Dịch tả lợn Châu Phi xảy ra, toàn quận Kiến An đã có 2.209 con lợn buộc phải tiêu hủy, với 140 hộ/43 tổ dân phố. Sau khi tình hình dịch bệnh đã hết nhiều hộ chăn nuôi do điều kiện chuồng trại không đảm bảo, kinh tế không tiếp tục nuôi lợn được. Theo thống kê mới nhất hiện tại trên địa bàn quận Kiến An có 44 trang trại đã từng chăn nuôi quy mô nhỏ, nhưng hiện tại có 10 trang trại đã ngừng hoạt động, với tổng số đàn lợn trên địa bàn quận hiện khoảng 2.000 con và 100.000 gia cầm.
Với các đặc thù về điều kiện tự nhiên, sản xuất nông nghiệp của quận như: có nhiều vùng ao đầm rộng, các vùng trũng không thể canh tác nông nghiệp, các khu vực không thể cây lúa, bỏ hoang do đó một số hộ đã chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cỏ lấy thức ăn và làm bãi chăn thả cho Trâu bò mang lại hiệu quả tốt.
Khu ruộng lúa bỏ hoang tận dụng để trồng cỏ
Trước thực tế này, cùng với sự khuyến cáo của các cán bộ Khuyến nông cơ sở đã có nhiều mô hình chuyển đổi chăn nuôi lợn sang chăn nuôi các con vật khác mang lại hiệu quả kinh tế cao. Điển hình như tại phường Tràng Minh có 10/36 hộ bị dịch tả lợn Châu phi đã chuyển đổi mô hình nuôi. Hộ ông Đào Phú Đông, là 1 trong 10 hộ tại phường Tràng Minh đã từng có lợn bị tiêu hủy bởi dịch tả lợn Châu Phi đã mạnh dạn chuyển đổi mô hình sang chăn nuôi bò thương phẩm cung ứng cho thị trường, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Hộ ông Đào Phú Đông chuyển đổi sang mô hình nuôi bò thương phẩm
Anh Phạm Quang Quân ở Hạnh Phúc 2, Tràng Minh từng là cán bộ phụ trách thú y của phường cho biết: trước đây các hộ chăn nuôi chủ yếu là chăn nuôi nhỏ lẻ tận dụng thức ăn thừa từ nhà hàng hay bã rượu, bia… về ủ cho lợn ăn sau khi dịch bệnh xảy ra, các hộ đã tận dụng chuồng nuôi lợn sửa lại tận dụng làm chuồng nuôi bò thịt. Bản thân anh trước kia cũng từng nuôi tới 20 – 30 con lợn thịt, nhưng ngay khi vừa cập nhật được thông tin có nhiều người dân ở Hà Nội chăn nuôi bò có lãi cao, đã quyết định cắt giảm tối đa đàn lợn nuôi của gia đình, để chuyển chăn nuôi bò thịt. Hiện tại gia đình anh có 17 con bò bố mẹ và 20 con bò thịt nuôi đứng vỗ béo. Bằng cách nuôi bò nhốt chuồng, mỗi năm gia đình anh Quân nuôi được 2 lứa, mỗi lứa 20 con bò. Con giống nhập về có trọng lượng 300 - 350kg/con, sau nuôi 6 tháng xuất bán được 500 - 600kg/con, sản lượng bò hơi xuất chuồng đạt 20- 24 tạ/năm.
Tại phường Văn Đẩu, một số hộ chuyển sang chăn nuôi gà, ngan, vịt, chim như: Hộ ông Bùi Tiến Lý sau nhiều năm gia đình ông là hộ nông dân sản xuất giỏi với mô hình chăn nuôi lợn quy mô khoảng 100 - 150 con. Tuy nhiên, do bệnh dịch tả lợn Châu Phi, gia đình ông phải tiêu hủy toàn bộ đàn lợn gây thiệt hại lớn về kinh tế. Trước tình hình đó gia đình ông đã chuyển đổi từ chăn nuôi lợn sang nuôi gà, vịt với quy mô hơn 200 con mỗi loại. Đặc biệt ông còn mở rộng mô hình nuôi sản xuất giống ngan ta bằng phương pháp truyền thống nhằm cung cấp con giống cho các hộ chăn nuôi có diện tích nhỏ tận dụng, đồng thời ông còn phát triển nuôi chim bồ câu thương phẩm hiện tại gia đình ông có 100 đôi bố mẹ và bắt đầu được thu bán chim non....
Mô hình sản xuất ngan giống bằng phương pháp ấp nở tự nhiên
Tận dụng chuồng trại nuôi lợn để trống sau dịch tả lợn châu Phi, hộ ông Đỗ Tiến Thuyên đã cải tạo lại chuồng lợn cũ làm chuồng nuôi dê thịt, hiện đàn dê của ông Thuyên có 100 con trong đó có cả dê bố mẹ. Giá dê hiện tại 150.000 đ/kg mỗi năm đàn dê của ông cho thu lãi 50 – 60 triệu đồng.
Trên địa bàn quận có nhiều hộ bỏ chăn nuôi gia cầm theo hướng nông hộ nhỏ lẻ mà chuyển sang chăn nuôi theo hướng gia trại với quy mô khá lớn, như: Ông Hoàng Văn Sơn Văn Đẩu, nuôi gà thịt quy mô 5000.con; ông Phạm Đức Hoan Tràng Minh nuôi vịt thịt, quy mô 3.000 con; ...
Thực tế hiện nay là một số hộ chăn nuôi, cơ sở chăn nuôi điều kiện chuồng trại còn rất nhiều hạn chế, chưa đảm bảo các điều kiện chăn nuôi an toàn….Trong điều kiện đó thì sự chuyển đổi mô hình chăn nuôi là phù hợp nhằm đảm bảo thu nhập và hiệu quả sản xuất của các hộ chăn nuôi trên địa bàn quận.
BSTY: Đào Thị Thủy - Trạm Khuyến nông Liên Quận