Hướng dẫn kỹ thuật trồng hoa hồng

22:47:42 31/08/2023 Lượt xem 50834 Cỡ chữ

Model.C_Title
Mục lục

              I. Giới thiệu chung

         Hồng là tên gọi chung cho các loài thực vật có hoa dạng cây bụi hoặc cây leo lâu năm thuộc chi Rosa, họ Rosaceae, với hơn 100 loài và màu hoa đa dạng. Các loài này nổi tiếng vì hoa đẹp nên thường gọi là hoa hồng.

            Hoa hồng là các cây bụi mọc đứng hoặc mọc leo, thân và cành có gai. Hoa thơm, màu sắc đa dạng: hồng, trắng, vàng hay đỏ,.. Phần lớn các loài hoa hồng có nguồn gốc bản địa châu Á, số ít còn lại có nguồn gốc bản địa châu Âu, Bắc Mỹ và Tây Bắc Phi.

           II. Đặc điểm thực vật học

          2.1. Rễ

          Rễ hồng thường là rễ chùm, bộ rễ phát triển tương đối rộng, khi bộ rễ lớn phát triển thành nhiều rễ phụ.

          2.2. Thân

        Thuộc nhóm cây thân gỗ, có nhiều cành và gai cong. Gồm có 2 phần: Đốt và lóng. Đốt là nơi mọc ra lá và chồi nách. Lóng là khoảng giữa của các đốt.

         2.3. Lá

         Lá: Lá hoa hồng là lá kép lông chim mọc cách, ở cuống lá có lá kèm nhẵn, mỗi lá kép có 3-5 hay 7-9 lá chét, xung quanh lá chét có nhiều răng cưa nhỏ, có màu xanh. Tùy vào đặc điểm của giống lá sẽ có màu sắc xanh đậm hoặc xanh nhạt, răng cưa nông hay sâu, hoặc có dạng lá khác nhau.

          2.4. Gai

          Là kết quả tự nhiên của từ biểu bì (Lớp ngoài của mô thân).

        Sự khác biệt cơ bản của gai hoa hồng và gai các loài khác (vd: cam, quýt,...): Gai hoa hồng mọc ở phần lóng, và không phải lóng nào cũng có gai. Thường có màu (thường là màu đỏ).

          2.5. Hoa

         Có nhiều màu sắc và kích thước khác nhau. Cụm hoa chủ yếu có 1 hoa hoặc tập hợp 1 ít hoa trên cuống đài, cứng, có gai. Hoa lớn có cánh dài hợp thành chén ở gốc, xếp thành một hay nhiều vòng siết chặt hay lỏng tùy theo giống. Hoa hồng thuộc hoa lưỡng tính. Nhị đực và nhụy cái trên cùng 1 hoa, các nhị đực dính vào nhau bao quanh vòi nhụy. Khi phấn chín rơi trên đầu nhụy nên có thể tự thụ phấn. Đài hoa có màu xanh.

         2.6. Quả

         Hình trái xoan

         2.7. Hạt

          Hạt hồng nhỏ có lông, khả năng nảy mầm rất kém do có lớp vỏ dày.

          III. Yêu cầu ngoại cảnh

         3.1. Nhiệt độ

        Đa số các loại hoa hồng có thể sinh trưởng và phát triển trong đều kiện nhiệt độ từ 8 – 380C, tuy nhiên nhiệt độ thích hợp cho cây hoa hồng là 8 – 250C.

         3.2. Ẩm độ

         Độ ẩm: Hoa hồng cần độ ẩm đất là 60 – 70%, độ ẩm không khí là 80 – 85%.

         3.3. Ánh sáng

          Ánh sáng: hoa hồng là cây ưa ánh sáng, ánh sáng đầy đủ giúp cây sinh trưởng tốt và ngược lại.

           3.4. Đất

           Đất đai và dinh dưỡng: hoa hồng có thể trồng được trên nhiều loại đất. Yêu cầu đất cao ráo, dễ thoát nước, pH= 5,6- 6,5 và dinh dưỡng NPK cân đối.

