợp đào rãnh thoát nước quanh vườn vào mùa mưa để hạn chế bệnh lây lan, nên bón phân hữu cơ dưới dạnh hoai mục và hạn chế bón phân tươi

Ks. Bùi Thị Họa - Phòng Chuyển giao Kỹ thuật Nông nghiệp

 

 

Đối tác/Liên kết
Trang chủ
Thống kê truy cập
  • Hôm nay: 4208
  • Hôm qua: 7342
  • Tuần này: 29584
  • Tuần trước: 28914
  • Tháng này: 295627
  • Tháng trước: 274746
  • Lượt truy cập: 2700464
0225.3541.398 
messenger icon