Hướng dẫn kỹ thuật sản xuất lúa gieo thẳng

10:42:00 14/12/2022 Lượt xem 2354 Cỡ chữ

Model.C_Title
Mục lục

1. Thời vụ gieo trồng

- Vụ xuân: Nên bố trí gieo sau lập xuân (5/2), tuỳ điều kiện thời tiết, thời vụ thích hợp nhất gieo sạ từ 10/2-20/2 cho năng suất cao ổn định, lấy mốc lúa trỗ an toàn từ 1-15/5 làm căn cứ tính thời điểm gieo cho từng loại giống. Giống lúa cực ngắn (95-100 ngày) có thể gieo đến 5/3.( vụ xuân gieo khi nhiệt độ trên 100C).

- Vụ mùa: Gieo từ 5/6 đến 10/7, thời vụ thích hợp nhất nên gieo 10-20/6, để lúa trỗ 10-15/9 cho năng suất lúa cao nhất.

Vụ mùa cực sớm (Trên đất trổngau màu), mùa sớm: gieo 30/5 -5/6 để lúa trỗ xung quanh 10/8, thu hoạch khoảng 10/9 và sử dụng các giống lúa có thời gian sinh trưởng ngắn (khoảng 90-95 ngày).

Vụ mùa trung: gieo kết thúc 10/7 sử dụng các giống lúa ngắn

2. Giống

- Lựa chọn giống lúa chất lương phụ hợp với vùng sinh thái, vụ sản xuất và yêu cầu thị trường. Trồng giống sinh trưởng phát triển khỏe, năng suất cao, phẩm chất tốt, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, thích ứng rộng, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

- Sử dụng các giống chất lượng cao được cung ứng từ các Công ty có uy tín.

Giống lúa thuần: lượng giống gieo từ 0,7- 0,9kg/sào (20,0-25kg/ha)

Giống lúa lai: lượng giống gieo từ 0,5- 0,7kg/sào (14,0-20,0kg/ha)

Đối với chân đất cát pha, đất nghèo dinh dưỡng, sản xuất trong vụ xuân thì nên tăng lượng giống gieo sạ từ 0,3-0,5kg/sào.

3. Kỹ thuật làm mạ

3.1. Ngâm ủ hạt giống

- Đối với hạt giống chuyển vụ trước khi ngâm nên phơi hạt giống qua nắng nhẹ 1-2 giờ nhằm tăng sức nảy mầm của hạt giống. Đối vụ xuân nên ngâm bằng nước ấm 3 sôi + 2 lạnh và đãi chua trong nước ấm.

- Ngâm để hạt no nước lần đầu đủ 48h đối với vụ xuân, 36h đối với vụ mùa. Khi hạt thóc đã no nước vớt ra đãi sạch đưa vào ủ thúc mầm 12h đối với vụ mùa, 24h đối vụ xuân. Sau đó kết hợp ngâm ủ, cứ 8-10h kiểm tra rửa sạch nước chua,  khi mộng dài bằng 1/3, rễ dài bằng 1/2 hạt thóc tiến hành gieo.

Lưu ý: Trong quá trình ngâm ủ hạt giống cần kiểm tra mầm thường xuyên, tránh để mầm quá dài khi gieo sạ mống sẽ không xuống đều.

Nên điều khiển cho mầm dài hơn rễ, hoặc bằng rễ, khi gieo xuống đất rễ bám ngay vào đất.

Nếu rễ dài nhưng mầm ngắn thì phải điều chỉnh bằng cách ngâm xuống nước 4-6h để hạn chế rễ dài, nếu mầm dài rễ ngắn ta phải ủ để khích thích phát triển rễ và hạn chế mầm phát triển.

Phải để mộng khô nước, rũ tơi trước khi đổ mộng vào các hộp gieo.

Chủ động xử lý hạt giống bằng thuốc hóa học (kola 600FS, Cruiser Plus 312.5 FS ,,,) trước khi gieo để phòng chóng bệnh Lùn sọc đen ngay từ giai đoạn mạ

4. Kỹ thuật làm đất, gieo cấy

4.1. Làm đất

Lựa chọn vùng sản xuất phải chủ động tưới tiêu, tập trung thành vùng, để thuận lợi trong việc điều tiết nước, hạn chế sự phá hoại của chim, chuột.