            IV. Kỹ thuật trồng và chăm sóc

         Một số giống hoa hồng đang được trồng phổ biến hiện nay tại Hải Phòng: hoa cắt cành: hồng Pháp, Ý, đỏ Hà Lan, Tỷ muội, Trắng xanh, Song hỷ,… hoa trồng chậu: hồng cổ Hải Phòng, hồng cổ sapa, hồng cổ vân khôi, hồng phấn, hồng bạch ho, cổ điều, tố nữ,…

         4.1. Thời vụ trồng

         Trồng vào mùa xuân từ tháng 2-4 và mùa thu từ tháng 8-10.

           4.2. Kỹ thuật làm đất

         + Đối với hoa hồng cắt cành: Vệ sinh đồng ruộng sạch, xử lý cỏ dại. Cày sâu 45-50 cm, bừa kỹ 2 lần, bón vôi cải tạo độ chua của đất kết hợp bón lót phân chuồng. Lên luống: Mặt luống rộng 1,0-1,2m; cao 25-30cm, rãnh luống 30-35cm. Luống hình chóp nón, thoát nước tốt, tránh ngập úng.

          + Đối với hoa hồng trồng chậu: Vệ sinh chậu trước khi trồng, chuẩn bị sẵn giá thể trồng hoa. Giá thể trồng hoa: trộn xơ dừa băm nhỏ hoặc tro trấu, đất thịt nhẹ, giàu mùn trộn với phân chuồng hoai theo tỷ lệ 3:1.

           Nên chọn kích cỡ chậu trồng cây hoa hồng như sau:

           Chậu có đường kính từ 15 – 20cm: trồng cây hoa có 4 – 7 bông.

           Chậu có đường kính 20 – 30cm: trồng cây hoa có 8 – 12 bông.

           Chậu có đường kính 30 – 40cm: trồng cây hoa có 13 – 21 bông.

           Chậu > 40cm: trồng cây hoa có 22 – 50 bông (tầm cỡ bồn hoa).

           Chiều cao của chậu nên > 25cm vì cây hoa hồng thường đâm rễ sâu.

            4.3. Kỹ thuật nhân giống

            Hoa hồng được nhân giống chủ yếu bằng phương pháp giâm cành hoặc ghép mắt. Thời vụ nhân giống hoa hồng tốt nhất vào mùa xuân (tháng 2-4) và mùa thu (tháng 8-10) là thời gian tốt nhất giúp cho hom giống ra rễ nhanh và đạt tỷ lệ sống cao.

           Chuẩn bị giá thể: trộn xơ dừa băm nhỏ hoặc tro trấu, đất thịt nhẹ, giàu mùn trộn với phân chuồng hoai theo tỷ lệ 3:1, trộn đều và đóng vào bịch đen chuyên dùng để ươm cây con.

            * Chuẩn bị gốc ghép

          - Sử dụng hom giống là hoa hồng dại (tường vi hoặc tầm xuân) cắt dài từ 20 - 25 cm, dùng dao hay kéo cắt cành bén, cắt vát 300, không để cho hom bị xơ dập, nên chọn hom có gai màu tím, hom ở cành bánh tẻ, sạch sâu bệnh. Nhúng hom giống vào dung dịch kích thích ra rễ sau đó cắm vào bầu. Trong thời gian 10 ngày đầu cần che nắng để hom ra rễ, sau đó từ từ cho chiếu sáng và tiếp tục chăm sóc, giữ ẩm, tỉa bỏ những mầm yếu, kém phát triển chỉ để 3-4 mầm khoẻ mạnh, khoảng sau 3 tháng thì có thể ghép được.

