Hướng dẫn biện pháp phòng và trị một số bệnh trên cá rô phi

08:14:06 06/12/2021 Lượt xem 2772 Cỡ chữ

Model.C_Title
Mục lục

I. Biện pháp phòng bệnh tổng hợp

- Cải tạo ao triệt để trước khi thả cá giống. Con giống phải đảm bảo quy cỡ, chất lượng. Mật độ nuôi phù hợp với điều kiện từng ao và chế độ quản lý chăm sóc. Giữ môi tr­ường n­ước luôn sạch. Cho cá ăn đủ chất đủ lượng để có sức khoẻ kháng bệnh.

- Tr­ước khi thả giống nên tắm cho cá giống bằng nước muối nồng độ 2 - 3%, hoặc dùng thuốc tím (KMnO4) nồng độ từ 10 - 15g/ m3. Thời gian tắm trong 5 - 10 phút.

- Không sử dụng các loại thức ăn bị nấm mốc, kém chất lượng…

- Vào thời gian giao mùa xuân - hè, thu - đông, cá dễ phát sinh dịch bệnh, nên cho cá ăn một trong các loại thuốc phòng bệnh sau:

+ Tiên đắc 1: 100g/100kg cá/ngày, cho ăn liên tục trong 3 ngày

+ Tỏi tươi: xay nhuyễn 0,1 -0,2kg tỏi/ 100kg cá/ngày, cho ăn liên tục trong 3 ngày.

+ Bổ sung VitaminC vào thức ăn để tăng cường sức đề kháng cho cá, liều lượng 2 - 3g Vitamin C/ 1 kg thức ăn.

- Định kỳ 2 tuần 1 lần té nước vôi hoà loãng xuống ao nuôi để khử trùng và kiềm hóa môi trường nước, liều lượng 2 kg/100 m3 nước.

- Thường xuyên theo dõi, ghi chép lưu trữ các yếu tố môi trường của ao nuôi hàng ngày.

- Cơ sở nuôi phải lập, cập nhật và lưu trữ hồ sơ liên quan đến quản lý sức khỏe cá: Không chuyển cá bị bệnh từ ao này sang ao khác, từ nơi này sang nơi khác trong thời gian bị bệnh; không xả nước ao cá bị bệnh ra môi trường khi chưa xử lý.

- Khi phát hiện cá bị bệnh phải thực hiện biện pháp cách ly, ngăn chặn sự lây nhiễm bệnh.

II. Các biện pháp trị một số bệnh thường gặp

1. Bệnh do Tilapia Lake virus (TILV)

a. Dấu hiệu bệnh lý:

- Cá mắc bệnh có biểu hiện chán ăn, màu sắc cơ thể biến đổi (sẫm màu); tập trung ở trên bề mặt, bơi lờ đờ, ngừng kéo đàn, hôn mê trước khi chết. Một số dấu hiệu trên cơ thể gồm: hiện tượng xung huyết, xuất huyết não; ăn mòn và lở loét từ dạng điểm đến mảng trên da; mang tái nhợt; mắt bị teo lại hoặc lồi ra, có hiện tượng đục thủy tinh thể; xoang bụng và hậu môn phình to; vẩy dựng lên, có thể bong tróc; đuôi bị ăn mòn.

- Bệnh gây tỷ lệ chết cao trong đàn cá nuôi, đặc biệt ở cá nhỏ, do đó khi thấy có hiện tượng cá rô phi nuôi chết nhiều.

b. Phòng và chống bệnh

Hiện nay chưa có biện pháp kiểm soát hiệu quả dịch bệnh này, vì vậy cần áp dụng các biện pháp sau khi nghi ngờ hoặc phát hiện bệnh do TiLV gây ra trên cá rô phi, cụ thể:

- Nếu có hiện tượng cá rô phi chết nhiều bất thường, phải báo ngay cho cơ quan thú y nơi gần nhất để triển khai kịp thời các biện pháp phòng chống bệnh.

