Trồng thanh long giàn "ngập tràn" tác dụng và hiệu quả so với cách trồng trụ truyền thống trước đây.
Thanh long leo giàn đang mở ra một hướng đi mới cho người trồng thanh long tại xã Bát Trang, huyện An Lão. Trước hết việc cơ giới hóa thuận lợi, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật sản xuất theo hướng công nghệ cao, đáp ứng nhu cầu khó tính của thị trường.
Tại xã Bát Trang hiện có 70 ha Thanh long, trong đó đã chuyển đổi được gần 1/3 diện tích Thanh long trồng giàn theo hướng sản xuất công nghệ cao, hơn 5 ha đã phát triển theo hướng VietGAP. Hiện nay, diện tích Thanh long giàn đã được 3 năm tuổi và bắt đầu cho thu hoạch. Theo cách làm trước đây, Thanh long được trồng theo từng trụ riêng lẻ, trụ cách trụ 3m, hàng cách hàng 3m. Mỗi một ha đất có thể trồng khoảng 1.000 trụ Thanh long. Tuy nhiên với cách trồng giàn, khoảng cách giữa các trụ bê tông được rút ngắn còn 1,5m, ở giữa các trụ có thêm một trụ phụ bằng sắt hoặc tre. Một đường dây cáp dài nối các đầu trụ với nhau, giúp cành thanh long leo thành giàn. Mỗi giàn cách nhau 3m, mỗi ha đất có thể trồng từ 2.000 - 2.500 trụ Thanh long.
Phương pháp trồng theo giàn tận dụng diện tích đất tối đa để sản xuất, thuận lợi trong chăm sóc, vệ sinh vườn, thu hoạch trái và tiết kiệm nước tưới. Thanh long giàn tạo điều kiện để cơ giới hóa trong sản xuất, hạn chế nhân công lao động.
Bà con có thể áp dụng chăm sóc hiện đại như làm cỏ, bỏ phân bằng máy, có thể chăm sóc theo hàng dễ dàng, lắp béc tưới phun tự động cũng dễ. Khi chăm sóc hay thu hoạch chỉ cần đi thẳng giữa các hàng, không cần đi quanh gốc. Nhiều nông hộ còn trồng cây trồng ngắn ngày xen giữa các luống Thanh long thời kì kiến thiết để tận dụng đất. Ánh sáng đủ, chăm sóc dễ, thanh long trồng trên giàn sắt cho năng suất cao hơn, ít sâu bệnh, màu trái sáng đẹp hơn.
Hiệu quả nổi bật nhất là Thanh long giàn có mật trồng tăng và cho số lượng cành và trái nhiều gấp 2- 3 lần so cách trồng trên trụ bê tông cũ. Bởi lẽ lượng hom giống ban đầu gấp đôi so với bình thường, ánh sáng được phân bố đều nên cành ra nhiều hơn, từ đó trái ra nhiều hơn năng suất cũng cao hơn.
Mặc dù chi phí cho việc làm giàn Thanh long trên giàn sắt theo tính toán là cao hơn so với làm trụ bê tông, tuy nhiên hiệu quả mang lại rất cao, năng suất có thể tăng gấp 3 lần so với cách trồng cũ nếu được chăm sóc tốt. Việc bà con nông dân ở xã Bát Trang dần tiếp cận những kỹ thuật mới trong việc trồng Thanh long sẽ giúp tăng năng suất, chất lượng cho loại cây trồng đang dần trở thành cây chủ lực của địa phương. Hiện nay, đã có 5ha diện tích Thanh long của xã đã có chứng nhận VietGAP do Trung tâm Khuyến nông hỗ trợ với giá khá ổn định, từ 20.000 - 30.000 đồng/kg. Áp dụng trồng Thanh long giàn cho năng suất 50-60 tấn/ha, cao gấp 2-3 lần so với cách trồng cũ. Vì vậy, ứng dụng những kỹ thuật mới trong canh tác không những giúp bà con ổn định sản xuất mà còn giúp bà con giảm thiểu được chi phí chăm sóc, giảm rủi ro và hao hụt, nâng cao chất lượng nông sản, từ đó khẳng định được giá trị của trái Thanh long tại vùng đất Bát Trang này.
Ks. Đỗ Thị Nhung- Trạm Khuyến nông An Lão