Hướng dẫn kỹ thuật sản xuất khoai lang an toàn thực phẩm

11:03:11 14/12/2022 Lượt xem 1410 Cỡ chữ

Model.C_Title
Mục lục

1. Thời vụ gieo trồng

- Khoai lang có thể trồng được quanh năm, thích hợp nhất vẫn là trồng vào tháng 2, 3 hoặc tháng 8, 9 hàng năm.

2. Giống

Giống khoai lang để trồng có thể dùng dây hoặc củ.

3. Nhân giống

3.1 Nhân giống bằng củ (ươm chồi)

Chọn củ giống được thu hoạch vào tháng 11-12 năm trước. Lựa chọn khóm khoai có củ đều, nhiều củ và củ ra tập trung ở một số mắt. Củ bánh tẻ và cây không bị sâu bệnh. Củ giống được chọn, bảo quản nơi khô ráo, thoáng mát, không có ánh nắng trực xạ, bảo quản đến khi có mầm đem ra trồng.

- Trước khi trồng, cắt củ giống thành từng khoanh có chiều dầy từ 2,5 - 3cm, sau khi cắt chấm vết cắt vào xi măng và để 2 - 3 ngày cho vết cắt khô và hình thành sẹo mới đem trồng. Khi đặt củ giống, mầm củ hướng lên trên với mật độ 40 x 40cm, sau đó phủ lớp đất dày 3-5 cm

- Ngoài ra, chỉ cần cho xuống đất tới xốp, tưới đủ ẩm sau 45-70 ngày tùy theo chất lượng cây giống có thể cắt làm hom giống.

- Ưu điểm: Ươm chồi giúp giữ được đặc tính giống, hạn chế lây lan của mầm bệnh

3.2. Nhân giống bằng dây

Chọn những dây khoai khoảng 45 – 75 ngày tuổi, phần thân dây to mập. Cắt những đoạn dây ngắn khoảng 25-30cm, đốt ngắn, lá khỏe, Chỉ nên chọn 2 đoạn dây tính từ ngọn trở vào.

* Lưu ý: Đoạn dây giống này chưa có rễ, chưa có hoa và không hề bị sâu bệnh. Nên thực hiện cắt dây vào buổi chiều, đồng thời rải mỏng dây nơi thoáng mát 1 ngày trước khi trồng.

4. Làm đất, trồng cây

4.1. Làm đất

- Chọn đất:

+ Cách ly với khu vực có chất thải công nghiệp và bệnh viện ít nhất 2km, với chất thải sinh hoạt thành phố ít nhất 200m.

+ Cây khoai lang không kén đất, tất cả các loại đất thành phần cơ giới nhẹ, thoát nước tốt đều thích hợp cho trồng khoai lang, khoai lang chịu được đất chua đến trung tính, chịu chua tốt hơn kiểm.

-  Xử lý đất trước khi trồng: là xử lý các sinh vật gây hại như: virut, vi khuẩn, nấm bệnh; dế, tuyến trùng, sâu xám, sâu ăn lá...tồn tại trong đất và ngoài ra còn có tác dụng cải tạo đất.

+ Xử lý khô (quỹ thời gian ngắn): Vệ sinh sạch sẽ cỏ dại, tàn dư thực vật, sau đó rắc 20kg vôi bột/sào, tiếp đến cày vỡ, phơi đất trước trồng từ 5-7 ngày trước trồng.

+  Xử lý khô, ướt kết hợp (quỹ thời gian dài): Vệ sinh sạch tàn dư thực vật sau đó cày vỡ, phơi đất từ 3-5 ngày sau đó rắc 20kg vôi bột/sào và đưa nước vào ngâm từ 3-5 ngày, tiếp đến rút cạn nước để đất khô, rồi tiến hành phay đất lên luống trồng.

+  Sử dụng chế phẩm sinh học: AT-YTB; Sumitri, tác dụng làm phân hủy tàn dư nông nghiệp, bổ sung nấm đối kháng, vi sinh vật có lợi cho cải tạo đất, bổ sung chất hữu cơ cho đất…Cách dùng 125g Sumitri; 100g AT-YTB, trộn với 2kg cát đen hoặc đất bột rắc đều cho 1 sào ruộng. Rắc trước khi cày vỡ, điều kiện độ ẩm trong ruộng trên 75%.

- Làm đất: Đất cần được cày bữa kỹ, sạch cỏ dại, lên luống rộng từ 1,2 - 1,5m cao khoảng 30-40cm, luống cao giúp củ khoai lang phát triển đều đặt kích thước tối đa.

