MỘT SỐ LƯU Ý SỬ DỤNG HÓA CHẤT SÁT TRÙNG, CHẾ PHẨM SINH HỌC, B.COMPLEX AN TOÀN VÀ HIỆU QUẢ TRONG CHĂN NUÔI, KHÔI PHỤC SẢN XUẤT SAU BÃO

18:45:45 01/10/2024 Lượt xem 5625 Cỡ chữ

Model.C_Title
Mục lục

       Bão số 3 (YAGI) đã gây ảnh hưởng và thiệt hại lớn cho ngành sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố Hải Phòng. Đối với lĩnh vực chăn nuôi, bão đã gây tốc mái nhiều chuồng trại chăn nuôi, làm nhiều vật nuôi bị chết và ốm, môi trường bị ô nhiễm, có nguy cơ phát sinh dịch bệnh. Do vậy việc vệ sinh, khử trùng, tiêu độc, xử lý môi trường để tiêu diệt mầm bệnh rất quan trọng, cấp bách, cần phải thực hiện ngay sau khi bão đi qua để giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, hạn chế phát sinh dịch bệnh. Đồng thời bổ sung Men vi sinh (chế phẩm sinh học), B.Complex để tăng cường sức đề kháng cho vật nuôi, giúp vật nuôi sinh trưởng phát triển tốt, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm ô nhiễm môi trường, góp phần khôi phục lại sản xuất sau bão.

        Để việc sử dụng các loại vật tư hóa chất sát trùng, Men vi sinh (chế phẩm sinh học), B.Complex an toàn và đạt hiệu quả cao, bà con chăn nuôi cần lưu ý một số nôi dung như sau:

        1. Đối với việc sử dụng hóa chất sát trùng

       Việc sử dụng hóa chất sát trùng trong chăn nuôi đóng vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh: khử trùng giúp tiêu diệt vi khuẩn, virus, nấm gây bệnh, bảo vệ sức khỏe đàn vật nuôi; giúp giảm thiểu thiệt hại kinh tế do ngăn ngừa dịch bệnh giúp giảm chi phí điều trị, tăng năng suất chăn nuôi; đảm bảo chất lượng sản phẩm do không bị tác động của hóa chất điều trị bệnh.

       Các loại hóa chất sát trùng thường dùng để sát trùng chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi, máng ăn, máng uống; khử trùng không khí trong chuồng trại; dùng để khử trùng nguồn nước uống cho vật nuôi.

        Tuy nhiên, để đạt hiệu quả cao và đảm bảo an toàn, bà con cần tuân thủ các nguyên tắc sau:

        1. Chọn đúng loại hóa chất sát trùng: có tính đặc hiệu, vì mỗi loại hóa chất có tác dụng diệt trừ một nhóm vi sinh vật nhất định (vi khuẩn, nấm, virus); chọn loại hóa chất phù hợp với loại mầm bệnh cần tiêu diệt và có tính an toàn, không gây ăn mòn các thiết bị, dụng cụ chăn nuôi.

         2. Đọc kỹ thông tin bao bì sản phẩm và hướng dẫn sử dụng

         - Cần đọc kỹ liều lượng và hướng dẫn sử dụng ghi trên bao bì sản phẩm của nhà sản xuất.

         Trước khi sử dụng bất kỳ chất khử trùng, cần đọc kỹ và hiểu rõ các thông tin trên nhãn, bao bì sản phẩm: tên hóa chất, thành phần, tỷ lệ pha, liều lượng, cách dùng, mức độ độc.

            3. Pha chế đúng nồng độ và đúng cách pha

          Cần phải pha chế đúng nồng độ. Sử dụng các dụng cụ đo lường chính xác như cân, cốc đong để đảm bảo tỷ lệ pha chế.

           Lưu ý khi pha thuốc khử trùng: cho khoảng 1/3 lượng nước cần dùng vào bình, sau đó cho từ từ lượng hóa chất cần dùng vào bình, chú ý tránh làm rơi rớt lên nắp, thành bình à Dùng que khuấy đều, cuối cùng đổ tiếp lượng nước còn lại vào bình à Dùng que khuấy đều.

