Ngan là gia cầm được nhiều hộ chăn nuôi lựa chọn để phát triển kinh tế nhờ thời gian nuôi ngắn và thu nhập cao. Đáng chú ý, với việc đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhiều mô hình nuôi Ngan trên sàn an toàn sinh học được áp dụng tại nhiều hộ gia đình, mang lại hiệu quả kinh tế cao và bảo vệ môi trường nông thôn theo hướng bền vững.
Tại hộ gia đình ông Phạm Văn Mạnh tại thôn Xuân Đài 1, xã Trường Thọ, huyện An Lão là một trong những điển hình thành công của việc áp dụng kỹ thuật nuôi Ngan trên sàn an toàn sinh học.
Ngan được nuôi trên sàn đảm bảo an toàn sinh học giúp Ngan phát triển tốt
Ông Phạm Văn Mạnh cho biết: “Trước đây gia đình tôi thường nuôi Ngan Pháp, nhưng nguồn giống thường qua thương lái, không được đảm bảo, và kỹ thuật nuôi thường theo kinh nghiệm là chính nên chúng rất hay bị bệnh và bị rụng lông nên hiệu quả rất thấp, nhiều lứa bị thua lỗ. Năm nay, được sự tư vấn, khuyến cáo của Trạm Khuyến nông An Lão tôi được chọn tham gia mô hình nuôi Ngan trên sàn theo hướng an toàn sinh học, được hướng dẫn kỹ thuật tận tình và được tập huấn trước khi chăn nuôi, lựa chọn con giống tốt nên đàn Ngan nhanh lớn, khỏe mạnh, ít bệnh tật hơn hẳn so với những năm trước”.
Theo đánh giá của các hộ nuôi Ngan, việc chọn mua con giống, thức ăn chất lượng tốt, tiêm vacxin theo quy định và áp dụng nuôi đúng quy trình kỹ thuật, đã giúp đàn Ngan khỏe, tăng trọng nhanh và không hề có hiện tượng bị rụng lông. Đến nay đàn Ngan đã được 70 ngày tuổi, trọng lượng bình quân con cái đạt 2,8 - 3,2 kg, Ngan đực đạt 4,5 - 4,8 kg. Dự kiến, khi xuất bán Ngan đực 85 - 90 ngày tuổi, đạt 5 - 5,3 kg/con, trừ chi phí cho lợi nhuận từ 35- 45 triệu đồng/1.000 con/lứa.
Nền chuồng bằng phẳng, có độ dốc khoảng 10 độ để thuận tiện cho
khâu dọn vệ sinh cũng như tăng khả năng thoát nước
So với phương pháp nuôi truyền thống có những hạn chế như: Ngan thường xuyên chạm nước, vào mùa mưa, mùa đông lạnh, Ngan dễ bị bệnh. Chưa quản lý được chất thải và nước vệ sinh, dịch bệnh có thể phát sinh, lây nhiễm, khó quản lý dịch bệnh; ngan vận động nhiều nên khả năng sinh trưởng chậm, trọng lượng thấp.
An toàn sinh học trong chăn nuôi là đảm bảo môi trường chăn nuôi tuyệt đối sạch sẽ, hạn chế tối đa có các vi khuẩn gây bệnh, phòng bệnh tốt cho vật nuôi, bên cạnh đó cần thực hiện tốt khâu vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại và phòng bệnh.
Mô hình nuôi Ngan trên sàn theo hướng an toàn sinh học phát triển tốt, hạn chế dịch bệnh như tiêu chảy, tụ huyết trùng, viêm gan, cho tỷ lệ sống cao, khả năng tăng trọng và chống chịu bệnh tốt. Với kết quả mô hình mang lại, Trạm Khuyến nông An Lão sẽ tiếp tục tuyên truyền, khuyến cáo nhân rộng nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện./.
Nguyễn Hương Giang - Phòng Đào tạo và TTTT