Mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ đem lại nhiều lợi ích cho người nông dân thôn Nguyệt Áng xã Thái Sơn

14:09:17 16/11/2022 Lượt xem 1173 Cỡ chữ

Model.C_Title
Mục lục

     Vụ Mùa năm 2022 xã Thái Sơn triển khai mô hình cấy lúa BC15 sử dụng phân bón hữu cơ có quy mô 11 ha, với 50 hộ tham gia  tại thôn Nguyệt Áng, xã Tháí  Sơn.

Mô hình cấy lúa sử dụng phân bón hữu cơ tại xã Thái Sơn

      Cùng với ban chỉ đạo sản xuất xã chỉ đạo mô hình có đồng chí Phạm Thị Bình là cán bộ Khuyến nông phụ trách xã chịu trách nhiệm chính về chỉ đạo kỹ thuật của mô hình cho biết trong quá trình cấy lúa đã hướng dẫn các hộ dân từ khâu xử lý rơm rạ, làm đất, cách ủ phân hữu cơ (chủ yếu là phân gà) kết hợp với phân hữu cơ Thiên Quyến dùng để bón từ khâu bón lót  và trong suốt quá trình sinh trưởng phát triển của cây lúa. Không sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật hóa học, chỉ sử dụng thuốc có nguồn gốc sinh học khi có sâu bệnh xảy ra. Chế độ nước cấp khoa học, phù hợp nhu cầu phát triển của cây lúa. Phân bón được bón vào 4 thời kỳ sinh trưởng phát triển chính của cây lúa. “Nếu tính cho 1 ha thì lượng phân cho các lần bón như sau: Bón lót nghĩa là bón trước khi lồng ruộng lần cuối với lượng (phân gà hoai mục: 6 tấn, phân hữu cơ vi sinh: 500kg, phân khoáng: 300kg); Bón thúc lần 1: bón lúc lúa 7 ngày sau khi cấy với lượng (phân khoáng Thiên Quyến: 500kg); Bón thúc lần 2: bón lúc lúa 20-25 ngày sau khi cấy với lượng (phân khoáng : 400kg); Bón thúc lần 3: bón lúc lúa 50 ngày sau khi cấy kết hợp phun phân bón lá với lượng (phân khoáng Thiên Quyến: 300kg, phân bón lá 40 gói)”, Đồng chí Phạm Thị Bình cho hay:

Phân hữu cơ sử dụng cho mô hình tại xã Thái Sơn

     Ông Nguyễn Văn Hùng - hộ nông dân tham gia mô hình sản suất lúa theo hướng hữu cơ với diện tích 4 sào. Gặp chúng tôi ông Hùng tươi cười cho biết điểm khác biệt của mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ so với các mô hình đại trà là mô hình sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh và sử dụng phân chuồng được ủ  hoai mục. Việc bón phân đầy đủ theo quy trình nên cây lúa phát triển tốt, độ đồng đều cao. “So với lúa BC15 bà con canh tác theo lối thông thường thì cây lúa mô hình khỏe mạnh, bộ lá màu xanh bền, màu xanh vừa phải từ đầu vụ đến cuối vụ, cây lúa sạch sâu bệnh từ gốc đến ngọn, màu sắc hạt lúa vàng sáng hơn. Trong đợt mưa dông cuối vụ kèm theo gió giật mạnh, các ruộng canh tác thông thường đều bị đỗ ngã, riêng ruộng mô hình cây có bộ rễ bám chắc, cứng cây nên không bị đỗ ngã rất thuận lợi cho việc thu hoạch”, ông Hùng nói.