- Cá rô phi giống trước khi thả nuôi cần được lấy mẫu gửi phòng thử nghiệm có đủ năng lực để xét nghiệm sàng lọc đối với mầm bệnh TiLV.

- Tuyệt đối không vận chuyển cá rô phi sống từ các ao nuôi đã bị bệnh sang các ao/vùng nuôi không bị bệnh để hạn chế dịch bệnh lây lan.

- Không vứt cá chết, cá bệnh, xả thải nước ao nuôi bị bệnh nhưng chưa qua xử lý ra ngoài môi trường làm lây lan dịch bệnh. Hố tiêu hủy cá chết phải cách xa nguồn nước, khu dân cư ít nhất 50 m. Sử dụng vôi bột rắc xuống hố và phun thuốc sát trùng quanh khu vực hố.

- Áp dụng các biện pháp an toàn sinh học, tăng cường quản lý ao nuôi để hạn chế mầm bệnh lây lan qua dụng cụ, phương tiện và con người (sử dụng các biện pháp vệ sinh, tiêu độc sát trùng).

2. Bệnh xuất huyết do vi khuẩn Streptococcus

a. Dấu hiệu bệnh lý:

- Cá bơi lờ đờ, tách đàn, bơi xoắn tròn một lúc sau đó chìm dưới đáy ao. Xuất hiện các đốm đỏ trên bụng và thân cá . Da biến đổi sang màu tối sẫm, các gốc vây và nắp mang bị xuất huyết. Mắt cá bị đục mờ, có thể bị lồi cả mắt ra. Khi cắt mang, thấy có đoạn mang bị xơ. Nếu cá bị nặng, mang chuyển sang màu trắng, có bùn bám lên trên. Khi mổ bụng thấy ruột cá không có thức ăn, bị xuất huyết, gan thâm tím, thận nhũn, mùi hôi thối, tanh.

Cá rô phi bị lồi mắt

Gốc vây xuất huyết

 

b. Trị bệnh

- Sử dụng Doxycilne trộn vào thức ăn với liều lượng 5-7g/100kg cá/ ngày, cho ăn liên tục trong 5 - 7ngày;

- Trong quá trình trộn thức ăn cho cá, chú ý nên giảm đi một nửa lượng thức ăn hàng ngày sau đó mới trộn thuốc, cá sẽ ăn hết toàn bộ lượng thức ăn có thuốc.bổ sung 4- 5gVitamin C/100kg cá/ngày để tăng sức đề kháng cho cá.

- Kết hợp xử lý môi trường nước: Dùng Vicato dạng viên sủi hoặc Iodine (liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất). Nên xử lý 2 lần, trước khi cho cá ăn thuốc để diệt vi khuẩn trong nước và sau khi cho ăn thuốc để diệt vi khuẩn do cá bệnh bài tiết ra.

3. Bệnh viêm ruột do vi khuẩn Aeromonas hydrophila gây nên

a. Dấu hiệu bệnh lý

Cá kém ăn hoặc bỏ ăn nổi lờ đờ trên mặt nước. Da cá thường đổi màu không có ánh bạc, cá mất nhớt, khô ráp, rụng vẩy. Bụng chướng rất to và hậu môn sưng đỏ có dịch nhầy chảy ra.

Rô phi trướng bụng, đầy hơi, hậu môn sưng đỏ

Các đốm xuất huyết màu đỏ xuất hiện trên thân, gốc vây, quanh miệng, râu xuất huyết hoặc bạc trắng, có thể xuất hiện các vết loét ăn sâu vào cơ. Khi giải phẫu, thấy ruột đầy hơi, không có thức ăn, thành ruột viêm loét và xuất huyết.

Ruột xuất huyết, hoại tử

b. Trị bệnh

- Dùng Doxycilne trộn với thức ăn liều lượng 5-7g/100kg cá/ ngày, cho ăn liên tục trong 5 - 7ngày .

- Cho cá ăn thêm thuốc Tiên Đắc I 200g/100kg cá/ ngày kết hợp cùng VitaminC 3-5gam/kg thức ăn/ngày để nâng cao sức đề kháng.

