Hướng dẫn chăm sóc, phòng bệnh đàn vật nuôi trong thời tiết mưa bão

22:28:04 21/07/2023 Lượt xem 444 Cỡ chữ

Model.C_Title
Mục lục

        Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, từ tháng 7 năm 2023, bão và áp thấp nhiệt đới có khả năng bắt đầu hoạt động ở vùng biển phía Bắc Biển Đông và gia tăng tần suất trong những tháng tiếp theo. Khu vực Bắc bộ với tổng lượng mưa từ tháng 7 năm 2023 trở đi có thể có nhiều đợt mưa giông với lượng mưa cao hơn 10-15% so với trung bình nhiều năm, có 5 - 6 cơn bão ảnh hưởng tới Việt Nam.

         Để chủ động nâng cao sức khoẻ, ngăn chặn dịch bệnh cho đàn gia súc gia cầm trong mùa mưa bão, lũ lụt. Phòng Chuyển giao Kỹ thuật nông nghiệp tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi một số biện pháp kỹ thuật như sau:

           1. Kiểm tra, nâng cấp cải tạo vệ sinh chuồng trại trong mùa mưa bão

          Thường xuyên kiểm tra, cải tạo, gia cố, che chắn chuồng trại, đảm bảo chắc chắn để tránh mưa to, gió, bão làm đổ, gây tốc mái chuồng, tránh mưa tạt, gió lùa, dột ướt. Nền chuồng thoát nước tốt, tránh dễ đọng nước.

             - Trong những ngày mưa, bão:

          + Những ngày có mưa to, gió lớn kèm cơn lốc cần bố trí hệ thống bạt che xung quanh có thể kéo lên, kéo xuống nhanh chóng. Với hệ thống chuồng nuôi kín cẩn chú ý hệ thống quạt thông gió, hệ thống xử lý chất thải như phân, chất độn chuồng, không được để chất thải lưu cữu lâu ngày, nên chuồng bị ấm ướt.

         + Nếu chuồng nuôi bị ngập lụt: sơ tán vật nuôi đến những khu vực khác gần chuồng nuôi cao hơn, đồng thời cần chuẩn bị cả các loại vận dụng cần thiết để vận chuyển vật nuôi an toàn, dựng nhanh, che chắn tạm chuồng trại, tránh để vật nuôi bị ngập nước.

        + Cần khơi thông cống rãnh để thoát nước tốt, rút nước nhanh; thường xuyên kiểm tra các dòng chảy, tránh để dòng chảy bị tắc bởi các vật cản đất, đá, xác chết côn trùng, động, thực vật, rác thải,…thậm chí có thể đào để mở rộng thêm dòng chảy.

          - Khắc phục sau mưa bão, lũ lụt:

         + Kiểm tra lại toàn bộ hệ thống chuồng trại, trang thiết bị chăn nuôi thú y bị hỏng hóc, đặc biệt là kiểm tra tình trạng ngói vỡ hoặc bị tốc mái chuồng để chủ động sửa chữa, thay thế, đảm bảo an toàn sử dụng cho người chăn nuôi và vật nuôi.

         + Kéo hệ thống bạt lên để tạo sự khô ráo và thông thoáng cho chuồng nuôi.

         + Vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, không để chuồng nuôi bị đọng nước.

          + Phun khử trùng tiêu độc toàn bộ khu vực chăn nuôi.

        + Với những chuồng nuôi sử dụng đệm lót sinh học cần phải kiểm tra đệm thường xuyên, nếu thấy đệm ướt do bị nước mưa thì cần tiến hành hót bớt phần bị ướt và tiến hành bảo dưỡng lại phần đệm bị ướt.

             2. Tăng cường chăm sóc, nuôi dưỡng cho đàn vật nuôi

          Đây là một trong những biện pháp rất quan trọng để đàn vật nuôi nâng cao sức đề kháng chống lại các tác động bất lợi, hạn chế phát sinh dịch bệnh, cụ thể như sau:

          - Thực hiện tốt kỹ thuật chăm sóc nuôi dưỡng, phù hợp với giống, lứa tuổi, tính biệt và mục đích sản xuất của từng loại gia súc, gia cầm;

         - Bổ sung B.complex Kc, khoáng chất, men tiêu hóa cho vật nuôi hàng ngày để vật nuôi tăng cường sức đê kháng và chông lại mầm bệnh;

          - Cung cấp thức ăn, nước uống đảm bảo lượng và chất cho vật nuôi; không để con vật uống nước bẩn, nước ngập úng tại khu vực chuồng nuôi.

