Nông dân xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng tập trung chăm sóc cây táo Đài Loan sau thu hoạch

09:58:17 29/03/2024 Lượt xem 316 Cỡ chữ

Model.C_Title
Mục lục

           Xã Vinh Quang là một xã ven biển của huyện Tiên Lãng. Về diện tích cây ăn quả, hiện nay toàn xã có khoảng gần 100 ha, trong đó riêng diện tích trồng cây táo là 15 ha, chiếm 15% diện tích cây ăn quả. Đây cũng là loại cây trồng đang mang lại thu nhập và hiệu quả kinh tế cao cho các hộ sản xuất trên địa bàn xã Vinh Quang những năm gần đây. So với các loại cây trồng khác thì cây táo đại Đài Loan là loại cây trồng rất thích hợp với điều kiện đất đai, khí hậu và thổ nhưỡng của vùng đất ven biển thôn Tân Quang, xã Vinh Quang.

Vườn táo đại Đài Loan tại thôn Tân Quang, xã Vinh Quang

          Những ngày này, cán bộ Khuyến nông đến thăm các vườn táo tại thôn Tân Quang, xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng đều bắt gặp những gương mặt rất phấn khởi của các hộ trồng táo sau khi kết thúc vụ thu hoạch được mùa, được giá của gia đình nhà mình. Đó cũng là tinh thần để các hộ tiếp tục bắt tay vào vụ sản xuất tiếp theo.

          Đến nay, khi thời vụ thu hoạch vụ táo năm 2023 đã kết thúc, các hộ bắt đầu công tác thu dọn, vệ sinh vườn để chuẩn bị cho vụ táo mới. Để có táo chín và thu hoạch đúng thời điểm dịp tết Nguyên Đán phụ thuộc phần lớn vào kỹ thuật chăm sóc, điều kiện thời tiết và nhất là xác định được thời điểm đốn táo phù hợp. Sau khi được cán bộ Khuyến nông tư vấn khuyến cáo và hướng dẫn, các chủ vườn bắt đầu công việc đầu tiên đó là thực hiện công đoạn đốn táo.

Gốc táo đã thực hiện phương thức đốn đau

         Thực hiện phương thức đốn đau, đây cũng là bí quyết giúp cho cây táo “trẻ hóa” ở vụ tiếp theo, cây táo sẽ có nhiều cành mới to, khỏe, sai hoa, cho quả nhiều và đều, sản lượng cao, chất lượng tốt.

          Với phương thức đốn đau, các hộ dân thực hiện chặt cành, cưa gốc từ phía trên mắt ghép cũ tính từ mặt đất lên, khoảng cách từ 10-15 cm, không cắt cao quá hoặc thấp quá vì như vậy sẽ ảnh hưởng đến sức đâm chồi của cây.

         Khi gốc táo đâm chồi chỉ nên để mỗi gốc 2-3 mầm khỏe nhất, tốt nhất. Trong vòng thời gian từ 5 – 6 tháng sau, những mầm này sẽ phát triển thành cành to, tạo nhánh rồi ra hoa, kết quả. Nếu trong quá trình chăm sóc, mầm nào sinh trưởng, phát triển kém có thể ghép lại mắt mới.

 

 

Vườn táo sau khi thực hiện công tác đốn và ghép mắt mới

           Ngoài ra, nên chú ý đến khâu bón phân phải đúng thời gian, đủ liều lượng để cây phát triển tốt.

          Bà Vũ Thị Rua – chủ vườn táo cho biết: sau khi được cán bộ Khuyến nông hướng dẫn về kỹ thuật, sau mỗi vụ thu hoạch quả gia đình nhà bà đều thực hiện phương thức đốn đau cho mỗi gốc táo, kết hợp với các biện pháp kỹ thuật chăm bón nên những năm gần đây năng suất và chất lượng táo của gia đình bà đều ổn định và thị trường tiêu thụ ngày càng được mở rộng đời sống của gia đình bà dần cải thiện hơn.

           Một số khuyến cáo về kỹ thuật chăm sóc cây táo sau khi đốn:

         - Phải duy trì độ ẩm thích hợp cho cây táo, vườn phải có rãnh thoát nước tốt, không để nước đọng trong vườn sau mỗi trận mưa.

         - Tiến hành cuốc lật đất xung quanh gốc, rắc vôi bột cải tạo độ PH đất và phòng trừ nguồn nấm bệnh tại vườn; Sử dụng một số loại thuốc trừ sâu như: Virtako 40 WG, Ammate 150SC, Dylan 2EC,.. .Liều lượng theo hướng dẫn trên bao gói, để hạn chế sâu đục thân hại quanh gốc ảnh hưởng đến quá trình mọc mầm của cây táo.

        - Sau đốn 30 – 35 ngày, cần tiến hành bón phân chuồng ủ hoai mục với lượng 15 – 20 kg/gốc để thúc đẩy quá trình mọc mầm của cây táo. Dùng cuốc xới đất xung quanh gốc theo hình chiếu tán cây, sâu 15 – 20 cm, rải phân, lấp đất rồi tưới nước.

 

        Ks. Đặng Thi Dược – Trạm Khuyến nông Tiên Lãng

Đối tác/Liên kết
Trang chủ
Thống kê truy cập
  • Hôm nay: 1087
  • Hôm qua: 3425
  • Tuần này: 4512
  • Tuần trước: 29866
  • Tháng này: 277638
  • Tháng trước: 306531
  • Lượt truy cập: 2845699
0225.3541.398 
messenger icon