Ruộng cần được bừa kỹ; Làm phẳng ruộng như làm đất gieo mạ dược và có rãnh thoát nước.

Tuỳ chân đất là cát pha hay đất thịt mà lựa chọn thời gian làm đất (trước hoặc gần lúc sạ) cho thích hợp.

Để gốc rạ nhanh phân huỷ có thể xử lý bằng vôi bột 25-30kg/sào hoặc chế phẩm AT-YTB, Sumitri(100gram trộn với 4-5kg cát cho 1 sào).

4.2. Kỹ thuật gieo

* Gieo bằng giàn sạ:

- Với bộ giống lúa hiện nay gieo hạt sử dụng hàng lỗ thưa trên trống của giàn sạ (dùng băng dính hoặc dây chun bịt 2 hàng  lỗ mau).

- Mở nắp trống, chia đều lượng giống vào trong các trống (chỉ đổ đầy 2/3 trống ), đóng nắp lại, kiểm tra nắp cho chắc chắn để tránh bật nắp, hạt giống rơi ra ngoài.

- Với loại giàn sạ 6 trống, mỗi lần đổ giống khoảng 4-4,2 kg mộng có thể gieo được 4 – 4,5 sào bắc bộ.

- Khi kéo giàn sạ phải đặt bánh ở lần kéo sau trùng với bánh ở lần kéo trước để vừa đảm bảo mật độ, đồng thời là rãnh thoát nước và đi lại chăm sóc sau này. Khi gần hết ruộng phải mở nắp trống ra kiểm tra lượng giống để điều chỉnh kịp thời.

- Áp dụng gieo sạ hàng rộng hàng hẹp, hàng rộng – hàng hẹp cũng tương tự như sạ: Hàng hẹp: 14-15 cm, hàng rộng: 28-30 cm, hàng con: 10-12 cm, mật độ thực tế 35-38 khóm/ m2, cấy 2- 3 dảnh /khóm với lúa thuần, 1-2 dảnh/ khóm với lúa lai. Lượng giống gieo giảm khoảng 0,7- 0,9kg/sào tùy giống.

* Gieo bằng tay:

Khi mống dài từ 2/3  hạt trở lên thì nên gieo vãi bằng tay

Cách gieo: cần chia mộng đều cho các luống, mỗi luống phỉa ném đi ném lại 2-3 lần, ném mạnh tay, mộng sẽ đều và chìm, không tốn công tỉa, dặm

Lưu ý: Đất có thành phần cơ giới nhẹ, cát pha, bạc màu, đất nghèo dinh dưỡng, ở vụ xuân, làm đất xong gieo ngay.

Đất thành phần cơ giới nặng (đất thịt, đất phù sa..,) đất giàu dinh dưỡng, bùn hẩu, lúa lai, làm đất xong để sau 1 đêm hoặc 1 ngày thì gieo.

Trước khi gieo phải đẩy lùi giàn gieo về phía sau để hạt giống văng ra ngay từ hàng đầu tiên, kéo đều tay để mộng xuống đều theo hàng.

Nên phân vùng và gieo tập trung trong 1-2 ngày không nên kéo dài thời gian gieo để hạn chế chim, chuột phá hoại.

5. Phân bón và chất phụ gia

- Chỉ sử dụng phân bón có nguồn gốc rõ ràng được phép sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam.

- Không sử dụng phân hữu cơ chưa xử lý (phân tươi, chưa hoai mục), trường hợp tự sản xuất phân hữu cơ, phải thực hành đúng phương pháp, đảm bảo đủ thời gian.

- Cần tuân thủ quy trình bón phân cho từng loại cây trồng cụ thể (cách bón, liều lượng ...).

- Nơi cất giữ, chứa phân bón phải đảm bảo không gây ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động và chất lượng sản phẩm cây trồng.