- Xử lý môi trường nước bằng Vicato hoặc Iodine theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

- Chú ý khi dùng thuốc kháng sinh, sau 20 – 30 ngày người nuôi mới được thu hoạch cá, để không còn dư lượng kháng sinh trong thịt cá, làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng.

4. Bệnh trùng bánh xe

a. Dấu hiệu bệnh lý

- Khi mới mắc bệnh, trên thân, vây cá có nhiều nhớt màu hơi trắng đục, ở dưới nước thấy rõ hơn so với khi bắt cá lên cạn. Da cá chuyển màu xám, cá cảm thấy ngứa ngáy, thường nổi từng đàn lên mặt nước. Một số con tách đàn bơi quanh bờ ao.

- Khi bệnh nặng trùng bám dày đặc ở vây, mang, phá huỷ các tơ mang khiến cá bị ngạt thở, những con bệnh nặng mang đầy nhớt và bạc trắng. Cá bơi lội mất phương hướng. Cuối cùng cá lật bụng mấy vòng, chìm xuống đáy ao và chết.

b. Trị bệnh

Dùng một trong những biện pháp sau: Dùng NaCl 2-3% tắm cho cá 5-15 phút; CuSO4 nồng độ 3-5g/1m3 tắm cho cá 5-15 phút hoặc phun trực tiếp xuống ao với nồng độ 0,5-0,7g/1m3 nước.

5. Bệnh trùng quả dưa

a. Dấu hiệu bệnh lý

- Da, mang, vây của cá bệnh có nhiều trùng bám thành các hạt lấm tấm rất nhỏ, màu hơi trắng đục (đốm trắng), có thể thấy rõ bằng mắt thường (người nuôi cá còn gọi là bệnh vẩy nhót.

- Da, mang cá có nhiều nhớt, màu sắc nhợt nhạt. Cá nổi đầu trên tầng mặt, bơi lờ đờ yếu ớt. Lúc đầu cá tập trung gần bờ, nơi có cỏ rác, quẫy nhiều do ngứa ngáy.

- Trùng bám nhiều ở mang, phá hoại biểu mô mang làm cá ngạt thở. Khi cá yếu quá chỉ còn ngoi đầu lên để thở, đuôi bất động cắm xuống nước.

b. Trị bệnh

- Dùng formol phun xuống ao với nồng độ 20-25 ml/m3, 3 lần, mỗi lần cách nhau 3 ngày.

- Dùng hỗn hợp muối ăn (NaCl) và KMnO4 với liều lượng 7 kg NaCl và 4g KMnO4 / m3 nước tắm cho cá.

6. Bệnh sán lá đơn chủ

a. Dấu hiệu bệnh lý:

Sán lá ký sinh trên da và mang cá, làm cho mang và da cá tiết ra nhiều dịch nhờn ảnh hưởng đến hô hấp cá. Tổ chức da và mang có sán ký sinh bị viêm loét tạo điều kiện cho vi khuẩn, nấm và một số sinh vật xâm nhập gây bệnh.

b. Trị bệnh

Sử dụng một trong những cách sau:

- Dùng nước muối NaCl 2-3% tắm cho cá 5-15 phút

- Dùng KMnO4 nồng độ 20g/m3 tắm cho cá 15 -30 phút

- Dùng formalin nồng độ 200 - 250 ml/m3 tắm trong 30-60 phút hoặc nồng độ 20 - 25 ml/m3 phun xuống ao.

- Dùng formalin nồng độ 20-25 ml/m3 phun xuống ao.

Ks. Nguyễn Thị Tài- Phòng CGKT thủy sản

Đối tác/Liên kết
Trang chủ
Thống kê truy cập
  • Hôm nay: 420
  • Hôm qua: 7342
  • Tuần này: 25796
  • Tuần trước: 28914
  • Tháng này: 291839
  • Tháng trước: 274746
  • Lượt truy cập: 2696676
0225.3541.398 
messenger icon