          - Kỹ thuật ghép: chọn gốc ghép sinh trưởng tốt, cành mập, khỏe để ghép. Sử dụng mắt ghép đủ tiêu chuẩn từ vườn cây sạch bệnh, lấy mắt ghép có kích thước 1cm x 3cm, có một mầm nhú lên bằng hạt gạo, ghép theo cách ghép da hình chữ T, mầm hướng lên trên, dùng nilon quấn quanh mắt ghép theo kiểu ngói lợp, chừa phần mầm lại. Trong thời gian này nên che nắng mắt ghép và không được tưới ướt mắt ghép, luôn giử ẩm cho gốc ghép. Khoảng 15 ngày sau có thể mở dây nylon ra kiểm tra nếu mắt ghép còn tươi là đạt. Sau đó cắt bỏ hết tán và nhánh của gốc ghép để tập trung nuôi mắt ghép. Có thể giảm che nắng từ từ để mắt ghép làm quen với ánh sáng trực tiếp và tỷ lệ sống cao hơn.

           * Chọn cành giâm

         Vườn hoa hồng dùng để cắt hom nhân giống cần được chăm sóc kỹ theo yêu cầu, phân bón để đảm bảo hom giống tốt, sạch sâu bệnh. Cành hồng dùng để nhân giống là cành bánh tẻ khoẻ, mập, thẳng và sạch sâu bệnh, đang mang hoa ở giai đoạn sử dụng.

          Chọn mắt giâm: là loại mắt ngủ bắt đầu nhú lên bằng hạt tấm thì khi giâm mắt bắt đầu nẩy lộc ngay, cành giâm phát triển tốt thì khi đem trồng cây có sức sinh trưởng phát triển tốt, cho hoa đẹp. Trên cành đã chọn để cắt hom giống giâm chỉ nên lấy đoạn giữa của cành không nên lấy đoạn ngọn và gốc. Hom giống có chiều dài từ 8 – 10 cm trên đoạn cành có từ 1-3 mắt (có 2 mắt là tốt nhất). Khi cắt cành nên dùng kéo cắt cành chuyên dùng, cắt vát 300, không để vết cắt bị dập nát. Trên đoạn cành cắt nên giữ lại từ 2-3 lá chét ở cuống lá mắt trên.

         * Kỹ thuật pha, nhúng thuốc kích thích ra rễ: Hoa Hồng là loại cây thân gỗ tương đối khó ra rễ khi giâm, vì vậy muốn kích thích cành giâm ra rễ nhanh ta dùng thuốc kích thích ra rễ như IAA, NAA, axit giberelic với nồng độ từ 2000-2500 ppm. Hom giống sau khi cắt đem nhúng nhanh vào dung dịch pha sẵn trong khoảng thời gian 3-5 giây rồi cắm vào giá thể được chứa trong bầu nilon. Khi cắm hom giống phải thẳng đứng, cắm sâu từ 1-1,5cm, mỗi túi bầu là một hom.

            4.4. Kỹ thuật trồng hoa hồng

        - Đối với hoa cắt cành: khoảng cách trồng: hàng cách hàng 50cm, cây cách cây 20-30cm. Trồng cây giống thẳng đứng, nên trồng theo kiểu nanh sấu.

       - Đối với hoa trồng chậu: đổ giá thể vào ⅔ chậu, lót 1 tầng đá cuội dày khoảng 3cm ở gần đáy để tránh rửa trôi khoáng và chất dinh dưỡng. Trồng cây và đổ giá thể vào phủ rễ cây lấp kín khoảng trống trong chậu.

         Trồng hoa hồng: tay trái giữ cây, tay phải lấp đất nhẹ vào xung quanh gốc, ấn nhẹ tay cho cây đứng, tránh làm đứt rễ cây, không để phân tiếp xúc với rễ. Trồng xong tưới đẫm nước. Nếu trồng vào những ngày nắng nóng thì phải che bằng lưới đen hoặc rơm, rạ 2-3 tuần để cây nhanh hồi phục, nâng cao tỉ lệ sống cho cây.

          4.5. Kỹ thuật tưới nước

          - Đối với hoa hồng cắt cành: tưới nước ngập rãnh, bằng cách bơm nước vào 2/3 các rãnh để 2 giờ đồng hồ. Sau đó rút hết nước hoặc tưới bằng vòi bơm vào mặt luống giữa 2 hàng cây, tránh bắn nước nhiều lên bộ lá và nụ sẽ tạo điều kiện cho nấm bệnh lan truyền. Nếu tưới bằng vòi bơm thì giữa 2 hàng cây nên tạo ra 1 rãnh nhỏ để khi tưới nước và phân không bị chảy ra ngoài.