4.2. Kỹ thuật trồng

Trồng khoai lang nên chọn khi đất ẩm, thời tiết mát mẻ. Khoảng cách dao động 5 – 6 dây/m chiều dài luống tức là dây cách dây 15-20cm với mật độ khoảng 50.000 dây/ha. Trồng hàng đơn, vùi dây giống ở giữa dọc theo luống và nối đuôi nhau. Đồng thời, đoạn dây này song song với mặt luống. Ngọn phải ở trên mặt luống 5 – 10cm (2 đốt), vùi dây độ sâu vùi khoảng 10-15cm.

5. Phân bón và chất phụ gia

- Chỉ sử dụng phân bón có nguồn gốc rõ ràng được phép sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam.

- Không sử dụng phân hữu cơ chưa xử lý (phân tươi, chưa hoai mục), trường hợp tự sản xuất phân hữu cơ, phải thực hành đúng phương pháp, đảm bảo đủ thời gian.

- Cần tuân thủ quy trình bón phân cho từng loại cây trồng cụ thể (cách bón, liều lượng ...).

- Nơi cất giữ, chứa phân bón phải đảm bảo không gây ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động và chất lượng sản phẩm cây trồng.

- Ghi chép nhật ký và lưu giữ hồ sơ sản xuất: Nhật ký thực hành sản xuất, nhật ký mua vật tư nông nghiệp, nhật ký quản lý đầu vào của sản xuất.

5.1. Lượng bón và phương pháp bón phân

a) Lượng bón

- Lượng bón và phương pháp bón  phân đơn

Loại phân

Tổng số

Bón lót

(%)

Bón thúc 1

(%)

Bón thúc 2

(%)

kg/ha

kg/sào (360m2)

Phân hữu cơ vi sinh

2.000

72

100

-

-

Đạm urê

300

10-11

30

70

-

Lân supe

600

21-22

100

-

-

Kali clorua

250

9

30

30

40


- Lượng bón và phương pháp bón phân tổng hợp NP

Loại phân

Tổng số

Bón lót

(%)

Bón thúc 1

(%)

Bón thúc 2

(%)

kg/ha

kg/sào (360m2)

Phân hữu cơ vi sinh

2.000

72

100

-

-

NPK lót 5.10.3

550-700

20-25

100

-

-

NPK thúc 13.13.13

300-450

10-16

-

60

40

b) Cách bón

- Bón lót: bón theo hốc. Khi bón phân cần để phân xung quanh hốc hoặc để giữa sau đó phủ một lớp đất mỏng lên trên ( không để giống tiếp xúc với phân).

- Bón thúc 1: 20-25 ngày sau trồng kết hợp xới đất làm cỏ

- Bón thúc 2: 40-45 ngày sau trồng kết hợp xới đất, làm sạch cỏ kết hợp bón phân lần 3 và vun nhẹ

Đối với phân bón lá: kết hợp cùng các lần bón phân thúc, pha loãng với nồng độ 1:1000 phun đều lên mặt luống. Lắc đều bình trước khi khi phun (tưới); làm ẩm tối thiểu mặt đất trước khi bón

Lưu ý: Có thể sử dụng NPK khác có tỷ lệ tương đương

6. Tưới nước và chăm sóc

- Tưới nước: có thể sử dụng nước mặt (hồ, ao, sông) hoặc nước ngầm (nước giếng khoan) để tưới; Nước tưới phải đạt tiêu chuẩn ban hành tại QCVN 02/2009/BYT ngày 17/6/2009 của Bộ Y tế. Định kỳ kiểm tra chất lượng nước tưới theo quy định.

- Không sử dụng nước thải công nghiệp, nước thải từ các bệnh viện, khu dân cư tập trung, trang trại chăn nuôi, lò giết mổ gia súc chưa qua xử lý đạt tiêu chuẩn để tưới trực tiếp.

- Thường xuyên giữ đất ẩm, độ ẩm thích hợp khoảng 65 – 80%. Sau các đợt vun xới khoảng 2 - 3 ngày cần tưới rãnh ngập 1/3 luống sau 1 đêm rồi tháo cạn nước để bảo đảm độ ẩm cần thiết và hạn chế bọ hà gây hại. Trong quá trình phình củ (khoảng 60 - 75 ngày) luôn cần đủ ẩm cho quá trình phát triển củ.

- Vun xới:

+ Sau khi trồng khoai lang được 20 – 25 ngày thì tiến hành xới đất, làm sạch cỏ và kết hợp bón phân lần 2. Đồng thời vun nhẹ vào gốc cho cây khoai lang.

+ Sau trồng khoảng 25 – 30 ngày tiến hành bấm ngọn để tăng cường sinh trưởng, phát triển thân lá giai đoạn đầu và tăng cường tích lũy chất hữu cơ. Nhấc dây làm đứt rễ con để tập trung dinh dưỡng về củ. Nhấc dây cần tiến hành thường xuyên, nhấc xong phải đặt đúng vị trí cũ không lật dây, tránh gây tổn thương đến thân lá. Sau khi trồng khoai được 40 – 45 ngày, xới đất, làm sạch cỏ kết hợp bón phân lần 3 và vun nhẹ.

