1. Chuẩn bị ao nuôi
+ Địa điểm và công trình ao nuôi:
Ao nuôi được xây dựng ở nơi cấp thoát nước dễ dàng, không bị ô nhiễm bởi chất thải công nghiệp hay hóa chất trong nông nghiệp. Ao có hình chữ nhật là thích hợp nhất, diện tích nuôi thích hợp từ 2.000 - 3.000m2 . Mức nước thích hợp từ 1-1,5m. Bờ ao phải chắc chắn, không rò rỉ, không hang hốc làm nơi trú ẩn cho các sinh vật hại tôm. Mặt bờ cao hơn mức nước cao nhất 0,5m.
+ Cải tạo ao nuôi:
Xả cạn nước, sên vét bùn đáy, để lại lớp bùn dày không quá 10 cm. Tiến hành bón vôi cho ao, dùng vôi sống CaO, hoặc vôi nông nghiệp CaCO3 bón cho ao lượng 10-12 kg/100m2, sau khi bón vôi phơi nắng 5-7 ngày.
+ Chuẩn bị ao:
- Quây lưới quanh khu vực ao nuôi, ngăn chặn sự xâm nhập của cá dữ, địch hại vào trong ao nuôi. Lưới cao từ 1-1,5m (cỡ lưới 5mm), chân lưới chôn sâu xuống chân bờ 0,2 -0,3m. Lấy nước vào ao qua túi lọc nước, hoặc lưới chắn tạp ngăn đầu cống cấp. Mức nước lấy vào ao từ 1,2-1,5m, tiến hành gây màu nước ao nuôi.
- Sử dụng 1 trong 3 loại phân vô cơ sau: DAP 15kg/ha hoặc NPK (2:2:1) 15kg/ha hoặc Ure + lân (tỷ lệ 1:1) 15 kg/ha, ngâm cho tan hoàn toàn rồi tạt đều xuống ao lúc trời nắng. Khi nước ao nuôi có màu xanh nõn chuối non, hoặc màu nâu nhạt thì tiến hành thả giống.
2. Chọn giống và thả giống
- Kích cỡ giống thả PL-15. Con giống khỏe mạnh, kích cỡ đồng đều màu sắc sáng bóng. Có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và được kiểm dịch trước khi thả nuôi.
* Mật độ và cách thả
- Mật độ thả 15-20 con/m2.
+ Thời gian thả tôm nên thực hiện vào lúc sáng sớm, chiều mát. Nếu chuyển giống từ xa về, trước khi thả cần ngâm bao oxy chứa tôm giống xuống ao trong khoảng thời gian từ 15-30 phút, để cân bằng nhiệt độ môi trường, hạn chế gây sốc cho tôm giống.
3. Quản lý thức ăn và môi trường ao nuôi
Thức ăn công nghiệp đảm bảo có hàm lượng đạm tổng số từ 35 - 40%; theo dõi sàng ăn để điều chỉnh, quản lý thức ăn cho phù hợp, tránh cho ăn thiếu hoặc thừa đều ảnh hưởng đến tốc độ phát triển và sức khỏe của tôm theo bảng sau:
Bảng: Thức ăn cho tôm theo giai đoạn tăng trưởng
Thời gian nuôi (ngày) |
Trọng lượng TB (g/con) |
Khẩu phần cho ăn (% trọng lượng thân) |
Thức ăn cho vào sàng (% khẩu phần ăn/ngày) |
51 - 80 |
≤ 28 |
2-2,5 |
1,5 |
81 - 120 |
≤ 48 |
2 |
1,5 |
121 -150 |
≤ 48 |
1,8 - 2 |
1,6 - 1,8 |
151 -180 |
≤ 80 |
1,8 - 2 |
1,8 – 2,0 |
>180 |
>80 |
1,6 |
2,0 |
Cho tôm ăn 2 lần/ngày vào lúc 6h - 7h sáng và 17 - 18h chiều, liều lượng cho ăn phụ thuộc vào khả năng bắt mồi của tôm, thời tiết, thông qua thức ăn còn lại trong sàng. Phối trộn sản phẩm bổ sung như men vi sinh, Vitamin C, Premix...vào thức ăn để tăng sức đề kháng cho tôm.
Chuyển đổi loại thức ăn phù hợp theo giai đoạn phát triển, cỡ miệng tôm và nhu cầu dinh dưỡng theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Khi chuyển đổi thức ăn, nên trộn lẫn 2 loại thức ăn cũ và mới cho ăn ít nhất 3 ngày.
Thường xuyên theo dõi hoạt động của tôm nhất là vào ban đêm, xem màu nước ao để điều chỉnh lượng thức ăn. Định kỳ thay nước đảm bảo cho tôm phát triển và lột xác nhanh lớn. Hàng ngày kiểm tra bờ ao, cống tránh tôm bị thất thoát.
Căn cứ vào chất lượng môi trường ao nuôi hay những ngày mưa lớn nên giảm lượng thức ăn. Kết hợp sàng ăn và rải thành nhiều điểm trong ao để có thể đánh giá đúng thức ăn tôm sử dụng.
Cần theo dõi hàng ngày, duy trì các yếu tố môi trường ao nuôi trong ngưỡng phù hợp như lượng oxy hòa tan, pH nước ao, nhiệt độ, độ mặn, độ đục, độ trong nước ao, các khí độc,...