         - Đối với hoa hồng trồng chậu: tưới vừa đủ để làm ẩm đất chứ không làm ướt đất. Không nên tưới nước cho cây hoa hồng trong chậu từ 10 giờ sáng đến 18 giờ chiều trong ngày vì đây là thời điểm nhiệt độ cao, nước trong đất dễ bị bốc hơi nhanh. Không nên tưới lên mặt lá và thân cây, vì sẽ tạo điều kiện cho nấm và vi khuẩn tấn công.

          4.6. Bón phân

          Hoa hồng rất ưa phân hữu cơ, trước khi trồng phải bón phân bón hữu cơ cho cây. Tùy theo mức độ thâm canh, chân đất và nhu cầy của cây để bón phân

         * Đối với hoa hồng cắt cành quy trình bón phân như sau:

         - Lượng bón cho 1 sào Bắc bộ:

         + Phân hữu cơ: 1,5 - 2 tấn.

         + Lân đầu trâu: 18-20 kg.

         + NPK đẩu trâu (17-12-7 +TE): 350 – 400 kg.

          Ngoài ra còn dùng một số phân bón vi lượng phun qua lá để bổ sung dinh dưỡng cho cây hoa.

          - Cách bón:

          + Bón lót: Toàn bộ lân đầu trâu và 1 – 1,2 tân phân hữu cơ.

          + Bón thúc:

          Thúc mầm lần 1 (sau khi ghép 30-35 ngày): 0,8 - 1 tấn phân hữu cơ.

          Thúc mầm lần 2 (sau ghép 45-50 ngày): 18 - 20 kg NPK 17-12-7+TE.

           Thúc sau mỗi lần tỉa nhánh: 5 – 7 kg NPK 17-12-7+TE Đầu Trâu. Kết hợp phòng ngừa sâu bệnh.

           Thúc định kỳ 15 ngày bón 1 lần, lượng bón 18 – 20 kg NPK 17-12-7+TE Đầu Trâu.

          Bón phân magiê: Định kỳ 4-5 tháng bón 1 lần với lượng 0,5 – 0,7 kg MgSO4 bằng cách trộn với phân NPK bón gốc hoặc hòa với nồng độ 0,3-0,5% để phun qua lá.

        - Phun qua lá: Phân bón thích hợp cho các thời kỳ phát triển của hồng là Đầu Trâu 501, 701 và 901, đây là loại phân có đầy đủ và cân đối đa, trung, vi lượng và các chất điều hòa sinh trưởng. Nồng độ và liều lượng phun tùy thuộc tuổi và thời kỳ phát triển như sau:

         Thời kỳ hồng tăng trưởng và sau cắt hoa: Pha 1-2 gam Đầu Trâu 501 trong 1 lít nước, phun định kỳ 7-10 ngày/lần.

         Thời kỳ hồng trưởng thành sắp ra nụ hoa: Pha 1-2 gam Đầu Trâu 701 trong 1 lít nước, phun định kỳ 7-10 ngày/lần.

        Khi hồng đã có nụ và dưỡng hoa khi đang nở: Pha 1-2 gam Đầu Trâu 901 trong 1 lít nước, phun định kỳ 7-10 ngày/lần.

        + Từ năm thứ 2, vào đầu chu kỳ 1 - 2 tấn hữu cơ. Phân bón NPK 17-12-7+TE Đầu Trâu và phân bón lá sử dụng theo quy trình trên.

        * Đối với hoa hồng trồng chậu: bón thúc định kỳ 20-30 ngày/lần với lượng: 30-50 g NPK 17-12-7+TE Đầu Trâu. Lượng bón trên tính cho mỗi chậu (1-2 cây), với chậu to cần tăng lượng lên theo số lượng cây. Tạo rãnh khoảng 3-5 cm xung quanh thành chậu để rải phân, lấp đất, tưới nước.

           Phun phân bón lá Đầu Trâu 501, 701, 901 theo quy trình như trên.

