Áp dụng khoa học kỹ thuật mới vào thực tiễn sản xuất, thay đổi tập quán canh tác, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đang là những giải pháp mà huyện An Dương triển khai thực hiện nhằm giúp người dân giải quyết việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững…
Năm 2017, được sự quan tâm của các cấp, ngành và hỗ trợ tư vấn kỹ thuật của cán bộ Khuyến nông về chuyển đổi cây trồng trên đất cấy lúa kém hiệu quả sang các cây trồng khác theo quy hoạch của địa phương mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ông Lê Văn Mào ở thôn 4, Hà Nhuận, xã An Hòa, huyện An Dương đã mạnh dạn chuyển đổi 1.080 m2 đất cấy lúa kém hiệu quả sang trồng ổi Lê Đài Loan. Ổi Lê Đài Loan là giống ổi dễ tính, thời gian sinh trưởng ngắn, tỷ lệ đậu quả và năng suất cao, thu hoạch quanh năm. Được sự hỗ trợ, tư vẫn về kỹ thuật của kỹ sư Ngô Văn Vãn - Trạm Khuyến nông An Dương từ khâu làm đất, chuẩn bị giống, cách trồng, ông đã lên luống, đào hố với mật độ 4m×3m để trồng 90 gốc ổi. Sau khi trồng cây ổi bén rễ bước vào giai đoạn phát triển cả gia đình tập trung chăm sóc tỉa cành tạo bộ khung tán hợp lý chuẩn bị cho chu kỳ ra hoa đậu quả. Miệt mài chăm sóc cuối năm 2017 vườn ổi cho thu hoạch lứa quả đầu tiên cân đối tiền bán ổi vừa đủ cho đầu tư chi phí cải tạo đất và trồng mới.
Ông Mào bên vườn Ổi Lê nhà mình
Từ năm 2018 vườn ổi của ông bắt đầu cho thu hoạch đều, năng suất trung bình từ 60 - 65 kg quả/cây/năm. Sau khi thu hoạch ông chở đến chợ đầu mối giao cho các lái buôn với giá giao động từ 8 - 18 nghìn đồng/kg tùy từng thời điểm, thu nhập trên dưới 70 triệu đồng/năm
Trò chuyện với chúng tôi, ông Mào cho biết: “Trước đây gia đình ông chủ yếu trồng lúa và một số cây rau màu khác nhưng năng suất kém, hiệu quả kinh tế không cao. Qua tìm hiểu ông đã biết đến cây ổi Lê Đài Loan trồng tại huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều hộ dân. Sau khi tham khảo thêm ý kiến của cán bộ Khuyến nông, ông đã quyết định mua giống ổi này về trồng, đến nay ổi là cây trồng đem lại nguồn thu nhập chính cho gia đình ông”.
Sau một thời gian triển khai và thấy mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, ông Mào tiếp tục chuyển đổi tiếp 1 ha đất ruộng kém hiệu quả sang trồng 800 cây ổi Lê. Hiện ổi sinh trưởng phát triển tốt, khả năng cho một mùa bội thu. Đây quả thực là một mô hình tốt cho bà con nông dân học tập làm theo để nâng cao thu nhập và giảm diện tích đất bỏ hoang.
KS. Nguyễn Thị Chinh - Trạm KN An Dương