             4. Thời điểm sử dụng

         - Trước khi đưa vật nuôi vào chuồng mới sát trùng chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi trước khi đưa đàn vật nuôi mới vào.

            - Sau khi có dịch bệnh sát trùng toàn bộ khu vực bị nhiễm bệnh.

           - Định kỳ sát trùng chuồng trại định kỳ để phòng ngừa dịch bệnh.

             - Không bơm khử trùng thời điểm 11h – 14h trong ngày, khi nhiệt độ thời tiết tăng cao.

              5. Cách thức sử dụng

             - Làm sạch, khô bề mặt trước khi phun sát trùng

             - Phun: phun đều lên bề mặt các vật dụng, tường, sàn nhà.

             - Tắm: tắm cho vật nuôi khi cần thiết.

             - Ngâm: ngâm các dụng cụ chăn nuôi vào dung dịch sát trùng.

            - Nguyên tắc bơm khử trùng: phun xuôi chiều gió; phun từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài; phun theo hình chữ Z, lượt sau phun đè lên một phần của lượt trước để thuốc thấm đều lên toàn bộ bề mặt cần khử trùng

            6. Bảo hộ lao động và vệ sinh cá nhân

          - Mọi hóa chất đều nguy hiểm. Trong quá trình bơm khử trùng, bà con luôn phải trang bị bảo hộ cá nhân đầy đủ; giặt quần áo, rửa tay, rửa mặt sau khi sử dụng hóa chất. Bà con cần Mặc quần áo bảo hộ (quần dài, áo sơ mi dài tay), đi ủng, đeo mặt nạ phòng độc hoặc khẩu trang phòng hóa chất, đeo kính bảo hộ, đội mũ, đi găng tay (loại dài) để tránh tiếp xúc trực tiếp với hóa chất. Sau khi sử dụng, cần vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng và nước sạch…

            7. Một số Lưu ý

         - Mục đích khử trùng: nhằm tiêu diệt những mầm bệnh còn sót lại sau khi vệ sinh. Do vậy, khi khử trung cần phải loại bỏ hoàn toàn chất bẩn trong quá trình làm vệ sinh rồi mới khử trùng vì chất khử trùng chỉ có tác dụng trên các bề mặt sạch; nhiều chất khử trùng bị mất tác dụng bởi các chất hữu cơ.

              - Sử dụng đúng nồng độ, liều lượng, đảm bảo thời gian tiếp xúc ít nhất 10 phút với bề mặt sạch.

              - Chỉ sử dụng các chất khử trùng được khuyến cáo.

              - Không lạm dụng sử dụng quá nhiều hóa chất có thể gây hại cho môi trường và sức khỏe vật nuôi.

             - Kết hợp với các biện pháp khác: sát trùng chỉ là một trong những biện pháp phòng bệnh, cần kết hợp với các biện pháp khác như vệ sinh chuồng trại, tiêm phòng, bổ sung dinh dưỡng.

              - Bảo quản: bảo quản hóa chất nơi khô ráo, thoáng mát, tránh xa tầm tay trẻ em và vật nuôi.

              - Một số loại hóa chất sát trùng thường dùng trong chăn nuôi:

             + Iốt: có tác dụng diệt khuẩn, nấm, virus rộng.

            + Chloramine: dùng để khử trùng nước uống, dụng cụ chăn nuôi.

           + Formaldehyde: Sử dụng để khử trùng không khí, bề mặt.

           + Hydrogen peroxide: có tính oxy hóa mạnh, diệt được nhiều loại vi sinh vật. 

             Hóa chất sát trùng, Men vi sinh (Chế phẩm sinh học), B – Complex do quỹ Thiện Tâm

hỗ trợ bà con chăn nuôi tại Hải Phòng.

