Để lợn con có sức khỏe tốt, nâng cao sức đề kháng, tăng khả năng hấp thu sữa mẹ và hạn chế bệnh tật (đặc biệt là bệnh tiêu chảy và viêm phổi), cũng như làm giảm thất thoát đầu con thì việc úm cho lợn con trong giai đoạn đầu là vô cùng quan trọng. Để nuôi dưỡng lợn con thành công trong giai đoạn này, việc quan trọng là sử dụng các loại chuồng úm và các phụ kiện đi kèm sao cho hiệu quả và kinh tế nhất là việc làm rất quan trọng được các nhà chăn nuôi quan tâm đặt lên hàng đầu.
Theo đặc điểm sinh lý của lợn con thì trong vòng 3 tuần đầu sau sinh, hệ thần kinh và hệ tiêu hóa của lợn con chưa hoàn thiện về chức năng nên việc thích nghi với sự thay đổi nhiệt độ môi trường kém, dễ bị bệnh và chết. Vì vậy, chăm sóc cũng như nuôi dưỡng lợn con giai đoạn theo mẹ cần chú ý tới điều kiện môi trường, đặc biệt là tiểu khí hậu chuồng nuôi “riêng biệt”, đảm bảo nhiệt độ của lợn con ổn định trong khoảng từ 30 - 33oC.
Để đảm bảo được nhiệt độ thích hợp trong các ô chuồng úm thì cần bố trí quây úm sao cho dễ thao tác, dễ di chuyển và phù hợp với số lợn trong chuồng. Hơn nữa, để khắc phục hiện tượng gió lọt khe nền chuồng úm làm giảm nhiệt độ và tăng chi phí tiền điện cho việc sưởi ấm cho lợn thì việc sử dụng các tấm đệm lót được dùng rất nhiều trong khi úm. Hiện nay, các loại chuồng úm rất sẵn có trên thị trường, hoặc có thể tự gia công. Các loại đệm lót bằng dạ, nỉ hay điện cũng có nhiều. Tuy nhiên, với các loại đệm lót trên thì giá cả khá cao cùng với giá thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y liên tục tăng cao trong năm qua làm tăng mạnh chi phí đầu vào trong khi giá bán lợn thịt xuất chuồng trên thị trường hiện nay không cao nên nhiều người chăn nuôi phải cố gắng làm giảm chi phí đầu vào bằng mọi cách, tránh thua lỗ.
Một trong những cách đó là sử dụng các tấm cao su phế thải từ các băng chuyền hoặc từ cao su tấm loại để làm đệm lót cho lợn con đã đem lại hiệu quả khá cao, giúp ngăn ngừa gió lọt từ dưới sàn chuồng, giữ được nhiệt trong chuồng úm. Lợn con được sống trong môi trường nhiệt độ ổn định, thoải mái nên khỏe mạnh, hấp thu sữa mẹ tốt, nhất là sữa đầu tốt, lợn nhanh lớn. Đặc biệt, nhờ việc ổn định nhiệt độ chuồng úm, lợn con không bị stress về nhiệt độ đã giúp lợn con nhanh chóng hoàn thiện chức năng hệ thần kinh và hệ tiêu hóa nên nên lợn khỏe mạnh, gần như không mắc bệnh về tiêu hóa và hô hấp, giữ được đầu con, tăng trọng tốt. Việc sử dụng tấm lót bằng cao su loại thải trong chuồng úm cho lợn con đã khắc phục được nhược điểm của những loại lót khác (loại vải nỉ, dạ, quần áo thừa, rơm rạ… hiệu quả không cao, thời gian sử dụng được quá ngắn, không tái sử dụng được và mất vệ sinh) như: giá thành rẻ, dễ sử dụng, bền.
Hơn nữa, với đặc tính thích nô đùa và gặm cắn của lợn con thì việc sử dụng các loại vải, quần áo, kể cả các loại vải dạ, nỉ, bò hay các loại rơm rạ để làm đệm lót cho lợn con không giữ được bao lâu, lợn con sẽ cắn phá nát, khiến người chăn nuôi thường xuyên phải mất công dọn vệ sinh và thay mới. Nhưng với tấm lót bằng các loại cao su thì thỏa mãn được tính nô đùa của lợn con, khá bền, người chăn nuôi có thể sử dụng nhiều lần, nên hiệu quả kinh tế rõ rệt.
Mỗi tấm cao su phế loại thường được cắt theo kích thước 60x100 cm, đặt trong một ô úm cho 8-10 lợn con mới sinh. Giá bình quân cho một tấm cao su trên khoảng 15.000 đồng. Khi sử dụng, nếu bẩn, các tấm cao su này được đưa ra vệ sinh và khử trùng rồi tiếp tục tái sử dụng.
Việc sử dụng tấm lót chuồng úm cho lợn con bằng cao su phế thải tận dụng từ các bằng chuyền sản xuất như: băng chuyền sản xuất thức ăn chăn nuôi, băng chuyền thóc, gạo… được gia đình anh Nguyễn Văn Quận – chủ trang trại lợn tại thôn Thanh Trì, xã Kiến Thiết, huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng đã áp dụng thành công và cho hiệu quả cao. Anh Quận cho biết, từ khi áp dụng mô hình này, trang trại lợn của anh úm lợn con đạt hiệu quả 99 – 100%, lợn con hầu như không mắc bệnh, sức khỏe tốt. Từ ban đầu chỉ thử nghiệm với 3 ô úm, đến nay, sau 3 lứa lợn, anh đã sử dụng cho tất cả 15 chuồng úm của trang trại.
Ks. Vũ Chung Thùy – Trạm Khuyến nông Tiên Lãng