7. Phòng trừ sâu bệnh

7.1. Biện pháp canh tác, thủ công, sinh học

- Vệ sinh đồng ruộng: Làm sạch cỏ, vơ tỉa lá già, loại bỏ lá bị sâu bệnh tiêu hủy hạn chế sâu bệnh

- Luân canh cây trồng: Luân canh với cây lúa nước và cây trồng khác họ nhằm hạn chế nguồn sâu bệnh gây hại. 

- Áp dụng phương pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cơ sở áp dụng tổng hợp các biện pháp kỹ thuật (sử dụng giống kháng/giống chống chịu, bón phân cân đối, thời vụ hợp lý, luân canh, xen canh cây trồng, áp dụng các biện pháp thay thế hóa chất,…) để ngăn cản sự phát sinh, phát triển của dịch hại; hạn chế tối đa sử dụng hóa chất nông nghiệp để bảo vệ quần thể thiên địch và giảm thiểu rủi ro đối với sức khỏe con người và môi trường

- Dùng biện pháp thủ công: ngắt ổ trứng, bắt giết sâu non khi mật độ sâu thấp (áp dụng với sâu khoang, sâu xanh bướm trắng).

7.2.  Biện pháp sử dụng thuốc Bảo vệ thực vật (BVTV )

*  Các nguyên tắc khi sử dụng thuốc BVTV

- Chỉ sử dụng thuốc BVTV khi sâu bệnh hại đến ngưỡng phòng trừ theo hướng dẫn của ngành Bảo vệ thực vật;

- Chỉ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng trên rau. Tuyệt đối không dùng các loại thuốc trong danh mục thuốc cấm và thuốc hạn chế sử dụng hoặc hạn chế tối đa sử dụng các loại thuốc có độ độc cao  (thuộc nhóm độc 1 và 2), thuốc chậm phân hủy trên rau.

- Ưu tiên sử dụng các loại thuốc có nguồn gốc sinh học, thuốc thảo mộc, các loại thuốc có độ độc thấp (thuộc nhóm 3 trở lên), thuốc có thời gian cách ly ngắn, chóng phân hủy và ít ảnh hưởng đến các loài vi sinh vật có ích trên ruộng.

- Cần sử dụng luân phiên các loại thuốc có hoạt chất khác nhau để tránh sâu nhanh quen thuốc. Tuân thủ nghiêm ngặt nồng độ, thời gian cách ly của từng loại thuốc trước khi thu hoạch theo đúng hướng dẫn của đơn vị sản xuất ghi trên bao bì.

- Người sản xuất phải nắm vững kỹ thuật sử dụng thuốc theo nguyên tắc “4 đúng”: đúng thuốc, đúng nồng độ liều lượng, đúng lúc và đúng cách.

- Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng để phát hiện sâu bệnh hại và thực hiện theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật và các cơ quan chuyên môn.

*  Một số sâu, bệnh hại chính và cách phòng trừ

a) Bọ hà khoai lang

Bọ trưởng thành: là bọ cánh cứng, to gần bằng con kiến đỏ, dài khoảng 5-7 mm, đầu dài, màu nâu đỏ óng ánh. Bọ trưởng thành hoạt động ban đêm và sáng sớm, đẻ trứng ở những lổ nhỏ trên dây và chui theo kẽ nứt của đất để đẻ trứng trên củ khoai. Sùng non: mình hơi dài, cong, màu trắng sữa, không có chân ngực và chân bụng. Sùng đục trong dây và củ, nhất là những củ lộ ra khỏi mặt đất. Dây bị đục sinh trưởng kém, chổ bị hại trở nên dị dạng, phình to và nứt. Củ bị đục thối, có vị đắng không thể ăn được, vị đắng này là do độc tố mà củ khoai sản sinh ra để chống lại sự gây hại của sùng.

Biện pháp phòng trừ:

- Sau vài vụ trồng khoai lang luân canh nên với cây lúa, rau màu khác.

- Sau khi thu hoạch thu gom toàn bộ dây khoai, đặc biệt là những củ khoai đã bị sùng đưa ra khỏi ruộng tiêu hủy để hạn chế bớt mật số sùng ở đầu vụ sau.

- Nếu có điều kiện cho nước ngâm ruộng vài ngày diệt sùng, nhộng nằm trong đất.

- Ngâm hom giống trước khi trồng trong dung dịch thuốc Oncol 20EC(30 ml/10 lít nước) hoặc Oncol 25WP(25 g/10 lít nước) trong 30 phút, sau đó với hom ra để ráo rồi trồng.