 

Cán bộ Khuyến nông Hải Phòng phát vật tư hỗ trợ từ Quỹ Thiện Tâm đến hộ chăn nuôi trên địa bàn thành phố

          2. Một số lưu ý đối với việc sử dụng Men vi sinh (chế phẩm sinh học)

           2.1. Lợi ích của việc sử dụng Men vi sinh (Chế phẩm sinh học)

         Bản chất của những chế phẩm sinh học dùng trong chăn nuôi là những vi sinh vật có lợi hay còn gọi là probiotic. Nó bao gồm các enzyme tiêu hóa giúp cải thiện tình trạng sức khỏe, tăng cường khả năng chuyển hóa thức ăn cho vật nuôi và đặc biệt giúp giảm thiểu được tình trạng ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, cụ thể:

         - Cải thiện hệ tiêu hóa:

         + Tăng cường khả năng tiêu hóa: men vi sinh giúp phân hủy thức ăn phức tạp thành các chất dinh dưỡng đơn giản, dễ hấp thụ, từ đó tăng cường khả năng tiêu hóa của vật nuôi.

         + Cân bằng hệ vi sinh vật đường ruột: men vi sinh có lợi cạnh tranh với các vi khuẩn gây bệnh, giúp duy trì cân bằng hệ vi sinh vật đường ruột, giảm nguy cơ mắc các bệnh tiêu hóa.

          - Tăng cường sức đề kháng: men vi sinh giúp kích thích hệ miễn dịch của vật nuôi, tăng cường khả năng chống lại bệnh tật.

         - Hạn chế sử dụng kháng sinh: nhờ tăng cường sức đề kháng, việc sử dụng kháng sinh có thể giảm thiểu, giúp ngăn ngừa tình trạng kháng kháng sinh.

           - Nâng cao chất lượng sản phẩm:

           + Tăng trọng nhanh: nhờ khả năng tiêu hóa tốt, vật nuôi sẽ tăng trọng nhanh hơn.

          + Cải thiện chất lượng thịt, trứng, sữa: sản phẩm từ vật nuôi được bổ sung men vi sinh thường có chất lượng cao hơn, giàu dinh dưỡng hơn.

           - Giảm thiểu ô nhiễm môi trường: men vi sinh giúp phân hủy chất thải, giảm mùi hôi khó chịu. Phân của vật nuôi sau khi sử dụng men vi sinh có thể dùng làm phân bón hữu cơ, góp phần cải thiện đất.

              Các loại men vi sinh thường dùng trong chăn nuôi:

            + Lactobacillus: giúp ổn định hệ vi sinh đường ruột, tăng cường miễn dịch.

             + Bacillus: có khả năng phân giải chất xơ, tăng cường khả năng hấp thụ dinh dưỡng.

             + Saccharomyces: cải thiện khả năng lên men, tăng cường năng lượng cho vật nuôi.

             2.2 Một số lưu ý khi sử dụng

          - Hiệu quả của men vi sinh phụ thuộc vào nhiều yếu tố như loại men, liều lượng, thời điểm sử dụng, tình trạng sức khỏe của vật nuôi...

          - Kiểm tra hạn sử dụng, bảo quản đúng cách theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

           - Thức ăn chăn nuôi: đảm bảo thức ăn khô ráo, không bị ẩm mốc..

           - Sử dụng đúng liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất có ghi trên bao bì sản phẩm. Tính toán, xác định liều lượng chế phẩm sinh học phù hợp với từng loại vật nuôi và giai đoạn sinh trưởng.

          - Trộn chế phẩm sinh học với thức ăn chăn nuôi đúng cách: trộn sơ bộ, trộn đều một lượng chế phẩm sinh học cần dùng với một lượng nhỏ thức ăn trước để chế phẩm sinh học phân tán đều trong thức ăn. Sau đó lấy lượng thức ăn đã trộn chế phẩm sinh học ở trên trộn với lượng thức ăn cần dùng cho vật nuôi ăn. Đảm bảo trộn kỹ để chế phẩm được phân bố đều trong toàn bộ thức ăn.

