Ngộ độc chất độc tự nhiên có trong thực vật trên vật nuôi quy mô nông hộ

16:34:21 14/06/2024 Lượt xem 1351 Cỡ chữ

Model.C_Title
Mục lục

           Ngộ độc một số loài thực vật là một tình trạng khá phổ biến đặc biệt trong chăn nuôi nhỏ lẻ, chăn nuôi tự phát, có thể gặp ở mọi loài gia súc, gia cầm. Thường gây ra triệu chứng khiến vật nuôi mệt mỏi, khó chịu có thể gây chết. Vì vậy cần được phát hiện sớm để có những biện pháp chăm sóc phù hợp nhằm hạn chế tối đa ảnh hưởng của tình trạng này đối với sức khỏe vật nuôi gây giảm thiểu thiệt hại về kinh tế cho chủ hộ. Chính vì vậy, để chủ động phòng ngừa ngộ độc thức ăn có nguồn gốc từ thực vật thì bà con cần lưu ý một số loài thực vật gây độc trên gia súc, gia cầm và hướng xử lý.

            Thứ nhất: Ngộ độc cây trúc đào

           Nguyên nhân: Trúc đào là một trong những loài thực vật có độc tính cao nhất. Chúng có mặt trong toàn bộ các bộ phận của loài cây, nhưng chủ yếu tập trung trong nhựa cây. Vỏ cây trúc đào chứa Rosagenin, có các tác động tương tự như Strychnin (Strychnin là loại thuốc có tác dụng bổ trợ cơ, thần kinh. Tuy nhiên, nếu như sử dụng sai cách thì rất dễ dẫn đến tình trạng bị ngộ độc strychnin). Ở nhiều động vật, khoảng 0,5 mg/kg thể trọng đã gây chết. Ngoài ra, cây trúc đào còn lưu giữ các chất độc ngay cả khi đã khô đi. Các bộ phận khô của loài cây này vẫn là rất nguy hiểm cho các động vật như cừu, ngựa, bò và các động vật gặm cỏ khác, với chỉ 100 g lá khô cũng đủ giết chết cả một con ngựa trưởng thành.

Cây trúc đào

          Triệu chứng ngộ độc: Các triệu chứng đường tiêu hóa có thể bao gồm buồn nôn và nôn mửa, tiết nhiều nước bọt, tiêu chảy có thể lẫn hay không lẫn máu, đặc biệt ở ngựa là đau bụng. Rối loạn nhịp tim, đôi khi với đặc trưng là đầu tiên nhịp nhanh sau đó chậm dưới mức bình thường.

           Thứ 2, Ngộ độc khoai tây nảy mầm

          Nguyên nhân: Hàm lượng glycoalkaloid có tên Solanin sẽ tăng cao khi củ khoai tây đang nảy mầm hoặc phần củ có màu xanh, khoai tây non và khoai tây bị thối do các loại nấm. Solanin chịu nhiệt tốt, khi đun nóng không bị phân huỷ và giữ nguyên độc lực đối với gia súc, gia cầm. Do vậy đó là lý do khiến xuất hiện độc tố gây nguy hại cho sức khỏe. Thông thường sau khi ăn vài giờ sẽ xuất hiện biểu hiện, tuy nhiên một số trường hợp được phát hiện sau 24 giờ.

 

Sự phân bố của solanin trong khoai tây mọc mầm

           Triệu chứng ngộ độc: Bỏ ăn, nôn, tiêu chảy, niêm mạc và da tím, đôi khi gây bại liệt nhẹ, có thể chết trong vài giờ do truy mạch. Nếu ngộ độc mãn tính, con vật sẽ đi ỉa chảy, nổi ban, viêm đuôi, hậu môn, kheo chân và xung quanh mõm. Con vật không sốt, nước tiểu đôi khi có màu đỏ, con cái có thể bị sảy thai, con chết non hoặc sức sống yếu.

           Thứ 3, Ngộ độc sắn, măng tươi

           Nguyên nhân: Vỏ sắn, măng tươi có chứa nhiều acid hydrocyanic (HCN). Đây là một loại acid rất độc, tất cả các muối của nó cũng rất độc, độc như nicotin (từ 2 đến 3 giọt có thể giết chết một con chó).