- Ở giai đoạn hình thành củ, rắc thuốc hạt Lorsban 15G(6-8 kg/ha) kết hợp vun luống khoai cao, phủ kín gốc. Tưới nước sau khi rắc thuốc và thường xuyên tưới đủ ẩm cho luống khoai. Chú ý thời gian cách ly của thuốc Lorsban 15G là 21 ngày

- Hạn chế sử dụng các loại thuốc hóa học có độ độc cao để bảo vệ các loài ong ký sinh của ruồi đục lá, các loài thiên địch bắt mồi như nhện, bọ đuôi kìm…

b. Bệnh chết dây (chết tím dây)

Bệnh chết dây trên cây khoai lang do nấm Fusarium sp gây ra. Nấm bệnh xâm nhập gây hại vào gốc dây khoai lang cách mặt đất 2-3 cm. Chúng làm cho dây khoai có những vết thương màu nâu đen chạy dọc theo dây.

Biện pháp phòng trừ: Luân canh cây trồng khác họ; Dùng hom giống ở ruộng khoai không bị bệnh; Nhổ bỏ và tiêu hủy những cây bị bệnh nặng; Bón phân cân đối Đạm – Lân – Kali. Bổ sung thêm nguyên tố trung vi lượng cho khoai lang.

- Bệnh chết dây khoai lang rất khó chữa trị nên cần lưu ý theo dõi ruộng khoai và chủ động phun thuốc phòng ngừa bệnh sớm bằng sản phẩm BIMA hoặc thuốc có gốc đồng.

c. Bệnh đốm vòng

Bệnh do nấm Alternaria solani gây bệnh, phát triển thuận lợi ở điều kiện vào khoảng 26 độ C, nhiệt độ giới hạn là 12-38 độ C. Nấm Alternaria solani là loại đa thực, có thể gây bệnh trên nhiều loại cây và tồn tại trong củ giống, các bộ phận cây bệnh.

Cách phòng bệnh đốm vòng và đốm lá

- Không nên trồng khoai lang nhiều vụ trên cùng một mảnh đất mà cần thường xuyên luân canh cây trồng. Trước khi trồng khoai lang cần trồng cây khác họ hoặc tốt nhất thì trồng cây trồng nước càng tốt.

- Vệ sinh bằng cách đốt hết tàn dư thực vật trên đất chuẩn bị trồng khoai. Khử đất trước khi trồng bằng cách cày bừa phơi ải đất ít nhất 3-4 tuần. Sau đó, bà con cần khử lớp đất mặt bằng vôi bột (để trong 2 tuần) rồi bón lót bằng phân chuồng ủ hoai mục trộn với nấm Trichoderma và lân.

8. Thu hoạch, sơ chế, bảo quản

* Thu hoạch

Khi cây khoai lang có biểu hiện ngừng sinh trưởng (các lá phần gốc ngả màu vàng, bới kiểm tra thấy vỏ củ nhẵn, ít nhựa) thì tiến hành thu hoạch. Thu hoạch vào những ngày khô ráo, không làm tổn thương xây xát, bong vỏ ảnh hưởng đến mẫu mã và làm giảm giá trị sản phẩm.

Thời điểm thu hoạch phải đảm bảo đúng thời gian cách ly theo chỉ dẫn trên bao bì hóa chất, thuốc BVTV.

Sơ chế: Nhà sơ chế, các thiết bị dụng cụ, vật tư, đồ chứa, phương tiện vận chuyển phải đảm bảo các tiêu chí về an toàn vệ sinh thực phẩm theo quy định…

Nước sử dụng để sơ chế đạt yêu cầu theo quy định tại QCVN:2009/BYT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sinh hoạt

Bảo quản: khoai lang được bảo quản nơi thoáng mát,

Sản phẩm: đạt các chỉ tiêu chất lượng qui định theo QCVN 8-2:2011/BYT; QCVN 8-3:2012/BYT

Không bảo quản và vận chuyển sản phẩm chung với các hàng hóa khác có nguy cơ gây ô nhiễm sản phẩm.

9. Ghi chép, lưu trữ hồ sơ

Tổ chức và cá nhân sản xuất rau an toàn theo VietGAP phải ghi chép và lưu giữ đầy đủ nhật ký về các biện pháp kỹ thuật đã áp dụng phục vụ cho việc chứng nhận và truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Đối tác/Liên kết
Trang chủ
Thống kê truy cập
  • Hôm nay: 4454
  • Hôm qua: 4656
  • Tuần này: 25335
  • Tuần trước: 29296
  • Tháng này: 264045
  • Tháng trước: 306531
  • Lượt truy cập: 2832106
0225.3541.398 
messenger icon