        - Thức ăn đã trộn nên sử dụng trong thời gian ngắn để đảm bảo hiệu quả của chế phẩm. Luôn đọc kỹ hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất để biết chính xác thời gian sử dụng tối ưu cho từng loại chế phẩm. Nên sử dụng thức ăn đã trộn chế phẩm sinh học trong thời gian ngắn nhất để đảm bảo chất lượng dinh dưỡng và hiệu quả của chế phẩm, có thể sử dụng trong ngày.

          - Bảo quản đúng cách: để đảm bảo hiệu quả của chế phẩm, nên bảo quản thức ăn đã trộn ở nơi khô ráo, thoáng mát, tránh ánh nắng trực tiếp.

             Một số lưu ý quan trọng:

           + Thời điểm trộn: trộn chế phẩm sinh học vào thức ăn trước khi cho vật nuôi ăn khoảng 30 phút - 1 giờ.

          + Kiểm tra chất lượng: quan sát màu sắc, mùi vị của thức ăn sau khi trộn. Nếu có bất kỳ dấu hiệu lạ, không nên cho vật nuôi ăn.

           + Vệ sinh: rửa sạch dụng cụ sau khi sử dụng để tránh lây nhiễm bệnh cho vật nuôi.

 

Chế phẩm sinh học do Quỹ Thiện Tâm hỗ trợ người chăn nuôi tại Hải Phòng

           Liều lượng và cách sử dụng chế phẩm Lacvet siêu tan – chịu kháng sinh:

           Pha nước uống hoặc trộn thức ăn, sử dụng liên tục trong suốt thời gian nuôi gia súc, gia cầm

  • Pha nước uống 1g/1 lít nước uống hoặc trộn vào 2kg thức ăn.
  • Lợn con: 1 g/10kg thể trọng/ngày.
  • Lợn nái, lợn thịt: 1 g/20kg thể trọng/ngày

             - Gà, vịt, ngan, cút: 1g/10 kg thể trọng/ngày.

             3. Một số lưu ý đối với việc sử dụng B. Complex

            3.1. Lợi ích của việc dùng B. Compex trong chăn nuôi

          B. Complex đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe và nâng cao năng suất của vật nuôi. Các vitamin nhóm B có nhiều chức năng thiết yếu trong cơ thể, bao gồm:

         - Tăng cường trao đổi chất: các vitamin B giúp chuyển hóa thức ăn thành năng lượng, hỗ trợ quá trình tổng hợp protein, chất béo và carbohydrate.

        - Cải thiện tiêu hóa: B. Complex giúp tăng cường chức năng gan, thận, cải thiện khả năng hấp thu chất dinh dưỡng, từ đó giúp vật nuôi ăn ngon miệng và tiêu hóa tốt hơn.

         - Tăng cường sức đề kháng: B. Complex giúp tăng cường hệ thống miễn dịch, giúp vật nuôi chống lại bệnh tật, đặc biệt là trong điều kiện nuôi nhốt, thay đổi môi trường hoặc sau khi ốm.

          - Kích thích tăng trưởng: B. complex giúp vật nuôi tăng trưởng nhanh, lông mượt, da hồng hào.

          - Cải thiện chất lượng sản phẩm: ở gia cầm, B. Complex giúp tăng sản lượng trứng, cải thiện chất lượng trứng. Ở gia súc, B. Complex giúp tăng trọng, cải thiện chất lượng thịt.

         - Giảm stress: B.Complex giúp giảm stress ở vật nuôi, đặc biệt là trong những điều kiện nuôi nhốt chật chội, thay đổi môi trường, vận chuyển.

           Tóm lại, việc sử dụng B. Complex trong chăn nuôi mang lại nhiều lợi ích, giúp vật nuôi khỏe mạnh, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm.

           3.2. Một số lưu ý khi sử dụng Bcomplex.

          - Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng, B. Complex phải còn hạn sử dụng, không bị vón cục, không bị biến đổi màu sắc.

            - Đúng liều lượng: tuân thủ đúng liều lượng khuyến cáo trên bao bì hoặc theo hướng dẫn của bác sĩ thú y.

