Nghề trồng bưởi - hướng đi mới trên đất nông nghiệp chuyển đổi

17:27:41 22/03/2022 Lượt xem 887 Cỡ chữ

Model.C_Title
Mục lục

         Thực hiện đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp”, những năm gần đây, nhiều bà con nông dân trên địa bàn xã Tiên Minh, huyện Tiên Lãng đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa cây bưởi vào trồng trên nền đất lúa kém hiệu quả, bước đầu hình thành được vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, giúp nông dân tăng việc làm và thu nhập, tạo động lực thúc đẩy chương trình giảm nghèo và góp phần xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

        Cách đây 10 năm về trước vườn bưởi của nhà bà Trịnh Thị Hương, thôn Ngọc Khánh, xã Tiên Minh là những ruộng lúa nhưng rất khó khăn trong việc điều tiết nước nên đều kém hiệu quả và giá trị kinh tế đem lại không đáng kể. Từ khi có chủ trương chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng đối tượng cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn thì đồng đất này đã có sự thay da đổi thịt rõ rệt. Nó đã được phủ xanh bởi những tán bưởi diễn với những trái ngọt trĩu cành hứa hẹn đem lại sự sung túc đủ đầy. Nhìn vườn bưởi diễn, bà Hương không dấu nổi niềm vui về mô hình chuyển đổi này.

         Bà cho biết chỉ cần 50 quả /cây là bà đã thu về 1 triệu đồng tiền bưởi. Cây bưởi có đặc điểm rất dễ trồng, ít sâu bệnh, chịu hạn tốt, lại tốn ít công chăm sóc và cho hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với cây lúa. Thế nhưng muốn thành công thì cần phải nắm vững các yếu tố cần thiết như giống tốt, áp dụng kỹ thuật thâm canh, các biện pháp phòng, trừ sâu bệnh và xử lý cho cây ra quả.

          Mặc dù đã ở độ tuổi gần 70 nhưng bà vẫn rất tâm huyết với mô hình trồng bưởi của gia đình mình. Bao năm qua, bà đã dành cho cây bưởi một thứ tình cảm đặc biệt như người bạn tri âm tri kỷ, có lẽ vì thế mà bà hiểu rõ đặc tính của cây bưởi, cách chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại ra sao để tỷ lệ quả đậu cao, mã quả đẹp, chất lượng tốt. Ở cái tuổi được nghỉ ngơi thì bà lại vẫn đam mê với nghề làm vườn. Vừa làm, vừa rút kinh nghiệm và học hỏi thêm các kiến thức trồng trọt qua sách báo, ti vi cũng như trao đổi với các hộ có kinh nghiệm trồng bưởi lâu năm cùng với sự giúp đỡ về kỹ thuật của Trạm Khuyến nông Tiên Lãng nên vườn bưởi nhà bà được thương lái thu mua tận gốc với giá trung bình từ 20.000 - 30.000 đồng/quả. Bình quân thu nhập 40 triệu/sào, lâu năm có thể thu 80 triệu/sào.

       Bà Hương cho biết: Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại các vùng đất cấy lúa kém hiệu quả sang trồng cây bưởi diễn đã giúp người dân nơi đây khai thác tốt tiềm năng của đất, nâng cao giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích, cải tạo môi trường sinh thái, làm đa dạng nguồn gen và phát triển nông nghiệp bền vững, góp phần vào việc xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

        Có thể thấy, việc chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây bưởi tại xã Tiên Minh, huyện Tiên Lãng là hướng thay đổi tích cực, phù hợp với điều kiện sản xuất thực tế tại địa phương. Cách làm này đã cơ bản khắc phục được tình trạng mất mùa, mất giá, nâng cao thu nhập kinh tế, mang lại cuộc sống khá giàu cho người nông dân. Hiệu quả của mô hình trồng bưởi trên đất lúa chuyển đổi của nhiều hộ dân đã cho giá trị lợi nhuận cao gấp 5-7 lần so với cấy lúa.

        Hiện nay, mô hình trồng cây ăn quả của bà Hương được chính quyền xã Tiên Minh chọn là mô hình tiêu biểu trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và được nhiều nông dân ở các địa phương trong và ngoài xã đến tham quan học tập. Bà cũng rất nhiệt tình chia sẻ kỹ thuật trồng và chăm sóc cây bưởi với mong muốn sẽ có nhiều hộ dân cùng thực hiện mô hình trồng cây ăn quả, góp phần hình thành vùng sản xuất tập trung để nâng cao giá trị sản phẩm, mang lại nguồn thu nhập ổn định và bền vững cho người dân. Hiện mô hình đang được triển khai và nhân rộng, góp phần từng bước giúp địa phương thực hiện thành công Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và xã nông thôn mới.

Ks. Phạm Hoa Xim – Trạm Khuyến nông Tiên Lãng

Đối tác/Liên kết
Trang chủ
Thống kê truy cập
  • Hôm nay: 4547
  • Hôm qua: 5231
  • Tuần này: 20772
  • Tuần trước: 29296
  • Tháng này: 259482
  • Tháng trước: 306531
  • Lượt truy cập: 2827543
0225.3541.398 
messenger icon