- Ghi chép nhật ký và lưu giữ hồ sơ sản xuất: Nhật ký thực hành sản xuất, nhật ký mua vật tư nông nghiệp, nhật ký quản lý đầu vào của sản xuất.

*  Lượng bón và phương pháp bón phân

a. Lượng bón và phương pháp bón phân đơn

Cây trồng

Loại phân bón

Tổng số

Lượng bón

kg/ha

kg/sào

Bón lót

(%)

Bón thúc 1

(%)

Bón thúc 2

(%)

Lúa chất lượng

Phân hữu cơ sinh học

2.000

72

100

-

-

Đạm ure

280

10

-

60

40

Lân supe

550

20

100

-

-

Kali clorua

150

5

-

40

60

Lúa lai

Phân hữu cơ sinh học

2.000

72

100

-

-

Đạm ure

280

10

-

60

40

Lân supe

560

20

100

-

-

Kali clorua

200

7

-

40

60

Lúa nếp

Phân hữu cơ sinh học

2.000

72

100

-

-

Đạm ure

200

7

-

60

40

Lân supe

560

20

100

-

-

Kali clorua

200

7

-

40

60

b. Lượng bón và phương pháp bón phân NPK tổng hợp

Cây trồng

Loại phân bón

Tổng số

Lượng bón

kg/ha

kg/sào

Bón lót

(%)

Bón thúc 1

(%)

Bón thúc 2

(%)

Lúa chất lượng

Phân hữu cơ sinh học

2.000

72

100

-

-

NPK lót 5.10.3

500-700

17-25

100

-

-

NPK thúc 13.13.13

400-600

14-21

-

60

40

Lúa lai

Phân hữu cơ sinh học

2.000

72

100

-

-

NPK lót 5.10.3

500-700

17-25

100

-

-

NPK thúc 13.13.13

400-600

14-21

-

60

40

Lúa nếp

Phân hữu cơ sinh học

2.000

72

100

-

-

NPK lót 5.10.3

500-700

17-25

100

-

-

NPK thúc 13.13.13

400-600

14-21

-

60

40

b) Cách bón

- Bón lót: trước khi lồng cấy lần cuối

+ Bón thúc lần 1: sau cấy từ 5-7 ngày (khi lúa bén rễ hồi xanh)

+ Bón thúc lần 2: khi lúa bắt đầu phân hóa đòng

Lưu ý: Có thể sử dụng các loại NPK khác có tỷ lệ tương đương

6. Điều tiết nước và chăm sóc

- Điều tiết nước: Khi cấy nên để nước xăm xắp mặt ruộng từ 1-1,5cm, sau khi cấy 2-3 ngày tháo nước vào ruộng và giữ nước thường xuyên 2 - 3cm, để cây lúa đẻ sớm, đẻ khỏe, đẻ tập trung và đạt số dảnh hữu hiệu cao, khi lúa đẻ đạt đủ số dảnh hữu hiệu, rút cạn nước để ruộng nẻ chân chim 5-7 ngày. Sau đó cho nước vào ruộng ngập 3-5cm. Trước khi gặt 5-7 ngày tháo nước phơi ruộng, nhằm thuận lợi cho thu hoạch.

- Thường xuyên làm sạch cỏ dại, thu gom rác vỏ thuốc BVTV đúng nơi quy định

7. Phòng trừ sâu bệnh

7.1. Biện pháp canh tác, thủ công, sinh học

- Vệ sinh đồng ruộng: Làm sạch cỏ, vơ tỉa lá già, loại bỏ lá bị sâu bệnh tiêu hủy hạn chế sâu bệnh

- Luân canh cây trồng: Luân canh với cây lúa nước và cây trồng khác họ nhằm hạn chế nguồn sâu bệnh gây hại. 

- Áp dụng phương pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cơ sở áp dụng tổng hợp các biện pháp kỹ thuật (sử dụng giống kháng/giống chống chịu, bón phân cân đối, thời vụ hợp lý, luân canh, xen canh cây trồng, áp dụng các biện pháp thay thế hóa chất,…) để ngăn cản sự phát sinh, phát triển của dịch hại; hạn chế tối đa sử dụng hóa chất nông nghiệp để bảo vệ quần thể thiên địch và giảm thiểu rủi ro đối với sức khỏe con người và môi trường

- Dùng biện pháp thủ công: ngắt ổ trứng, bắt giết sâu non khi mật độ sâu thấp (áp dụng với sâu đục thân).

