1. Thời vụ
Nấm Đùi gà được trồng quanh năm với điều kiện phải trang bị nhà lạnh công nghiệp.
2. Nguyên liệu
Có thể trồng Nấm Đùi gà trên các loại mùn cưa khác nhau, không dùng mùn cưa bị mốc, dính dầu máy, mùn cưa của cây gỗ cứng và mùn cưa cây có tinh dầu. Tốt nhất là mùn cưa cao su và bồ đề.
- Mùn cưa hoặc bã mía mới, dùng ngay là tốt nhất, nếu dùng dần phải phơi khô, bảo quản cẩn thận, tránh để ẩm mốc, mùn hoá làm mất chất dinh dưỡng.
- Bông phế liệu: nguồn bông phế liệu mua từ các nhà máy dệt, chọn bông không bị mốc, không bị đóng tảng.
- Bột ngô, cám gạo: còn nguyên mùi thơm của cám, không mốc, không lẫn hạt tấm to.
- Bột nhẹ.
- Nước vôi trong (3,5 - 4 kg vôi cho 1000 lít nước); phải sử dụng nguồn nước sạch.
3. Tiến hành
3.1. Xử lý nguyên liệu
* Đối với mùn cưa và bã mía: đổ mùn cưa ra nền sạch, sau đó dùng bình ô doa tưới đều nước vôi trong lên cơ chất, vừa tưới, vừa đảo (với tỷ lệ 1 kg khô trộn với 1,2 lít nước). Sau khi tưới đủ nước, dùng xẻng đảo đều từ 3 - 4 lần rồi ủ thành đống, che đậy bằng nilon để cơ chất ngấm đủ nước và trương nở tế bào. Thời gian ủ khoảng từ 2 - 4 ngày.
* Đối với bông hạt: ngâm bông nhanh trong dung dịch nước vôi trong, vắt nhẹ, ủ lại thành đống (chú ý đống ủ phải để trên kệ, kệ có khe hở để nước không bị đọng ở đáy đống ủ), che phủ kín đống ủ bằng nilon hoặc bao tải dứa. Thời gian ủ từ 24 - 36 giờ.
3.2. Phối trộn nguyên liệu
- Trước khi phối trộn nguyên liệu, cần kiểm tra lại độ ẩm của hai đống ủ bông và mùn cưa, độ ẩm yêu cầu đạt khoảng 60 - 65%. Trường hợp đống ủ khô quá, thì phải bổ sung nước, ủ lại 1 ngày. Đống ủ ướt quá thì phải trải rộng ra để bay bớt hơi nước. Trước khi phối trộn phải dùng tay hoặc cào xé tơi bông.
- Công thức phối trộn: 40 % bông + 40 % mùn cưa + 9 % bột ngô + 9 % cám gạo + 1 % đường + 1 % CaCO3
* Cách trộn nguyên liệu: trộn đều bột nhẹ với bột ngô và cám gạo (không để bột nhẹ bị vón cục). Sau đó, rắc đều lên đống mùn cưa và bông đã trộn với nhau. Dùng xẻng đảo đi đảo lại 3 - 4 lần là được.
3.3. Đóng túi nguyên liệu
Đưa nguyên liệu đã phối trộn ở trên vào túi có kích thước 19 x 38 cm sao cho đáy túi phải phẳng tròn, đặt xuống nền không bị đổ. Xung quanh túi căng phẳng, không tạo nếp gấp, bề mặt túi tạo dạng mu rùa để khi cấy giống sẽ dàn đều bốn xung quanh. Túi nguyên liệu có khối lượng khoảng 0,8 kg /túi. Sau đó làm cổ nút nhựa, nút bông.
3.4. Khử trùng nguyên liệu: có hai cách khử trùng nguyên liệu:
- Khử trùng bằng nồi hơi công nghiệp, áp lực 1,2 - 1,3 atm / 3 giờ.
- Khử trùng bằng lò thủ công không có áp lực / 10 - 12 giờ. Để triển khai sản xuất lớn, tiện lợi, rẻ tiền và có hiệu quả, ta dùng phương pháp hấp trong hơi nước bão hòa, thời gian từ 9 - 10 giờ
- Mỗi mẻ hấp có thể hấp được từ 600 - 800 túi mùn cưa, tùy theo thể tích của buồng hấp nhỏ hay lớn.
3.5. Cấy giống
* Yêu cầu đối với phòng cấy: phòng cấy phải sạch, thoáng mát. Trước khi cấy phải thanh trùng phòng cấy bằng cách phun foocmol (0,5 %) hoặc đốt lưu huỳnh rồi đóng kín cửa từ 12 -24 giờ. Mở cửa để sau 24 giờ cho bay hết mùi mới được vào cấy.
- Dụng cụ cấy bao gồm: hộp cấy bằng gỗ hoặc inox, khay cấy, que cấy, đèn cồn, lọ đựng cồn, bông thấm cồn để vệ sinh. Giống cấp hai, một chai giống cấy đều cho khoảng 35 – 40 bịch nguyên liệu.
- Tiêu chuẩn giống: giống Nấm Đùi gà dùng trong nuôi trồng là giống cấp 2. Giống nấm đủ tiêu chuẩn phải đáp ứng được các yêu cầu sau: có màu trắng đục đồng nhất, sợi mượt, không bị mốc, không bị chua, có mùi thơm đặc trưng của giống, giống không quá già hoặc quá non.
* Thao tác cấy: sau khi đã chuẩn bị đủ mọi điều kiện, tiến hành cấy giống theo các bước sau:
- Bước 1: dùng bông cồn vệ sinh sạch, lau chai giống, dụng cụ cấy và xung quanh hộp gỗ.
- Bước 2: đốt kỹ que cấy trên ngọn lửa đèn cồn.