          - Thời gian sử dụng: tùy thuộc vào mục đích sử dụng và tình trạng của vật nuôi. Có thể sử dụng 5 – 10 ngày liên tục, tùy theo sức khỏe của đàn vật nuôi

            - Kết hợp với chế độ ăn: Bổ sung B.complex cần kết hợp với chế độ ăn cân đối, đầy đủ chất dinh dưỡng.

          - Cách dùng: có thể pha vào nước uống hoặc trộn vào thức ăn. Tuy nhiên, cần lưu ý đến tính ổn định của vitamin B khi tiếp xúc với ánh sáng, nhiệt độ và độ pH.

              Cách trộn: tham khảo cách trộn ở phần lưu ý sử dụng chế phẩm sinh học.

              - Bảo quản: bảo quản sản phẩm ở nơi khô ráo, thoáng mát, tránh ánh sáng trực tiếp.

            - B.complex chỉ là vitamin bổ sung, không có tác dụng chữa bệnh. Nếu vật nuôi có dấu hiệu bệnh lý, cần báo ngay cho cán bộ thú y để có biện pháp xử lý kịp thời.

               * Nên sử dụng B.complex trong các trường hợp sau:

            - Thiếu hụt vitamin B: Khi vật nuôi có các dấu hiệu như: mệt mỏi, chán ăn; Giảm cân, lông xù; rối loạn tiêu hóa; tật nuôi có nguy cơ bị nhiễm bệnh

            - Giai đoạn sinh trưởng; giai đoạn con non: bổ sung B.complex giúp tăng cường sức đề kháng, kích thích tiêu hóa, giúp vật nuôi lớn nhanh.

              - Giai đoạn mang thai và nuôi con: giúp mẹ con khỏe mạnh, tăng tiết sữa.

             - Sau khi ốm: bổ sung B.complex giúp phục hồi sức khỏe, tăng cường sức đề kháng, giúp vật nuôi nhanh chóng hồi phục.

           - Vật nuôi bị Stress: khi vật nuôi bị stress do thay đổi môi trường, vận chuyển, bệnh tật... Bổ sung B.complex giúp giảm stress, tăng cường sức đề kháng.

          - Tăng năng suất:

           + Ở gia cầm, B. Complex giúp tăng trọng, tăng tỷ lệ đẻ, cải thiện chất lượng trứng.

            + Ở gia súc, B. Complex giúp tăng trọng, cải thiện chất lượng thịt.

 

B - Complex do Quỹ Thiện Tâm hỗ trợ người chăn nuôi tại Hải Phòng

         Liều lượng và cách sử dụng Bio– B. complex do Quỹ Thiện Tâm hỗ trợ người chăn nuôi tại Hải Phòng:

         Hòa vào nước uống

         Gà, vịt non: 2g/ lít nước sạch hoặc 1 g/ 10 kg thể trọng/lần/ngày

          Gà, vịt trưởng thành: 1 g/ 1 lít nước sạch hoặc 1 g/ 4-5 kg thể trọng/lần/ngày

         Trên đây là một số lưu ý sử dụng hóa chất sát trùng, men vi sinh (chế phẩm sinh học), B. Complex, giúp vật nuôi tăng cường sức đề kháng, sinh trưởng phát triển tốt, tăng năng suất, tăng chất lượng sản phẩm, giảm ô nhiễm môi trường, góp phần khôi phục lại sản xuất an toàn và hiệu quả sau bão./.

BSTY. Bùi Thị Nguyên – Phòng Chuyển giao KTNN

 

Đối tác/Liên kết
Trang chủ
Thống kê truy cập
  • Hôm nay: 6561
  • Hôm qua: 9952
  • Tuần này: 57952
  • Tuần trước: 63217
  • Tháng này: 411180
  • Tháng trước: 496745
  • Lượt truy cập: 4119721
QR Code

Dùng điện thoại scan mã QR này để truy cập vào website

QR Code
0225.3541.398 
messenger icon