         Sau 2-3 tháng cần thay 1/3 đến 1/2 lượng đất cũ trong chậu bằng hỗn hợp đất sạch và phân hữu cơ với tỉ lệ 3:1. Cần lấy đất quanh chậu và phía trên, tránh làm đứt rễ. Tưới nước ngay sau khi thay đất.

           4.6. Kỹ thuật cắt tỉa cành, bao hoa

        - Đối với hoa hồng cắt cành: cần bao hoa để tránh côn trùng và các tác động của môi trường xung quanh, đồng thời giữ hoa nhanh nở trong vài ngày. Có 2 cách bao hoa là bao bằng giấy báo (cắt 1 mảnh giấy báo quấn quanh bông hoa và buộc hoặc dán lại) và bao bằng lưới có sẵn.

         - Đối với hoa hồng trồng chậu: tỉa cành, tạo tán: sau khi mầm chính lên cao khoảng từ 20 - 25cm thì tiến hành bấm ngọn, chỉ để khoảng 4 - 5 cành cấp 1 toả đều xung quanh bốn xung quanh tạo thành bộ khung chính của cây. Thường xuyên cắt tỉa bỏ những cành tăm, cành vượt, cành yếu, cành bị bệnh để cây được thông thoáng và tỉa nụ để cành cây ổn định số nụ, cho bông hoa to, đủ dinh dưỡng và giảm sâu bệnh.

          Cắt tỉa vít cành ở trên cao xuống thấp, lợi dụng ưu thế sinh trưởng đỉnh ngọn của cây, làm cho mầm nách ở chỗ uốn cong nảy lên giữ thế cân bằng cho cây, các lá phía dưới vẫn tiếp tục quang hợp được. Vít cành từ tháng 5 đến tháng 7. Trước khi vít 15 ngày ngừng tưới nước, để cho cây ở trạng thái vừa ngủ nghỉ, cành mềm dẻo, dễ uốn, đồng thời chú ý cắt bỏ cành sâu bệnh và phun thuốc trừ sâu bệnh. Độ cao vít cành khoảng 50 – 60cm, có thể uống trực tiếp hoặc tạo thành vết thương để uốn, chú ý không để cho cành ra mầm trước. Sau 2 -3 tháng cành sinh trưởng khoẻ, mới cắt bỏ cành già để thay thế.

             Phương pháp cắt tỉa cành, ngắt ngọn, nụ và tạo hình cho cây hoa hồng cần được thực hiện thường xuyên và liên tục.

         V. Phòng trừ sâu bệnh

           5.1. Sâu hại

          5.1.1. Bọ trĩ (Frankliniella sp.)

          - Triệu chứng: Lá hoa hồng xoắn, thâm đen nâu và khô chết, nụ hoa không nở được, nếu nở thì hoa bị dị hình.

           - Phòng trừ: có thể sử dụng thuốc trừ sâu như Minecto, Radian, Neem,… phun theo liều lượng khuyến cáo.

            5.1.2. Rệp (Macrosiphum rosae)

         - Triệu chứng: thường tập trung ở ngọn non và nụ, một số ít hại lá. Lá, ngọn non và nụ bị hại thường tiết ra mật nên dễ phát sinh bệnh muội đen.

         - Phòng trừ: Kết hợp với các đợt cắt tỉa, cắt bỏ cành và lá bị rệp hại để tiêu huỷ. Ngoài ra; Có thể tham khảo sử dụng các loại thuốc có hoạt chất: Abamectin, Emamectin-Benzoate, Cypermethrin … phun theo liều lượng khuyến cáo.

           5.1.3. Nhện đỏ

           - Triệu chứng: thường bám dưới lá để chích hút dịch trong mô lá, làm cho lá khô, vàng và rụng.

          - Phòng trừ: có thể sử dụng hỗn hợp công thức hữu cơ gồm: Giấm Gỗ, Tinh Dầu Cam, Orgarnic Sunflur trộn đều và phun xịt.

