Người dân Tiên Lãng chủ động phòng bệnh Dại cho chó, mèo nuôi, an toàn sức khoẻ người dân

15:42:53 17/03/2024 Lượt xem 859 Cỡ chữ

Model.C_Title
Mục lục

        Theo kết quả thống kê từ Bộ Y tế cho thấy chỉ trong hơn 2 tháng đầu năm 2024, cả nước ghi nhận 22 ca tử vong do bệnh Dại ở 17/63 tỉnh, thành phố, tăng gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2023 (10 ca). Tại Hải Phòng, mặc dù đến nay chưa phát hiện trường hợp nào có biểu hiện bị bệnh dại hoặc nghi dại. Tuy nhiên, trước diễn biến bệnh dại gia tăng, chúng ta không thể chủ quan.

         Bệnh dại ở chó, mèo là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do một loại virus thuộc họ Rhabdoviridae gây ra. Chúng gây ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thần kinh trung ương của chó, mèo và truyền lây qua nước bọt. Bệnh từ động vật (chó, mèo bệnh) lây truyền sang người thông qua vết cắn, cào hoặc liếm vào vết thương hở. Người bị mắc bệnh dại khi phát bệnh thì 100% tử vong và hiện vẫn chưa có bất kỳ phương pháp hay loại thuốc nào có thể điều trị đặc hiệu bệnh dại.

         Thời tiết giai đoạn chuyển mùa này, bệnh Dại dễ phát sinh, phát triển thành dịch vì nguy cơ tiếp xúc với các mầm bệnh tăng cao. Với diễn biến dịch tễ của bệnh dại năm nay xảy ra khá mạnh và sớm, nếu không được kiểm soát và can thiệp kịp thời các biện pháp dự phòng, khả năng số ca mắc và tử vong sẽ tăng cao. Để chủ động phòng chống bệnh dại trên địa bàn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Phòng ra Thông báo số 10/TB-SNN, ngày 19/1/2024 về việc triển khai tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho đàn chó, mèo nuôi trên địa bàn thành phố năm 2024, thông báo nên rõ việc xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại các Nghị định của Chính phủ như: số 90/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017; Nghị định số 04/2020/NĐ-CP ngày 03/1/2020; Nghị định số 07/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022, với các đối tượng: các hộ nuôi chó, mèo không thực hiện kê khai hoạt động chăn nuôi; không tiêm vắc xin phòng bệnh Dại cho chó, mèo nuôi; không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó; không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng.

           Triển khai thông báo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngày 25/1/2024, UBND huyện Tiên Lãng đã ra Thông báo số 11/TB-UBND, yêu cầu các địa phương cần triển khai tiêm phòng mũi vắc xin đầu tiên cho chó mèo từ 12 tuần tuổi trở lên, sau đó cứ mỗi năm tiêm nhắc lại một lần. Thời gian tiêm phòng đợt chính từ ngày 1/4/2024 đến 30/5/2024, hàng tháng tiêm phòng bổ sung cho đàn chó, mèo mới phát sinh chưa được tiêm phòng trong đợt chính hoặc đã hết thời gian còn miễn dịch bảo hộ. Các Trạm Chăn nuôi và Thú y, Trạm Khuyến nông tích cực hướng dẫn các địa phương triển khai công tác kê khai hoạt động chăn nuôi chó, mèo, hướng dẫn một số điều của Luật Chăn nuôi về hoạt động chăn nuôi, nuôi chó tập trung đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y, không gây ảnh hưởng đến người xung quanh. Khuyến cáo người dân tiêm phòng đầy đủ vắc xin cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại hằng năm.

         Để triển khai công tác này có hiệu quả cao, các cán bộ thú y và Khuyến nông viên cơ sở đã tham mưu với chính quyền các địa phương chủ động thực hiện ngay các hoạt động tuyên truyền nhằm gia tăng nhận thức về phòng chống bệnh dại cho người dân, thực thi nghiêm ngặt các biện pháp quản lý như: không để chó chạy rông, yêu cầu đeo rọ mõm khi chó ra ngoài, không đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo, đảm bảo an toàn ở các khu vực công cộng,… Tiến tới triển khai việc tiêm phòng cho chó, mèo nuôi trong độ tuổi triệt để, đạt hiệu quả cao. Trong trường hợp có người bị chó mèo cắn, cào... cần rửa kỹ vết thương bằng nước và xà phòng liên tục trong 15 phút, nếu không có xà phòng phải xối rửa vết thương bằng nước sạch; tiếp tục sát trùng vết thương bằng cồn và nước sát trùng. Sau đó, đến ngay Trung tâm y tế dự phòng gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng Dại kịp thời.

BSTY. Vũ Chung Thùy – Trạm KN Tiên Lãng

Đối tác/Liên kết
Trang chủ
Thống kê truy cập
  • Hôm nay: 6087
  • Hôm qua: 10905
  • Tuần này: 68102
  • Tuần trước: 62771
  • Tháng này: 479841
  • Tháng trước: 555226
  • Lượt truy cập: 4513116
QR Code

Dùng điện thoại scan mã QR này để truy cập vào website

QR Code
0225.3541.398 
messenger icon