Sau vụ khai thác rươi năm 2024 vừa qua, những người dân xã Kiến Thiết phấn khởi vì thu hoạch rươi năng suất cao. Đến nay tranh thủ những ngày thời tiết ban ngày có nắng, ấm người dân xã Kiến Thiết đang tích cực cải tạo ruộng, bổ sung nguồn dinh dưỡng cho rươi để chờ đón vụ mới cho năng suất cao.
Nông dân đang rải rơm rạ trên ruộng rươi ngoài đê xã Kiến Thiết
Xã Kiến Thiết là một xã nằm ở phía Nam huyện Tiên Lãng - thành phố Hải Phòng, cách huyện lỵ 5km, có diện tích đất tự nhiên rộng hơn 12 km2, sông Thái Bình là con sông lớn quan trọng, đã góp phần giúp Kiến Thiết trở thành xã có tiềm năng lớn về phát triển nghề thủy sản. Hơn nữa, với điều kiện tự nhiên về sông nước, đất đai, tạo ra những thuận lợi cho người dân Kiến Thiết mở rộng các diện tích khai thác lúa - rươi cho năng suất cao.
Kiến Thiết có hơn 70 ha diện tích bãi ven sông Thái Bình rất thuận lợi để khai thác rươi, tập trung ở các thôn: Thanh Trì, An Thạch, Nam Phong 1, Nam Phong 2, Bắc Phong. Hàng năm, người dân đều thu được sản lượng rươi trung bình từ 20 - 70 kg/sào, chất lượng rươi được đánh giá cao. Con rươi là đặc sản tự nhiên không phải vùng nào cũng có, nó được ví như lộc trời cho, giá trị kinh tế cao hơn nhiều sản phẩm thủy sản khác nên được chú trọng phát triển. Nhờ có sản lượng và giá bán cao, mà cuộc sống của bà con khá lên nhiều. Để có năng suất tốt, bà con thường xuyên và tích cực làm công tác cải tạo đất, bổ sung nguồn dinh dưỡng cho rươi. Theo chia sẻ, anh Vũ Văn Thành, thôn Nam Phong 2 chia sẻ: nhà anh có 6 sào ruộng nuôi rươi, thu hoạch được 150kg rươi thương phẩm, nhiều gia đình đã thu được từ 50-70 kg/sào.
Hiện nay, sau mỗi vụ thu hoạch, để năng suất rươi ổn định, rươi to thì bà con ở đây tập trung cao cho công tác cải tạo đất bằng những công việc như: rải trấu hoặc rơm rạ rồi cày lồng vùi xuống đất để tạo độ tơi xốp cho đất (50-70 bao trấu/sào); rải phân gà đã ủ hoai mục 80-100 bao/sào; Nhiều gia đình, ngay từ thời gian này, để tăng nguồn dinh dưỡng cho rươi, trước khi đưa nước vào đã bổ sung ngô xay hoặc đỗ tương xay 40-100kg/sào và bón lót bằng phân hữu cơ vi sinh sau đó cày lồng đất. Nhiều gia đình thì đến tháng 6-8 mới bổ sung thức ăn cho rươi khoảng 3-5 lần vào những lúc nước kém, dinh dưỡng tự nhiên ít. Trên những diện tích khai thác rươi ngoài bãi, đa số các hộ dân đều kết hợp giữa cấy lúa và khai thác rươi đem lại hiệu quả kinh tế cao. Gieo cấy lúa theo hướng hữu cơ vừa giúp cải tạo đất, vừa có sản phẩm thóc, gạo hữu cơ có giá trị kinh tế. Hơn nữa, việc gieo cấy lúa theo hướng hữu cơ nên môi trường sống của rươi được đảm bảo không có hóa chất, độc hại, thuốc trừ cỏ, trừ sâu bởi chỉ cần đất nhiễm độc là rươi sẽ bị triệt tiêu.
Ruộng rươi được rải ngô hạt trước khi cày vùi xuống đất
Với điều kiện giáp sông, dễ lấy nước và có tiềm năng khai thác rươi nên hiện nay, nhiều người dân đã chuyển đổi từ mô hình cấy lúa kém hiệu quả sang mô hình khai thác lúa rươi cho hiệu quả cao hơn như ở các thôn Nam Phong 1, Nam Phong 2 và thôn Bắc Phong.
Diện tích khai thác lúa – rươi trong đồng tại thôn Nam Phong 1
Ks. Vũ Chung Thùy – Trạm Khuyến nông Tiên Lãng