Nghề khai thác cáy tự nhiên nâng cao thu nhập cho người dân Bát Trang, An Lão

15:10:43 30/05/2022 Lượt xem 1201 Cỡ chữ

Model.C_Title
Mục lục

         Xã Bát Trang, huyện An Lão là xã thuần nông được thiên nhiên ưu đãi về diện tích mặt nước, bãi bồi, đất đai màu mỡ, là điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp. Những năm về trước, khi cua đồng, tôm, tép còn nhiều trong tự nhiên người tiêu dùng có nhiều lựa chọn nên người dân Bát Trang chủ yếu bắt cáy phục vụ bữa ăn gia đình, làm mắm và bán cho các chợ lân cận với giá rẻ.

      Tuy nhiên, những năm gần đây khi môi trường nước ngày càng ô nhiễm, cua đồng, tôm, tép trở nên khan hiếm người tiêu dùng lại thích ăn cáy hơn. Bởi con cáy “lành” lại chế biến được nhiều món ngon như nấu canh rau đay, mồng tơi, bánh đa…

       Cáy là loài giáp xác thường được gọi là cua càng đỏ, là loại thực phẩm có tính mát thường được dùng để chế biến nhiều món ăn vào mùa hè như giã nấu canh hoặc làm mắm cáy…Bát canh cáy không chỉ là món canh ngon miệng dễ ăn mà còn giúp giải nhiệt, đặc biệt đây còn là món ăn phổ biến trong mâm cơm hàng ngày của mỗi gia đình trong những ngày hè nắng nóng.

       Mùa khai thác cáy chỉ diễn ra vài tháng trong năm (từ khoảng tháng 4 đến tháng 8) nhưng đem lại một khoản thu nhập không nhỏ cho nhiều hộ dân. Cáy tự nhiên sống nhiều ở đồng, ruộng, bãi ven đê…thường vào các buổi sáng hoặc chiều mát cáy mới ra ăn mồi. Dựa vào đặc tính này người dân khai thác cáy biết chọn thời điểm đi đặt bẫy để được nhiều cáy nhất.

       Trên những vùng đất bãi dọc theo con sông Lạch Tray chảy qua, bắt đầu từ tờ mờ sáng đến gần trưa (khi nước thủy triều xuống) người dân nơi đây say sưa bắt cáy. Có rất nhiều cách bắt cáy như đào hang, đặt lưới, nhưng người dân Bát Trang dùng phương tiện để đặt bẫy cáy khá đơn giản và hiệu quả: chỉ cần lấy chai nhựa cắt phần miệng ra là đã có một cái bẫy. Mồi để bẫy cáy gồm có cám gạo rang và mắm tôm (hoặc ruốc tươi) thêm một chút nước, trộn đều hỗn hợp này sẽ tạo thành một loại thính mà cáy rất thích. Thính được bôi vào phần trong miệng của chai nhựa rồi đặt nghiêng vào các vệ bờ có nhiều hang cáy ở, khoảng cách giữa các bẫy khoảng 1m và việc còn lại là chờ đợi cho cáy chui vào ống nhựa để ăn mồi, sau 2 tiếng đồng hồ có thể đi thu.

Một chiếc bẫy cáy được đặt đơn giản

       Theo Ông Ngô Văn Chiến - người dân khai thác cáy ở xã Bát Trang cho biết: “Gia đình tôi làm 300 cái bẫy bằng chai nhựa, mỗi tháng đặt bẫy được 15 ngày, ngày nhiều bù ngày ít trung bình mỗi ngày tôi bắt được 5 kg cáy. Cáy bắt về sẽ có thương lái đến tận nơi thu mua, giá luôn ổn định ở mức 55.000đ/kg cáy loại nhỏ – 70.000đ/kg cáy loại to. Nhờ cách bắt đơn giản này mà người dân khai thác cáy ở Bát Trang đã có thu nhập bình quân 5 triệu đồng/tháng, cá biệt có những hộ những ngày nhiều có thể kiếm được từ 500 đến dưới 1 triệu đồng từ khai thác cáy”.

        Một thương lái chia sẻ: “Vào những ngày hè nóng bức như hiện nay các mặt hàng cua, cáy tiêu thụ rất mạnh. Đặc biệt là cáy, người tiêu dùng ở thành phố mua ăn rất nhiều nên mặt hàng này nhiều khi không đủ để cung cấp cho thị trường”.

       Có thể nói nghề khai thác cáy - “lộc trời”, đã tạo thêm nguồn thu nhập và góp phần nâng cao đời sống cho người dân xã Bát Trang, huyện An Lão, thành phố Hải Phòng.

Ks. Đào Thị Phương Nhung – Trạm KN An Lão

Đối tác/Liên kết
Trang chủ
Thống kê truy cập
  • Hôm nay: 11376
  • Hôm qua: 14447
  • Tuần này: 54674
  • Tuần trước: 62771
  • Tháng này: 460326
  • Tháng trước: 555226
  • Lượt truy cập: 4493601
QR Code

Dùng điện thoại scan mã QR này để truy cập vào website

QR Code
0225.3541.398 
messenger icon