         - Bảo quản thức ăn: thời tiết ẩm thấp, mưa dột làm thức ăn tinh hay bị nấm mốc, phải kiểm tra thường xuyên khu để thức ăn tinh. Cần kê thức ăn lên giá, kệ. Khi cho gia súc gia cầm ăn, cần chú ý kiểm tra kỹ, khi phát hiện thức ăn nấm mốc, mùi vị không bình thường cần loại bỏ ngay, tuyệt đôi không cho vật nuôi ăn.

        - Dự trữ thức ăn: mưa lũ rất dễ xảy ra việc ngập úng, phương tiện đi lại gặp khó khăn, tắc đường, khó vận chuyển thức ăn đến chuồng nuôi cần đảm bảo nguồn thức ăn dự trữ cho từng tượng vật nuôi:

          + Đối với lợn và gia cầm: cần dự trữ thức ăn tinh đảm bảo đủ trong thời gian hàng tuần, hàng tháng.

          + Đối với trâu bò việc ngập úng làm các loại thức ăn thô xanh thường dập nát mức độ nhiễm khuẩn, sức đề kháng con vật yếu, dễ bị nhiễm bệnh. Cần phải dự trữ nguồn thức ăn thô xanh bằng phương pháp ủ chua, ủ rơm với u rê.

            3. Vệ sinh phòng bệnh

          Cần phải tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin bắt buộc và định kỳ cho vật nuôi theo sự hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật và theo cơ quan thú y.

          Bão lũ, mưa kéo dài sẽ gây ngập nước, úng lụt, nhất là ở những khu vực thấp lượng nước úng ngập lâu ngày, thực vật thối rữa; có thể có cả gia súc, gia cầm, côn trùng chết làm môi trường ô nhiễm nặng. Vì vậy sau mỗi đợt mưa, bão, lũ lụt, ngập úng, cần khẩn trương tiêu thoát nước, phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh, thu gom xử lý chất thải, quét dọn, vệ sinh sạch sẽ trong và ngoài chuồng nuôi, xử lý xác chết của vật nuôi theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật, cán bộ thú y. Sau đó khử trùng, tiêu độc chuồng trại, khu vực chăn nuôi 2 ngày/lần bằng thuốc sát trùng (Vikol, Benkocid, Haniodine… );

      Tuyên truyền, khuyến cáo sử dụng chế phẩm sinh học EMINA, EMUNIV... cho vào nước uống, ủ thức ăn, phun chuồng trại nhằm tăng cuờng hệ VSV hữu ích trong đường ruột vật nuôi, kích thích tiêu hóa.

       Vệ sinh chuồng trại sạch sẽ và định kỳ khử trùng tiêu độc còn hạn chế được bệnh viêm vú, các bệnh về sinh sản của gia súc sinh sản.

      Làm tốt khâu vệ sinh máng ăn, máng uống, các dụng cụ chăn nuôi; Có thể sử dụng Chloramin-B, T để khử trùng nước đối với những nơi nguồn nước bị ô nhiễm, đảm bảo cung cấp đủ nước sạch cho vật nuôi.

       Định kỳ thăm khám cho con vật, khi phát hiện con vật không bình thường (bỏ ăn, sốt, ho, thở nhanh, tiếng thở khò khè, con vật đi đứmg không bình thường, thích nằm...) cần tách nuôi nhốt riêng để theo dõi, kiểm tra, giữ ẩm cho con vật; nếu không thây tiến triển tốt cần báo ngay cho cán bộ thú y để có biện pháp phòng trị bệnh tích cực.

BSTY. Nguyễn Ngô Hải Yến. Phòng Chuyển giao Kỹ thuật nông nghiệp

 

 

Đối tác/Liên kết
Trang chủ
Thống kê truy cập
  • Hôm nay: 777
  • Hôm qua: 3425
  • Tuần này: 4202
  • Tuần trước: 29866
  • Tháng này: 277328
  • Tháng trước: 306531
  • Lượt truy cập: 2845389
0225.3541.398 
messenger icon