7.2. Biện pháp sử dụng thuốc Bảo vệ thực vật (BVTV)

* Các nguyên tắc khi sử dụng thuốc BVTV

- Chỉ sử dụng thuốc BVTV khi sâu bệnh hại đến ngưỡng phòng trừ theo hướng dẫn của ngành Bảo vệ thực vật;

- Chỉ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng trên rau. Tuyệt đối không dùng các loại thuốc trong danh mục thuốc cấm và thuốc hạn chế sử dụng hoặc hạn chế tối đa sử dụng các loại thuốc có độ độc cao  (thuộc nhóm độc 1 và 2), thuốc chậm phân hủy trên rau.

- Ưu tiên sử dụng các loại thuốc có nguồn gốc sinh học, thuốc thảo mộc, các loại thuốc có độ độc thấp (thuộc nhóm 3 trở lên), thuốc có thời gian cách ly ngắn, chóng phân hủy và ít ảnh hưởng đến các loài vi sinh vật có ích trên ruộng.

- Cần sử dụng luân phiên các loại thuốc có hoạt chất khác nhau để tránh sâu nhanh quen thuốc. Tuân thủ nghiêm ngặt nồng độ, thời gian cách ly của từng loại thuốc trước khi thu hoạch theo đúng hướng dẫn của đơn vị sản xuất ghi trên bao bì.

- Người sản xuất phải nắm vững kỹ thuật sử dụng thuốc theo nguyên tắc “4 đúng”: đúng thuốc, đúng nồng độ liều lượng, đúng lúc và đúng cách.

- Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng để phát hiện sâu bệnh hại và thực hiện theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật và các cơ quan chuyên môn.

7.3. Một số sâu, bệnh hại chính và cách phòng trừ

a. Chuột hại

+ Vệ sinh đồng ruộng: Phát quang bờ bụi, làm sạch cỏ bờ ruộng, bờ mương không để đất hoang hóa cỏ mọc um tùm hạn chế nơi cư trú của chuột.

+ Tập trung lực lượng để đào bắt, sử dụng bẫy (bán nguyệt, bẫy sập, bẫy lồng, bẫy dính, …) để diệt chuột. Đặc biệt trong giai đoạn cày ải và đổ ải trước khi cấy.

+ Sử dụng  một số loại thuốc diệt chuột trong danh mục được phép sử dụng như: Rat-K 2%D, CAT 0,25WP, Ranpart 2%D... Cách sử dụng: cứ 10gam thuốc Rat-K 2%D trộn đều với 0,4 - 0,5 kg mống mạ hoặc thóc luộc để nguội, ráo nước (tương đương với 0,3 kg thóc khô) chia làm 20-25 mô bả (5-7gam/bả) dùng cho 4-5 sào, nên đặt bả trên đường đi lại của chuột, gần cửa hang, nơi chuột đang phá hại.

b. Ốc bươi vàng

Ốc bươu vàng là loài sinh vật ngoại lai xâm hại, là đối tượng ăn thực vật, thức ăn ưa thích là xà lách, mạ non, rau muống… đặc biệt là mạ dưới 3 tuần tuổi có thể bị ốc cắn ngang thân gây thiệt hại trên đồng ruộng, khi ốc bươu vàng phát triển ở mật độ cao có thể làm ruộng mất trắng. Các nghiên cứu cho thấy, 1 con ốc bươu vàng (2 - 3 cm)/m2 gây hại trong giai đoạn lúa 3 – 20 ngày sau sạ sẽ làm giảm 15 - 20% năng suất lúa, nếu mật độ 6-10 con ốc /m2 thì ruộng lúa sạ sẽ mất trắng sau 1 ngày đêm.