       Bà Phạm Thị Tâm một hộ dân khác tham gia mô hình cho biết khi canh tác lúa theo hướng hữu cơ sẽ hạn chế rất nhiều tình trạng vỏ chai thuốc Bảo vệ thực vật vứt bỏ tràn lan trên đồng ruộng, mà thay vào đó là ý thức chấp hành quy trình chăm sóc lúa bằng phân hữu cơ của người nông dân đã được nâng lên. “Trong quá trình thực hiện mô hình, từ gieo trồng, chăm sóc đến thu hoạch, tôi và bà con luôn cảm thấy an tâm, không lo sợ độc hại khi đi chăm sóc lúa”, bà Tâm nói.
       Trong quá trình sản xuất lúa nếu sử dụng phân vô cơ nhiều năm, không bổ sung phân bón hữu cơ cũng như lạm dụng phân vô cơ sẽ đem lại tác hại như làm gia tăng sự mẫn cảm của cây trồng với các loại bệnh, diệt các tập đoàn vi sinh vật có lợi, làm cho nhiều diện tích đất trồng trọt bị suy giảm độ phì nhiêu, mất cân đối dinh dưỡng trong đất, đất chai cứng, năng suất cây trồng giảm và tăng các chi phí sản xuất, ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe của con người... thì việc áp dụng quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ sẽ làm tăng độ phì nhiêu của đất, tăng chất khoáng và vi sinh vật hữu hiệu cho đất, có tác dụng cải tạo đất rất tốt, nhất là đối với các loại đất đã và đang bị suy thoái. Về lâu dài sẽ giúp khả năng chống chịu sâu bệnh của cây lúa tốt hơn; trong thời kỳ lúa trỗ, ruộng sẽ ít nhiễm rầy, khô vằn, cho bông dài, lúa sạch sâu bệnh, gạo trong, cơm mềm dẻo và có mùi thơm đặc trưng.

Ban chỉ đạo sản xuất xã Thái Sơn cùng với cán bộ Khuyến nông kiểm tra

tình hình sinh trưởng của mô hình lúa hữu cơ

     Mô hình triển khai đã mang lợi ích nhiều mặt, ngoài hiệu quả kinh tế mang lại mô hình còn có tác động lớn về mặt môi trường - xã hội, và nâng cao, thay đổi nhận thức của cộng đồng.

     Về mặt kinh tế: Năng suất ước tính 57 tạ/ha đối với giống BC95, với giá bán 9.000đ/kg cho lợi nhuận 25 – 27 triệu đồng/ha, cao hơn so với đại trà 10-15%.

     Về mặt môi trường, sinh thái: Sử dụng phân hữu cơ vi sinh và khoáng kết hợp với phân chuồng,  tạo môi trường thuận lợi cho vi sinh vật có lợi, đất đai được cải tạo tốt hơn, cây lúa phát triển cân đối, môi trường an toàn, hệ sinh thái đồng ruộng đảm bảo, có cá, ốc, cua đồng, … cùng sinh sống trên ruộng lúa. Sử dụng phân ủ hữu cơ tận dụng được nguồn phân chuồng, phân xanh hạn chế được rác thải hữu cơ, nạn ô nhiễm môi trường do chất thải chăn nuôi.

     Về mặt xã hội: Không sử dụng thuốc Bảo vệ thực vật, phân hóa học nên sức khỏe người sản xuất được đảm bảo, tạo ra được sản phẩm sạch, chất lượng cho người tiêu dùng.

       Về mặt nhận thức: Phát triển nông nghiệp theo phương pháp canh tác hữu cơ không chỉ góp phần tạo ra những sản phẩm hữu cơ có lợi cho sức khỏe con người mà còn nâng cao nhận thức, thay đổi phương thức canh tác trong việc sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, bền vững đảm bảo sản phẩm an toàn, môi trường đất nước không bị ô nhiễm, góp phần bảo vệ môi trường, hệ sinh thái đồng ruộng.

      Phó chủ tịch UBND xã Thái Sơn, huyện An Lão - ông Hoàng Văn Mỵ cho biết các hộ dân tại địa phương cũng đã cảm nhận được nguy cơ của việc lạm dụng phân vô cơ, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học, ảnh hưởng tới chất lượng nông sản, môi trường và sức khỏe cộng đồng, nên việc triển khai mô hình được các hộ đồng tình hưởng ứng cao. Mô hình lúa theo hướng hữu cơ triển khai tại địa phương đã phần nào đáp ứng được nhu cầu của người nông dân, trước tiên là cung cấp lương thực sạch, an toàn cho gia đình, sau đó sẽ mở rộng cung cấp ra thị trường sản phẩm lúa an toàn vệ sinh thực phẩm.

Ks. Đào Đăng Hào - Trạm Khuyến nông An Lão

Đối tác/Liên kết
Trang chủ
Thống kê truy cập
  • Hôm nay: 6811
  • Hôm qua: 4613
  • Tuần này: 29296
  • Tuần trước: 27766
  • Tháng này: 238372
  • Tháng trước: 306531
  • Lượt truy cập: 2806433
0225.3541.398 
messenger icon