           5.2. Bệnh hại

          5.2.1. Bệnh đốm đen (Marssonina rosae)

        - Triệu chứng: Vết bệnh hình tron hoặc bất định, ở giữa vết bệnh màu xám nhạt, xung quanh màu đen. Vết bệnh xuất hiện ở cả 2 mặt lá. Bệnh nặng lá bị vàng và rụng hàng loạt.

        - Phòng trừ: có thể sử dụng một số hoạt chất sau: Hexaconazole (Anvil 5SC, Tungvil5SC), Imibenconazole (Manage 5 WP) Mancozeb (Cadilac 75 WG), Triforine ( Saprol 190 DC) nồng độ, liều lượng theo khuyến cáo.

           5.2.2. Bệnh phấn trắng (Sphaerotheca pannosa)

        - Triệu chứng: Vết bệnh dạng bột màu trắng xám, hình thái không nhất định. Bệnh thường hại trên ngọn non, chồi non, lá non, hình thành ở cả 2 mặt lá. Bệnh nặng hại cả thân, cành, nụ và hoa, làm biến dạng lá, thân khô, nụ ít, hoa không nở, thậm chí chết cây.

       - Phòng trừ: có thể sử dụng một số hoạt chất sau: Azoxystrobin + Difenoconazole( Amistar top 325SC) Hexaconazole (Anvil 5SC); Chlorothalonil (Daconil 75WP); Tebuconazole + Trifloxystrobin (Nativo 750WG ), Triforine ( Saprol 190 DC) nồng độ, liều lượng theo khuyến cáo.

        5.2.3. Bệnh gỉ sắt (Phragmidium mucronatum)

        - Triệu chứng: Vết bệnh dạng ổ nổi màu vàng da cam hoặc màu nâu sắt gỉ, thường hình thành ở mặt dưới lá. Mặt trên mô bệnh mất màu xanh bình thường, chuyển sang màu vàng nhạt.

        - Phòng trừ: có thể sử dụng hoạt chất sau: Hexaconazole (Anvil 5SC, Tungvil5SC) nồng độ, liều lượng theo khuyến cáo.

           5.2.4. Bệnh khô cành (Botryodiplodia)

          - Triệu chứng: Bệnh chủ yếu hại cành non. Vết bệnh lúc đầu là các đốm màu đen, giữa có bột trắng, xung quanh viền đỏ, đốm bệnh lồi lên và nứt ra. Bệnh lan dần xuống phía dưới thành đốm lớn, trên đó có nhiều đốm đen, đó là các ổ nấm.

            - Phòng trừ: Định kỳ tỉa cành, cắt bỏ các cành bị gãy hoặc bị bệnh.

           VI. Thu hoạch và bảo quản

          Thu hoạch khi hoa có cánh ngoài vừa hé nở, nên thu vào buổi sáng sớm hoặc chiều mát lúc cây còn sung nhựa, nhiều nước, cành hoa cắt về sẽ lâu tàn, trước khi cắt hoa nên tưới nhiều nước. Cắt cách gốc chừa lại 3 lá, phần cành hồng còn lại sẽ cho 3 chồi mới, chỉ chọn 1-2 chồi khỏe cho ra hoa tiếp.

          Sau khi cắt hoa nhúng ngay vào thùng nước có chứa chất khử Etylen khoảng 30 phút, sau đó ngâm vào thùng chứa dung dịch dinh dưỡng cho hoa ngấm khoảng 1-3 giờ, nếu có điều kiện thì bảo quản trong kho lạnh, còn không phải thì để hoa ở chỗ thoáng mát, sạch sẽ và đóng gói trước khi vận chuyển đi xa.

Ths. Bùi Thị Hoạ - Phòng CGKT NN

Đối tác/Liên kết
Trang chủ
Thống kê truy cập
  • Hôm nay: 5895
  • Hôm qua: 11946
  • Tuần này: 40127
  • Tuần trước: 71991
  • Tháng này: 354087
  • Tháng trước: 566218
  • Lượt truy cập: 4722096
QR Code

Dùng điện thoại scan mã QR này để truy cập vào website

QR Code
0225.3541.398 
messenger icon