Bắt ốc và ổ trứng bằng tay vào sáng sớm hoặc chiều mát. Nên bắt ốc sớm và liên tục từ lúc sạ đến 2, 3 tuần sau.

c. Sâu cuốn lá nhỏ

khi mật độ sâu non đến ngưỡng phun trừ: từ 50 con/m2 trở lên đối với giai đoạn đẻ nhánh; từ 20 con/m2 trở lên đối với giai đoạn phân hóa, làm đòng. Sử dụng thuốc: thuốc sinh học Silsau Super 5WP, Tasieu 5 WG; thuốc hóa học Tasodant 600EC, Clever 150SC, Ammate 150 SC

d. Sâu đục thân 2 chấm

khi mật độ ổ trứng đến ngưỡng phun trừ: giai đoạn đẻ nhánh 0,5 ổ/m2, giai đoạn làm đòng 0,3 ổ/m2 trở lên. Sử dụng thuốc hóa học: Tasodant 600EC, Clever 150SC, Ammate 150 SC.

e. Rầy nâu, rầy lưng trắng

Đối với ruộng lúa giai đoạn ngậm sữa – chắc xanh, sử dụng thuốc có tác dụng nội hấp – lưu dẫn như Penalty 40WP, Chess 50WP, Oshin 20WP, Winter 635EC.. khi phun không cần rẽ lúa thành băng, hạ thấp vòi phun, phun ướt đều mặt lá

Đối với ruộng lúa giai đoạn xanh – chín sử dụng thuốc có tác dụng tiếp xúc như penalty Gold 50EC, Actara 25WG, Victory 585EC… trước khi phun cần rẽ lúa thành băng, mỗi băng từ 4-6 hàng lúa, phun trực thuốc trực tiếp vào gốc lúa nơi rầy cứ trú

f. Bệnh khô vằn

khi thấy 20% số dảnh/m2 bị nhiễm, phun trừ bằng một trong các loại thuốc: Shut 677WP, Amistar Top 325SC, V.Tvil 500SC.

g. Bệnh đạo ôn 

Đạo ôn lá thường xuất hiện giai đoạn lúa đẻ nhánh, đẻ nhánh rộ. Những diện tích bị nhiễm Đạo ôn lá cần phun phòng Đạo ôn cổ bông khi lúa phân hóa cuối bước 8 (đòng đã nứt bẹ). Sử dụng một số loại thuốc đặc hiệu như: Kasai-S 92sc, Filia 525SC, Fuji-one 40WP.

h. Bệnh bạc lá  - đốm sọc vi khuẩn

Giữ đủ nước trên ruộng, tuyệt đối không bón phân bổ sung; sau trận mưa dông, trên diện tích chớm bệnh có thể sử dụng một số loại thuốc để phun phòng bệnh như Lobo 8WP, Toptan 200WP, Kasumin 2SL...

8. Thu hoạch, sơ chế, bảo quản

Thu hoạch: Thời gian thu hoạch: Thu hoạch vào lúc sau trỗ 28-32 ngày hoặc khi thấy 85-90% số hạt trên bông đã chín vàng. Nếu cắt sớm hay trễ đều làm tăng tỷ lệ hao hụt.

Sơ chế: Nhà sơ chế, các thiết bị dụng cụ, vật tư, đồ chứa, phương tiện vận chuyển phải đảm bảo các tiêu chí về an toàn vệ sinh thực phẩm theo quy định…

Không bảo quản và vận chuyển sản phẩm chung với các hàng hóa khác có nguy cơ gây ô nhiễm sản phẩm.

9. Ghi chép, lưu trữ hồ sơ

Tổ chức và cá nhân sản xuất theo VietGAP phải ghi chép và lưu giữ đầy đủ nhật ký về các biện pháp kỹ thuật đã áp dụng phục vụ cho việc chứng nhận và truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Đối tác/Liên kết
Trang chủ
Thống kê truy cập
  • Hôm nay: 4537
  • Hôm qua: 5231
  • Tuần này: 20762
  • Tuần trước: 29296
  • Tháng này: 259472
  • Tháng trước: 306531
  • Lượt truy cập: 2827533
0225.3541.398 
messenger icon