4. Thu hoạch
Khi tôm đến cỡ thu hoạch (> 50g/con ). Nên căn cứ vào giá cả thị trường mà quyết định thời điểm thu hoạch sao cho phù hợp nhất.
5. Các loại bệnh thường gặp
* Phòng bệnh tổng hợp
- Tiêu diệt và ngăn chặn sự xâm nhập, phát triển của mầm bệnh:
+ Tẩy dọn ao kỹ trước khi nuôi
+ Xử lý nguồn nước trước khi đưa vào nuôi
+ Sử dụng thức ăn không nấm mốc, còn hạn sử dụng
+ Sát trùng nơi cho ăn, dụng cụ sản xuất
+ Ngăn chặn sự xâm nhập và tiêu diệt ký chủ trung gian, các sinh vật mang mầm bệnh
+ Khử trùng nước tôm bị bệnh trước khi thải ra ao chứa
- Nâng cao sức đề kháng của tôm:
+ Chọn một đàn giống khoẻ mạnh, mật độ nuôi thích hợp
+ Cho tôm ăn theo phương pháp “bốn định”: Định chất lượng, định số lượng, định thời gian, định địa điểm.
+ Tăng sức đề kháng bằng quản lý môi trường tốt và bổ sung vitamin C, A, E.
- Quản lý môi trường ao nuôi thích hợp và ổn định: Đây là biện pháp phòng bệnh hữu hiệu nhất vì sự xuất hiện bệnh phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện môi trường.
+ Thiết kế xây dựng ao nuôi phù hợp với công tác phòng bệnh
+ Quản lý các yếu tố môi trường ổn định và thích hợp
+ Định kỳ dùng chế phẩm vi sinh để giảm hàm lượng chất hữu cơ trong ao nuôi.
* Trị một số bệnh thường gặp
1. Bệnh đóng rong
+ Dấu hiệu: Tôm bỏ ăn hoặc dinh dưỡng không đầy đủ làm tôm chậm lột xác. Khi tôm bệnh nhìn bên ngoài sẽ thấy lớp tảo, rong bám khắp mình tôm. Tôm bị bệnh sẽ khó lột xác, hô hấp khó khăn khi có ký sinh mang và dễ chết khi hàm lượng ôxy thấp.
+ Trị bệnh: Khi tôm bệnh dùng formol với liều lượng 25 lít/1000m3 nước để xử lý tôm bệnh hoặc dùng các vi sinh vật có lợi để phân hủy chất hữu cơ (như Bacillus subtillis 1070 hoặc Bs-I..)
2. Bệnh trắng đuôi (đục cơ trắng cơ, hoại tử cơ) trên tôm càng xanh
+ Dấu hiệu: Tôm kém ăn, hoạt động chậm chạp, cơ thể có màu trắng đục, vỏ mềm. Xuất hiện các điểm trắng đục xuất phát từ đuôi và lan dần ra thân và gây chết nếu không điều trị kịp thời.
+ Trị bệnh: Bệnh thường xảy ra khi có sự thay đổi của nhiệt độ, độ mặn trong môi trường ao nuôi, khi tôm nhiễm bệnh này khắc phục bằng các biện pháp sau:
+ Chuẩn bị ao nuôi thật kỹ lưỡng, xử lý bùn đáy ao nuôi tôm diệt khuẩn, nước cấp vào ao phải đi qua lưới lọc hoặc xử lý trước.
+ Ngoài ra cũng có thể sử dụng thêm một số chế phẩm sinh học trong nuôi trồng thủy sản để làm sạch môi trường nước, khử khí độc và xử lý đáy ao nuôi như: Bottom-Up giúp phân hủy thức ăn dư thừa và chất thải, xử lý bùn đáy ao, ổn định nồng độ NH3/NO2.
3. Bệnh đốm nâu, đốm trên vỏ, mang
+ Dấu hiệu: Tôm từ 2 – 3 tháng trở lên thường xuất hiện các đốm nâu và từ từ chuyển sang đốm đen, sau đó ăn mòn đi các phần phụ như: chân bụng, râu, đuôi, thân tôm. Khi bị bệnh tôm sẽ ăn yếu, hoạt động chậm chạp, xuất hiện các tổn thương bị melanin hóa. Bệnh đốm đen có khả năng xuất hiện ở tất cả các giai đoạn nhưng chủ yếu là tôm bố mẹ và tôm trưởng thành từ 45 ngày trở lên.
+ Trị bệnh: Có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh đen mang trên tôm càng xanh, chủ yếu là do nền đáy ao bẩn, nước có nhiều chất hữu cơ, pH thấp, nhiều trường hợp là do thiếu Vitamin C. Chính vì thế, trong trường hợp thấy xuất hiện nhiều chấm đen trên tôm thì tiến hành các biện pháp sau:
- Tiến hành thay nước 30 - 40%
- Bón vôi bột lượng 3 - 4kg/100m3 để xử lý sau đó dùng vi sinh (tạt men vi sinh EMS – Proof nhằm ngăn ngừa sự phát triển của Vibrio). Mặt khác bổ sung thêm Vitamin C vào thức ăn cho tôm.
Ths.Nguyễn Trung- Phó Trưởng phòng chuyển giao KTTS