- Bước 3: để que cấy nguội, mở nút chai giống từ từ trên ngọn lửa đèn cồn, khều bỏ lớp giống cũ trên bề mặt chai giống. Đặt chai giống nằm nghiêng trên khay cấy.
- Bước 4: mở nút bông của túi nguyên liệu từ từ cạnh ngọn lửa đèn cồn.
- Bước 5: cấy khoảng 6 - 7 g giống vào bề mặt túi nguyên liệu, đậy nắp bông lại.
3.6. Nuôi sợi
Sau khi cấy giống xong, chuyển bịch vào phòng nuôi để ươm sợi.
- Điều kiện phòng nuôi: phòng sạch sẽ, thoáng mát, có cửa ra vào và lối đi giữa các giàn rộng để tiện vận chuyển; giàn giá nên có nhiều tầng để tăng diện tích, mỗi giàn nên có 5 - 7 tầng, mỗi tầng cách nhau 50 – 60 cm. Diện tích phòng phụ thuộc vào diện tích đất sử dụng.
- Nhiệt độ phòng nuôi: 22 - 250C là tốt nhất.
- Độ ẩm không khí 65 - 70%.
- Ánh sáng: nuôi trong phòng tối hay ánh sáng yếu.
Trong thời gian nuôi sợi tuyệt đối không được tưới nước, hạn chế vận chuyển bịch nhiều lần (nếu vận chuyển nhiều sợi nấm dễ bị tổn thương). Trong thời gian này cần phải kiểm tra loại bỏ bịch nhiễm, nếu phát hiện thấy nhiễm cần loại bỏ ngay ra khỏi khu vực nuôi để tránh lây lan sang bịch khác.
Thời gian nuôi sợi kéo dài khoảng 28 - 30 ngày.
3.7. Chăm sóc quả thể
Sau khi sợi nấm mọc kín túi nguyên liệu, tháo bỏ cổ nút và nút bông, dùng thìa nhỏ hoặc tay cào đi lớp giống mỏng ở trên bề mặt túi nấm để kích thích sự hình thành quả thể nấm đồng đều và hạn chế hạt thóc giống gây nhiễm bề mặt túi (Chú ý: Khi cào bỏ phải gom gọn vào chậu hoặc túi nilon, tránh hiện tượng chúng văng vãi làm nhiễm môi trường xung quanh). Cào xong dùng nút bông và chun vừa tháo ra buộc sát miệng túi (chú ý: nút bông phải tiếp xúc với bề mặt nguyên liệu). Để các túi nấm đã xử lý xong lên giàn ngay tại phòng nuôi sợi khoảng 4 – 5 ngày, khi sợi nấm phục hồi lại thì chuyển sang phòng chăm sóc cho ra quả thể. Phòng ra quả thể có điều kiện như sau:
1. Nhiệt độ 12 -150C.
2. Ánh sáng khuyếch tán (Đủ để người bình thường đọc báo) hoặc ánh sáng điện mờ cố định 5 -8 giờ/ngày.
3. Độ ẩm không khí: 85 – 95%.
4. Thông thoáng:
- Nhà nuôi nên để nhiều tầng giàn để tăng diện tích sử dụng, có lối đi vận chuyển dễ dàng.
Thời gian này tưới phun sương đều đặn (1 -3 lần/ngày), chỉ tưới xunh quanh và nền, không tưới trực tiếp vào bề mặt bịch, độ ẩm không khí trong phòng phải đảm bảo 90 -95%. Sau một vài ngày những quả thể nhỏ hình thành trong miệng túi nilon, ngay dưới miệng nút bông cần tưới phun sương trực tiếp vào nút bông, 8 -10 ngày sau quả thể nấm chui ra khỏi miệng túi, nếu thấy nấm mọc thành chùm thì cần cắt tỉa bớt, chỉ để mỗi bịch 2 -3 quả, nếu để nhiều quá quả thể sẽ nhỏ (chú ý khi cắt tỉa tránh làm tổn thương đến quả thể còn lại).
Khi mũ quả thể phẳng và có màu sáng hơn, lúc này nấm có vị ngon nhất. Đây là thời điểm thu hái nấm thích hợp nhất.
3.8. Thu hái
Chú ý thu hoạch cần đúng tuổi thì mới đảm bảo về năng suất và chất lượng của sản phẩm. Nếu thu hoạch sớm quá sẽ làm giảm năng suất nấm còn thu muộn quá sẽ làm giảm giá trị của sản phẩm.
* Chăm sóc đợt sau
- Sau khi thu hái xong mỗi đợt, cần loại bỏ tàn dư trên bề bịch nấm, loại bỏ những bịch hỏng, 3 - 4 ngày đầu sau khi hái nấm ngừng tưới cho đến khi thấy xuất hiện mầm quả thể, nhưng vẫn phải giữ độ ẩm không khí trong phòng từ 85 - 90% bằng cách phun vào nền hoặc trần. Đến ngày thứ 5 - 7 khi thấy xuất hiện mần quả thể lại tiếp tục tưới phun sương 1 - 3 lần/ngày.
- Thông thường giữa 2 đợt ra nấm cách nhau 10 - 15 ngày.
- Mỗi túi nấm thu hái 2 - 3 lần.
3.9. Sơ chế, bao gói, bảo quản
- Sau khi thu hái nấm, tiến hành cắt bỏ chân nấm, cân, đóng gói.
- Nấm Đùi gà đa số được dùng ở dạng tươi, vì thế chúng ta nên chọn phương pháp hút chân không rồi bảo quản lạnh ở nhiệt độ 4 – 6oC, thời gian bảo quản không quá 5 - 7 ngày tính từ ngày thu hái.
KS. Cao Thị Thu Hiệp - Phòng CGKT Nông nghiệp