             Triệu chứng ngộ độc:

           - Động vật nhai lại: Có biểu hiện mệt mỏi, bỏ ăn, bồn chồn đứng nằm không yên, miệng chảy nước dãi, không nhai lại, thân nhiệt không quá cao. Có thể chết rất nhanh chỉ sau vài giờ trong trường hợp cấp tính.

           - Ở động vật dạ dày đơn : Thường biểu hiện nôn mửa lúc đầu, ỉa chảy, thở khó, miệng sùi bọt, thân nhiệt giảm, run rẩy, co giật, hôn mê.

            - Con vật có thể chết rất nhanh chỉ sau vài giờ trong trường hợp cấp tính.

           Các biểu hiện của ngộ độc có thể xảy ra sau vài phút, vài giờ, thậm chí 1-2 ngày sau khi sử dụng. Việc nắm cách sơ cứu ngộ độc thức ăn là bước quan trọng đầu tiên giúp phòng ngừa hậu quả nghiêm trọng cho vật nuôi. Nguyên tắc chung khi vật nuôi có biểu hiện ngộ độc:

          Bước 1: Gây nôn thường được áp dụng đối với động có biểu hiện muốn nôn ói ngay sau khi ăn phải thức ăn nhiễm độc hay động còn tỉnh táo, chưa có triệu chứng ngộ độc. Cần nhanh chóng dùng mọi biện pháp để nôn hết những thức ăn đã ăn vào. Các cách thức có thể áp dụng như cho con vật uống 1 ly nước muối pha loãng (0,9%), than hoạt tính/ than củi hòa loãng nhằm kích thích cảm giác nôn ở vật nuôi. Con vật nôn được càng nhiều càng tốt, điều này giúp hạn chế chất độc có trong thức ăn ngấm vào cơ thể, phát tán và gây hại.

          Bước 2: Sau khi tiến hành quy trình sơ cứu ngộ độc thực phẩm bao gồm các cách gây nôn, bù nước,… dù tình vật nuôi có dấu hiệu tỉnh táo vẫn cần liên hệ với cán bộ thú y để có hướng xử lý tiếp theo như: trợ sức, trợ lực… Ngoài ra, đối với ngộ độc sắn, măng tươi sau khi con vật đã ổn định, chủ nuôi có thể sử dụng một số bài thuốc dân gian sau:

           Bài 1: Bột dong ta 100g

           Nước sạch 200ml

           Rửa sạch giã nhuyễn hòa với nước và lọc lấy nước cho lợn uống cách một giờ uống một lần

           Bài 2: Đường trắng: 100g

          Nước sạch: 300ml

          Hòa tan, uống liên tục trong ngày

           Bài 3 : Lá khế giã nhuyễn 500g

           Nước sạch 300ml

           Lá khế giã nhuyễn hòa với nước cho uống liên tục trong ngày (sưu tầm)

            Tóm lại, để phòng ngộ độc độc tố có chứa trong thực vật thì bà con cần tuân thủ các biện pháp sau:

           - Không cho gia súc ăn sắn tươi, măng tươi chỉ nên cho ăn khi đã qua chế biến như ngâm nước vài giờ, xử lý qua nhiệt (phơi, sấy, nấu chín, ủ chua lên men…).

          - Không cho vật ăn khoai tây đã bị thối, non, củ khoai có màu xanh, nếu củ khoai đang mọc mầm thì phải bỏ mầm, bỏ nước luộc khoai.

            - Không chăn thả vật nuôi tai nơi có thực vật chứa độc…

           Trên đây là một số loài thực vật thường gặp gây ngộ độc trên vật nuôi. Chúc bà con chăn nuôi thành công!

KS- Trần Việt Linh- Trạm Khuyến Nông An Lão

 

 

 

 

 

 

 

Đối tác/Liên kết
Trang chủ
Thống kê truy cập
  • Hôm nay: 2027
  • Hôm qua: 10909
  • Tuần này: 32931
  • Tuần trước: 64869
  • Tháng này: 312809
  • Tháng trước: 496745
  • Lượt truy cập: 4021350
QR Code

Dùng điện thoại scan mã QR này để truy cập vào website

QR Code
0225.3541.398 
messenger icon